NSND Quốc Hương: Với những bản "Tình ca" cháy bỏng
- NSND Năm Châu: Kỳ nhân sông Tiền
- NSND Trần Hạnh: “Người tốt của màn ảnh Việt”
- NSND Ngọc Bích: Với những vũ điệu hùng ca
Lớn lên tiếng hát Quốc Hương đã thu hút bao cô gái khắp vùng. Nhưng rồi số phận run rủi, bất ngờ chàng trai ấy rời quê lang bạt giang hồ vào Nam khi mới 17 tuổi (1937).
Khởi nghiệp từ bài ca "Tiểu đoàn 307"
Quốc Hương lận đận mưu sinh với hai bàn tay trắng trên mọi nẻo đường xa. Tài sản duy nhất mà anh mang theo là giọng hát đầy nhiệt huyết. Anh làm thuê đủ nghề và lăn lộn trên mọi nẻo đường gian khó. Thú vị nhất là khi lênh đênh trên con tàu đi về phương Nam, công việc của thủy thủ thật hiểm nguy trước sóng gió bão tố. Quốc Hương đã cất tiếng hát để an ủi vỗ về những nỗi niềm tha hương lạnh lùng.
Chàng ca sĩ "Trương Chi" chỉ biết hát để xóa tan đi nỗi cô đơn vô vọng trên biển xanh. Thế rồi con tàu thời gian đã cập bến cảng Sài Gòn. Quốc Hương lên bờ với bao ước nguyện no đủ trong công việc làm ăn.
Đó là những ngày bươn chải trên xứ sở đầy lính Pháp đô hộ và đánh đập con người. Quốc Hương làm phu khuân vác ở nhà ga. Tại đây anh chứng kiến những tội ác thực dân diễn ra hằng ngày. Mối hờn căm chất đầy, dòng người cần lao cuốn Quốc Hương nhập vào những cuộc đấu tranh đổ máu.
NSND Quốc Hương. |
Bất ngờ một đêm đuốc cháy tràn ngập khắp nơi, Quốc Hương đã đứng trước thềm một rạp hát cất lên lời ca "Tiếng gọi thanh niên" (Lưu Hữu Phước). Tiếng hát của anh như thắp lên một ngọn lửa nung nấu ý chí chiến đấu mãnh liệt trước thời điểm Cách mạng Tháng Tám (1945). Từ đó Quốc Hương tham gia Ban Tuyên truyền Sài Gòn - Chợ Lớn và trở thành một ca sĩ chuyện nghiệp thực sự.
Và năm sau khi có lệnh Toàn quốc kháng chiến (1946), Quốc Hương đã cầm súng chiến đấu. Vừa là một Tiểu đội trưởng, Quốc Hương vừa cất tiếng hát khích lệ tinh thần các chiến sĩ "Vệ quốc".
Tại chiến trường giọng hát Quốc Hương luôn bay xa với bản hùng ca "Tiểu đoàn 307" rực lửa. Đây là ca khúc sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ thơ Nguyễn Bính (1950). Quốc Hương đã được trao nhiệm vụ hát đầu tiên phục vụ trên các tuyến đầu mặt trận.
Với vốn âm nhạc tinh thông từ khi còn trẻ, Quốc Hương bắt đầu sáng tác ca khúc cách mạng để cho mình hát. Mỗi khi có sự kiện chiến trường anh đều sáng tác kịp thời. Tiếng hát Quốc Hương cùng đồng đội ngân vang trên các mặt trận. Đó là những ca khúc: "Du kích Long Phú", "Đoàn người đi tòng quân", "Cô gái Vĩnh Hanh" và "Tầm vu" (đồng tác giả với Đắc Nhẫn).
Trong giai đoạn này Quốc Hương đã lấy vợ sinh con trai đầu lòng vào năm 1953. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó Quốc Hương được lệnh tập kết ra Bắc (1954) để đào tạo nâng cao trình độ âm nhạc. Ngỡ đâu chỉ vài năm sẽ trở về nhưng không ngờ cuộc chiến đấu của dân tộc phải kéo dài. Anh được Nhà nước cho đi học tại nhạc viện Budapest (Hungary-1956).
Giọng hát của những ca khúc đỉnh cao
Đặc biệt cùng với ca khúc "Tiểu đoàn 307", nghệ sĩ Quốc Hương còn nổi tiếng với bản "Tình ca" của Hoàng Việt (sáng tác 1957). Nhiều người cho rằng anh sinh ra để hát ca khúc này. Giai điệu trữ tình tràn đầy lãng mạn và khát vọng, giọng hát Quốc Hương như có lửa thắp sáng câu chuyện tình yêu và hạnh phúc bất tử luôn được nảy mầm từ suối nguồn cách mạng dân tộc.
Ca khúc này được trình bày cùng thời qua các giọng hát như Trần Khánh, Trung Kiên, Kiều Hưng nhưng Quốc Hương được đánh giá "Cháy" hơn cả. Bởi lẽ Hoàng Việt hoạt động cách mạng ở miền Nam cùng Quốc Hương. Trải nghiệm qua cuộc chiến đấu trực tiếp Quốc Hương ngấm nỗi chia ly trong khói lửa. Qua âm thanh nồng nàn của anh thắp sáng niềm tin chiến thắng và hy vọng ngày trở về trong hạnh phúc tràn trề.
Tình ca của Quốc Hương còn thấm những giọt nước mắt của sự chia tay nhưng vẫn hẹn ngày trở về: "Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa. Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu. Đập tan ngay bao nhiêu đau khổ và chia ly. Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời. Làm một bản tình ca của đôi lứa ta, dâng cả bao đời…".
Hơn hai mươi năm biểu diễn, giọng hát Quốc Hương càng nổi bật với màu sắc riêng biệt. Đặc biệt anh còn là một động lực quan trọng khi "đặt hàng" cho nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác ca khúc về Bác Hồ. Đó chính là bài "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó".
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã từng kể, vào cuối năm 1958 nghệ sĩ Quốc Hương khích lệ anh viết ca khúc đón mừng nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Bác Hồ (năm 1960). Khi ấy nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mới ở độ tuổi ngoài 20 nên rất lo lắng khi nhận lời. Sau những ngày đêm suy tư và nghiềm ngẫm bản trường ca "Việt Bắc" của Tố Hữu dần dần hình tượng âm nhạc đã hình thành. Những câu nhạc đầu tiên đã trào dâng trong niềm cảm xúc dào dạt.
Ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" đã ra đời trong niềm hứng khởi khó tả. Không ai khác chính nghệ sĩ Quốc Hương là người hát đầu tiên (19-5-1959) tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó hàng loạt ca sĩ đã đón nhận bài hát và trình diễn liên tục trên khắp trung tâm ca nhạc những năm tiếp theo.
Đáng chú ý sau đó bài hát này đã được các nữ ca sĩ nổi tiếng trình bày như: Bích Liên, Thanh Huyền, Tuyết Thanh, Lê Dung… Sau này nhiều nữ ca sĩ trẻ cũng chọn "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" để thể hiện tài năng của mình.
NSND Quốc Hương biểu diễn trước các chiến sĩ phòng không thời chiến. |
Hàng loạt ca khúc cách mạng gắn liền với thương hiệu "Quốc Hương" sau này như: "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người", "Hà Tây quê lụa", "Những ánh sao đêm"; Hoặc còn đó những: "Bài ca Trường Sơn", "Bình Trị Thiên khói lửa", "Nhạc rừng"; hay là: "Đất quê ta mênh mông", "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn", "Trên đường ta đi tới"…
Quốc Hương còn là một trong số ít ca sĩ biểu diễn bài hát nước ngoài rất thành công. Sau khi đi học ở nước ngoài về, kỹ thuật thanh nhạc của anh rất hiện đại với những khoảng cộng minh ngân vang và bay xa.
Đặc biệt Quốc Hương để lại ấn tượng rất sâu đậm với khán giả qua chùm bài "Trở về mái nhà xưa" (Torna a Surriento). "Khúc hát nàng Solveig" (Solveig's song), "Mặt trời của tôi" (O Sole Mio) và "Tình ca du mục" (Le Temps Des Fleurs). Hàng chục bài hát nổi tiếng gắn bó với Quốc Hương suốt hơn 20 năm cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất ngày 30-4-1975. Sau đó anh trở về miền Nam.
Bản "Tình ca" hạnh phúc
Ai cũng rõ chuyến tập kết ra Bắc của Quốc Hương (1954) kèm theo là một cuộc chia ly với người vợ trẻ cùng con nhỏ. Cuộc chia ly kéo dài dẫn tới việc người vợ đã cưới người chồng khác. Hay tin vợ lấy chồng, ở miền Bắc, nghệ sĩ Quốc Hương cũng kết hôn với nghệ sĩ điện ảnh Lịch Du.
Đó là những ngày tháng hạnh phúc của cặp đôi trai tài gái sắc này với một con gái. Nhưng rồi lịch sử đã thay đổi. Khi miền Nam giải phóng, Quốc Hương có nguyện vọng trở về dồn hết tâm sức cho sự nghiệp âm nhạc. Nghệ sĩ Lịch Du cũng đã thuận tình chia tay anh trong sự lưu luyến khôn cùng.
Khi ấy Quốc Hương đã tròn 55 tuổi, nguyện một lòng tập trung hoạt động âm nhạc. Vừa đi biểu diễn vừa làm công tác đào tạo thế hệ ca sĩ mới. Nhưng rồi một cuộc tình sét đánh từ một nữ cán bộ Đoàn trẻ đã làm lay động tâm hồn anh.
Thu An từng nghe Quốc Hương hát bản "Tình ca" qua đài phát thanh, chị đã rớm lệ và luôn ước vọng gặp anh. Thế rồi tình cờ nghệ sĩ Quốc Hương xuống quận Bình Thạnh biểu diễn. Khi ấy Thu An đang làm Phó Bí thư Quận đoàn. Chị yêu cầu Quốc Hương hát bản "Tình ca".
Những ký ức quá vãng hiện về làm anh thể hiện thật đắm say. Trước mắt anh, một Thu An đã từng bị giặc Mỹ bắt cầm tù ở Côn Đảo khi mới 16 tuổi. Một cuộc gặp gỡ thiêng liêng giữa hai chiến sĩ tạo nên mối giao cảm thần kỳ. Thu An bật khóc trong nỗi xúc động dâng trào.
Mối tình một già một trẻ nảy sinh. Họ tổ chức lễ cưới năm 1978. Nhưng rồi 9 năm sau nghệ sĩ Quốc Hương mắc bệnh nan y. Kỷ niệm thân yêu còn lại chiếc đàn piano cùng cô con gái An Hương ở với mẹ. Nghệ sĩ Quốc Hương tạ thế năm 1987 và được Nhà nước phong danh hiệu NSND đợt đầu tiên (1984).