NSƯT Chí Trung: Cha tôi, điểm tựa tinh thần lớn nhất của tôi

Thứ Sáu, 29/06/2007, 13:00
“Đối với tôi, bố tôi là một người vĩ đại" - Chí Trung quả quyết. Điều này chẳng hề khó nghe, vì anh lý giải rằng, trước hết, ông đã có công sinh thành ra anh, và cho anh một nhân cách làm người, một vị trí để vào đời.

Lần lữa mãi rồi cũng gặp được NSƯT Chí Trung. Anh bận bịu trăm công ngàn việc, lấy của anh vài giờ đồng hồ tôi đã phải đợi nhiều ngày. Cũng bõ công, khi được cười "thật xả láng" với anh trong những câu chuyện, mà dù nghiêm trang tới đâu cũng đều được pha một chút dí dỏm rất... Chí Trung. Và những kỷ niệm về người cha thân yêu, NSND Quý Dương, cũng hiển hiện trong cách nói hài hước ấy. Nhưng ẩn giấu phía sau là biết bao nhiêu yêu thương, kính trọng của một người con, cùng rất nhiều cảm thông, thấu hiểu của một người đồng nghiệp...

Ngay từ tấm bé, Chí Trung đã được cha "thả nổi" (theo cách nói của Chí Trung, có nghĩa anh đã được cha rèn cho đức tính tự lập từ rất sớm). Việc học hành của anh, người cha thường im lặng theo dõi, ông không bao giờ mắng mỏ, đe nẹt. Muốn hướng cho Chí Trung đi theo nghệ thuật, NSND Quý Dương mang con vào nhạc viện, theo học đàn vilon. Kết quả 4 năm gắn bó với cây đàn chẳng có gì khả quan, Chí Trung vừa kéo đàn vừa "ngủ gật".

Nhận ra cậu quý tử không say sưa gì cây đàn lãng mạn, NSND Quý Dương quyết định chấm dứt việc học đàn của Chí Trung. Suy nghĩ mãi, rồi một ngày đẹp trời ông dắt tay Chí Trung, hai cha con cùng tới gặp đạo diễn Doãn Hoàng Giang: "Thằng bé này là con tớ, cậu giúp nó xem có nên cơm cháo gì không". Thế là Doãn Hoàng Giang trở thành người thầy sân khấu đầu tiên của Chí Trung.

Sau một thời gian "huấn luyện" học trò, đạo diễn Doãn Hoàng Giang kết luận: "Mày có khả năng đấy". Và con đường trở thành một nghệ sĩ sân khấu bắt đầu có hình hài trong tưởng tượng của Chí Trung. Càng đi càng thấy quyến rũ, càng học càng thấy say mê, càng biểu diễn càng thấy gắn bó với sàn diễn, với khán giả...

Thấm thoát, đã 29 năm làm nghề trôi qua, Chí Trung đã chứng kiến biết bao cuộc "vuông tròn" của đời sống, bao đổi thay của nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, cả những vui buồn của đời nghệ sĩ mà chỉ người trong cuộc mới thấm thía hết. Và, chợt giật mình khi nhìn lên mái tóc của cha đã thấy nhiều sợi bạc. Nỗi ngậm ngùi ấy ngay cả tính hài hước của một nghệ sĩ chuyên đi "cù" khán giả cũng không thể nào làm anh nguôi được...

NSND Quý Dương, một trong những nghệ sĩ hát opera đầu tiên của Việt Nam, từng là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội ngày nay. Ông nổi tiếng với những bài ca cách mạng luôn luôn nhận được lòng yêu mến, ngưỡng mộ của nhiều tầng lớp khán giả. Ông được xem là một trong 3 cây đại thụ của ngành biểu diễn âm nhạc Việt Nam (cùng với NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu).

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông và các nghệ sĩ cũng thời đã có mặt ở nhiều chiến trường, đứng hát trên các vách đá, dưới trời bom đạn để phục vụ chiến sĩ, bộ đội. Nhiệt huyết, say mê và đắm đuối một tình yêu lớn dành cho nghệ thuật, NSND Quý Dương đã dành trọn cuộc đời dâng hiến cho tình yêu vô tư ấy.

Mặc dù, trong đời sống tình cảm riêng tư ông cũng đã phải trải qua những chia lìa, mất mát. Ông không có gì để lại cho con, ngoài mối tình thiết tha với nghệ thuật. Tình yêu nghệ thuật thời của ông gắn quyện hài hòa với lòng yêu nước, với tư thế của con người nghệ sĩ, cũng là người cách mạng. Đó còn được hiểu như một thái độ ứng xử đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên tất cả, không bon chen, không đố kị, cũng không mưu cầu lợi ích cá nhân cho riêng mình.

NSND Quý Dương thường dặn con rằng, sống ở đời "không xúc xiểm, không xin xỏ ai bất cứ điều gì. Cứ sống đàng hoàng bằng chính bàn tay của mình rồi điều gì đến sẽ đến".

Đó cũng chính là tài sản lớn nhất mà Chí Trung mang trên vai để vào đời. Cha anh suốt đời là một nghệ sĩ nghèo, không màng danh vọng, không quyền cao, chức trọng và không có tiền bạc dành dụm cho con cái. Trong những năm tháng khó khăn, sân khấu chênh chao vì không có khán giả, đời sống người nghệ sĩ vô cùng chật vật.

Để đảm bảo cuộc sống cho gia đình và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, Chí Trung đã xoay xở đủ mọi công việc. Anh dường như là nghệ sĩ kinh qua nhiều công việc nhất, từ buôn săm xe, bán xe đạp, buôn xe máy cũ, mở tiệm buôn đồ điện, đồ cổ... Gạt sang một bên tất cả những gì phù phiếm, ảo tưởng và cả những bóng bẩy bề ngoài mà người ta thường khoác lên vai người làm nghệ thuật,

Chí Trung thực tế, mạch lạc và sòng phẳng trong việc kiếm tiền, làm kinh tế. Anh tâm niệm, phải biết tự cứu mình trước khi trời cứu. Anh không nề hà bất cứ công việc gì, miễn đó là công việc lương thiện và có thể kiếm ra tiền, giúp anh tạo dựng cuộc sống. Khi đã có chút vốn liếng, anh cùng vợ (nghệ sĩ Ngọc Huyền) mở studio ảnh viện, áo cưới, karaoke, rồi làm bầu sô ca nhạc...

Cùng với giấc mơ nghệ thuật, kiếm tiền cũng là nỗi ám ảnh với Chí Trung. Vì với anh, khi chưa đủ miếng cơm manh áo, người nghệ sĩ khó lòng mà toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật được. Anh nói: "Cha tôi thường dạy rằng: "Khóc - hèn, rên - nhục, van - yếu đuối". Câu nói ấy là kim chỉ nam trong cuộc sống của tôi, là một phương châm sống quý giá để tôi tự soi mình mỗi khi xảy ra bất cứ điều gì". Đó cũng chính là bài học về bản lĩnh đàn ông, dám đối diện với mọi sóng gió trong cuộc đời bằng ý chí mạnh mẽ và lòng quả cảm.

Trong những trận cười hết sức thoải mái (vì Chí Trung có thể làm người đối diện cười như nắc nẻ trong khi anh toàn nói những chuyện nghiêm túc), gặp một câu hỏi đại loại: "Vào cái thời điểm phải kiếm từng đồng tiền nhễ nhại mồ hôi để sống, có khi nào anh chạnh lòng vì cha mình đã sống một đời quá hồn nhiên với nghệ thuật, mà chẳng có chút của nả gì cho con không?", Chí Trung chợt sững lại một giây, rồi trở nên đặc biệt nghiêm nghị. Anh nói, mỗi thời mỗi khác, phận làm con không phán xét cha điều gì. Bản thân cuộc sống của người cha đã là một bài học lớn đối với anh.

Rồi Chí Trung kể về những lần cha anh đi xem các vở diễn mà anh tham gia. Sau mỗi buổi ông thường đưa ra những ý kiến riêng của mình về vai diễn của anh. Ông chỉ đưa ra ý kiến để anh tham khảo, lựa chọn chứ tuyệt nhiên không áp đặt. Ông luôn trân trọng thành quả lao động của con, dù là nhỏ bé, không ngừng động viên con ngay cả lúc ông biết con đã làm sai.  Đưa ra những ý kiến mở để con tự quyết định, sắp xếp, là cách giáo dục mà bản thân Chí Trung rất tâm đắc. Anh cũng làm như vậy đối với các con mình, như cách mà cha anh đã dạy dỗ anh.

Cứ hài hài như vậy, nhưng tôi biết rằng, đã rất rưng rưng trong mỗi ngôn từ của Chí Trung khi nói về cha, với những đau đớn, bệnh tật mà ông đang phải đối mặt. NSND Quý Dương bị suy thận đã nhiều năm nay. Hàng tuần ông phải tới bệnh viện lọc máu để duy trì sự sống.

Thương các con bận rộn công việc, ông chỉ đồng ý cho các con đưa đón tới bệnh viện thời gian đầu. Ông bảo: "Bệnh của cha là phải "trường kỳ kháng chiến" nên cứ để cha tự lo liệu cho quen. Các con còn phải lo công việc của các con, không được để cuộc sống xáo trộn". Và thế là mỗi lần vào bệnh viện, NSND Quý Dương lại gọi một bác xe ôm tới. Lọc máu xong ông lại "xe ôm" về nhà.

Thương cha, Chí Trung chỉ có một cách đền đáp lớn nhất là không ngừng lao động để trở thành một con số nào đó (mà không phải là số 0 như điểm xuất phát) trong cuộc đời và đặc biệt là trong nghệ thuật. Là thủ lĩnh của Đoàn kịch II thuộc Nhà hát Tuổi Trẻ, Chí Trung đã chèo lái con thuyền nghệ thuật qua nhiều sóng gió. Nhiều nghệ sĩ trong đoàn xem Chí Trung như một người anh cả trong gia đình.

Làm một trưởng đoàn kịch trong thời buổi sân khấu khó khăn chẳng dễ dàng chút nào. Công việc bộn bề vừa vất vả vừa là phần thưởng mà nghệ thuật đã dành cho Chí Trung. Đoàn kịch của anh đang chuẩn bị "Nam tiến" theo lịch trình hai năm một lần. Mang các vở diễn sân khấu vào đất Sài Gòn, nhiều người nói chẳng khác nào Chí Trung đang "chở củi về rừng". Ấy vậy mà chuyến đi nào của đoàn cũng thắng lợi.

Tiếp cận khán giả thành phố Hồ Chí Minh lần này, trong "túi" Chí Trung có các vở hài do chính anh là tác giả: "Ai sợ ai?", "Internet về làng" cùng với chùm hài kịch  "Đời cười 6" và vở kịch tâm lý "Nhà búp bê". Sân khấu miền Bắc đang rất cần những chuyến "hành phương Nam" như vậy, để có nhiều hơn cơ hội được giao lưu với khán giả.

Rất nhiều vai trò như vậy, nhưng mỗi ngày, anh chàng khôi hài Chí Trung không cho phép mình quên gọi điện thoại thăm hỏi bệnh tình của cha, trò chuyện cùng ông. Đối với anh, cha luôn là điểm tựa tinh thần lớn nhất trong cuộc sống...

.
.