Một số mẩu chuyện về nhà văn Nguyễn Công Hoan

Thứ Sáu, 06/06/2008, 09:45

Cho ăn cá

Nguyễn Công Hoan là một người rất yêu súc vật. Một lần, sau khi xa nhà mấy tháng, ông đánh một bức điện cho gia đình thông báo thời gian mình trở về. Cuối bức điện có mấy chữ: "Cho ăn cá".

Cả nhà không hiểu sao mấy tháng ông đi xa chắc không thiếu gì của ngon vật lạ và những miền ông đến có nhiều sông biển, mà sao ông lại thèm cá đến nỗi phải dặn cụ thể vào bức điện.

Mọi người chỉ hết thắc mắc khi ông trở về, thấy trên tay ông bế một chú mèo Xiêm.

Trước mộ Tú Xương

Nghệ thuật trào phúng không chỉ được thể hiện trong các truyện của Nguyễn Công Hoan mà còn là một năng khiếu thường trực trong cuộc sống của ông.

Khi tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam) dời mộ nhà thơ Tú Xương để làm mộ mới, nhà văn Nguyễn Công Hoan dẫn đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam về dự, rồi ra viếng mộ.

Thắp hương xong nhà văn cầm một số vàng lá lẩm bẩm khấn, rồi quay lại nói nhỏ với nhà thơ Vũ Cao: "Cậu nên nhớ, dưới mộ này là một ông vua trào phúng. Mà tớ cũng theo cái dòng ấy, nên đốt xong là phải chuồn ngay. Nếu không ông ấy lên thì bỏ mẹ!".

Đi dự kỷ niệm L.Tôn-xtôi

Nhà văn Nguyễn Công Hoan là một người uyên bác nên ông rất chủ động trong các phát biểu tại hội nghị kể cả các diễn đàn quan trọng. Ông đã từng đọc tham luận tại Đại hội Nhà văn Việt Nam, bằng một truyện ngắn. Và có lần dự hội nghị quốc tế ông lại phát biểu vo không có văn bản.

Đấy là lần ông và nhà thơ Tế Hanh đi dự kỷ niệm nhà đại văn hào L.Tôn-xtôi (ở Liên Xô cũ). Thấy ông không chuẩn bị văn bản, nhà thơ Tế Hanh bèn hỏi, ông trả lời: "Anh cứ yên trí!".

Thế rồi Nguyễn Công Hoan lên diễn đàn nói rất hùng hồn về L.Tônxtôi. Ông đã huy động tổng lực sự hiểu biết của mình về nhà văn, về nền văn học Nga và nói: "Ở Việt Nam, có người chép Chiến tranh và hòa bình". Các bạn Liên Xô phục lắm, vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.

Kể chuyện này với mọi người, nhà thơ Tế Hanh nói: "Điều anh Hoan nêu có thể có thực mà cũng có thể không thực có. Nhưng suy cho cùng thì là thực. Bởi vì trong thực tế đã có người chép "Tam quốc diễn nghĩa", "Thép đã tôi thế đấy" thì sao lại không có người chép "Chiến tranh và hòa bình"

Nguyên Quỳnh Thư (Theo lời kể của các nhà thơ Tế Hanh, Vũ Cao và ông Nguyễn Tài)
.
.