Mỹ nhân Nga - ký ức của một văn hào lưu vong

Thứ Tư, 28/09/2016, 08:02
"Mỹ nhân Nga" - quyển đầu tiên trong bộ sách 4 quyển "Tổng tập truyện ngắn Nabokov" vừa được NXB Văn học và Zenbook ấn hành tại Việt Nam. Bộ sách dày hơn 1.000 trang tiếng Anh này được in lần đầu vào năm 1995, nghĩa là 18 năm sau khi Nabokov qua đời tại Thụy Sỹ.


Trong lần in đầu tiên, Dmitri Nabokov, con trai duy nhất của nhà văn, ngoài việc thu thập lại các tác phẩm viết bằng tiếng Anh và các bản dịch từ tiếng Nga qua tiếng Anh, còn dịch thêm 13 truyện chưa bao giờ được dịch qua tiếng Anh. Tổng số truyện ngắn trong lần xuất bản đầu tiên là 65. Tuy nhiên, sau này người ta còn bổ sung thêm 3 truyện ngắn khác mới tìm thấy, và trong lần xuất bản gần nhất, tổng tập này bao gồm tất cả là 68 truyện ngắn. Và 17 trong số đó được in trong cuốn "Mỹ nhân Nga".

Đa số truyện ngắn trong cuốn sách được Nabokov viết bằng tiếng Nga vào thời kỳ ông mới phải rời thành phố Saint Petersburg quê hương, nơi ông được sinh ra và lớn lên đến năm 18 tuổi ở một gia đình quý tộc, để sống lưu vong tại Tây Âu. Đó cũng là khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến khủng khiếp, tàn sát cả trăm triệu người và đẩy hàng trăm triệu người khác vào những cuộc di cư vĩ đại khắp thế giới.

"Mỹ nhân Nga" - quyển đầu tiên trong bộ sách 4 quyển "Tổng tập truyện ngắn Nabokov".

Kinh hoàng, hạnh phúc và đớn đau - là những cảm xúc thấm đẫm các truyện ngắn Nabokov. Từ "niềm hạnh phúc ấy, niềm hạnh phúc vang vọng, vô biên, không bao giờ còn trở lại ấy..." trong "Ma Cây" của những phận người tha phương nhọc nhằn kiếm sống rồi đêm về lại "thiếp đi trong sự yên ả ấy, lử lả vì vui, một niềm vui mà tôi chẳng thể viết thành lời, - và giấc mơ tôi chan chứa bóng hình em" trong "Cơn giông".

Những điều này được viết ra bởi một nhà văn vừa mất quê hương, mất tài sản, và mất cha (bị bắn tại Berlin năm Nabokov mới 22 tuổi). Những ấn tượng khủng khiếp từ hai cuộc thế chiến và những biến động ở quê hương có lẽ đã để lại những ám ảnh lâu dài trong tâm hồn Nabokov, dù sau này kiếm được rất nhiều tiền từ "Lolita", song tác giả không bao giờ mua một căn nhà nào ở nước ngoài, và thời gian cuối đời đã sống trong một khách sạn tại Thụy Sỹ.

Các tác phẩm của ông cũng nổi tiếng vì sự tàn nhẫn đến lạnh lùng với những khiếm khuyết của con người, mặc dù không thể phủ nhận tình yêu cuộc sống cũng như lòng vị tha sau những dòng chữ sắc như dao của ông. Theo lời Nabokov, thì những gì người ta nhìn thấy trong các nhân vật của ông cũng hệt như hình ảnh những con quỷ bị đuổi ra khỏi thánh đường, và đứng cheo leo trên mái. Còn ông chỉ là một nhà văn già hiền lành mà thôi.

Từ truyện ngắn đầu tay với cái tên "Ma Cây" cho đến "Chị em nhà Vane"  - một trong các truyện ngắn cuối cùng, và cũng là kiệt tác được đánh giá rất cao của ông, Nabokov đã đi một chặng đường nghệ thuật dài, và nói một cách nghiêm túc thì đã làm cho các truyện ngắn của mình ngày càng khó đọc hơn, uyên bác hơn. Không ngẫu nhiên mà người ta gọi Nabokov là "nhà văn của các nhà văn".

Trong "Chị em nhà Vane", tác giả đã tạo một không khí ma quái giữa cõi trần và cõi ma, với những liên hệ mơ hồ giữa người sống và người chết. Ông đã dùng nhiều chi tiết lịch sử có thật về các ông đồng bà cốt nổi tiếng châu Âu thời đó, và sử dụng ở đoạn cuối một kỹ thuật chơi chữ bí ẩn nhưng rất phù hợp với không khí trong truyện.

Đây cũng là một trong các đoạn văn khó dịch nhất trong lịch sử dịch thuật thế giới, khi các dịch giả buộc phải đối đầu với một bài toán ngôn ngữ vô cùng phức tạp với các điều kiện biên hết sức ngặt nghèo. Sergei Ilin và Gennadi Baraptalo - hai người dịch truyện ngắn này qua bản tiếng Nga - đều phải chấp nhận chú thích dưới bản dịch để giải thích thêm về ý tưởng của Nabokov, chứ không thể chuyển tải hết toàn bộ ý đồ của Nabokov.

Nhắc đến các bản dịch Nabokov thì khó có thể bỏ qua vai trò dịch giả Thiên Lương, người đã theo đuổi tác giả này từ cuốn "Lolita". Mặc dù sự khó đọc và uyên bác của Nabokov không thể bỗng dưng trở nên dễ dàng qua bản dịch, song có thể thấy rằng khi đọc "Mỹ nhân Nga", độc giả Việt Nam vẫn thấy rõ chất Nabokov sau những dòng chữ, trên từng trang giấy.

Dịch giả đã làm được một việc rất khó, là ẩn mình đi, để cho văn chương Nabokov hiện lên vẹn nguyên sắc màu tinh khiết và vẻ đẹp siêu phàm qua lớp kính trong trẻo của ngôn từ. Qua bản dịch này, có thể thấy tiếng Việt của chúng ta hoàn toàn đủ sức miêu tả những góc núi bén nhọn kỳ vĩ nhất cũng như những bình nguyên mênh mông nhất của cảm xúc, đồng thời vẫn rọi sáng được các góc sâu tăm tối nhất của tầng hầm tư duy con người.

Thái Hòa
.
.