NSND Đoàn Dũng và kỷ niệm khó quên trong “Bài ca Điện Biên”

Thứ Hai, 22/05/2017, 08:08
Đến giờ, NSND Đoàn Dũng vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, xúc động khi vừa dứt lời thoại báo cáo với Đại tướng trong vở kịch "Bài ca Điện Biên". Hàng ngàn người đứng lên, tràng sấm tay vang dội, những đôi mắt hoe đỏ, những tiếng reo mừng không ngớt dưới khán đài Nhà hát. Ở khán đài thứ hai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫy tay, mỉm cười hiền từ trước cả ngàn ánh mắt đang hướng về phía mình...


Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1984), Nhà hát kịch Việt Nam dựng vở "Bài ca Điện Biên" (kịch bản: Tất Đạt) do nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang làm Tổng đạo diễn. Tổ đạo diễn còn bao gồm các nghệ sĩ: Dương Viết Bát, Thế Anh, Trọng Khôi và Đoàn Dũng. Gần 30 năm sau, vở kịch nói ấy vẫn để lại nhiều dư âm vang vọng mà những người cùng thời nhắc đến lại trỗi dậy một niềm tự hào mãnh liệt. NSND Đoàn Dũng cho biết, vở diễn gồm hơn 300 diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam, các đoàn văn hóa nghệ thuật của quân đội, công an, sinh viên trường sân khấu….

Đêm công diễn, Nhà hát Lớn chật kín khán giả. Nhà hát hôm ấy trở thành một Điện Biên Phủ thu nhỏ. Khán giả như đang ngồi trong lòng chảo của chiến trường. Không chỉ nghệ sĩ mà những người liên quan đến đêm diễn đều mặc áo lính.

Cảnh đào hầm, chở đạn, kéo pháo, thồ hàng, văn công đàn hát, ngâm thơ… được đạo diễn Doãn Hoàng Giang khéo léo cho các nghệ sĩ diễn nhiều nơi, nhiều chỗ: trên sân khấu, giữa hàng ghế khán giả, trên đường sảnh đi vào, ngoài sảnh chờ… Không khí vô cùng sôi sục, hừng hực khí thế chiến đấu của chiến dịch lịch sử. Vở kịch dài hơn 2 giờ đồng hồ, tái hiện lại thời kỳ chiến đấu gian khổ cho đến chiến thắng hào hùng của quân ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện thân mật với các nghệ sĩ trước giờ công diễn vở "Bài ca Điện Biên". (NSND Đoàn Dũng ngồi bên cạnh Đại tướng, bên trái).  (Ảnh do nhân vật cung cấp).

"Có thể nói đó là vở diễn hoành tráng, quy mô nhất từ trước đến nay của lịch sử sân khấu Việt Nam. Anh em diễn viên tuy đông, từ nhiều đơn vị khác nhau quy tụ lại nhưng ai cũng làm việc hết sức nghiêm túc và nhiệt tình tạo nên thành công vang dội của vở diễn. Điều đó xuất phát từ ước muốn tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, làm chấn động dư luận thế giới của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó còn là vì lòng yêu kính, cảm phục vị Tổng tư lệnh tài ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhớ về ngày ấy, anh em nghệ sĩ chúng tôi không thể nào quên được tâm trạng phấn chấn, đầy hứng khởi, chỉ muốn chìm ngập trong không khí của nghệ thuật thăng hoa và lòng yêu nước dâng tràn mãnh liệt" - NSND Đoàn Dũng bồi hồi kể lại.

Trước hôm công diễn, ông cùng nghệ sĩ Bích Châu đến nhà riêng của Đại tướng để gửi giấy mời. Thế nhưng, anh bảo vệ khăng khăng không cho vào. May thay lúc đó, hai nghệ sĩ gặp được phu nhân Đại tướng, thư mời mới được chuyển tận tay. Đêm công diễn, Đại tướng đến rất sớm để cùng quây quần thân mật với anh em nghệ sĩ.

Trò chuyện trong phòng gương của Nhà hát lúc đó còn có các đồng chí lãnh đạo cao cấp như: nhà thơ Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Đức Tâm… Đoàn Dũng  được ngồi gần Đại tướng. Đó cũng là dịp để ông chứng kiến trí tuệ uyên thâm, tấm lòng quảng đại, bác ái và khiêm nhường của vị tướng lĩnh tài ba.

Biết tin có Đại tướng đến xem, các anh em nghệ sĩ vừa mừng vừa lo. Lo nhất là Đoàn Dũng bởi ông vào vai Chính ủy mặt trận. Vai này có một câu thoại quan trọng trong cảnh cuối: đó là báo cáo chiến dịch Điện Biên Phủ đã thắng lợi với Đại tướng. Trong câu thoại này, việc nên nhắc tên Đại tướng hay chỉ nêu chung chung là Tổng tư lệnh được tổ đạo diễn cân nhắc rất nhiều lần. Cuối cùng, được sự đồng ý của đồng chí Đình Quang, Thứ trưởng Bộ Văn hóa lúc bấy giờ, mọi người quyết định nhắc tên của Đại tướng trong lời thoại. Do thay đổi nhiều lần, việc thuộc lời thoại với người diễn viên trở nên khó khăn, dễ bị nhầm lẫn, sai lời. Không khéo đứng trước mặt Đại tướng mà run quá, thoại hỏng là nguy to.

Điều thú vị nữa là trong vở không hề có vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khi "linh hồn" của chiến dịch Điện Biên Phủ lại đang ngồi ở dưới khán đài xem các nghệ sĩ làm nên "Bài ca Điện Biên". Đoàn Dũng không biết nên xử lý tình huống này như thế nào.

Đến câu thoại quan trọng ấy, ông như nín thở: Đèn bỗng bật sáng trưng. Trên sân khấu, người Chính ủy mặt trận nhanh trí hướng về phía Đại tướng, nghiêm mình, dõng dạc từng tiếng to rõ: "Báo cáo đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng tôi đã bắt sống tướng Đờ Catxtơri. Vẫn cái mũ nồi đỏ, vẫn cái can trên tay…".

Đại tướng tỏ vẻ bất ngờ, mỉm cười rồi đưa tay vẫy nhẹ. Cảnh báo cáo thắng lợi trước Đại tướng y như thật khiến hàng ngàn người xúc động đứng dậy vỗ tay, hoan hô vang trời. Giây phút ấy, người Chính ủy mặt trận trên sân khấu lặng người, rưng rưng…

Sau vở diễn, đạo diễn Doãn Hoàng Giang dìu Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên sân khấu chụp ảnh lưu niệm cùng anh em nghệ sĩ. Đại tướng rất vui, ông chúc mừng thành công của vở diễn và cảm ơn các nghệ sĩ đã cho ông trở về với Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng. Từ thành công vang dội của vở diễn, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã được kết nạp Đảng vì có những đóng góp xuất sắc.

Đăm đăm nhìn vào tấm hình ông và các nghệ sĩ trong vở "Bài ca Điện Biên" chụp cùng Đại tướng năm nào, NSND Đoàn Dũng trầm ngâm: "Cách đây ít năm trước, khi Đại tướng mất, tôi có dịp ra Hà Nội. Rất vui mừng khi mình được nằm trong danh sách những người vào thăm Đại tướng. Tôi chuẩn bị kỹ lắm, rằng thế nào khi gặp Đại tướng, tôi sẽ đứng nghiêm, giơ tay chào và dõng dạc hô to: "Báo cáo đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng tôi đã bắt sống tướng Đờ Catxtơri. Vẫn cái mũ nồi đỏ, vẫn cái can trên tay…".  Thể nào Đại tướng cũng bất ngờ và vui lắm. Thật không may dịp ấy Đại tướng lâm bệnh, chuyến thăm đành phải hủy".

Phan Thi Uyên
.
.