NSND Hòa Bình: Hát Bội như là máu thịt

Thứ Năm, 08/06/2017, 11:44
Cả đời cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật hát bội (hay còn gọi là tuồng), đến nay NSND Hòa Bình (ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn đang hằng ngày truyền lửa nghề cho thế hệ trẻ. Mỗi khi nhắc về nghề, ngọn lửa đam mê trong chị lại rực cháy...


1. Tên thật của chị là Nguyễn Thị Hòa Bình, sinh năm 1954. Ngày chị chào đời cũng là ngày ký Hiệp định Gereva. Cái tên Hòa Bình của chị từ đó mà ra. Trải qua gần 50 năm tuổi nghề, chị được giới chuyên môn đánh giá là "tài sắc vẹn toàn", xếp vào hàng tinh hoa gạo cội trong nghệ thuật hát bội.

Gốc Huế, sinh ra ở Thanh Hóa, lớn lên ở Hà Nội, nói tiếng Bắc từ bé, nhưng thành danh ở đất võ trời văn Bình Định. Mẹ là nghệ sĩ đàn tranh nên từ bé, Hòa Bình đã được sống trong môi trường nghệ thuật. 13 tuổi, chị theo học tuồng tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Được đào tạo bài bản từ các nghệ sĩ bậc thầy như NSND Ngô Thị Liễu, NSND Nguyễn Nho Túy nên chị có căn nền vững chãi và lối diễn xuất sâu kín.

Sau năm 1975, chị trở về Bình Định. Thay các đào chính tiền bối như NSND Đàm Liên, NSƯT Kim Cúc trong Đoàn nghệ thuật tuồng liên khu V (tiền thân của nhà hát Tuồng Đào Tấn) chị bị vướng về khẩu âm. Giọng Bắc khi lên sàn diễn miền Trung không hợp gu thưởng thức, dễ bị tẩy chay. Nữ nghệ sĩ đã khổ luyện theo giọng "nẫu" (giọng đặc trưng của Bình Định, Phú Yên), học lời ăn tiếng nói của người dân "nẫu" bằng cả việc đọc, sửa chữ trong tiểu thuyết. Dần dần chị bắt đầu chinh phục được khán giả Bình Định qua nhiều vai diễn.

NSND Hòa Bình được xếp vào hàng gạo cội trong nghệ thuật hát bội.

Có lần về thị xã An Nhơn diễn trích đoạn "Liễu Nguyệt Tiêm thượng thành", khi đi ăn khuya, bà con cứ nhìn chị thắc mắc: "Hát giọng giống Liễu Nguyệt Tiêm, mà sao lại nói tiếng Bắc". Chị giải thích, bà con mới ậm ừ khen chị hát hay, diễn giỏi. Giờ đây, ngay cả khi trò chuyện bằng giọng Bắc đôi lúc chị vẫn bật ra những lời đặc sệt giọng Bình Định. Chị nói vui: "Bây giờ, giọng nẫu nó nhiễm vào máu "rầu" nên tui nói giọng Bắc cũng được mà giọng nẫu cũng được".

2. Trần Quốc Toản là vai diễn tốt nghiệp khi chị chập chững vào nghề. Khi ấy, chị 16 tuổi. Đêm diễn đó, chị còn kiêm vai bé Hoa trong "Sư già và em bé" nhưng vẫn thể hiện thành công ngoài mong đợi vai Trần Quốc Toản. Hai vai diễn, hai giới tính, hai tính cách; một bé gái hồn nhiên, một thiếu niên nhiệt huyết nhưng những cung bậc nội tâm của nhân vật đã được chị lột tả xuất thần làm khán giả vô cùng thích thú. Cũng từ ấy, cái tên Hòa Bình đã âm thầm neo vào lòng khán giả.

Nhắc đến tuồng Bình Định, người ta hay gọi chị là Kỷ Lan Anh, nhân vật trong vở "Hộ Sanh Đàn" của Đào Tấn. Đây cũng là vai chị cảm thấy tự hào nhất trong sự nghiệp diễn của mình. Kỷ Lan Anh là vai diễn lắt léo có bề sâu cảm xúc, NSND Hòa Bình vào vai diễn cứ tự nhiên như không, toát lên được khí chất của nhân vật, chinh phục hết thảy mọi khán giả.

Năm 2005, tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Nghệ An, chị diễn vai Sáu Bình - một bà cụ trong vở "Cội nguồn" của tác giả Lê Duy Hạnh. Để chuẩn bị vào vai diễn, hơn 2 tháng, mỗi chiều đều đặn, NSND Hòa Bình đều nhờ chồng mình chở ra biển, gặp các cụ già là chị sà vào bắt chuyện chỉ với một lý do duy nhất là học làm người già. Từng cử chỉ điệu bộ, lời ăn tiếng nói đều được chị quan sát lưu giữ. Vai diễn ấy, người mẹ đi tìm con sau trận thảm sát Bình An như hóa điên. Chị đã lột tả được thần thái ấy. Chịu học, chị đã khẳng định tài năng, sự chuyên nghiệp của mình.

Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định nhận xét: "NSND Hòa Bình có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật hát bội, phong cách đa dạng, có thể đảm nhiệm nhiều vai đào lẳng, đào bi, đào chiến… Đặc biệt, chị có chất giọng trời phú, ngọt, mướt, mùi, nhất là khi thể hiện các điệu hát khách, nam ai. Nhất thanh, nhị sắc, tam bộ, tứ hình là bốn yếu tố chính trong nghệ thuật hát bội, chị đều có. Chị có nét đẹp phúc hậu, đoan trang, quý phái; múa rất chuẩn về vũ đạo, điêu luyện về kỹ thuật; lại có thể hình cân đối".

3. Trong hành trình với nghề, nữ nghệ sĩ không sao đếm xuể những chuyến lưu diễn mà chị cùng đoàn đã mang lời ca tiếng hát nghệ thuật hát bội đến với bà con vùng sâu, vùng xa với những ngày mưa nắng khắc nghiệt. Rồi cả những chuyến công diễn nước ngoài mà có lẽ suốt đời chị không bao giờ quên.

Một đêm nọ, đoàn nghệ thuật tuồng diễn tại một lâu đài nước Anh. Lượng khán giả đến xem vô cùng khiêm tốn. Chị đếm trên khán phòng có vỏn vẹn 14 cái đầu, nhưng thực tế chỉ có 7 người, còn lại là 7 con chó ngồi cạnh. Điều đó cũng không có gì là lạ, khi người phương Tây họ yêu quý giống loài này như người bạn thân thiết. Làm sao tránh được sự hụt hẫng, nhưng khi thấy các khán giả xem say sưa, vỗ tay rào rào thì những nghệ sĩ như chị lại cháy hết mình cho vai diễn. Khi tàn cảnh diễn, các khán giả tò mò, trao đổi sôi nổi đã khiến trái tim chị và đồng nghiệp thêm ấm áp.

Dân gian xưa có câu: "Hát bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con", ngẫm câu ấy mà lòng chị nặng trĩu. Năm 1980, chị phải địu đứa con mới 2 tháng tuổi theo đoàn đi biểu diễn tại Gò Duối (xã Xuân Cảnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).

Trời đêm phả sương lạnh ngắt. Những cơn gió làm tế buốt thịt da. Vừa cố gắng hoàn thành vai diễn Ngọc Hân công chúa trong vở "Quang Trung đại phá quân Thanh" bằng tất cả sức lực của một người phụ nữ sau khi sinh, chị liền chạy đến xem đứa con trai bé bỏng của mình. Thằng bé da xanh xao vì lạnh, đôi môi mím chặt trong giấc ngủ của câu ca tuồng. Lần ấy, chị khóc, khóc rất nhiều...

NSND Hòa Bình cùng bạn diễn trong đêm tôn vinh nghệ sĩ tuồng và ca kịch bài chòi Bình Định năm 2014.

Không ít lần, vì thương con, nội tâm chị mâu thuẫn gay gắt giữa giữ hay bỏ hát bội, nhưng mỗi lần nghe tiếng trống chầu giục giã, niềm đam mê nghề lại trỗi dậy mãnh liệt. Vì nghề, chị đã hy sinh. Nhìn lại mái ấm hạnh phúc hiện tại, khi hai con đã khôn lớn trưởng thành, người chồng yêu thương và cảm thông, ủng hộ con đường chị đi, chị mỉm cười và bảo: "Mười hai năm sau khi sinh đứa đầu, tôi mới dám sinh đứa tiếp theo. Hiện giờ các con đều khôn lớn trưởng thành. Tôi thấy mình là người phụ nữ may mắn".

4. Nghỉ hưu, NSND Hòa Bình vẫn gắn bó với nghệ thuật hát bội, vẫn đau đáu làm sao truyền được lửa yêu nghề, lửa yêu tuồng cho giới trẻ. Những năm qua, chị vẫn cần mẫn với công việc truyền thụ kiến thức nghệ thuật hát bội. Chị giảng dạy tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định, khóa đào tạo tại chức tại Nhà hát tuồng Đào Tấn, rồi tham gia dạy các vai diễn mẫu cho các diễn viên trẻ của nhà hát.

Bất chấp tuổi tác, chị vẫn ngày đêm tìm kiếm những nét mới cho môn nghệ thuật này. Chị đã dùng những thuật ngữ dễ tiếp cận nhất để chỉ cho các diễn viên trẻ thấy nghệ thuật hát bội đặc sắc ở lối diễn, bước đi, điệu roi, ánh mắt, hóa trang, phục trang, võ thuật... Nhiều diễn viên trẻ vì yêu mến chị đã hứa sẽ bám nghề, khẳng định tài năng, để sau này tiếp bước chị giữ lửa cho nghề.

Với nghệ thuật hát bội, người xem đã khó, người đến với nó càng khó, thế hệ trẻ hiện nay đến được với nghề, dành sự đam mê cho nó đã quý rồi. Tuy nhiên, cái căn nền, sự đầu tư công phu, tìm tòi sáng tạo đích thực vẫn còn hạn chế. Theo chị, ngoài tác giả kịch bản, đạo diễn thì diễn viên chính là người sáng tạo thứ 3. Nếu không có "vốn liếng" để "đắp da, đắp thịt" vào nhân vật thì vai diễn dễ cạn cợt, khó thành danh. "Chủ quan, tự mãn là kẻ thù đáng sợ trong mọi môn nghệ thuật, nhất là hát bội", chị khẳng định.

Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật hát bội, NSND Hòa Bình đã nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1993, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2000… cùng nhiều giải thưởng, bằng khen khác. Năm 2007, chị được trao tặng danh hiệu NSND.
Phan Nhuận Phin
.
.