NSƯT Lệ Giang: Đem tiếng đàn bầu đi muôn nơi

Thứ Năm, 13/08/2020, 18:10
Trong hơn 30 năm gắn bó với cây đàn bầu, NSƯT Lệ Giang (giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã có vinh dự được đem tiếng đàn này đến hơn 80 quốc gia trên thế giới. Nói về người học trò cưng của mình, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tâm từng nhận xét: "Tiếng đàn của Lệ Giang không chỉ mềm mại, bay bổng mà còn đầy khát vọng, cá tính chinh phục được trái tim của nhiều khán, thính giả trong và ngoài nước".


"Phải lòng" tiếng đàn bầu

Đã nhiều lần xem NSƯT Lệ Giang biểu diễn trên ti vi, tôi phần nào cảm mến tài năng cũng như nhan sắc của nữ nghệ sĩ này, thế nhưng hôm nay được ngồi đối diện với chị trong căn phòng 3B, nhà A2, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thì tôi lại có dịp được kiểm chứng những điều ấy. Gương mặt khả ái, làn da trắng mịn, giọng nói nhẹ nhàng… là những ấn tượng đầu tiên của tôi về chị. Và khi được chứng kiến chị tỉ mỉ từng động tác truyền dạy lại "ngón đàn" cho học trò mới thấy được sự tâm huyết của nữ nghệ sĩ gốc Hà thành này.

Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ những câu ca dao, tục ngữ nói về tiếng đàn bầu. Người xưa thường nói "Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu" hay "Đi qua nghe tiếng em đàn/ Lá vàng xanh lại sen tàn nở hoa" để mô tả tiếng đàn bầu hấp dẫn đến say lòng người, đến quên cả đường về, thậm chí còn có thể khiến hoa cỏ hồi sinh. Vì thế trong tâm tưởng của tôi thì nghệ sĩ đàn bầu và nhất là nữ nghệ sĩ phải có điều gì đó đặc biệt mới có thể "chuyển hóa" được sức mạnh ghê gớm như vậy. 

Nghe xong, nghệ sĩ Lệ Giang mỉm cười cho biết: Đó là cách nói ẩn ý đề cao thanh âm của đàn bầu, tiếng đàn vốn được ví là cốt cách, tình cảm, tinh hoa của dân tộc. Chị cũng cho biết, mình tâm đắc với nhận xét hết sức sâu sắc của nữ thi sĩ người Pháp Meray: "Cây đàn bầu thật giống với con người Việt Nam. Nghèo của cải mà giàu lòng nhân ái, giản dị mà thanh tao, đơn sơ mà phong phú".

NSƯT Lệ Giang đang thả hồn cùng cây đàn bầu. 

Tất nhiên, hơn 30 năm trước khi đến với đàn bầu, cô bé Lệ Giang cũng chưa thể hiểu được sự sâu sắc của tiếng đàn bầu qua những câu mà người xưa đúc kết. Thế nhưng như một cái duyên trời định, khi xem một chương trình hòa tấu nhạc cụ trên ti vi, chị đã rất ấn tượng với tiếng đàn này và nằng nặc đòi mẹ phải học bằng được. Để có cái duyên ấy cũng phải kể công sức người mẹ của chị, bà vốn là một nghệ sĩ đàn tranh, là người đã định hướng, cổ vũ, động viên và "tiếp lửa" đam mê cho cô con gái đến với nghệ thuật truyền thống nói chung và đàn bầu nói riêng.

Người phụ nữ thứ hai có ảnh hưởng đến sự nghiệp của Lệ Giang là cô giáo của mình, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tâm. Chị được học cô giáo Thanh Tâm dạy ngay từ những ngày đầu khi còn bỡ ngỡ làm quen với cây đàn, rồi học ôn thi và đến khi vào trường suốt 15 năm (từ sơ cấp, trung cấp đến đại học). Trong tâm tưởng của chị thì nghệ sĩ Thanh Tâm như người mẹ đã sinh ra mình lần thứ 2. Cũng bởi quá thần tượng cô nên trong biểu diễn lẫn giảng dạy chị đều cố gắng tiếp thu, học tập từ phong cách đến khả năng sư phạm của cô. 

"Thời đó cô rất đẹp, đẹp từ ánh mắt, nụ cười cho đến giọng nói nhẹ nhàng, dường như cô chưa bao giờ cáu gắt với tất cả học trò. Cô luôn nắm bắt tâm lý của từng học trò, vừa dạy vừa dỗ bởi học sinh mới vào trường hầu như còn rất nhỏ, chỉ 7-8 tuổi. Cô tận tâm truyền dạy cho tất cả các học trò và cho đến nay đã có nhiều lứa học trò của cô đã thành danh", nữ nghệ sĩ nhớ lại.

Hạnh phúc vì khán giả đặc biệt

Trong gần 20 năm hoạt động chuyên nghiệp, Lệ Giang may mắn được đi biểu diễn ở nhiều nơi ở cả trong và ngoài nước. Theo chị mỗi lần được đứng trên sân khấu là một lần có cảm xúc rất riêng, đặc biệt là khi được biểu diễn cho bạn bè quốc tế. Cách mà họ trầm trồ, đi từ ngạc nhiên đến thán phục cây đàn bầu sao chỉ có một dây, thô sơ, mộc mạc mà lại phát ra thanh âm hết sức lôi cuốn, đặc sắc. Họ thực sự khâm phục và dành rất nhiều tình cảm yêu mến cho các nghệ sĩ đàn bầu.

Những lần được đem tiếng đàn bầu ra nước ngoài, chị nghĩ mình như một "sứ giả văn hóa" để bạn bè khắp năm châu thêm hiểu, thêm yêu văn hóa Việt. Lệ Giang vẫn còn rất hạnh phúc với kỷ niệm trong lần đi biểu diễn ở Pháp cách đây 15 năm. Lần ấy, chị diễn tại rất nhiều sự kiện ở các thành phố khác nhau trong một tháng. Có đôi vợ chồng trung niên người Pháp sau hôm đầu tiên xem biểu diễn của đoàn Việt Nam đã mê đắm cây đàn. Khi buổi diễn kết thúc, họ đã lên tận sân khấu để tìm hiểu về nó.

NSƯT Lệ Giang biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc dân gian quốc tế tổ chức tại Thuỵ Sĩ.

Cũng vì quá tò mò về đàn bầu cũng như tiếng đàn của nó mà đôi vợ chồng này đã đến xem ở các thành phố mà chị biểu diễn sau đó. Cảm động trước lòng mến mộ của đôi vợ chồng dành cho đàn bầu nên trước lúc về chị đã tặng lại cây đàn cùng đĩa CD "Lắng tai nghe… đàn bầu" của mình. Đây là CD thứ 2 của chị (sau CD 1 "Hòa tấu đàn bầu các bài dân ca Việt Nam"), gồm những tác phẩm chị chơi theo phong cách chèo, cải lương, ca Huế, đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam cũng như các tác phẩm mới như: "Luyện năm cung", "Câu hát mẹ ru", "Nam xuân- Nam ai", "Thoáng quê", "Niềm tin tất thắng" "Đất mẹ"…

Truyền năng lượng tích cực

Nghệ sĩ Lệ Giang luôn đau đáu với việc hiện nay nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, một bộ phận lớn giới trẻ đến với âm nhạc đều theo thị hiếu hiện đại, điều đó đồng nghĩa với việc rất ít người trẻ biết đến những loại hình âm nhạc truyền thống. 

"Xu hướng thẩm mỹ về âm nhạc của giới trẻ hiện nay khá đa chiều, vì vậy muốn giới trẻ biết đến âm nhạc truyền thống nói chung, đàn bầu nói riêng chúng ta cần phải để họ tiếp cận, họ hiểu thì họ mới dần quan tâm và yêu thích. Muốn vậy cần tổ chức thêm nhiều chương trình để giới thiệu về tinh hoa âm nhạc truyền thống bằng nhiều hình thức như diễn giải, Game show... để họ dễ dàng tiếp cận, thẩm thấu... Để thêm sức hút cho giới trẻ, có thể khai thác yếu tố truyền thống nhưng được làm mới mang hơi thở của cuộc sống, bởi âm nhạc vốn dĩ có tính tiếp nối dòng chảy, có sự vận động, phát triển không ngừng", nghệ sĩ Lệ Giang nhấn mạnh.

Chị cũng tâm sự, tâm hồn của mỗi người được chăm sóc và nuôi dưỡng hằng ngày bằng những việc làm có ý nghĩa, chỉ cần chúng ta tỉnh táo nhận ra và chọn lựa những điều tốt đẹp. Chúng ta hãy gieo mầm những đều tốt đẹp để nhận được những trái ngọt từ những hạt giống đó. Âm nhạc giúp chị luôn thấy nhẹ nhàng, vui vẻ và bay bổng vì vậy mà mọi phiền muộn hay buồn bực thường qua rất nhanh. 

Giờ đây chị có thể ngồi hàng giờ để chơi đàn và chị thấy mọi mệt mỏi luôn tan biến khi đắm chìm trong âm nhạc. Càng ngày chị càng thêm yêu cây đàn bầu và chị mong muốn được truyền năng lượng tích cực đó đến các học trò cũng như đến khán, thính giả yêu âm nhạc truyền thống nói chung, đàn bầu nói riêng.

So với nhiều nghệ sĩ khác, Lệ Giang cũng có đôi chút thuận lợi khi có người chồng làm nghệ thuật, anh là NSƯT Trần Thanh Nam, biên đạo múa của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Do hiểu công việc của nhau nên anh rất cảm thông, chia sẻ với vợ trong việc nhà. Và đó cũng là lý do mà chị có thể "tung cánh" biểu diễn khắp phương trời. 

Tuy nhiên giảng dạy và biểu diễn là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Nếu trong giảng dạy cần chỉn chu thì khi lên sân khấu lại cần bay bổng, thế nhưng may mắn là chị có thể cân bằng được hai trạng thái này bởi công việc giảng dạy cũng không chiếm quá nhiều quỹ thời gian. Chị vẫn có khoảng thời gian dành cho con cái và làm tròn vai thiên chức của người vợ, người mẹ

Ngô Khiêm
.
.