NSND Tường Vi: Tiếng hát của lòng nhân ái

Thứ Ba, 09/10/2007, 07:30
Vào tuổi 70, một ngày của NSND Tường Vi vẫn luôn bận rộn với việc lên chương trình học thanh nhạc cho các em, giải quyết mọi việc trên cương vị Giám đốc quản lý Trung tâm Nghệ thuật tình thương… những việc vốn không phải sở trường với một nghệ sĩ chỉ quen với việc biểu diễn như bà.

Những ngày này, NSND Tường Vi còn đang lo lắng chuẩn bị cho các em một đêm trung thu đầm ấm và đêm nhạc kỷ niệm 10 năm thành lập trung tâm…

Với NSND Tường Vi, sự bận rộn ấy chưa bao giờ khiến bà mệt mỏi, trái lại, đó còn là một hạnh phúc lớn với trái tim vốn rất nhạy cảm của người nghệ sĩ.

Gặp NSND Tường Vi ngoài đời và trên sân khấu mới thấy đó là hai con người thật khác: một nhỏ nhẹ, điềm đạm trong đời sống và một linh hoạt, trẻ trung trên sân khấu.

Duy có điểm chung mà người tiếp xúc dễ nhận ra là giọng nói: thanh, nhẹ, trong vắt và đầy nỗi niềm. Chất giọng cao vút ấy cùng với bộ quân phục và chiếc mũ canô đội lệch trẻ trung chính là điều tạo dấu ấn của NSND Tường Vi với khán giả cả nước.

Mỗi lần lên sân khấu, NSND Tường Vi đều thích mặc quân phục. Điều đó cho bà cảm giác tự tin và như một sự nhắc nhở: mình là bộ đội Cụ Hồ.

Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Tam Kỳ, Quảng Nam, cô bé Tường Vi được thừa hưởng giọng hát cao vút của người mẹ làm nghề nuôi tằm, yêu văn nghệ, đặc biệt hát rất hay những câu hò xứ Quảng…

Cứ chiều chủ nhật, cô bé Tường Vi lại say sưa nghe Thánh ca vang lên từ một nhà thờ gần đó. Cũng thời gian đó, cô bé Tường Vi đã được các anh chị bộ đội đóng quân ở nhà ông ngoại dạy hát.

Cứ thế, những làn điệu dân ca, những ca khúc cách mạng và chất thính phòng, những bài Thánh ca đã ngấm vào người từ lúc nào. Những người dân bên sông Tam Kỳ ngày ấy vẫn nhớ hình ảnh cô bé Tường Vi xinh xắn thường hát, đánh đàn Măng-đô-lin cho các bạn nghe.

Cùng với khí thế chung của dân tộc cộng với những mất mát riêng tư vì chiến tranh đã khiến cô bé Tường Vi nhập ngũ khi vừa tròn 16 tuổi. Và, từ ấy, môi trường quân đội đã chắp cánh cho tiếng hát Tường Vi bay xa.

Cho tới khi về hưu, NSND Tường Vi đã có 40 năm phục vụ trong quân đội. Những năm kháng chiến chống Mỹ là quãng thời gian đáng nhớ nhất đối với người nghệ sĩ này.

Cùng với bộ quân phục và giọng hát trong vắt, lay động lòng người, NSND Tường Vi luôn có mặt ở những chiến trường khốc liệt nhất, cất cao tiếng hát động viên tinh thần chiến sĩ.

Những kỷ niệm như lần biểu diễn dưới làn bom trong hang Na Cay tại chiến trường Lào, hay cùng anh em nghệ sĩ đang hát trên sân khấu bị bắn trượt, rách toạc cả phông màn... mãi mãi là những hồi ức không thể nào quên.

Nửa thế kỷ trôi qua, tên tuổi của NSND Tường Vi gắn liền với những bài hát mang âm hưởng rộn ràng: “Cô gái vót chông”, “Tiếng đàn Ta Lư”, “Xa khơi”… và là tác giả của nhiều ca khúc như: “Phi đội ta xuất kích”, “Đây là nhà của em”, “Đời cho em những nốt nhạc vui”... Bà cũng là nữ nghệ sĩ duy nhất có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.

Với NSND Tường Vi, một niềm vinh dự lớn lao trong đời hoạt động nghệ thuật của bà là được gặp Bác Hồ, được Người thăm hỏi động viên và chia sẻ những bất hạnh riêng trong cuộc sống. Những lời căn dặn của Người như một động lực để nữ nghệ sĩ không ngừng vươn lên...

Cùng các em của Trung tâm nghệ thuật Tình thương tới chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004).

Những ngày đầu thành lập Trung tâm Nghệ thuật tình thương, quả không hề dễ dàng với một người nghệ sĩ. NSND Tường Vi phải nuôi chó cảnh, phải bán cả những chiếc nhẫn quý… để mua đàn và may trang phục biểu diễn cho các em.

Nhưng rồi, bà đã vượt qua được tất cả bằng tình yêu thương, bằng tâm nguyện được chia sẻ cùng các em những thiệt thòi, mất mát trong cuộc sống. Hàng tháng, bà vẫn trích trong số tiền lương ít ỏi của mình ủng hộ hai cô bé bị khiếm thị.

Bà kể, bà đã từng khóc khi nhìn thấy cảnh em gái nhỏ cầm hộp son phấn mà không biết trang điểm vào đâu trên khuôn mặt bị di chứng chất độc màu da cam...

Cùng với thời gian, tình yêu thương và sự nhiệt tâm của NSND Tường Vi đã được nhiều người đồng cảm.

Biểu diễn cùng tốp ca thiếu nhi của Trung tâm nghệ thuật Tình thương.

Tới nay, đã có hơn 20 giáo viên cán bộ môn âm nhạc ở cả 3 trung tâm Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam ghé vai cùng bà truyền dạy âm nhạc cho các em.

Trong số hơn 600 em được trung tâm dìu dắt, đã có gần 50 em đỗ vào các nhạc viện trên toàn quốc, trong đó có nhiều em tật nguyền. Điều mà bà luôn căn dặn các học trò nhỏ của mình là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đứng vững trên đôi chân của mình.

Đến nay, các học viên tại trung tâm đã thành lập các nhóm nhỏ, tự đi liên hệ biểu diễn phục vụ nhiều địa phương và được đánh giá cao.

Và, một lúc nào đó, nếu được chứng kiến cảnh các học trò vây quanh, ríu rít gọi mẹ Tường Vi, bạn sẽ thấy, hạnh phúc không chỉ ở người được nhận mà còn ở những người biết sẻ chia, đồng cảm

Thảo Duyên
.
.