Kỷ niệm 20 năm ngày mất của Giáo sư Trần Đức Thảo (1993-2013)

Một triết gia thông thái, một nhân cách cao đẹp

Thứ Ba, 04/06/2013, 08:00

Nói về đội ngũ những nhà triết học Việt Nam, thầy Trần Văn Giàu chân thành tự nhận xét về mình, về người: "Mình không có truyền thống triết học nên có thể nói nếu có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu. Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo" (Báo Văn nghệ số ra ngày 3/6/1992).

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những kỷ niệm thời còn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Lớp văn khoa 1954 - 1957 được các thầy Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Xuân Nhị giảng dạy. Ngày nay, đi trên đường phố Hà Nội, Tp HCM, ta luôn bắt gặp và tự hào với tên phố của các thầy Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Xuân Nhị, Đào Duy Anh… Nhiều thầy được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Như một dàn sao sáng trên trời đêm, nhiều ngôi sao đã lặn, đã tắt nhưng còn để lại ánh sáng cho đời.

Hồi ấy dạy chúng tôi, các thầy đã thành danh, thành đạt nhưng tuổi tác chưa nhiều. Vào năm 1955, thầy Cao Xuân Huy mới 55 tuổi, thầy Đào Duy Anh 51 tuổi, thầy Đặng Thai Mai 53 tuổi, thầy Hoàng Xuân Nhị 41 tuổi, thầy Trương Tửu 42 tuổi và trẻ nhất là thầy Trần Đức Thảo 38 tuổi. Thầy Thảo có dáng vẻ một trí thức phương Tây. Kể cũng khó đoán định thầy qua tướng mạo bên ngoài. Có lần nhà thơ Tế Hanh nói: Có hai người gặp ở ngoài đời có thể đoán được ngay là nhà thơ: Xuân Diệu với mái tóc bồng đẹp, rủ xuống trán, luôn ngó nghiêng ngơ ngác, nhìn lên trời, còn Đinh Hùng lại có dáng con gái, da trắng, tóc mai xoăn từng món nhỏ trông rất đẹp. Giáo sư Trần Đức Thảo với dáng người thư sinh, đôi kính trắng, vầng trán cao nhưng không thể nghĩ thầy là nhà thơ. Thầy nghiêm, nét mặt lạnh và như đang suy nghĩ - đúng là nhà triết học duy tâm của một thời. Ngày nay, các nhà triết học bình dị hơn, người đi bộ đội về, vào đại học, học ngành triết, người từ cán bộ phong trào tự học mà thành.

Thầy Trần Đức Thảo là nhà triết học nổi tiếng. Thầy được ghi danh vào cuốn Tự điển "Những nhà triết học" (Nhà xuất bản Đại học Paris - 1984) với sự giới thiệu trang trọng. Ngoài mục từ "Trần Đức Thảo" có mục từ "Nguyễn Đình Thi" với bốn tác phẩm triết về Kant, Descartes, Siêu hình học, Nietzche viết ở tuổi còn trên ghế nhà trường Đại học. Thầy Thảo là tác giả của nhiều cuốn sách có tầm cỡ thế giới: "Nghiên cứu nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức"; "Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng"; "Vấn đề con người và chủ nghĩa "lý luận không có con người" và những huyền thoại về cuộc tranh luận thắng thế về triết học của thầy ở nước ngoài.

Chúng tôi được học thầy Thảo về triết học duy tâm, chủ yếu là của phương Tây. Thầy Thảo vốn ở Pháp về cùng với một số trí thức trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như Trần Đại Nghĩa ở Đức về, Đặng Văn Ngữ ở Nhật về. Các nhà khoa học tự nhiên có thể đóng góp ngay cho yêu cầu của cuộc kháng chiến: Giáo sư Trần Đại Nghĩa chế loại súng SKZ và Bazôka; Giáo sư Đặng Văn Ngữ chế thuốc kháng sinh. Giáo sư Trần Đức Thảo được bố trí vào công việc nghiên cứu khoa học xã hội. Là một nhà triết học duy tâm nổi tiếng, Trần Đức Thảo bắt đầu từ đầu với triết học duy vật biện chứng. Nghe nói có một vị lãnh đạo nói với giáo sư: Anh không thể bước từ đỉnh của triết học duy tâm sang đỉnh của triết học duy vật mà phải đi xuống, phải "hạ sơn" rồi từ dưới leo dần lên đỉnh cao của triết học duy vật. Câu nói hay nhưng thực ra Giáo sư Trần Đức Thảo cũng đã nghiên cứu triết học duy vật biện chứng và có thành quả. Chuyện ấy là của một thời ở Việt Bắc và bây giờ thầy Thảo đang dạy chúng tôi. Lớp văn có khoảng hơn 100 sinh viên ngồi học ở giảng đường lớn phố Lê Thánh Tông. Thầy đến trường bằng xe đạp Mercier. Thầy Thảo được ưu tiên với xe Mercier đuyra, các thầy khác là Mercier sắt. Khi một vài anh em chúng tôi được giữ lại làm cán bộ cũng được nhận một xe đạp Tourist của Tiệp. Thầy Thảo thường phóng thẳng xe qua cổng lên dốc cao rồi dựa xe vào hành lang và vào thẳng lớp. Mọi người đứng lên chào thầy, thầy sẽ gật đầu và bắt ngay vào giảng, tay cầm micro nói một hơi cho đến giờ nghỉ. Thầy lên văn phòng một lúc lại quay về lớp giảng tiếp một hơi cho đến kết thúc. Không nói hùng hồn, hùng biện như các thầy Trần Văn Giàu và Trương Tửu mà giọng nói đều đều không vội vàng, không vấp váp như nước trong suối nguồn chảy ra. Phải có một tư duy có hệ thống, có logic chặt chẽ trong cấu tạo ý tưởng mới có thể chuyển tải bài giảng dài không hề lệ thuộc vào sách vở. Có lúc một tay thầy cầm micro một tay bỏ túi quần, mắt như nhìn chúng tôi mà không nhìn vào ai cụ thể. Lớp chúng tôi cử ra hai anh là Nguyễn Đình Chú và Phạm Hoàng Gia, hai sinh viên chữ đẹp, viết nhanh để ghi lại lời thầy. Không có ghi âm hoặc yếu tố nào hỗ trợ, các anh Nguyễn Đình Chú và Phạm Hoàng Gia được dành 2 ghế ở hàng đầu có đánh dấu phấn để các anh tiện công việc. Các anh về xem lại phần ghi chép và gửi đến thầy, thầy chỉnh lý rồi cho in, giờ học sau chúng tôi đã có bài giảng kịp thời. Có anh chị nói vui: Thầy nào cũng như thầy Thảo thì việc viết sách giáo khoa rất thuận tiện và không tốn kém.

Quang cảnh buổi hội thảo khoa học quốc tế "Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo" do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 7/5/2013.

Từ Việt Bắc về Hà Nội, Giáo sư Trần Đức Thảo vẫn giữ nguyên được vốn quý triết học nhưng về chính trị, thầy chưa trải nghiệm qua nhiều thử thách. Đúng lúc này phong trào Nhân văn - Giai phẩm xuất hiện. Trường đại học là một "cứ điểm" mà các phần tử xấu bên ngoài có ý thức khai thác lợi dụng. Các Giáo sư Trương Tửu, Trần Đức Thảo đều có bài viết. Giáo sư Trần Đức Thảo với bài: "Nỗ lực phát triển tự do dân chủ" (đăng trên Nhân văn số 3, 15-10-1956), trong đó tác giả đề cao, nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển tự do cá nhân. Tác giả phê phán những tư tưởng làm hạn chế sự phát triển xã hội như quan liêu, bè phái, giáo điều, sùng bái cá nhân. Tác giả cho rằng "xét đến tình hình thế giới mới đây lý tưởng tự do cá nhân lại là lý tưởng của những ngày tiến tới, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội".

Bài viết của Giáo sư Trần Đức Thảo không chống Đảng, không chống CNXH. Tuy nhiên, tác giả đã quá đề cao tự do cá nhân trong tình hình khuynh hướng xấu đang khoét sâu vào sự lãnh đạo, ở nơi này nơi khác có phần gò bó về tư tưởng, xem nhẹ vai trò của cá nhân. Có thể nói tác giả đã thiếu nhạy cảm trước tình hình phức tạp của thời kỳ này, đặc biệt là những hoạt động của khuynh hướng xấu. Kết quả là Giáo sư Trần Đức Thảo bị ngừng giảng dạy, một số cuộc họp trong trường phê phán Giáo sư Trương Tửu và Giáo sư Trần Đức Thảo. Trong một bài viết, một giáo sư bạn của Giáo sư Trần Đức Thảo có những lời lẽ nặng nề: "Trần Đức Thảo lợi dụng chính ngay bục nhà trường của chúng ta để phun ra những nọc độc chống lại chủ nghĩa xã hội".

Là một sinh viên nghe giảng hết cả giáo trình dài của Giáo sư Trần Đức Thảo, tôi thấy nhận xét trên là không đúng.

Chuyện qua đã lâu, thầy nói đúng, thầy nói chưa đúng đều là thầy, và chắc khi thời cuộc "hạ nhiệt", các thầy không nghĩ thế và không nói thế. Thầy Thảo bắt đầu nghỉ việc giảng dạy ở trường. Từ đấy, thỉnh thoảng tôi trông thấy thầy đi bộ trên hè phố Hàng Chuối, đôi lúc vừa đi vừa độc thoại những điều gì, như đang chuyện trò với ai. Từ đấy, thầy phải lo toan chuyện sinh hoạt riêng, thỉnh thoảng đi mua bán với chiếc xe đạp con vịt Liên Xô có nâng cao yên, cổ xe quàng một chiếc bị để tiện mua bán.

Sau những năm tháng chịu đựng nhiều vất vả nhưng thầy Thảo không hề oán giận, trách móc, thầy vẫn lặng lẽ sống chịu đựng, quan tâm đến nghiên cứu khoa học, nhận những công việc được giao phó và hoàn thành có trách nhiệm. Những năm cuối đời, thầy sang Pháp một thời gian và lưu trú trong một nhà trọ tập thể của sứ quán, số 2 Le Verrier. Sau một cơn đau đột ngột, thầy mất và cơ quan gửi về nước một bình tro - phần còn lại của nhà triết học. Sau đó một thời gian, ở đại giảng đường Trường Đại học Tổng hợp tổ chức tưởng niệm thầy. Tôi cũng được tham dự và thắp một nén nhang kính viếng thầy. Tôi nghĩ miên man, và hình dung hình ảnh thầy, cũng ở giảng đường này truyền đạt kiến thức như cha đạo giảng cho các con chiên và hôm nay chỉ còn lại một bình tro lạnh với những nén hương tỏa bay, khói tưởng niệm một tài năng lớn. Thầy đã về cõi vĩnh hằng.

Hiểu rõ tài năng và những đóng góp mà thầy đã sống và hoạt động, Nhà nước đã truy tặng thầy Huân chương Độc lập hạng Nhì vào năm 1993. Năm 2000, thầy được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2000, lúc tôi làm Viện trưởng Viện Văn học được tham gia trong Hội đồng quốc gia về giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. Tôi được bỏ lá phiếu cho thầy và các thầy Phạm Huy Thông, Đào Duy Anh. Thầy Thảo đạt phiếu cao, thầy Đào Duy Anh được thầy giáo phản biện Phan Ngọc gọi là "nhà văn hóa khổng lồ". Thầy Phạm Huy Thông tuy ít sách nhưng lại nhiều danh tiếng. Tất cả đều thành công.

Nói về đội ngũ những nhà triết học Việt Nam, thầy Trần Văn Giàu chân thành tự nhận xét về mình, về người: "Mình không có truyền thống triết học nên có thể nói nếu có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu. Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo" (Báo Văn nghệ số ra ngày 3/6/1992).

Kỷ niệm 20 năm ngày mất của Giáo sư Trần Đức Thảo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức "Hội thảo khoa học quốc tế Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo" vào ngày 7/5/2013. Có tất cả 48 bản tham luận xoay quanh ba vấn đề con người và sự nghiệp, tư tưởng triết học Trần Đức Thảo và các lĩnh vực khoa học khác, trong đó có 5 tham luận của các đại biểu quốc tế; gồm 4 giáo sư người Pháp và một giáo sư người Hoa.

Hà Nội, 6/5/2013

Hà Minh Đức
.
.