NSND Lương Đức: Thương cho dòng phim khoa học

Thứ Năm, 22/09/2011, 08:00
NSND Lương Đức nói rằng, ông tin vào số phận và với ông, điện ảnh đúng là "duyên nợ"...

NSND Lương Đức - nguyên Xưởng trưởng Xưởng phim Khoa học trung ương đã có gần 40 năm gắn bó với điện ảnh. Ông làm công việc quay phim, đạo diễn cho hơn 50 phim khoa học - tài liệu phục vụ cộng đồng với một số tác phẩm xuất sắc như: "Đất tổ nghìn xưa", "Vì âm thanh cuộc sống", "Học văn học vần", "Chớ coi thường"... Nhiều bộ phim do ông làm đạo diễn, quay phim đoạt được những giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. "Chàng thợ lái máy cày hụt" năm nào vẫn rất tươi vui, dí dỏm khi nhắc lại ước mơ đầu đời của mình.

Năm nay NSND Lương Đức đã ở tuổi 72, dáng người thấp, đậm và bước đi còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Những ngày qua, hình ảnh người đạo diễn già trong bộ quần áo giản dị bạc màu dắt chiếc xe đạp lọc cọc đi xin chữ ký của các đồng nghiệp trẻ hơn mình để cùng lên tiếng về vụ việc "Cục điện ảnh mất 42 tỉ đồng" đã gây ấn tượng với nhiều người. Đó là một "câu chuyện buồn" bao gồm cả niềm nuối tiếc của giới điện ảnh Việt về một thời huy hoàng đã qua và "mảnh vườn hoang vắng" hôm nay.  Đôi khi tôi cứ lan man nghĩ, nếu không có chuyện  NSND Lương Đức lọc cọc đi gõ cửa nhiều nơi để "kêu than" về vụ việc "Cục Điện ảnh mất 42 tỉ đồng" đang có nguy cơ... chìm xuồng, để sau đó báo chí và công luận đồng loạt lên tiếng một cách đầy bức xúc, thì có lẽ mọi việc ở đó vẫn cứ y nguyên, như… không có chuyện gì xảy ra.

NSND Lương Đức tâm sự rằng, sở dĩ ông phải làm như vậy bởi ông không thể im lặng hơn được nữa, bởi vì lòng tự trọng của một người nghệ sĩ đã dành trọn cuộc đời mình dấn thân cho điện ảnh đã không cho phép ông dửng dưng nhìn "ngôi nhà nghệ thuật" mình từng gắn bó ngày một tan hoang mà không có một ai đứng ra nhận trách nhiệm. Cho đến hôm nay, nói lại chuyện này, ông chỉ nói được một từ rất ngắn: "Buồn!". Giọng nói của ông vẫn nguyên chất giọng Hoằng Hóa - Thanh Hóa, cứ đơ đớ nhưng sao nghe nó buồn đến vậy. Tôi có cảm nhận ông đang nói về một nỗi đau mà chính bản thân mình đã phải chịu đựng... Ông mong muốn, sau sự việc đau lòng này, điện ảnh Việt Nam có thể tìm được một gương mặt mới, có một cuộc "lột xác" để tìm lại chính mình và chỗ đứng của mình trong lòng khán giả. Dẫu rằng ngày đó với điện ảnh Việt Nam, có lẽ vẫn còn xa thăm thẳm...

Câu chuyện của tôi và NSND Lương Đức bắt đầu bằng một câu chuyện không vui như thế, nên cả chủ và khách đều mang tâm trạng buồn. Để thay đổi không khí, tôi nhắc lại một kỷ niệm vui về NSND Lương Đức mà tôi đã nghe được ở đâu đó: Ấy là chuyện khi được tuyển lựa đi học tại Việt Nam học xá ở Trung Quốc, ông đã ghi nguyện vọng là được đi học làm "Thợ lái máy cày". Bởi vào những năm 60 của thế kỷ trước, hình ảnh anh thợ lái máy cày trên những nông trường, cánh đồng làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp của một đất nước sao mà đẹp thế. Và lúc đó, chàng thanh niên Nguyễn Lương Đức cũng có ước mơ giản dị mà đẹp, đó là trở thành một anh công nhân trở về phục vụ quê nhà.

Nhắc lại chuyện này, NSND Lương Đức cười rất tươi và giọng nói lại hồ hởi như được trẻ lại. Ông bảo rằng: "Nếu ước mơ đó trở thành hiện thực, trở thành một thợ lái máy cày thì tôi cũng sẽ vẫn yêu và làm tốt công việc của mình thôi. Có điều, điện ảnh cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị hơn, hấp dẫn hơn nhiều. Nhưng tôi cho rằng, mỗi con người đều có số phận. Và có lẽ, điện ảnh là duyên phận của tôi...".

Cảnh quay trong phim "Đường qua Tây Nguyên" - năm 1991.

NSND Lương Đức tâm sự rằng, là con nhà nông, từ nhỏ sinh ra đã gắn bó với ruộng đồng, tôm cá, cây lúa củ khoai..., nên sau này đi làm phim, ông luôn chú ý đến các đề tài nông nghiệp, nông thôn. Theo ông, đất nước ta là một đất nước nông nghiệp, nông dân chiếm đa số, lại sống, canh tác chủ yếu dựa trên kinh nghiệm chứ chưa có được những kiến thức đầy đủ và khoa học trong sinh hoạt, sản xuất. Vì thế, sau khi từ nước Đức xa xôi tốt nghiệp trở về, với những trang thiết bị hết sức thô sơ, NSND Lương Đức bắt đầu với niềm đam mê làm phim khoa học. Ông thực lòng muốn thông qua các tác phẩm phim khoa học của mình để trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về nông nghiệp như "Cá mè đẻ nhân tạo", "Cá trôi Ấn", "Bệnh đạo ôn hại lúa", "Chú ý thuốc trừ sâu", "Tuổi thơ trong lòng hợp tác"... Những bộ phim này được chiếu đi chiếu lại ở nhiều nơi, được bà con nông dân vô cùng thích thú bởi nó gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hành.

Đạo diễn kiêm quay phim Lương Đức qua mỗi bộ phim đều thể hiện mong muốn dựa trên những chất liệu khoa học thường thức vốn được xem là cụ thể, công thức, chính xác, khô khan để nâng lên thành nghệ thuật. Bởi vậy, thật công bằng với NSND Lương Đức khi nhận định rằng ông là người "làm mềm hóa phim khoa học Việt Nam". Về sau này, các lĩnh vực, đề tài được NSND Lương Đức mở rộng hơn: Ông tiếp cận với các đề tài khoa học xã hội có tính ứng dụng cao như "Cảnh báo tai nạn giao thông", "Chớ coi thường", "Bệnh hóc đường thở"... Có thể nói, NSND Lương Đức là người tạo ra bước ngoặt cho điện ảnh khoa học Việt Nam thoát khỏi cách làm phim khoa học một cách khô khan, giáo điều để xây dựng những bộ phim đầy kiến thức khoa học, đẫm hơi thở cuộc sống mà vẫn có độ thăng hoa và có cả sự hài hước, châm biếm khi cần.

Không những thế, nhiều bộ phim của NSND Lương Đức còn góp phần giới thiệu cho bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam kiên cường trong chiến tranh như: "Ngư dân Vĩnh Mốc", "Phụ nữ ba đảm đang", "Tây Hồ", "Phi công mặc áo ngủ"...  Sau ngày thống nhất đất nước, NSND Lương Đức cộng tác với một số hãng phim nước ngoài làm 7 bộ phim tài liệu về Việt Nam và 3 bộ phim về nước bạn Campuchia như: "Thành đồng Tổ quốc", "Tôi thật lòng hối hận", "Chiến dịch Phượng Hoàng", "Mỹ Lai", "Hạt gạo đầu tiên", "Đồng khởi", "Vào cửa không mất tiền", "Campuchia chết và hồi sinh", "Ankar", "Pônpốt là ai". Những bộ phim này đều là những đóng góp quan trọng cho thế giới phương Tây hiểu về Việt Nam thời bấy giờ, về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam cũng như việc Việt Nam cứu Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng trong khi cả phương Tây lúc ấy đang tuyên truyền, bôi nhọ và thực hiện cấm vận đối với Việt Nam.

Để làm được những bộ phim như thế, nghệ sĩ Lương Đức phải nhiều lần vào sinh ra tử ở chiến trường khu 4, có những lần lần suýt chết hụt ở trọng điểm đánh phá là cầu Hàm Rồng khi mạo hiểm đi quay. Trong những năm tháng Mỹ đánh phá Hà Nội cũng vậy, NSND Lương Đức không ngại ngần đến những nơi khói bom còn mù mịt để quay cho được những thước phim quý giá. Ông tâm sự: "Những lúc ấy cứ mê mải, không còn biết đến nguy hiểm là gì. Chỉ nghĩ rằng, những thời khắc như thế qua đi, sẽ khó lòng ghi lại được nên cứ vác máy xông lên thôi...".

Năm tháng qua nhanh, chàng "thợ lái máy cày hụt" năm nào đã nghỉ hưu với gia tài là hơn 50 bộ phim khoa học - tài liệu, hơn chục giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có giải Bông Sen Vàng cho phim khoa học nghệ thuật nhựa "Đất Tổ nghìn xưa" và "Chú ý thuốc trừ sâu" - hai bộ phim khoa học nổi tiếng của đạo diễn Lương Đức. Tận tụy, chăm chỉ, không ngại khó, không ngại khổ, không ngại dấn thân, NSND Lương Đức đã có được những phần thưởng đáng mơ ước đối với bất kỳ người làm nghệ thuật nào. Ông nói rằng, mình đã một lòng một dạ với nghề suốt mấy chục năm và nghề cũng chẳng phụ ông, nhưng đến nay ngoảnh lại sau lưng thấy đội ngũ kế cận thưa vắng, không được đào tạo bài bản, lại chỉ say làm phim tài liệu, phim truyền hình, nhiều lúc ông cảm thấy chạnh lòng thương cho dòng phim khoa học ở Việt Nam đã không được quan tâm, đánh giá đúng mức.

Tuổi đã cao, nhưng NSND Lương Đức vẫn tham gia làm phim đều, vẫn giữ được niềm đam mê với phim khoa học như thuở nào, vẫn xông xáo đến mức nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi phải ngạc nhiên. Ông vẫn ao ước đến một ngày nào đó, dòng phim khoa học của Việt Nam được quan tâm phát triển hơn nữa để công chúng có điều kiện tiếp cận với những bộ phim gần gũi đời sống, đất nước, con người Việt Nam chứ không chỉ được xem những bộ phim khoa học của thế giới. Nhưng trong bối cảnh đáng buồn của điện ảnh Việt Nam hôm nay, ông buồn rầu thổ lộ: "Có lẽ, mơ ước ấy mãi chỉ là ước mơ mà thôi..."

Hà Anh
.
.