NSND Lệ Thi – Viên ngọc quý của nghệ thuật bài chòi

Thứ Sáu, 18/05/2018, 08:00
Hội hô Bài Chòi là trò diễn xướng dân gian đầy sáng tạo được lưu truyền từ rất xa xưa của cư dân các tỉnh duyên hải từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Bên cạnh những giá trị về văn hóa, nghệ thuật thì hát (hô) Bài Chòi còn mang nội dung đậm tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, nhân cách làm người...


Để trở thành di sản phi vật thể của nhân loại (7/12/2017), nghệ thuật Bài Chòi được các nghệ nhân dân gian, các thế hệ nghệ sĩ và quần chúng nhân dân tâm huyết giữ gìn, lưu truyền sáng tạo không ngừng. Một trong những nghệ sỹ dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật Bài Chòi miền Trung, đó là NSND Lệ Thi - nguyên Phó trưởng Đoàn Dân ca kịch Thuận Hải (cũ).

Điệu ca của Bài Chòi luôn theo thể thơ lục bát. Sân khấu Bài Chòi, sân khấu Cải lương, sân khấu Hát bộ cổ truyền có nhiều nét giống nhau nhưng cũng khá nhiều đặc trưng khác biệt.

Bài Chòi cổ ra đời từ dân gian, nên rất mộc mạc, nôm na. Sau này, cả hình thức, nội dung đều thay đổi, nghệ nhân lập đoàn hát, gánh hát có bầu sô, kép đào, ban nhạc, soạn tuồng tích để lưu diễn. Bài Chòi từ lúc này vượt qua phạm vi những sân đình, chòi hát thôn quê mà trở thành một bộ môn nghệ thuật. Trong thời chống Mỹ, vùng Tam Giác Sắt, chiến khu Lê Hồng Phong (tỉnh Bình Thuận) nay thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, có những Bài Chòi ứng tác hầu hết mọi người đều thuộc như:

…Sáng ngày mười sáu tháng ba
Trong lúc địch bắt khảo tra đồng bào
Thổ Thêm lủi thủi kéo vào
Quân ta nổ súng đánh nhào Thổ Thêm
Đội hình ta đánh gọng kìm
Chỉ hơn hai tiếng Thổ Thêm chạy dài…

(*Thổ Thêm là một chỉ huy lính địa phương quân Việt Nam Cộng hòa, rất khét tiếng ở vùng này).

Bài Chòi trở thành một công cụ đắc lực và nhanh nhất để loan tin chiến thắng, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân, dân kháng chiến vùng Khu V cũ. Bài Chòi còn mang nặng tình cảm, có thể là tình yêu đôi lứa, cũng có thể là một nỗi buồn thân phận…

Vở tuồng “Thoại Khanh - Châu Tuấn” do Đoàn Dân ca Liên khu 5 trình diễn.

Cho dù ở góc độ nào thì câu hát, ca từ cũng rất dễ nhớ, thấm đẫm lòng người. "Ai đưa em tới nơi này/ Bên kia Tà Cú, bên này Tà Zôn" hay "Xóm này có đứa lấy trai/ Cho nên trời hạn, nắng hoài không mưa"… Một người hô lên, thêm một người chắp nối thêm câu, cứ thế mà thành cả một bài dài.

Cuối năm 1954, các nghệ nhân miền Trung tập kết tại miền Bắc đã mang theo Bài Chòi của quê hương xứ sở. NSND Lệ Thi là một trong những người có công rất lớn cho sự phát triển sân khấu tuồng, Bài Chòi dân ca Liên khu 5 vượt ra khỏi ranh giới vùng miền.

Tên thật của bà là Vũ Thị Lệ Thu, sinh năm 1925 tại Chánh Lộ, Thị xã  Nghĩa Lộ, Quảng Ngãi. Bà lớn lên không chỉ mang sẵn trong mình dòng máu nghệ thuật ca hát, mà còn từ những nỗi buồn vui riêng của người mẹ - một đào hát nổi tiếng: Bà Nguyễn Thị Hạnh, nghệ danh Cô Ba Nam Bình, là con gái ruột nghệ nhân Nguyễn Như Bá, quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, gả bà làm thứ cho Tri phủ Quảng Ngãi. Một Tri phủ rất mê tuồng hát nên cuộc sống gia đình riêng cũng ưu ái nhiều hạnh phúc.

Ngày bà xuất giá theo chồng về xứ Quảng, rất nhiều trai làng và kép hát tuồng ngẩn ngơ, tiếc nuối. Năm Sáu Thi 17 tuổi, cô đã thừa hưởng tất cả tài năng, nét xinh đẹp của mẹ và nghề truyền thống nên mỗi bước lên sân đình diễn tuồng của gánh Ý Hiệp Ban là ngàn ánh mắt nhìn theo với những tràng vỗ tay tán thưởng vang rền.

Chẳng mấy chốc, tên tuổi đào Lệ Thi được mọi người mến mộ với các vai diễn: Loan Dung (vở Phụng Nghi Đình), Đào Tam Xuân (vở trảm Trịnh Ân), Nguyệt Tiên (Đào Phi Phụng), Nguyệt Cô (Tiết Giao đoạt ngọc), Trại ba (Địch Thanh li hôn), Phụng Cô (vở Tam nữ đồ vương)...

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Lệ Thi gia nhập đoàn kịch Nam Tiến của Ủy ban Kháng chiến miền Nam. Trong đoàn kịch Quảng Ngãi, bà thủ diễn các vai chính như Phượng Cơ (Lòng già yêu nước), Trưng Trắc (Trưng Trắc, Trưng Nhị) và đặc biệt nổi danh trong vai diễn Chị Ngộ trong vở tuồng cùng tên của soạn giả - NSƯT Nguyễn Tường Nhẫn - là chồng của bà sau này.

Năm 1954, bà lên đường tập kết ra Bắc, mang theo bao nhiêu nỗi niềm, hoài vọng của sân khấu tuồng miền Trung. Đoàn Văn công Liên khu 5 ra đời, Lệ Thi là một trong những diễn viên đầu tiên của Đoàn tại miền Bắc. Thời gian này, bà cùng các nghệ sĩ, soạn giả Ngô Quang Thắng, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Kiểm, Nguyễn Tường Nhẫn, Đinh Thái Sơn… xây dựng một thể loại kịch mới đặc thù miền Trung là kịch hát Bài Chòi. 

Vai diễn đầu tiên của bà trên sân khấu kịch mới là vai Thoại Khanh trong vở tuồng "Thoại Khanh Châu Tuấn" của soạn giả Nguyễn Tường Nhẫn đã thành công ngoài mong đợi. Vở diễn đánh dấu sự ra đời của kịch hát Bài Chòi đặc trưng Nam Trung bộ, với chất liệu từ hô Bài Chòi dân gian kết hợp với dân ca Liên khu 5.

Để phục vụ cho nhiệm vụ mới, Đoàn Văn công Liên khu 5 tách ra thành 2 Đoàn Tuồng và Đoàn Dân ca kịch. Lệ Thi làm Phó Đoàn dân ca kịch Liên khu 5, đoạt luôn giải nghệ sỹ xuất sắc trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1958 với vai Thoại Khanh. Đợt này còn có các nghệ sĩ đoạt giải xuất sắc các thể loại sân khấu như: Tuồng: Nguyễn Nho Túy; Chèo: Chu Văn Thức; Cải lương: Tám Danh; Kịch nói: Đào Mộng Long; Dân ca kịch: Lệ Thi.

Như rồng gặp mây, như cá gặp nước, Lệ Thi thỏa sức vẫy vùng trên sân khấu dân ca, Bài Chòi mang đậm nét văn hóa quê hương với nhiều thành công. Thời đó, cặp bài trùng đào diễn Lệ Thi và soạn giả Tường Nhẫn như đang trên đỉnh thăng hoa nghệ thuật với các vai Kiều, trong kịch bản Kiều - Từ Hải, thành công xuất sắc trong vai thiếu nữ dân tộc Ra Đê trong vở "Tiếng sấm Tây Nguyên"…

Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khen ngợi: "Như cây đinh cắm chặt xuống sàn gỗ. Đây cũng là vở diễn thành công nhất của Đoàn Dân ca kịch Liên khu 5 với một bộ Huy chương Vàng các khâu từ đạo diễn, diễn viên, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật…Trong đó có sự đóng góp vô cùng lớn của NSND Lệ Thi".

Trong những năm 1970, bà vừa tham gia biểu diễn, vừa sưu tầm, chỉnh lý nghệ thuật, đào tạo, giảng dạy nhiều thế hệ diễn viên sân khấu hát Bài Chòi… Ngoài những làn điệu cũ, bà đã sáng tạo ra các điệu hát mới bổ sung cho hát Bài Chòi như Chiêu quân, Dâng tướng quân, Cam phận, Hoàng hôn...Sân khấu dân ca kịch đã thêm nhiều màu sắc mới khiến người xem mê mẩn không thua kém gì sân khấu cải lương Nam bộ.

Người viết bài này cũng đã từng là một tín đồ say mê dân ca kịch Bài Chòi Liên khu 5 của đoàn Dân ca kịch Thuận Hải do NSND Lệ Thi làm Phó đoàn và đào chính biểu diễn những năm đầu giải phóng tại đất Bình Thuận. Những tuồng tích, vai diễn như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Thạch Sanh - Lý Thông, Chuyện nàng Si Ta, Vượt Chư Lây, Trên đỉnh Phìn Hồ, Bác Ái, Bông trắng…là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung lúc bấy giờ, đặc biệt là người dân Bình Thuận. 

Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu NSND đợt đầu tiên. Các con của bà như Kỳ Ngộ, Tường Vân cũng tiếp nối cha mẹ làm diễn viên Đoàn Dân ca kịch Bình Thuận và con gái Hạnh Nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, sân khấu dân ca kịch, múa, tuồng hầu hết lâm vào khó khăn, lay lắt. NSƯT Tường Nhẫn có thời phải làm thêm một cuốn tạp chí của địa phương để duy trì niềm vui trong tuổi già.

Tình cờ, tôi đã gặp Tường Vân - cô diễn viên xinh đẹp, hát hay, múa giỏi năm nào - giờ trở thành bà chủ một cơ sở cung cấp vật liệu trang trí nội thất cao cấp trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10, đối diện nhà thi đấu Phú Thọ. Nhắc chuyện xưa, Tường Vân cười buồn: "Cuộc sống quá khó khăn, Vân theo chồng về TP sống và kinh doanh…Nhớ sân khấu, nhưng biết làm sao được".

Năm tháng trôi qua với rất nhiều đổi thay, phát triển về mọi mặt đời sống tinh thần, vật chất. Nhưng người dân Nam Trung bộ vẫn hô Bài Chòi, sân khấu Dân ca kịch Liên khu 5 vẫn còn mãi trong lòng người, vẫn cố gắng tìm những hướng đi mới và duy trì, giữ gìn truyền thống… Và những lúc đó, người ta lại nhớ đến cặp tên tuổi giai nhân - tài tử trên sân khấu dân gian một thời lừng danh đất Thuận Hải: Lệ Thi - Nguyễn Tường Nhẫn.

Nam Yên
.
.