Mozart - Những khúc hoan ca trên nỗi sầu đau

Thứ Tư, 19/11/2008, 15:00
Vẫn biết rằng "mọi sự so sánh đều là khập khiễng", song tôi vẫn muốn đem "Thánh nhạc" Beethoven so sánh với "ánh sáng vĩnh hằng “của âm nhạc" Mozart. Cùng sống cuộc đời lao động cực nhọc, túng thiếu, bệnh tật..., song nhạc Beethoven thấm đẫm nỗi đau khổ, buồn phiền, bất lực của con người trước những "trò đùa" nghiệt ngã của số phận...còn nhạc của Mozart lại chan hòa ánh nắng mùa xuân ấm áp và rộn ràng tiếng chim ca.

Khó có thể hình dung nổi những nốt nhạc tươi vui đó lại là những "tiếng tơ lòng" của một con người cả đời lao động nhọc nhằn, nhọc nhằn cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay. Sinh thời, Mozart từng giãi bày: "Âm nhạc là tiếng lòng của tôi, là tấm gương phản ánh tâm tư tình cảm của tôi. Tai ách cuộc đời không thể đè bẹp được tôi, vì niềm vui trong lòng tôi không phải là tài sản của riêng tôi, tôi sẽ gửi gắm vào trong âm nhạc để san sẻ niềm vui cho mọi người trên khắp thế gian này. Dù phải nếm trải nỗi khổ đau tận cùng của cái chết, thì trong sáng tác của tôi vẫn tràn đầy niềm hoan lạc"...

Đối với ông Loepold Mozart - một tín đồ Thiên chúa giáo, sự ra đời của cậu con trai Wolfgang Amadeus  Mozart là "một ân huệ của Thượng đế", là "kỳ tích trời ban". Bằng kinh nghiệm của một thầy dạy nhạc, ông Loepold đã sớm phát hiện tố chất "thần đồng" của con trai từ khi con mới lên 3 tuổi, thông qua việc cậu bé đã có thể đàn lại một cách chính xác đoạn nhạc mới chỉ nghe một lần. Rồi 4 tuổi Mozart đã viết được những bản nhạc hòa tấu dành cho piano, 7 tuổi viết 4 nhạc khúc dành cho piano và violon , 9 tuổi viết bản giao hưởng đầu tiên, 10 tuổi viết nên một vở ca kịch, 11 tuổi viết một tập ca kịch bằng chữ Latin, 12 tuổi viết hai vở ca kịch theo kiểu Ý và kiểu Đức...Tất cả những tác phẩm đầu đời đó của Mozart, được đem biểu diễn tại những trung tâm âm nhạc lớn, hoặc trình tấu "hầu" Hoàng đế một số nước châu Âu, hay được xuất bản và lưu hành rộng rãi.

Nói tóm lại, chưa có một nhạc sĩ nào tố chất "thần đồng" lại thể hiện "đậm đặc" như ở Mozart. Để đáp lại "ân huệ của Thượng đế", ông Loepold đã dốc toàn bộ tâm sức để làm cho tố chất "thần đồng" của con trai phát triển thành một tài năng lỗi lạc. Chỉ có điều, đáng lẽ phải cho con học hành bài bản ở những trung tâm đào tạo danh tiếng, với những ông thầy nổi tiếng, ông Loepold lại chủ trương lăng xê tên tuổi của con trai bằng những chuyến lưu diễn "xuyên" châu Âu, ngay từ khi Mozart mới lên 7 tuổi. Ông đã có công làm cho cái tên của cậu bé Mozart trở nên quen thuộc với giới sành nhạc ở Paris, London, Vienna, Frankfurt, Koblenz, Bonn, Cologne, Aachen...

Hơn thế nữa, cậu bé Mozart còn trở thành khách quý của Giáo hoàng, Hoàng đế Áo, Hoàng hậu Pháp... và vinh hạnh dự những bữa tiệc Hoàng gia. Ông Loepold coi những chuyến lưu diễn đó là những chuyến "du học", tạo điều kiện để con học hỏi và phát triển tài năng. Song những chuyến lưu diễn ấy là quá đỗi nhọc nhằn đối với môt cậu bé chưa đầy 10 tuổi, khi mỗi "sô" diễn thường kéo dài năm bảy tiếng, khi phải thường xuyên di chuyển bằng những chuyến xe ngựa chở khách, lúc nào cũng chòng chành lắc lư. Những cuộc lưu diễn đó gần như chưa bao giờ chấm dứt trong suốt cuộc đời Mozart.

Một số nhà phê bình âm nhạc vì quá xót xa, nuối tiếc một ngôi sao âm nhạc sớm vụt tắt đã gán cho người cha tội "bóc lột con mình một cách vô nhân đạo". Vì phải lao động quá sức từ thuở ấu thơ, Mozart trở nên gày gò, nhỏ bé, ốm yếu liên miên và chết yểu! Bệnh tật, túng thiếu, và những nỗi bất hạnh nếm trải trên đường đời đủ chất liệu để Mozart viết nên những khúc nhạc bi ai, oán trách. Nhưng Mozart chưa bao giờ để cho những nỗi khổ đau đó len vào âm nhạc. Âm hưởng chủ đạo trong nhạc của ông là sự tươi tắn, trẻ trung, lạc quan tin tưởng vào hạnh phúc và tình yêu. Như lời của nhà soạn nhạc Dimitri Chostakovich thì "Mozart là tuổi xuân của âm nhạc, là nguồn nước mãi mãi trẻ trung đem đến cho nhân loại niềm vui khi mùa xuân về và sự hài hòa của tâm hồn"...

Cuộc hôn nhân của Mozart với Constanze hầu như là kết quả của một "âm mưu". Mozart tự nhận cuộc hôn nhân của mình là "không hay không dở" và vợ mình "không đẹp, không xấu". Cuộc hôn nhân đó đã tồn tại trong mười năm, cho đến khi Mozart lìa xa trần thế. Mười năm đó, Constanze đã mấy lần "có sinh mà không có dưỡng", cuộc sống túng thiếu, nợ nần chồng chất. Vậy mà những tác phẩm nổi tiếng nhất của Mozart: "Đám cưới của Figaro", "Cây sáo thần". "An hồn khúc"...đã lần lượt ra đời trong những năm này!

Năm 21 tuổi, Mozart cảm thấy cần phải thoát khỏi sự bao bọc của người cha, đã quyết định đến Vienna để tự đứng trên đôi chân của mình. Anh đã nhanh chóng  trở thành ngôi sao sáng trong đời sống âm nhạc ở Vienna. Chàng nhạc sĩ Mozart tuy "gày gò, thấp nhỏ, với cái đầu to tướng, cái mũi khổng lồ", nhưng luôn ăn mặc bảnh bao, lại có thu nhập cao đã trở nên "đắt giá" đối với các quý bà là chủ sở hữu của các cô con gái không mấy nhan sắc, cũng chẳng nhiều của hồi môn. Vì thế, Mozart trở thành khách quý, rồi thành "khách trọ" của gia đình phu nhân Werber.

Phu nhân Werber có ba cô con gái: Joeephine, Constanze  và  Aloysia. Trong khi Mozart tỏ ra quyến luyến Aloysia thì bà Werber lại quyết chí "gả" cho Mozart cô con gái giữa là Constanze- một cô gái không đẹp cũng không xấu. Vì không muốn con trai mình cưới một cô gái tầm thường, ông  Loepold kiên quyết bắt Mozart phải rời bỏ nhà phu nhân Werber. Nhưng Mozart vẫn trốn cha qua lại nhà bà, để được gần gũi với cô út Aloysia- cô ca sĩ xinh nhất trong ba cô con gái của bà Werber. Bà Werber cũng đủ khôn ngoan để loan tin rằng Mozart sắp cưới cô Constanze.  Và  rốt cuộc một gã "khờ" như Mozart đã không thể thoát nổi cái lưới mà bà phu nhân Werber đã giăng ra. Bà thông đồng với cô cả và cô út, dồn mọi công việc nội trợ cho Constanze.

Vì thương hại, Mozart đã giành rất nhiều thời gian giúp đỡ Constanze. Bù lại, Constanze cũng hết lòng săn sóc và gần gũi Mozart. Thế là "rơm" gần "lửa" đã bị "lửa" thiêu đốt. Cho đến khi nhận ra rằng mình không thể không cưới Constanze, Mozart đành tìm mọi cách để thuyết phục cha. Thế là diễn ra cuộc chạy đua nước rút giữa hai vị "phụ huynh". Trong khi cha của Mozart tìm mọi biện pháp "cứng rắn" để ngăn cản cuộc hôn nhân thì bà Werber đáo để ra sức giục Mozart sớm làm đám cưới. Bà đã không ngần ngại dùng đến cả thủ đoạn đẩy Constanze vào giường ngủ của Mozart. Không còn cách nào khác, ngày 4/8/1781, Mozart và Constanze đã làm đám cưới tại nhà thờ. Sau này trong truyện ký về Mozart, góa phụ Constanze đã kể rằng hai người đã bí mật kết hôn với nhau, trái ý muốn của phu nhân Werber.

Thu nhập của Mozart rất cao, thời hoàng kim mỗi năm nhận từ 10.000 đến 20.000 cuaron, những năm cuối đời cũng được nhận 5.000 cuaron. Vậy mà Mozart lại thường xuyên rơi vào cảnh cháy túi. Vốn là người tiêu dùng cao cấp, Mozart thường hay "phóng tay" trong việc thuê khách sạn mua sắm quần áo. Mozart thích trang phục đắt tiền, sang trọng, Constanze cũng tiêu xài cho xứng với đức lang quân. Sức khỏe của cả hai vợ chồng Mozart đều không tốt, mấy đứa con đều chết yểu nên khoản tiền dành cho chữa bệnh không phải là nhỏ. Thêm vào đó, bà mẹ vợ lại tìm mọi cách chi phối, cai quản và xà xẻo các khoản thu nhập của chàng rể, khiến nhiều phen hai vợ chồng Mozart rơi vào cảnh cơ hàn, phải sống nhờ vào nguồn trợ cấp từ người khác.

Một lần có người bạn đến thăm, thấy hai vợ chồng Mozart đang ôm nhau nhảy. Người bạn ngạc nhiên hỏi: Trời lạnh thế này mà các bạn còn hứng thú nhảy cơ à? Khi người khách nhìn thấy hai vợ chồng Mozart chỉ khoác trên người bộ quần áo mỏng tang và đôi môi đã trở nên tím tái thì hiểu ra rằng họ nhảy với nhau để chống lại cái giá rét khắc nghiệt!

Trong suốt năm 1790, khi viết "Cây sáo thần", Mozart thường bị ngất xỉu, mỗi lần ngất kéo dài mấy phút đồng hồ. Mozart suy sụp tưởng như không thể nào gượng dậy được nữa. Biết rằng cuộc sống tươi đẹp đang dần lùi vào dĩ vãng, Mozart cố chế ngự những cơn đau bệnh tật giày vò thể xác, giành giật với tử thần từng phút, từng giây để viết cho xong "Cây sáo thần". Không ít đêm, Mozart mỏi mệt đứng nhìn cái giường trống rỗng, mồm nhẩm tính những món nợ cần phải trả nay mai. Bản thảo "Cây sáo thần" chưa hoàn thành, vì cần tiền, Mozart lại nhận lời ủy thác viết "An hồn khúc". Trong tột cùng của những cơn đau, Mozart  cố lấy hết sức bình sinh để viết nên "Nhạc khúc cho mình, để khi chết người ta sẽ tấu nó lên trong đám tang của mình". Nhưng tiếc rằng, "An hồn khúc" chưa kịp hoàn thành, đầu óc Mozart đã trở nên bấn loạn, phải nằm liệt giường.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi, Mozart may mắn được chứng kiến "Cây sáo thần" đem đi biểu diễn. Khi cần kề cái chết, Mozart yêu cầu một người bạn cùng diễn xướng "An hồn khúc". Khi hai người xướng đến chỗ "Lacremosa" thì Mozart ứa nước mắt. Ông cất tiếng hát một câu trong "Cây sáo thần": "Tôi là kẻ săn chim mà mọi người đều biết", rồi lịm vào cõi vĩnh hằng. Lễ tang Mozart được tổ chức sơ sài, qua loa tại nhà thờ Steven. Vì bệnh nặng, Constanze đã không thể đưa tiễn chồng ra nghĩa địa. Chỉ có cha cố và vài người bạn dùng ô che mưa chở quan tài ra nghĩa trang dành cho người nghèo. Ngay cả bia mộ cũng không có. Vì thế mà đến nay người ta vẫn chưa thể tìm thấy ngôi mộ của Mozart

Mai Hiền
.
.