Mùa Noel, tìm gặp nhạc sĩ của "Giáo đường im bóng"

Thứ Bảy, 26/12/2015, 08:00
Bắt đầu từ tháng 11, những bài hát mang màu sắc tôn giáo khi vui tươi, khi ấm áp, tình cảm theo đó đã ngân lên ở khắp nơi, trong nhà thờ, trên sân khấu, trên mạng internet, trong đó có bài hát "Giáo đường im bóng" của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ. Bài hát "Giáo đường im bóng" là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ gửi tặng "bóng hồng" Vũ Hà Tiên - người sau này đã cùng ông nên duyên vợ chồng và chung sống hạnh phúc bên nhau suốt gần 70 năm. 

Hai năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã đón lễ Noel "lẻ bóng". Người bạn đời của ông - bà Vũ Hà Tiên - đã qua đời sau một cơn bạo bệnh, để ông lại một mình trong nỗi thương nhớ khôn nguôi, nhất là khi mỗi mùa Giáng sinh tới gần...

Tôi tìm đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ vào một buổi sáng mùa đông, khi không khí mùa lễ Noel đã tràn ngập khắp phố phường. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ theo tuổi ta năm nay đã 95, dáng người dong dỏng cao với đôi mắt vẫn còn tinh lắm. Hàng ngày, ông vẫn đọc sách báo, xem ti vi mà không cần phải có kính. Tuổi thượng thọ như ông mà vẫn đi lại bình thường, tập thể dục nhẹ nhàng và đến bữa ăn được lưng cơm thì đã là điều quý. Đặc biệt, trí tuệ của ông vẫn vô cùng minh mẫn. Ông vẫn nhớ nguyên vẹn mọi mốc thời gian, mọi sự kiện, biến cố và cả những mẩu đối thoại đã diễn ra trong cuộc đời mình một cách rành mạch và chuẩn xác. Nhất là những kỷ niệm liên quan đến người vợ - người tình một thuở của mình - bà Vũ Hà Tiên.

Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ thời trẻ.

Họ đã có tới 69 năm chung sống, đầu gối tay ấp, lúc nào cũng quấn quýt, ríu rít như đôi chim câu. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ kể rằng, ngày nào họ cũng ngồi bên nhau trò chuyện rủ rỉ với nhau từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều. Những câu chuyện không đầu không cuối, những kỷ niệm từ cái thuở hoa niên, những ngày thư từ hẹn hò trong chiến tranh bom đạn. Nào chuyện đi sơ tán năm xưa, chuyện con cái, cháu chắt đến nay đã có vài chục đứa. Và đoạn cuối câu chuyện thường là: "Chúng mình yếu quá rồi anh nhỉ? Không ngờ lại có ngày yếu đến thế này! Chả đi được đến đâu. Chả làm được việc gì nữa rồi...". Lạ thay, đôi mắt họ nhìn nhau sao vẫn giữ được nguyên vẹn sự thương yêu, trìu mến và tình tứ mà có lẽ tôi chưa từng gặp bao giờ trong đời ở một cặp vợ chồng tuổi "cổ lai hy" như thế.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tâm sự: "Bà ấy mất đi là cú sốc tinh thần lớn với tôi. Đó là người tôi yêu thương nhất, là người hiểu tôi nhất, là người vợ hiền và cũng là mối tình đầu của tôi. Cũng hơn hai năm vắng bà ấy rồi, nhưng tôi không làm sao quen được với việc thiếu vắng bà ấy trong ngôi nhà này. Ngày xưa, từng miếng ăn, giấc ngủ khó của tôi đều có bà ấy chăm lo, giờ thì các con nó lo cho. Dù biết là mệnh trời, nhưng tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng, trống trải lắm... Những lúc khỏe, tôi đang ngồi viết lại về những năm tháng chúng tôi đã sống, dạng như hồi ký để sau này tôi về "đoàn tụ" với nhà tôi thì con cháu đọc, hiểu thêm về ông bà, cha mẹ chúng thôi, chứ tôi không có ý định công bố rộng rãi đâu...". 

Chuyện tình của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và Vũ Hà Tiên đã trở thành một thiên tình sử được nhiều người biết đến. Câu chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 1938 khi họ gặp nhau trong một buổi biểu diễn ca nhạc ở Nam Định bán vé lấy tiền mua gạo cứu tế cho đồng bào đang bị nạn đói hoành hành. Lúc ấy chàng trai Nguyễn Thiện Tơ mới 17 tuổi, chơi ghita còn cô gái Vũ Hà Tiên mới 16 trăng tròn, hát rất hay và chơi được đàn măngđôlin. Chỉ một phút gặp mặt khi cô gái ấy nhờ chàng trai Nguyễn Thiện Tơ so lại dây đàn trước giờ biểu diễn, vậy mà nên duyên.

Gương mặt đẹp, sự hồn nhiên, trong sáng, thánh thiện cùng với nét tài hoa của một cô gái xứ đạo đã hoàn toàn chinh phục trái tim nhạc sĩ trẻ. Sự nhớ thương, day dứt và nhất là suy nghĩ do cách biệt về đạo "lương - giáo" khiến hai người không đến được với nhau là nguyên cớ ông viết nên bài hát "Giáo đường im bóng" chứa đựng mối tình đẹp như một bài thơ: "Nhớ tới đêm đầy ánh sáng/ Hương trong gió ngàn mênh mang/ Giây phút như ngừng thôi trôi/ Tiếng kinh muôn lời/ Dáng xinh xinh bao tiên kiều/ Quỳ ngân Thánh kinh ban chiều/ Trong giáo đường đêm Noel ấy ngàn đời tôi mến yêu...".

Đó thực sự là một bản tình ca hòa trong Thánh ca như để tưởng nhớ về một mối tình sâu đậm mà chàng trai, sau nhiều đêm chờ "người trong mộng" nơi giáo đường mà chưa một lần ngỏ ý. Ông không biết rằng, cô gái Vũ Hà Tiên khi ấy cũng đã đem lòng thầm yêu chàng trai hào hoa đất Hà thành.

Tuy cách trở về địa lý, nhưng đôi trẻ vẫn thư từ, liên lạc với nhau luôn. Cứ có cơ hội là chàng trai Nguyễn Thiện Tơ lại nhảy tàu về Nam Định thăm người yêu, đưa người yêu đi lễ nhà thờ và đứng chờ cho đến khi nàng trở ra. Khi ấy, sự khác biệt về tôn giáo đã khiến đôi bạn trẻ tưởng không thể đến được với nhau vì gia đình cô gái Vũ Hà Tiên vốn có truyền thống theo đạo lâu đời, đã không đồng ý cho con gái kết hôn với người "ngoại đạo". Nhưng cuối cùng tình cảm lứa đôi đã thuyết phục được gia đình, và chàng trai Nguyễn Thiện Tơ đã sẵn sàng "cải đạo", học giáo lý để đến được với người mình yêu. 6 năm sau ngày gặp gỡ, họ mới làm đám cưới.

Lúc đó, chiến tranh loạn lạc, gia đình cô gái đã sơ tán từ Nam Định vào Nghệ An, nên đám cưới giản dị mà trang trọng của họ được tổ chức trong nhà thờ làng Mỹ Dụ (thuộc thành Vinh), vào năm 1944. Sau đó, đoàn rước dâu đi tàu hỏa ra Hà Nội. Và họ đã bên nhau từ đó đến nay trong sự tâm đầu ý hợp, chưa bao giờ nói nặng lời với nhau, chưa bao giờ làm nhau buồn lòng. Làm vợ nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, cô gái Vũ Hà Tiên vốn có tài đàn hát đã chấp nhận an phận làm một người vợ hiền toan lo mọi việc trong gia đình và sinh hạ cho ông được 8 người con đều đã trưởng thành.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ ở tuổi 95.

Hình ảnh của "nàng thơ Vũ Hà Tiên" cũng từng xuất hiện trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy với những hình ảnh rất đẹp: "Tại thành phố Vinh tôi được làm quen - một cách không trực tiếp với một người tôi rất phục tài là nhạc sĩ Lê Thương, qua một người con gái tên là Hà Tiên... Bây giờ tôi biết chắc chắn rằng khi soạn ra bài hát nhan đề "Nàng Hà Tiên", quả thực rằng nhạc sĩ Lê Thương có yêu một người con gái có xương có thịt mang tên Hà Tiên. Hà Tiên có gương mặt tròn như trăng, có đôi mắt sáng như sao, có đôi môi như chùm hoa chín, có đôi má lúm như quả táo ngon, tính tình nhanh nhẹn, cởi mở.

Cùng với cô chị xinh đẹp không kém nhưng tính tình khép kín hơn, hai cô gái thành Vinh này rất thích những bài ca  mới, nhất là bài "Buồn tàn thu" đã được nghe tôi hát ở gánh hát Đức Huy... Cô bé Hà Tiên cũng không tránh khỏi số phận được trời ban phát hạnh phúc cho những chàng nhạc sĩ. Nàng Tiên kết duyên cùng một nhạc sĩ có hạng ở Hà Nội là Nguyễn Thiện Tơ, tác giả bài "Giáo đường im bóng"... Qua hồi ký của Phạm Duy, có thể thấy bà Vũ Hà Tiên không chỉ là "nàng thơ" của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ mà còn là "nàng thơ" của nhạc sĩ Lê Thương và ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng ấp ủ ý định viết "truyện ca" về nàng.

Lại nói về bài hát "Giáo đường im bóng" - ca khúc được xem là nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ - sau khi ra đời đã được phổ biến nhiều tại một số phòng trà ở Hà Nội, nhưng người con gái Vũ Hà Tiên vẫn không hề biết bài hát ấy được viết cho mình. Mãi về sau này, khi họ đã kết hôn và bài hát trở nên quá nổi tiếng thì ông mới nói cho "người yêu một thuở" biết khiến bà rất vui và xúc động. Bởi vì ông bảo: "Tôi viết bài hát này là vì tưởng chúng tôi không đến được với nhau cơ. Chắc hẳn Chúa Trời cũng chiều lòng chúng tôi, đã cho tôi một tình yêu đẹp, một kết thúc có hậu...".

Trong đời mình, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sáng tác chủ yếu trong giai đoạn trước năm 1954, gồm khoảng trên 20 ca khúc như: "Chiều quê", "Chiều tà", "Cung đàn xuân xưa", "Qua bến năm xưa"... và ông "gác bút" từ khá sớm nhưng "Giáo đường im bóng" là ca khúc được biết đến và làm lay động lòng người hơn cả, nhất là mỗi dịp mùa Giáng sinh về. Có được điều này có lẽ là bởi "Giáo đường im bóng" chứa đựng những tình cảm thiêng liêng, những tâm tình chân thực nhất mà lòng tác giả đang hướng tới: "Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng/ Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ... ".

Hơn 70 năm từ ngày "Giáo đường im bóng" ra đời, đã có nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện thành công bài hát nhưng theo chia sẻ của người nhạc sĩ già thì "mỗi người một vẻ". Mỗi người lại thổi vào bài hát một tình cảm đặc biệt, trong đó có sự kỳ diệu của tình yêu đôi lứa và tình yêu, niềm tin, sự thánh thiện của con người khi bên Chúa.

Nguyệt Hà
.
.