NSND Trà Giang: Tôi chỉ đẹp trong lòng khán giả

Thứ Năm, 18/12/2008, 10:00
NSND Trà Giang người Quảng Ngãi sinh năm 1942. Năm 14 tuổi theo cha tập kết ra Bắc, tốt nghiệp khoá 1 Trường Điện ảnh Việt Nam (1962). Với cặp mắt đen như nhung và cái nhìn hút hồn, chị nổi tiếng ngay khi tham gia phim đầu tiên "Những ngày đầu thu" của đạo diễn Huy Vân.

Phim "Chị Tư Hậu" đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế tại Moskva 1963. Đóng nhiều vai trong nhiều phim nổi tiếng: "Vĩ tuyến 17- ngày và đêm", "Ngày lễ Thánh", "Huyền thoại người mẹ", "Dòng sông hoa trắng". Nhớ đến Trà Giang là khán giả nhớ ngay đến vai Dịu, vai đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim quốc tế tại Moskva 1973... Là con gái của NSƯT Nguyễn Văn Khánh, phu nhân của NSƯT - Giáo sư Bích Ngọc (violon) và là mẹ của nghệ sĩ dương cầm Bích Trà... Sau những ngày nghỉ hưu, dồn dập những thử thách (con đi xa, chồng đau bệnh rồi mất) tưởng chị sẽ sống trong cô quạnh với nỗi buồn và những tiếc nuối. Nhưng không.     

-Người ta vẫn nói sắc đẹp và sự nổi tiếng là một cạm bẫy lớn, làm thế nào mà chị đã tránh được cạm bẫy này?”. 

+ “Từ trẻ tới nay, tôi chưa bao giờ cho mình là người có sắc đẹp, chỉ là một diễn viên ăn ảnh thôi... Và, có lẽ nhờ sự làm việc tận tâm của các đồng nghiệp, đạo diễn, nhà quay phim mà tôi trở nên đẹp trong lòng khán giả. Rồi, đương nhiên với nghề nghiệp tôi trở thành người của công chúng. Làm người của công chúng quả là khó. Trước khi đóng phim, tôi thích cùng đi với diễn viên Tuệ Minh, Minh Đức, Bích Hồng vào chợ Đồng Xuân ăn quà, hay ra Cửa Nam ăn thịt bò khô, rồi ra vườn hoa Chi Lăng ăn kem... cho thoải mái. Có lần tôi đã "chơi" 10 que kem đậu xanh vào ngày lạnh nhất của Hà Nội ở vườn hoa mà chả sợ ai cả. Nhưng khi mọi người nhận ra Trà Giang, Minh Đức, Tuệ Minh trên phim nọ, phim kia thì tự mình hạn chế cái sự "ăn đường, ăn chợ". Quen đi, cũng không có gì là khó. Song, người của công chúng cũng có cái sướng, đi đâu, làm gì, cũng được ưu ái.

Thời bao cấp ở Hà Nội, mua gì cũng phải xếp hàng, cũng phải tem phiếu. Sau khi phim "Vĩ tuyến 17- ngày và đêm" chiếu ở Hà Nội, tôi đi mua thịt ở chợ Ngọc Hà, cô bán thịt đã cắt cho tôi miếng thịt ngon và nói: "Chị bồi dưỡng đi, em xem phim "Vĩ tuyến"… em thương chị lắm".

Tôi đặc biệt nhớ em Lan bán ở cửa hàng tạp hóa. Em đã mua cho con gái Bích Trà của tôi những chiếc áo len trẻ con - là hàng viện trợ của nước ngoài rất đẹp... Và, tôi cũng không bao giờ quên những kỷ niệm mà khán giả dành cho tôi. Thời của chúng tôi là thời bao cấp, mọi người sống giản dị. Tôi chưa gặp phải cạm bẫy nào trong cuộc sống nên cũng không biết mình có khả năng tránh và đề phòng không”.

- Thường thì những người đàn bà nổi tiếng luôn đem về cho chính mình và cho gia đình sự chòng chành, bấp bênh…chí ít cũng là thiếu thời gian chăm sóc cái tổ ấm của mình. Trong suốt thời gian nổi tiếng, chị đã chia sẻ thời gian như thế nào cho nghệ thuật điện ảnh, cho tình yêu gia đình?

+ Khi còn trẻ, việc nhận vai diễn trong phim, rồi đi quay ngoại cảnh, có khi phải xa Hà Nội vài tháng, ao ước lúc đó của tôi khi về tới Hà Nội là đi ăn kem, uống một cốc cà phê đá là thấy sung sướng lắm rồi. Nhưng khi có gia đình, rồi sinh con, việc xa gia đình, xa con là một sự đau đớn, chỉ mong sao các cảnh quay không bị hỏng, bộ phận in tráng ở nhà không làm xước, hỏng bản nháp để không phải đi đóng lại, để mau chóng được về sống dưới mái ấm gia đình, được ôm con, chăm sóc con...

Tôi nhớ lần đầu xa con là khi Bích Trà được 3 tháng tuổi, tôi được cử đi dự Liên hoan phim Moskva năm 1973 với phim "Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm". Tôi định không đi nhưng ba tôi và anh Bích Ngọc động viên:  Không phải dự Liên hoan phim là đi chơi, mà đi để nói về nhân vật của mình, về đất nước mình, về phim của mình... Rồi những lần đi làm phim "Ngày lễ Thánh", "Mối tình đầu" tôi phải gửi con về nhà ông bà ngoại... Tôi phải ra đi trong nước mắt. Kể cả những lúc ấy, nghe tiếng trẻ con khóc tôi có cảm giác như tiếng khóc của con mình. Song, nghề nghiệp đòi hỏi mình phải có sự hy sinh ấy. Tôi nghĩ sau này, lớn lên con cũng hiểu thôi…Nghệ sĩ chắc ai cũng thế cả, tôi cũng như nhiều nữ diễn viên khác, nhiều người phụ nữ khác đã phấn đấu cho công việc của mình và không quên nhiệm vụ làm mẹ…

- Sắc đẹp và sự nổi tiếng vừa có sức mạnh quyến rũ vừa có điểm yếu là bị cám dỗ và rất dễ xảy ra đổ vỡ hôn nhân nhưng với Trà Giang điều đó đã không xảy ra. Nhiều người lý giải rằng có lẽ bởi ngoài việc ý thức về vị trí "người của công chúng", chị còn say mê và ngưỡng mộ nghệ sĩ violon Bích Ngọc - chồng chị. Trong câu chuyện với mọi người chị thường nhắc đến anh.

+ Bích Ngọc là người rất hiểu tôi, tạo điều kiện cho tôi tiến bộ. Nay dù đã đi xa anh vẫn còn giúp tôi, phù hộ cho tôi, chắc là anh đã phù hộ nhiều lắm, để vợ con anh như ngày hôm nay... Tôi biết ơn anh và tôi cũng biết ơn con tôi, Bích Trà là động lực để tôi sống tiếp…

- Không ít nghệ sĩ sau khi rời sân khấu, phim trường... đã rơi vào khủng hoảng tinh thần, còn đối với NSND Trà Giang thì sao?

+ Năm 1990, vợ chồng tôi quyết định vào sống trong TP Hồ Chí Minh để được gần cha mẹ, anh em sau khi Bích Trà đi học ở Nga được gần 3 năm. Đó là quyết định khó khăn của chúng tôi sau 35 năm sống ở miền Bắc, sống ở Hà Nội. Tôi nhớ khi đó, Hãng Phim truyện Việt Nam định làm một tiệc chia tay, tôi đã từ chối với ý nghĩ tôi không chia tay với hãng phim, cũng như sẽ không chia tay với Hà Nội. Tôi coi như mình chỉ đi làm phim xa như bao lần đã từng đi xa khác rồi sẽ lại về. Trên thực tế từ năm ấy tôi đã không còn đóng phim truyện nhựa nữa.

Năm ấy tôi mới 48 tuổi... Tôi không nghĩ rằng mình lại dừng đóng phim vào tuổi ấy. Tôi cũng hụt hẫng trong mỗi ngày đi làm công việc theo giờ hành chính tại Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam. Thời gian này tôi cũng từ chối nhiều lời mời đi làm phim vì cảm thấy những nhân vật ấy không thích hợp với tư duy nghệ thuật của mình... Rồi cơ may lại đến với tôi khi tôi tìm thấy niềm đam mê với hội họa, y như lúc tôi 17 tuổi bước vào môi trường điện ảnh vậy. Tiếng nói của người diễn viên là hình tượng nhân vật mà người diễn viên ấy thể hiện. Tôi không đóng phim, không có vai của chính mình khác nào không còn tiếng nói, khác nào không còn sự sống, khác nào không tồn tại...

- Chị nói như được hồi sinh khi tiếp xúc với mầu sắc. Với nghệ sĩ, tình yêu và niềm đam mê thường thúc đẩy sáng tạo?

+ Tôi đến với hội họa lúc đầu chỉ là sự tình cờ, chỉ để giết thời gian. Anh Bích Ngọc mất, với tôi là sự trống vắng khủng khiếp. Nhưng đam mê tình yêu nghệ thuật khiến tôi dường như sống lại. Với hội họa tôi bắt đầu cuộc sống mới, cho chính mình, cho những người thân, cho những người đã từng yêu mến mình và cho Bích Trà đang ở xa xôi.

- Là người liên tiếp 7 lần tham gia Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, dáng người mảnh mai, giọng nói dịu dàng, ăn mặc lịch thiệp, tác phong nhanh nhẹn, chị vẫn là hình ảnh, là tấm gương cho nhiều phụ nữ noi theo. Vậy hàng ngày thời gian biểu của chị như thế nào? Và để giữ được sức khỏe và nhan sắc như hiện nay, chị có bí quyết gì?

+ Những ngày tháng 11 vừa qua tôi và các bạn trong nhóm vẽ đã làm được một việc, tự cảm thấy hạnh phúc - đó là tham gia một triển lãm từ thiện để giúp cho sinh viên nghèo hiếu học của tỉnh Quảng Ngãi - do Hội đồng hương Quảng Ngãi tổ chức. Tuy giúp chưa được nhiều nhưng nhờ có tranh mà tôi đã tham gia thường xuyên nhiều cuộc triển lãm từ thiện. Trước đây, tôi không coi trọng rèn luyện sức khoẻ. Từ khi ngồi trước giá vẽ mỗi ngày 1 giờ tôi lại chăm chỉ tập thể dục. Có sức khoẻ mới có thể làm việc nhiều hơn cho nghệ thuật. Có sức khoẻ, tôi nhìn cuộc sống vui hơn, đẹp hơn và sống chân thành hơn với mọi người. 

Thập niên đầu của thế kỷ XXI đã đi qua, vậy mà thời gian vẫn lùi lại trước ý chí của một người phụ nữ. Và sắc đẹp của chị vẫn còn được nhắc đến trên những ống kính máy quay, trên màn ảnh nhỏ và trong lòng công chúng. Xin cảm ơn NSND Trà Giang về cuộc trò chuyện này

Trần Thị Trường (thực hiện)
.
.