NSƯT Quý Tráng: Cái duyên quan họ chưa dứt

Chủ Nhật, 29/09/2019, 08:01
Là thế hệ liền anh đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang), nghệ sĩ Quý Tráng đã có một cuộc đời trọn vẹn, sắt son, nghĩa tình với quan họ. Không chỉ thành công trong lĩnh vực biểu diễn, ông còn miệt mài, tâm huyết chăm lo, đào tạo ra những thế hệ nghệ sĩ kế cận, góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ, bảo tồn dân ca quan họ.


Dòng nước mát quan họ

Về căn nhà đối diện UBND TP. Bắc Ninh để gặp NSƯT Quý Tráng thì biết tin mấy năm nay ông đã trở về quê nhà sinh sống. Theo chỉ dẫn qua điện thoại của ông, tôi men theo quốc lộ 18 đi qua những khu công nghiệp sầm uất tìm về thôn Guột (Quế Võ, Bắc Ninh) - nơi có ngôi chùa Diên Quang cổ kính - để gặp người nghệ sĩ từng vang bóng một thời.

Đón tôi ở đầu làng, Quý Tráng gây bất ngờ với tôi bởi khuôn mặt, đường nét, giọng nói vẫn không “già” đi theo năm tháng, dù ông đã bước vào tuổi 66. Khu đất hiện gia đình ông đang sống rộng hơn 1.000 mét vuông, đó là không gian vô cùng tĩnh lặng, thanh bình khác hẳn với cuộc sống ồn ã ngoài kia.

Ở đó, người nghệ sĩ có thể nghe được tiếng gà gáy mỗi sáng, nghe được tiếng nước chảy róc rách trên hòn non bộ và được ngắm nhìn những chú cá tung tăng bơi lội dưới ao, ngắm những chùm nho lủng lẳng ngoài sân rồi những luống rau xanh ngắt. Và đó cũng là địa điểm lý tưởng mà mỗi khi bạn bè nghệ sĩ gặp nhau tâm sự bên những chén rượu quê thơm ngon, với cây nhà lá vườn tươi sạch.

Dẫn tôi vào trong căn nhà gỗ, ông vội mở toang cánh cửa sổ bên bàn uống nước, một không gian đồng quê yên ả thu vào trong tầm mắt của tôi. Đó là cánh đồng lúa xanh rờn đang vào thời trổ bông cùng với tiếng gió thổi vi vu hòa trong tiếng chim hót líu lo.

Ông bảo, mặc dù đã xây ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi ở bên cạnh nhưng ông vẫn thích ở trong căn nhà gỗ, với những vật dụng từ bộ bàn ghế, ấm trà đến bộ sập đều hết sức giản dị, mộc mạc, thôn quê. Cả một đời lăn lộn, miệt mài với quan họ, dường như đây là không gian để ông được hoài niệm với những ký ức của một thời xưa cũ, bù đắp lại tâm hồn sau những năm tháng bôn ba khắp các phương trời.

Quế Võ không phải là miền đất đậm truyền thống văn nghệ như một số huyện khác của tỉnh Bắc Ninh, nhưng đã sinh ra nhiều nghệ sĩ thành danh, ngoài Quý Tráng còn các NSND như: Mạnh Tuấn, Thúy Hường, Quốc Trượng… Làng Guột được biết đến là quê hương của nhiều kiện tướng võ vật.

Quý Tráng sinh ra trong một gia đình nhà Nho có truyền thống hiếu học. Họ Nguyễn Quý ở Quế Võ chính là một nhánh của dòng họ Nguyễn Quý ở làng Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - dòng họ có “Tam Đại vương” hiếm có trong lịch sử dân tộc, đó là Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân và Nguyễn Quý Cảnh.

Có lẽ vì được sinh ra và lớn lên trong truyền thống của quê hương và dòng họ như vậy nên ngay từ bé, Quý Tráng đã tỏ ra là người ham học và có chí tiến thủ. Đặc biệt, ông sớm bộc lộ năng khiếu về văn nghệ, nhất là hát chèo.

Tuy nhiên, ông lại được nghệ nhân Nguyễn Đức Siêu - sau này là Trưởng Đoàn  Dân ca quan họ Hà Bắc phát hiện, tuyển chọn và đưa về học ở 49 làng quan họ gốc tại 4 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Từ Sơn, Việt Yên. Suốt quãng thời gian 5 năm, ông đã được ăn, ở, lao động sản xuất cùng bà con nhân dân trong làng để không chỉ học về làn điệu, diễn xướng mà còn học ở họ lối sống nghĩa tình, cách ứng xử văn minh, thanh lịch.

Cần cù, chăm chỉ, sau khi kết thúc khóa học, ông đã sưu tầm và hát được hơn 200 làn điệu quan họ với hơn 500 bài ca quan họ, trong đó có hàng trăm bài ca quan họ gốc thể hiện rõ những giá trị đặc trưng của loại hình dân ca đặc sắc phổ biến ở vùng quê Kinh Bắc.

Nhưng rồi có một nhiệm vụ quan trọng không kém việc sưu tầm, đó là quảng bá, giới thiệu quan họ. Trong suốt thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn cũng như thời kì đầu của Đổi mới, Quý Tráng đã kiên trì, bền bỉ cùng Đoàn đem quan họ đi biểu diễn hết ở trong Nam, ngoài Bắc rồi ra cả nước ngoài. Đặc biệt, năm 1985, trong một Hội diễn ở Hải Phòng, ông đã tham gia biểu diễn và đạo diễn chương trình. Kết quả cuối cùng, Đoàn đã giành được giải đặc biệt và bốn Huy chương Vàng, trong đó bản thân ông đóng góp tiết mục “Gửi về quan họ” - một ca khúc mới được nhạc sĩ Đức Miêng sáng tác dựa theo chất liệu quan họ.

Sau đó, ông còn giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn ở Đà Nẵng với tiết mục “Khóc bạn” (thơ Nguyễn Khuyến) - một sáng tác dựa trên chất liệu dân gian của nhạc sĩ Phó Đức Phương mà sau này đổi thành “Người đi Tam Đảo múa hồ”. Năm 2007, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Chăm sóc “măng non”

Sớm nhận thức được tuổi nghề của một nghệ sĩ biểu diễn không thể kéo dài, Quý Tráng đã dốc sức đào tạo những diễn viên trẻ với hy vọng họ sẽ kế tục được sự nghiệp quan họ. Năm 2001, ông về giảng dạy tại Khoa Âm nhạc, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh. Tại đây, ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ học viên mà sau này đã trở thành những diễn viên triển vọng của Nhà hát. Những học sinh cũ của ông hầu hết đã phát huy được cả về thanh và sắc.

Năm 2008, khi NSND Thúy Cải nghỉ hưu, ông được điều về làm Trưởng Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh (năm 2013, khi Đoàn được nâng cấp thành Nhà hát, ông giữ chức Giám đốc). Và rồi, vẫn với sự tâm huyết của mình, ông đã nghiên cứu thay đổi chiến lược phát triển Đoàn bằng việc cho thành lập hai Đoàn quan họ với hai mục tiêu khác nhau.

NSƯT Quý Tráng và NSND Thúy Cải.

Đó là đưa lớp diễn viên có kinh nghiệm vào Đoàn 1 để tập trung vào công việc nghiên cứu và phổ biến quan họ. Còn lại, số diễn viên trẻ của Nhà hát được đưa vào Đoàn 2 với nhiệm vụ tham gia các chương trình biểu diễn. Và phương án sắp xếp khoa học ấy đã giúp các diễn viên trong Đoàn phát huy tối đa được năng lực, sở trường của mình, ngày càng khẳng định tài năng với những tấm huy chương tại các hội diễn.

Nhưng rồi quan họ lại bị cuốn vào mặt trái của nền kinh tế thị trường khi mà nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát mải miết tham gia chạy sô kiếm tiền mà bỏ bê công việc chung của cơ quan cũng như lười biếng tập luyện nâng cao trình độ chuyên môn.

Thậm chí, một số nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát còn móc nối với những cơ sở bên ngoài đã có ký kết với Nhà hát để làm ăn riêng, tự biểu diễn và thu tiền về túi mình. “Không ít lần, trong những lễ hội hay trong những nhà hàng, tôi đã bắt gặp những học trò của mình chạy sô hát quan họ. Đau đớn hơn, khi vốn quan họ còn rất nông cạn, nhiều học trò còn hát lẫn cả với các dòng nhạc khác.

Rồi, theo yêu cầu cần phải thay đổi không khí của ông chủ, họ còn hát kèm cả nhạc trẻ, khiến tôi có cảm giác, họ không còn là diễn viên quan họ nữa, mà đã trở thành những ca sỹ thị trường mất rồi. Có thể nói đây là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh của Nhà hát cũng như làm mất đi bản sắc văn hóa của dân ca quan họ truyền thống”, NSƯT Quý Tráng day dứt.

Trước tình hình đó, không còn cách nào khác, Quý Tráng đã cùng lãnh đạo Nhà hát siết chặt kỉ cương, triển khai những quy chế cụ thể trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát để ngăn chặn, hạn chế tình trạng đáng buồn trên. Nguyên tắc hàng đầu đặt ra là khi Nhà hát có nhiệm vụ phục vụ hoạt động chính trị của tỉnh thì tất cả các nghệ sỹ, diễn viên phải tham gia.

Quy chế cũng nêu rõ các nghệ sỹ, diễn viên có thể tham gia các chương trình riêng khi tìm được các hợp đồng biểu diễn, nhưng phải có báo cáo cụ thể, nói rõ đi đâu, phục vụ cho đối tượng nào, thời gian, địa điểm và không được tham gia các sô diễn làm ảnh hưởng đến danh dự của Nhà hát cũng như nhân cách của từng cá nhân. Sau khi xong việc chỉ đóng góp một phần thu nhập cho quỹ công đoàn. Và những Quy chế này đến nay vẫn được Nhà hát áp dụng.

Song song với đó, Quý Tráng đã đề xuất xin thêm chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ, diễn viên để họ có thể vơi đi nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, yên tâm làm nghề. Ngoài ra, ông còn kiên quyết đào tạo lại cho những nghệ sĩ, diễn viên “hổng” kiến thức, giáo dục để họ nâng cao tinh thần tự tôn nghề nghiệp. Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, Giám đốc Quý Tráng đã giúp Nhà hát dần ổn định về tổ chức, nhân sự và chuyên môn. Từ đó, giúp quan họ ngày càng phát triển và khẳng định được chỗ đứng trên trường quốc tế khi mà vào năm 2009, UNESCO đã công nhận dân ca quan họ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giờ đây khi đã bước vào tuổi xấp xỉ “xưa nay hiếm” nhưng nghệ sĩ Qúy Tráng vẫn chưa hết bận và bản thân ông cũng không cho phép mình rảnh rỗi. Ông vẫn tiếp tục cộng tác dạy học với những cơ sở đào tạo quan họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang cùng việc tham gia với vai trò giám khảo trong các hội diễn chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, trong chương trình Festival “Về miền quan họ” 2019 nhân kỷ niệm 10 năm dân ca quan  họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khán giả đã gặp lại nghệ sĩ Quý Tráng trong vai một ông cụ râu tóc bạc phơ cùng các cháu nhỏ hát bài quan họ “Ba sáu thứ chim”. Dù thời đỉnh cao đã qua đi nhưng giọng hát của ông vẫn khiến người nghe bồi hồi, xao xuyến.

Chia tay ông, khi bóng trưa hè đã len lỏi vào trong căn nhà gỗ, trong đầu tôi bỗng văng vẳng giai điệu đằm thắm, mượt mà trong câu hát quan họ quen thuộc “Người ơi người ở đừng về/ Người về em vẫn khóc thầm/ Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa…” mà ông cùng NSND Thúy Cải đã “đóng đinh” vào tâm trí người nghe suốt mấy chục năm qua. Hừng hực, sung sức với quan họ, dường như cái duyên trong ông với loại hình âm nhạc truyền thống này vẫn chưa dứt.

Ngô Khiêm
.
.