Một người hiện đại cổ xưa

Thứ Ba, 09/05/2017, 15:44
Tự học vẽ và ra mắt triển lãm tranh ở tuổi 74, với 74 tác phẩm, 13 năm sau, năm 2010, ở tuổi 87, cụ bà Lê Thi (quê gốc Thanh Hóa, hiện sống ở Hà Đông) lại ra mắt tiểu thuyết dày hơn 300 trang với tên gọi “Ngược dòng”. Đã có những bài viết về bà, nhưng ít ai trả lời thật tường tận câu hỏi: Vì lí do gì một bà lão ở tuổi “bát thập cổ lai hi” lại bước vào thế giới nghệ thuật một cách say mê như vậy?

Biến cố cuộc đời

Bà Lê Thi tự nhận mình là bà còng Xa La, nay đã 94 tuổi. Bà mới dừng vẽ vài năm nay, hàng ngày bà vẫn ăn trầu, đọc và viết nhật ký cá nhân trên laptop. Sau khi trải - gói 34 năm cuộc đời trong tiểu thuyết đầu tay, bản thảo viết về 60 năm sau của cuộc đời bà lại được mở ra, tiếp nối.

Những trang đánh máy tiếng Việt chưa tròn chính tả, không thật đúng về chấm, phẩy, dấu cách hay viết hoa nhưng bao chứa tấm lòng, tâm hồn và một khao khát “tiếc cho cái tâm tư của mình mà không biết gửi gắm vào đâu được”.

“Tiếc cho tâm tư của mình” là một cái tiếc đẹp. Nhất là khi con người ở độ tuổi thấu hiểu quy luật sinh tử ở đời. Nó đẹp, bởi vì người ta còn tha thiết sống, tha thiết được nói lên tiếng nói của mình - một kiếp người hữu hạn, bổng trầm nhưng chứa cả hơi thở của thời đại.

Bà Lê Thi sinh ra trong một gia đình có nhiều anh chị em. Mẹ bà là vợ sau của một ông quan tri huyện thời Nguyễn. Thuở nhỏ, bà Lê Thi đã được theo cha đến Nghệ An, Quảng Trị khi ông nhận việc. Lớn lên một chút, bà được cùng mẹ ra Hà Nội ở nhà người bác. Sau này về lại Thanh Hóa, cách mạng lên, bà Lê Thi hồ hởi nhập vào dòng người mang trong mình niềm tin về một cuộc đời mới đổi thay để trở thành một người tuyên truyền nhiệt huyết. 

Cụ bà Lê Thi vẫn đều đặn sáng tác trên laptop của mình.

Cuộc đời mà ở đó không còn những số phận bi thảm của người lao động như bà từng chứng kiến. Không còn ông mõ đầu làng, sau trận ốm chưa hồi vì phải kiếm ăn đã gắng chở thuê một cây gỗ. Trong khi đứa con trai kéo xe lên dốc, ông đẩy phía sau thì “thằng con tuột tay, cây gỗ thúc ngược vào ngực ông bố” khiến ông bố chết ngay tại chỗ. Không còn hình ảnh một người con gái luống tuổi, con nuôi của người chú, ngày ngày lầm lũi với con trâu, nhẫn nhịn đòn roi chỉ vì “ao ước được đi lấy chồng và có tấm áo lụa nâu”.

Cho nên dễ hiểu, một con người như bà có thể từ bỏ cả quá khứ và vị thế từng có của mình để đi theo cách mạng với một niềm tin đẹp đẽ, trong sáng. Dù sau này, sống trong thời cuộc bị đem ra đấu tố, bà vẫn nhớ: Chính những người nông dân ban ngày đấu tố do quá sợ hãi “ôm chân địa chủ”, ban đêm lại “đem cơm cho ăn”. Người tránh nói chuyện với mình, lại lấy cớ mua chổi để dúi cho ba đồng bạc, bảo “đem về mà làm ăn. Lúc nào có thì giả, không thì thôi cũng được”.

Bà Lê Thi nói rằng bà đã trả đến đồng nợ cuối cùng, đến chết không còn nợ ai, nhưng “nợ đồng tiền thì giả được, nợ ân tình thì khó giả”. Cái tình và niềm tin tưởng của bà trước sau đều không thay đổi.

Sức mạnh của tình yêu và nghệ thuật

Những thay đổi đến-đi, được-mất quá nhanh trong cuộc đời hoàn toàn có thể làm người ta trở nên hoảng loạn. Điều gì đã làm cho bà bình tâm? Có lẽ đó chính bởi sức mạnh của tình yêu như Trịnh Công Sơn từng nói: “Ta là ai mà yêu quá đời này”. Cuộc đời đã cho bà một người chồng tài năng, với một tâm hồn đẹp (ông có tài xuất khẩu thành thơ). Nhưng trận bom năm 1950 đã lấy đi mạng sống của ông khi họ vừa lấy nhau được 17 tháng.

Trở thành góa bụa ở tuổi 27, một mình xoay xở nuôi đứa con mới vừa 7 tháng, điều gì đã ngăn bà không đi bước nữa? Sự lãng mạn của một tâm hồn thấm đẫm thơ văn trước cách mạng bà từng đọc hay quan niệm về tam tòng, tứ đức của xã hội phong kiến đã ăn sâu?

Với bà, chỉ vì “không tìm thấy một người nào để yêu như bà đã yêu chồng bà”. Vì đi bước nữa “lại phải sinh con mà không đành lòng khi trong anh em, đứa có bố, đứa không có bố”, dù nhà chồng khuyên nhủ “con còn đầu xanh tuổi trẻ”. Lòng bà đa mang, “cái tình cảm đối với nhà chồng, với anh chị em nhà chồng, với anh chị em mình nó nặng gánh, không trút cho ai được, cứ ở một mình mà gánh, gánh mãi cho đến bây giờ”.

Nhưng bà đã tìm được chỗ dựa tinh thần cho cuộc đời mình, trong tình yêu với những trang sách, những bức tranh. Không được đi học, dù là con quan, bà tự học chữ để đọc các loại báo “Tiểu thuyết thứ năm”, “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Phong hóa”, “Ngày nay”; các loại truyện “Nửa chừng xuân”, “Gánh hàng hoa”, “Hồn bướm mơ tiên”; để cảm hồn thơ những Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu… và viết nên những câu thơ riêng cho mình.

Cũng như tình yêu với cuộc đời, tình yêu văn học, nghệ thuật của bà không lay chuyển. Có thể ban đầu đó chỉ là sở thích mang tính cá nhân. Có thể một thời nó đã lẩn vào đâu đó trong đời sống khốn khó mưu sinh. Nhưng một ngày, nó lại đưa bà trở về với hồi ức, với khao khát ghi và giữ lại tình yêu cho đời sau thông qua tranh và trang sách.

“Cả một đời người hay cả kiếp nhân sinh nó cũng như đất, như đá, như núi, như sông. Có người hỏi sao tôi hay vẽ đá. Tôi bảo đá nó cũng có cuộc sống của nó, có hòn trong lòng núi, có hòn phơi trên đỉnh núi, có hòn nằm dưới sâu, có hòn đứng chênh vênh hàng trăm năm không đổ”.

Nghệ thuật chính là không gian giãi bày để bà bước vào, khi con cháu lớn lên với những lo toan cuộc sống riêng và dần trở nên xa cách. Nhưng chính nghệ thuật, “chính bức vẽ đã cuốn hút bà” để vẽ tiếp những bức tranh khác.

Bà vẽ rất nhanh, “lúc vẽ chỉ còn biết nét vẽ thôi, là tập trung, quên hết”. Còn viết thì “phải lao tâm, khổ tứ”, phải đọc, “phải lựa từng chữ một, làm sao cho ngắn gọn mà nói hết được tấm lòng mình”. Cho nên không gian tưởng như rất riêng tư đó lại chính là không gian mở ra của tâm hồn. Nó cho phép người ta được kết nối với những tâm hồn khác thông qua trung gian là các tác phẩm mình được tiếp nhận và sáng tạo. Nó là một minh chứng cho người ta tin, con người có tuổi còn khát vọng nghệ thuật thì nghệ thuật không giới hạn bất cứ ai tìm đến vẻ đẹp của nó để tâm hồn trở nên đẹp đẽ hơn, để sống trọn vẹn cuộc đời mình.

Trải qua đủ nghề: từ kéo sợi, cán bông, đan áo, cắt may, làm bánh, lát sân, xây nhà… dành dụm nuôi con, chăm cháu, bà nói rằng con cháu giỏi giang hơn mình. Nhưng mỗi người ai cũng có “bản thân và bản phận” trong cuộc đời phải lo cho tròn. “Muốn lo cho tròn thì phải tu cái thân mình, phải học tập, phải suy nghĩ chọn việc đúng mà làm”.

Người phụ nữ cổ xưa chưa từng một ngày được đi học đã nói rằng, bất kể ai cũng phải lo cho tròn, không ngoại lệ bản thân mình: “Cũng phải tu thân dù ngấp nghé miệng lỗ rồi, không sửa được với bố mẹ thì lấy thân ra mà sửa với con, với cháu”.

Bà đã sống an nhiên tự tại như vậy với tình yêu của đời mình với văn chương nghệ thuật. Một tình yêu đủ lớn và dài rộng để bà ôm trọn và khỏa lấp cái tình riêng dang dở ở tuổi xuân thì.

Hải An
.
.