NSND Đào Mộng Long: Nỗi sầu muộn mênh mông...

Thứ Bảy, 06/02/2021, 20:25
Đến nay dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh nghệ sĩ Đào Mộng Long ngồi giặt áo bên vòi nước công cộng dưới cơn mưa phùn giá lạnh. Khi đó ông vừa mới chia tay người vợ thân yêu của mình. Ở tuổi ngoài lục tuần, nghệ sĩ lại bắt đầu hành trình với nỗi cô đơn. Ông vừa giặt vừa hát bài “Dạ cổ hoài lang”. Nỗi buồn man mác trong mưa bay. Gió giật lá rơi...


Hành trình khởi nghiệp

Nghệ sĩ Đào Mộng Long (1915-2006) là một hiện tượng kỳ lạ trên sân khấu nước ta. Ông sinh ra tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, từ bé được cha dạy những câu ca vọng cổ và chơi những loại đàn dân tộc. Đào Mộng Long sớm nảy sinh năng khiếu đặc biệt. Hát hay và lãng tử. Mới 18 tuổi, Đào Mộng Long đã đi ca hát và yêu đương lãng mạn. Chính trong quãng đời phiêu du cùng gánh cải lương Hồng Liên (Vinh-Nghệ An), Đào Mộng Long đã giăng mắc vào một cuộc tình nghệ thuật đầy kỳ thú. 

Ông đã được nữ nghệ sĩ nổi tiếng Hồng Liên truyền lại những ngón nghề trình diễn trên sân khấu cải lương. Từ đó Đào Mộng Long càng diễn càng lôi cuốn và giọng ca thêm ngọt ngào làm mê hoặc lòng người. Ngỡ như cuộc tình nghệ sĩ đắm say và hạnh phúc cho dù Hồng Liên hơn Đào Mộng Long ba tuổi. 

Nhưng nỗi bất trắc đã xảy ra. Hai người bị gia đình Hồng Liên ngăn cản quyết liệt. Họ chia tay nhau trong đau khổ. Đào Mộng Long đành phải ra đi và chôn giấu mối tình nghệ sĩ đầu đời trong nỗi buồn não nùng.

NSND Đào Mộng Long.

Đào Mộng Long bỏ cuộc tình nhưng không nản cuộc chơi. Ông rời Vinh ra Hà Nội đầu quân cho gánh hát Quảng Lạc. Sau đó Đào Mộng Long quay sang đoàn cải lương Liên Việt (của gia đình Ái Liên) và trở thành kép chính. Ở những nơi này, Đào Mộng Long cũng rơi vào vòng tay ái tình rồi lại tan tác cõi lòng ra đi. 

Được dăm năm, Đào Mộng Long lang bạt vào Nam dựng nghiệp tại gánh hát Nam Hồng. Ở đây ngoài biểu diễn, Đào Mộng Long bắt tay vào viết kịch bản và tham gia dàn dựng sân khấu. Cuộc đời trần ai và bay bổng với tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, Đào Mộng Long coi nghiệp sân khấu là thế giới sáng tạo nghệ thuật của mình.

Những kịch bản của Đào Mộng Long chan chứa nỗi đắng cay cuộc đời. Nào “Tiền và nghĩa”, hay “Dòng máu thanh niên”, hoặc kịch thơ “Phạm Ngũ Lão”… Thậm chí vở kịch thơ “Dòng máu thanh niên” còn bị chính quyền của giặc Pháp lúc đó cấm diễn. Ý thức công dân - nghệ sĩ không chỉ còn là những phút giây lãng tử mộng mơ nữa mà Đào Mộng Long đã dùng nghệ thuật để lên án xã hội thực dân. Bị chính quyền cấm đoán và đe dọa nhưng nghệ sĩ Đào Mộng Long không nhụt chí. Ông bắt đầu chuyển hướng sáng tác khi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940-1941). Sau đó ông còn là ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sài Gòn.

NSND Đào Mộng Long vào vai Siar trong vở kịch “Lu Ba”. 

Cuộc đời lang bạt của Đào Mộng Long thực sự bước sang trang mới khi gia nhập đội quân cách mạng năm 1945 (khi ấy ông tròn 30 tuổi). Tại chiến khu, ông cùng ca sĩ Quốc Hương được cử đi hoạt động tuyên truyền văn nghệ cách mạng tại các đơn vị dân quân địa phương. Đào Mộng Long không những ca hát biểu diễn mà còn tham gia sáng tác ca khúc cách mạng. 

Những bài hát của Đào Mộng Long được phổ biến rộng rãi lúc đó như “Hồn Việt Nam” và “Hồn chiến sĩ”. Như một chiến sĩ văn nghệ xung kích, Đào Mộng Long đi sâu vào hoạt động tại các cơ sở cách mạng. Tuy nhiên, khi đó mặt trận miền Nam gặp nhiều khó khăn vì bị giặc khủng bố và bắt bớ liên tục. Đào Mộng Long được anh em văn nghệ sĩ che chở và tìm cách đưa ra Bắc (1947). 

Ngay lập tức, Đào Mộng Long được mời về tham gia hoạt động tại Đoàn Văn công Quân khu IV. Tại đây, Đào Mộng Long được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (1949). Rồi sau đó ông được cử làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn ca kịch khu Bốn (1951). Đây là giai đoạn nghệ sĩ Đào Mộng Long nổi lên như một ngôi sao toàn tài vừa sáng tác vừa biểu diễn.

Nghệ sĩ lớn từ những vai nhỏ

Hát hay, diễn giỏi nhưng Đào Mộng Long gặp thiệt thòi vì dáng vóc nhỏ bé nên ít khi được giao diễn kép chính. Không lấy đó làm buồn mà Đào Mộng Long lại tỏ ra thích thú với những vai hoạt kê ngắn. Nghệ sĩ luôn nuôi mộng làm cho những vai phụ đó có một tinh thần riêng và màu sắc dị biệt đáng yêu. 

Vậy nên khi được điều từ Đoàn Văn công Quân khu IV ra nhập Đoàn kịch Nhân dân Trung ương (1954 - tiền thân Nhà hát Kịch Việt Nam), Đào Mộng Long chủ yếu sắm các vai phụ. Có khi chỉ ra sân khấu vài phút hoặc vài chục giây ông cũng diễn có hồn vía của nhân vật. 

Cất lên một tiếng nói cũng là âm thanh có sứ mệnh chứ không bâng quơ. Cái chất phiêu lưu và lãng tử vẫn hiện lên phảng phất trong phong cách nghệ thuật của Đào Mộng Long. Nhưng mỗi câu nói của ông bật ra như có ngọn lửa tâm cảm đốt cháy. Cách diễn của Đào Mộng Long khác người là vậy. Kỹ lưỡng và đậm yếu tố triết lý từ mỗi hình tượng nhân vật.

NSND Đào Mộng Long với những vai diễn để đời qua một số nhân vật nổi tiếng.

Dàn diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam luôn học ở Đào Mộng Long một trách nhiệm về số phận nhân vật được trình diễn. Người ta kể, đêm diễn nào của Đào Mộng Long cũng đem lại nét tươi mới. Trước khi ra sân khấu, bao giờ Đào Mộng Long cũng thăm dò đối tượng khán giả mà mình phục vụ. Từ đó ông tìm ra một cách thể hiện cho phù hợp. 

Vẫn đường nét và tâm cảm nhân vật của kịch bản nhưng có khi được ông nhấn nhá ở khẩu ngữ, hay thêm vài động tác thể hiện tâm trạng ẩn sâu. Khán giả hình dung ra được đời sống và tính cách của nhân vật cho dù ông chỉ nói một câu khi đi qua sân khấu. Hệ thống nhân vật của Đào Mộng Long dần dần hình thành như một bộ sưu tập mẫu cho nhiều thế hệ diễn viên sau này.

Nói đến nghệ sĩ Đào Mộng Long, khán giả không thể nào quên những chi tiết độc đáo của ông qua những nhân vật phụ. Đặc biệt nhiều người còn nhớ khi diễn vai Chánh Tôn trong vở kịch “Chị Hòa”, nghệ sĩ Đào Mộng Long đã bị khán giả ném gạch lên sân khấu suýt vỡ đầu. Bởi lẽ ông nhập vai nhân vật tàn ác và thâm hiểm quá làm cho người xem ngỡ đó là thật. Họ căm thù tên Chánh Tôn và nổi giận vớ gạch ném lên sân khấu để phản đối. 

Cùng với đó là những nhân vật rất phụ như Cụ Hồng trong vở “Đầu sóng ngọn gió”; hay người dân công trong “Tình chiến thắng Nghĩa Lộ”. Rồi đó còn là cụ Ba Bơ trong vở “Bão biển”; người hát xẩm trong vở “Âm mưu và hậu quả”… Nhưng có lẽ với những kịch bản nước ngoài, nghệ sĩ Đào Mộng Long càng trở nên quái dị qua nhưng nhân vật rất độc đáo. 

Đến nay vai tên lưu manh Sia-rơ vở “Lu Ba”, nhân vật Gô-vo-di-lin vở “Khúc thứ ba bi tráng”, hay vai Phau-nhin vở “Xâm lược”… của Đào Mộng Long là những ngón “Độc đao thần kiếm”. Nhất là nhân vật tên tư sản xảo quyệt Gô-vơ-di-lin vẫn ẩn hiện đâu đây mỗi khi ai nhớ đến ông. Với 15 phút độc thoại, Gô-vơ-di-lin thể hiện đúng là bóng ma của thần chết và sự điên rồ của tội ác. 

Cái khó khi diễn xuất bằng âm thanh và giọng nói đầy sự ám ảnh thể hiện được bản chất của nhân vật không dễ dàng chút nào. Khi ấy khí chất của nhân vật hiện lên mồn một làm trái tim người xem chuyển động với từng câu nói, từng quãng lặng và ánh sáng chiếu rọi. Đào Mộng Long muốn qua giấc mơ của tội ác mà lên tiếng cảnh giác cho loài người về những điều xấu xa đang lẩn quất quanh ta. Ông được Nhà nước phong danh hiệu NSND năm 1984.

Nỗi niềm ẩn giấu

Nghệ sĩ Đào Mộng Long nổi tiếng là đào hoa. Nhưng có lẽ số mệnh ông luôn gặp những trắc trở, dở dang. Từ mối tình đầu với nghệ sĩ Hồng Liên rồi sau đó ăn ở với cô Tư Chung và vài nhan sắc khác nhưng không được bao lâu. Ông luôn chìm trong sự lẻ loi. Ngay đến người vợ thứ ba là NSND Phạm Thị Thành kết hôn cũng chỉ được ba năm hạnh phúc (khoảng đầu thập niên 1960). Sau khi nghệ sĩ Phạm Thị Thành đi học đạo diễn 7 năm ở Nga về, hai người chính thức chia tay. Niềm an ủi lớn nhất với ông là hai người con.

NSND Đào Mộng Long cặm cụi với những vai diễn kiệt xuất và sống trong nỗi sầu muộn mênh mông trong căn nhà nhỏ của khu tập thể nghệ sĩ. Tôi vẫn nhớ hai câu đối Tết của ông làm như hai bức trướng khắc họa trên tường: “Yêu nghệ thuật trăm năm quá ngắn/ Làm kiếp người một tuổi dài ghê”.

Vương Tâm
.
.