NSND Trung Kiên: Tôi luôn biết lượng sức mình

Thứ Ba, 11/11/2008, 16:45
Gặp NSND Trung Kiên sau những ngày ông đưa học trò trở về từ cuộc thi hát Opera Quốc tế, gương mặt ông tươi vui đến lạ, nhất là khi ông kể về thành tích cao mà cô học trò vừa đạt được.

Lúc này, gương mặt của nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) rạng ngời hạnh phúc và trẻ hơn nhiều so với cái tuổi "cổ lai hy". Và, trong một buổi sáng Chủ nhật rảnh rỗi hiếm có, ông tâm sự với chúng tôi về cuộc sống, về âm nhạc, về công việc đào tạo những thế hệ trẻ mà cả đời ông tâm huyết theo đuổi.

Thưa nghệ sĩ Trung Kiên, ông vừa đưa học trò "cưng" của mình đi tham dự cuộc thi Opera Quốc tế được tổ chức ở Trung Quốc  trở về và ẵm giải cao. Phải chăng chính vì thế mà chương trình âm nhạc "Vang mãi bản tình ca" của Khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, do ông đề xướng, đã bị hoãn lại?

+ Đó chỉ là một trong số lý do mà thôi. Cái chính là chúng tôi muốn chương trình ca nhạc này, mặc dù là của riêng Khoa Thanh nhạc, nhưng nó sẽ phải mang "tầm vóc lớn" khi tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vì bản thân Khoa Thanh nhạc với hơn 50 năm thành lập và trưởng thành đã đào tạo được hầu hết những ca sĩ nổi tiếng cho làng âm nhạc Việt Nam như Lê Dung, Quang Thọ, Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh… Chính vì thế, để có một đêm nhạc đầu tiên về Khoa Thanh nhạc hoành tráng và kỹ lưỡng thì phải được chuẩn bị kỹ càng cả về mọi mặt.

Trong chương trình này, chúng tôi mời hầu hết những sinh viên đã từng đoạt giải nhất trong các cuộc thi từ trước tới nay đến tham gia, cũng như là một cách để ghi lại dấu ấn của từng thế hệ. Trong đó có cả những nghệ sĩ đã ra đi nhưng vẫn để lại một nỗi nhớ không thể nào nguôi ngoai trong lòng những người bạn, người em, người học trò như NSND Lê Dung. Còn việc tôi đưa sinh viên Nguyễn Bích Thủy, cũng là một giảng viên trẻ của trường, đi tham dự cuộc thi hát Opera Quốc tế tại Trung Quốc cũng là trách nhiệm của Nhà trường giao phó và rất vui là trong cuộc thi này Thủy đã lọt vào vòng 4 (vòng cuối cùng) và đã đoạt giải người hát hay nhất bài Trung Quốc. Đây cũng là một giải thưởng khá lớn mà rất nhiều thí sinh dự thi mong muốn đạt được.

- Nghe nói, chương trình ca nhạc "Vang mãi bản tình ca" được tổ chức cũng là nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông, một người cựu Chủ nhiệm khoa, và giờ đây là chuyên viên cao cấp, GS - NSND, đang tiếp tục miệt mài với công việc đào tạo của nhà trường?

+ Thực ra thì sinh nhật tôi là ngày 5/11 và chúng tôi định tổ chức vào tháng 11 cũng là nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhưng bây giờ thì chương trình sẽ được dời lại vào ngày 4/12. Thực tế thì xưa nay, Khoa chúng tôi chưa từng được tổ chức một chương trình chung kỷ niệm nào hội tụ đông đủ các "anh tài", mặc dù sinh viên, cán bộ của khoa đã đi hát trên "mọi mặt trận". Bản thân tôi cũng chỉ dám nhận là người "anh cả" mà thôi.

- Xét cho cùng thì tên tuổi của NSND Trung Kiên đã gắn với khá nhiều bài hát thành công, ông có nghĩ rằng thời của ông, có cái may mắn vì đã được hát trong những năm tháng chiến tranh đạn bom ác liệt, nơi mà "tiếng hát át tiếng bom" và tiếng hát ấy đã ghi đậm dấu ấn trong lòng cả một thế hệ?

+ Thời chiến tranh tôi chủ yếu lăn lộn trong "tuyến lửa" Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… và dường như cả thế hệ chúng tôi luôn lấy làm vui, hạnh phúc vì được đi hát phục vụ bà con, bộ đội mà không mấy ai lo sợ đến những hiểm nguy của chiến trường ác liệt. Cũng chính vì điều này mà chúng tôi không chỉ được trưởng thành trong giọng hát mà còn trưởng thành cả về mặt con người qua những năm tháng ấy. Chúng tôi hát bằng cả nghị lực, ý chí vươn lên của cả một cộng đồng những người bị áp bức. Tôi vẫn nhớ rằng, hồi đó được đi hát cho bộ đội là một niềm tự hào, chẳng phải để nổi danh, chẳng để so bì lẫn nhau. Chính cuộc sống ấy, chiến trường ấy, đã dạy cho chúng tôi những bài học lớn mà không bươn vào cuộc, người ta không thể hiểu hết giá trị của sự hy sinh, sự sống còn, của hòa bình, độc lập…

- Nhắc đến Trung Kiên, người ta sẽ nhớ đến "Chào sông Mã" (Xuân Giao), "Quảng Bình quê ta ơi" (Hoàng Vân), "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" (Trần Kiết Tường), "Bài ca Trường Sơn"(Trần Chung), "Người chiến sĩ  ấy"(Hoàng Vân), "Tình ca" (Hoàng Việt)… Nếu được chọn một bài hát "để đời" cho  bản thân mình, ông sẽ chọn bài nào?

+ Có lẽ thật khó nói là mình thích bài nào nhất, bởi vì, mỗi bài hát mình đều gửi gắm vào đó rất nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, bài "Tình ca" (Hoàng Việt) là bài mà tôi được khán giả nhớ đến nhiều nhất. Đây là một trong những bản tình ca đẹp nhất của thời chiến trận, nói về tình yêu đẹp của hai con người ở hai đầu đất nước, vời vợi, đầy hy vọng, đầy chung thủy…

- Tại sao nhân dịp sinh nhật 70 năm cho cái tuổi "xưa nay hiếm", ông không tổ chức một liveshow Trung Kiên như  nhiều người đã từng làm?

+ Nói thật, mình cũng phải tự biết mình chứ. Tổ chức một đêm nhạc riêng cho một "ông già 70", cái bất lợi trước tiên là sức khỏe. Tôi có thể hát 3 bài, 5 bài, nhưng 10 bài một lúc thì đó là điều không thể. Nếu tôi cứ "huếnh" lên hát, cố mà hát rồi bắt khán giả phải vỗ tay thì vô duyên lắm. Tôi luôn biết mình đang ở đâu và biết lượng sức mình, chứ không ảo tưởng về mình.

- Hiện nay, các ca sĩ trẻ đang nổi nhờ công nghệ "bầu sô", họ chạy "sô" nhiều hơn học hát và họ coi đó là "công cụ" kiếm tiền hữu hiệu. Trên thực tế thì họ kiếm sống khá tốt nhờ nghề biểu diễn. Họ thành "người của công chúng" quá dễ dàng và có vẻ không vất vả như cái thời của ông?

+ Đấy là bạn đang nói về những người hát nhạc nhẹ. Những người "ăn xổi" chóng lên mà cũng chóng xuống. Nếu so sánh với thời của tôi thì quá khập khiễng, bởi vì hoàn cảnh, điều kiện của mỗi thời mỗi khác. Các em học sinh ở Khoa tôi, nhất là những em theo học nhạc cổ điển thì vất vả lắm. Tôi nhìn thấy được ngoài niềm đam mê là sự khổ luyện, là ý chí và nghị lực để vươn lên, để học cho ra học. Nói thế để biết, cái công nghệ "bầu sô" như bạn nói ở trên đã tạo ra một lớp ca sĩ chỉ ở bề nổi, họ hát nhép, họ lấy vũ đạo làm trọng… Tôi nghĩ rằng cái gì cũng có giá của nó và thời gian sẽ là một người làm chứng linh nghiệm…

- Nhiều người đã thành danh bằng nghề của mình, nhất là với nghiệp cầm ca, nhưng nó đôi khi như con dao hai lưỡi. Với Trung Kiên thì đặc biệt hơn, bởi vì chính sự nghiệp ca hát đồng thời cũng đã mang lại cho ông nhiều thứ, ví như chức vụ ông đã từng nắm giữ: Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin?

+ Bản thân tôi học tập, làm việc không vì mục đích để làm "quan". Chức Thứ trửng Bộ Văn hóa - Thông tin cũng đến với tôi rất bất ngờ. Đó cũng là điều ngẫu nhiên của cuộc đời mà tôi luôn lấy làm hạnh phúc. Có lẽ đâu đó tôi vẫn có cái tố chất làm quản lý. Cũng nhờ những năm tháng làm "quan" đó, tôi đã học hỏi được thêm nhiều điều bổ ích cho cuộc đời mình.

- Trở về làm công tác đào tạo thanh nhạc tại Nhạc viện, ông có bị "hẫng" không?

+ Hoàn toàn không. Tôi lấy làm vui sướng vì được trở lại "nguyên hình" là một thầy giáo thanh nhạc. Nếu như có lúc nào đó tôi có thể nghi ngờ khả năng làm quản lý của mình, thì với công việc đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm các ca sĩ trẻ thì tôi luôn tự tin là mình làm rất tốt. Nếu phải làm lại cuộc đời, tôi cũng muốn trở thành một nhà giáo. Nghề giáo không giàu về tiền bạc mà giàu về tình cảm, sự tôn trọng của các học trò… Cho dù phải làm việc mệt nhọc nhưng thành quả của các em chính là niềm động viên tinh thần rất lớn đối với mình.

- Người ta nói rằng, thầy giáo như người chèo đò, và cái công việc lặng lẽ trên sông là chở hết những chuyến đò này đến chuyến đò khác mà người qua đò mấy ai nhớ đến. Ông có buồn không, khi các thế hệ học trò lớn khôn, "nổi danh" hơn thầy rồi đâu đó, quên bẵng thầy đi trong cuộc đời tất bật này?

+ Người thầy mà đào tạo được những học sinh giỏi hơn thầy là điều hạnh phúc lớn nhất. Tôi thì tâm niệm một điều, mình dành hết tình cảm, tâm huyết, kinh nghiệm để truyền cho các thế hệ học trò là cũng mong các em sẽ lớn khôn thành đạt, điều đó rất thật lòng. Các cụ ta xưa vẫn nói "thầy già, con hát trẻ", đôi khi chính tôi cũng học hỏi được ở các em rất nhiều như sự nhiệt tình, hăng hái của tuổi trẻ, niềm đam mê ca hát với chân trời phía trước. Điều đó cũng đã được minh chứng nhiều qua các thế hệ học trò đã trưởng thành và bây giờ trở thành những người đồng nghiệp của tôi. Gặp lại họ vẫn gọi tôi là thầy, có người gọi là bác, là anh… chả sao cả, thế là quá đủ đối với tôi!

- Ông thường khuyên nhạc sĩ Quốc Trung, con trai ông điều gì, với tư cách là một người bố nhưng cũng là một đồng nghiệp?

+ Theo như vợ tôi "tổng kết", thì Trung không bao giờ cãi bố, nhưng toàn làm theo ý mình (cười)!

- Còn vợ ông, Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà, nguyên là Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nguyên là "sếp" của ông, có ảnh hưởng thế nào đối với ông?

+ Tôi học được ở Hà sự cần cù, chăm chỉ, cả sự dịu dàng, từ tốn và nghiêm khắc với cuộc sống.

-Xin cảm ơn NSND Trung Kiên!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.