Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An

Một thoáng hương xuân

Thứ Hai, 16/02/2015, 08:00
Những ngày áp tết âm lịch, tiết xuân đã rất đậm đà, đáp xuống những cánh đồng hoa nơi ngoại ô thành phố Nam Định, làm cho muôn loài hoa mở cánh e ấp chuẩn bị bừng nở chào đón cái tết cổ truyền.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và phu nhân từ Hà Nội về ngôi từ đường gia tộc cùng với con cháu tổ chức giỗ mẫu thân. Họ tộc nhà ông vẫn giữ cái nếp gia phong, dù hầu hết đã chọn Hà Nội làm nơi định cư, nhưng mỗi khi có người về cõi đều đưa về mai táng tại khu nghĩa địa ngoài cánh đồng xã Mĩ Tân, ngoại thành thành phố Nam Định. Đám đình, lễ lạt vẫn tổ chức ở ngôi từ đường trong làng bên cánh đồng, có cái cổng khá bề thế, có ngôi đền mang cái tên rất dân dã: Đền Cây Quế. Ngôi từ đường không quá lớn để chứng tỏ sự bề thế, phô phang; cũng không quá nhỏ cho ra vẻ khiêm nhường không đúng cách; nó chỉ đủ độ, đủ tầm cho thấy nơi thờ tự của một gia tộc có công sinh thành ra một viên quan "tứ trụ triều đình" với cách sống khoan hòa, bình dị.

Ngôi từ đường ấy được giao cho một người đàn bà không lập gia thất, chị ruột ông An, và một người giúp việc trông coi, săn sóc. Dưới bàn tay hai người đàn bà, ngôi từ đường vẫn phong quang, sáng sủa, không có chỗ nào xập xụi, lên rêu; cây cối ngoài vườn tươi tốt, những giò phong lan vẫn được chăm sóc cẩn thận, hoa nở tím ngắt, tỏa hương thơm dịu nhẹ.

Người đầu tiên tôi gặp là bà Đào Thị Hào, Anh hùng lao động, phu nhân ông Nguyễn Văn An. Chúng tôi ngồi trên bộ bàn ghế đúc bằng bê tông trát đá rửa dưới giàn hoa phong lan nói chuyện. Tôi nhắc đến việc: vào quãng năm 1989 - 1990, khi tôi mới từ quân đội chuyển ngành về Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh; được đại hội bầu vào cương vị Phó chủ tịch Hội, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ, việc đầu tiên tôi tự giác làm là đến thăm gia đình nhà văn Nam Cao ở phố Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định.

Bà Trần Thị Sen, vợ nhà văn khi ấy ở chung nhà với con gái: chị Trần Thị Hồng. Cả gia đình 6 người mà ở trong một căn gác sàn lát gỗ theo kiểu cổ, rộng 24m2, chiếc cầu thang cũng bằng gỗ, chiều ngang rất hẹp, chỉ đủ một người đi, mỗi khi có người bước lên bước xuống nó kêu cót két rất khó chịu.

Thấy tôi đến thăm, bà Sen rất vui, nói chuyện đằm thắm, mặn mà. Lúc tôi ra về, bà tiễn tôi ra cầu thang, rồi nói: "Cháu ạ, bác rất lo mai đây về thế giới bên kia, người ta không thể khiêng quan tài bác đi xuống cái cầu thang này được". Tôi hiểu ý, nhưng chưa dám hứa hẹn gì.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (bên phải) và tác giả bài viết.

Hồi ấy bà Đào Thị Hào làm Giám đốc Công ty Dệt kim Sơn Lam. Vào cuối thời bao cấp, công ty đang chuyển đổi cơ chế, có một số lô đất bán đấu giá. Tôi và anh Nguyễn Côn, con rể nhà văn Nam Cao và anh Nguyễn Văn Trường, chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy tìm đến gặp bà Đào Thị Hào. Chúng tôi đưa lá đơn xin mua lô đất. Bà Hào cầm đơn đọc rồi rút bút ký cái roẹt. Bà nói: "Ai chứ với nhà văn Nam Cao, một nhà văn lớn, lại là liệt sĩ, tôi ủng hộ ngay".

Rất nhanh, chỉ trong một hai tuần gì đó, gia đình nhà văn Nam Cao đã được mời đến nhận đất. Một suất đất rộng rãi, ngay mặt tiền đường Nguyễn Du, thành phố Nam Định. Một thời gian sau gia đình nhà văn xây ngôi nhà hai tầng trên lô đất ấy. Mở cửa hàng cửa hiệu làm ăn. Hiện nay, bà Sen đã mất nhưng bàn thờ nhà văn Nam Cao và gia đình chị Hồng vẫn ở ngôi nhà ấy…

Nghe tôi nhắc đến kỷ niệm, bà Đào Thị Hào chỉ cười mà không nói gì. Tôi ngỏ ý muốn chụp một bức ảnh bà, nhưng bà xua xua tay bảo, bây giờ 77 tuổi rồi, còn ra cốt cách gì nữa đâu mà hình với ảnh!

Tôi vào ngồi với ông Nguyễn Văn An trên bộ tràng kỷ cổ trong ngôi từ đường. Ông hơn bà một tuổi nhưng còn tinh nhanh, sáng suốt, thông tuệ lắm, và ông rất vui vẻ. Hỏi chuyện văn chương, nghệ thuật, ông im lặng một lát rồi trả lời rất ôn hòa, rằng ông ấn tượng nhất, không thể quên ba khổ thơ của ba người ở ba lứa tuổi khác nhau và hầu như không liên quan lắm với nhau. Một là khổ thơ viết về Hồ Chủ tịch của nhà thơ Hải Như:

Bác Hồ đứng, người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên) che lấp bạn mình

Ông Nguyễn Văn An còn nói thêm: nhà thơ Hải Như viết về lãnh tụ khá minh triết, công tâm, khách quan, chứ không nịnh hót, xu thời. Đó là điều khiến ông yêu quý Hải Như, chơi thân với nhà thơ.

Khổ thơ thứ hai, và cũng là lời bài hát của Trịnh Công Sơn:

Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người.
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu…

Khổ thơ thứ ba, của người mà ông Nguyễn Văn An giấu tên, nhưng tôi biết tác giả của nó là Lê Trung Nguyệt, thi sĩ cùng thế hệ với tôi, ái nữ của nhà chính trị Lê Đức Thọ:

Những hạt đậu, những ước mơ xanh
Đã biến thành sâu mọt
Cắn nát cả chính mình!

Thấy tôi tỏ mối đồng cảm, ông Nguyễn Văn An mở rộng phạm vi câu chuyện, sang những lĩnh vực chung thuộc về văn hóa, thế sự. Ông nói một câu của một triết gia khá dài bằng tiếng Anh, rồi dịch nghĩa, đại khái:

Khi mà tiếng nói mất đi thì âm nhạc cũng mất đi theo.

Có thể diễn giải thêm rằng: Lời trong âm nhạc phải tròn vành rõ chữ, ý nghĩa của chữ phải sáng sủa, không ăn bớt từ. Khi mà trong âm nhạc nghèo nàn, mập mờ câu chữ, thô thiển, thì có nghĩa là tiếng nói có gì đó không ổn.

Ông Nguyễn Văn An tâm đắc với hai câu mở đầu trong tác phẩm Đạo đức kinh:

Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh

Ông dịch:

Đạo có thể coi là đạo thì không là đạo vĩnh viễn
Tên có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn

Đạo của Lão Tử là nguyên lý tối ưu, sự thật tối hậu của vũ trụ, tương tự như Không của đạo Phật, hay Thượng đế của Thiên Chúa giáo.

Đạo mà có thể nói rõ ra được Đạo là gì, thì Đạo không còn là Đạo nữa.Cũng như nếu ta tả rõ Thượng đế là thế nào thì không còn là Thượng đế nữa, hoặc nói được Không là gì thì Không không là Không nữa.

Rồi đột nhiên ông hỏi tôi:

- Anh đã đến thăm Thiền viện Yên Tử chưa?

Tôi trả lời rằng tôi đã đến một đôi lần.

- Là nhà văn đến đấy, anh chú ý điều gì nhất?

Thấy tôi còn lưỡng lự, ông nói luôn:

- Tôi thì rất thích 5 chữ khắc trên một bức hoành phi: "Vô sư trí vi tôn", nghĩa là trí tuệ của mình (chứ không phải của thầy) mới đáng quý. Anh cứ đọc thơ văn Hồ Chí Minh mà kiểm chứng, ông Cụ ít khi dùng ngoặc kép, nghĩa là ít khi trích dẫn của người khác. Ông Cụ đọc rất nhiều, nhưng kiến thức tiêu hóa và chuyển hóa được thành của mình. Tôi nghĩ Cụ rất thấm thía năm chữ: "Vô sư trí vi tôn" đấy.

Nhận thấy vốn chữ nho của ông Nguyễn Văn An khá dày dặn, tôi hỏi:

- Ngày xưa hẳn các cụ nhà mình chữ thánh hiền cũng kha khá, đúng không ạ?

Ông Nguyễn Văn An nói luôn:

- Không phải! Gia đình tôi là một trong bốn gia đình cố nông ở thôn này. Mẹ tôi mù chữ hoàn toàn. Mù chữ nhưng không phải thiếu văn hóa. Hồi cải cách ruộng đất, đội đến xúi mẹ tôi đấu tố những người giàu trong làng, mẹ tôi kiên quyết từ chối. Rồi khi được chia quả thực lấy của những nhà giàu, mẹ tôi kiên quyết không nhận. Cụ thường dạy con, của cải do mình làm ra mới quý, mới bền; "của phù vân nó vần nó đi", con ạ. Tất cả vốn chữ nghĩa tôi có là tôi tự học đấy.

Câu chuyện giữa tôi và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đang mỗi lúc một thi vị, đằm sâu thì người nhà đã bê mâm. Chúng tôi đành tạm gác chuyện lại, uống chén rượu quê đậm đà hương vị tết và mùa xuân đang gõ cửa.

 Nam Định - Hà Nội, những ngày áp tết 2015.

Lê Hoài Nam
.
.