Một nghệ sĩ đích thực

Thứ Hai, 09/10/2017, 08:06
Thời vàng son của ông chỉ còn là những hoài niệm đã chìm sâu vào dĩ vãng. Nhưng công chúng yêu âm nhạc khi ấy không thể không biết vì ông thường xuyên xuất hiện trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN - lúc đó chưa có truyền hình) và các sân khấu ngoài trời mỗi dịp có tổ chức biểu diễn kỷ niệm các ngày lễ hoặc đón xuân. Ông là Thịnh Trường, vừa là ca sỹ, vừa là nhạc sỹ, hầu như cả đời làm việc ở Đoàn Ca nhạc Đài TNVN...


Không phải ai làm nghề liên quan đến văn nghệ (sáng tác, biểu diễn) cũng là nghệ sỹ với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của danh xưng này. Cụm từ này chỉ chính xác khi những người hoạt động văn nghệ thực sự có tâm, không ích kỷ, vụ lợi, mà tạo nên sản phẩm tinh thần một cách vô tư, trong sáng từ động cơ hướng đến công chúng, góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ cho họ chứ không chỉ xuất phát từ danh, lợi cá nhân, bất chấp hậu quả về sự suy giảm uy tín, để lại hình ảnh phản cảm trong mắt công chúng.

Người nghệ sỹ nói đến sau đây có thể xa lạ với số đông bạn trẻ hôm nay, có thể không “nổi tiếng” theo nghĩa như các “sao” đang xuất hiện chi chít trên bầu trời ca nhạc không mấy được chọn lọc thời này, bởi đã qua lâu thời hoạt động sôi nổi. Thời vàng son của ông chỉ còn là những hoài niệm đã chìm sâu vào dĩ vãng. Nhưng công chúng yêu âm nhạc khi ấy không thể không biết vì ông thường xuyên xuất hiện trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN - lúc đó chưa có truyền hình) và các sân khấu ngoài trời mỗi dịp có tổ chức biểu diễn kỷ niệm các ngày lễ hoặc đón xuân. Ông là Thịnh Trường, vừa là ca sỹ, vừa là nhạc sỹ, hầu như cả đời làm việc ở Đoàn Ca nhạc Đài TNVN.

Tôi khi đó là một cậu học sinh phổ thông rất thích nghe ca nhạc, hầu như không bỏ một chương trình nào trên Đài và đến xem ở các tụ điểm biểu diễn tại Hà Nội. Thịnh Trường khi ấy là một ca sỹ trẻ (ông sinh năm 1931) cùng đoàn với các ca sỹ Trần Thụ, Thương Huyền, Văn Hanh, sau có thêm Trần Khánh. Tôi vẫn nhớ ông từng gây hứng thú cho người nghe bằng việc biểu diễn những bài như "Cây chông tre" (Trí Thanh), "Có một cô nàng" (Vĩnh Bảo), "Hữu ngạn sông Thao" (Cao Xuân Hạo)… và lĩnh xướng rất nhiều bài khác.

Nghệ sỹ Thịnh Trường thời trẻ.

Những năm tháng đó, các sáng tác – đặc biệt là bài hát từ miền Nam gửi ra luôn được công chúng đón nhận đặc biệt vì mang hơi thở nóng hổi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. "Cây chông tre" của Trí Thanh là một trong những bài nổi tiếng khi ấy (“Cây chông là cây chông tre, là cây chông tre rõ ràng đây nè máu giặc còn loang…”).

Thịnh Trường có giọng nam trung - cao nhẹ nhàng, không cao chót vót. Ông hát rất say sưa, sôi nổi, hết mình, rất phù hợp với không khí dựng xây nhộn nhịp, khẩn trương khi ấy. Giọng ông ấm, sở trường với những bài hoạt, vui vẻ hơn là trầm lắng, suy tư. Ông tự thể hiện bài "Cô thợ hàn" do mình sáng tác thì không ai bằng (sau này, có nhiều ca sỹ vào loại … “xịn” hát lại bài này nhưng nghe không hay được như ông tự hát).

Ông hát một cách mộc mạc, giản dị, tự nhiên, không màu mè, tô vẽ mặc dù cũng được dự một lớp bồi dưỡng ngắn hạn về thanh nhạc. Quả là rất phù hợp với việc thể hiện ca khúc nói về cô thợ hàn vui tươi, nhí nhảnh: “Ngước trông lên lò cao. Ánh lửa hàn lóe sáng như sao. Tôi ngước trông lên lò cao thấy cô thợ hàn dán mắt trông sao…”.

Thời kỳ dựng xây đất nước sau hòa bình lập lại (1954), một không khí vui tươi phấn khởi, náo nức lao động tràn ngập khắp nơi, văn nghệ khi ấy hướng về phục vụ công - nông - binh nên rất cần lối diễn sôi nổi, vui hoạt như của Thịnh Trường hơn là lối hát bác học, “sa-lông”, càng không có nhạc nhẹ (extrade) như những năm 1980 trở đi. Và Thịnh Trường rất phù hợp với yêu cầu này. Lúc đó, ông là một trong những cái đinh chủ lực trong đội ca của Đài TNVN.

Ai sống ở những năm cuối thập niên 50, đầu 60 của thế kỷ trước không thể không quen biết bài hát "Múc nước giếng thơi" ngoài bài "Cô thợ hàn" đã nói. Thịnh Trường viết bài này trong bối cảnh nông thôn miền Bắc đang thay da đổi thịt từng ngày, phong trào đào, xây giếng được khuyến khích thay cho những chiếc ao làng dùng làm giếng không được vệ sinh đã có từ trước. Giai điệu bài hát đẹp, uyển chuyển rất dễ thương với ca từ giàu chất thơ: “Đôi tay em kéo lên gầu nước trong. Đáy giếng như gương in hình bóng em…”.

Nói đến những bài hát viết về nông thôn, không thể không nói đến bài này. "Múc nước giếng thơi" cũng là một trong số hiếm hoi những ca khúc hay, có đời sống lâu bền theo thời gian. Bằng chứng là cho đến hôm nay, trong nhiều hội diễn ca nhạc quần chúng, nhiều bạn trẻ đã tìm đến bài này để hát song ca nam nữ trên sân khấu. Cũng khá thú vị với trường hợp bài "Cô thợ hàn". Cứ tưởng đó chỉ là bài hát của một thời và chỉ những ca sỹ mê nhạc đỏ mới ưa thích.

Vậy mà gần đây, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng – một giọng hát sở trường với những bài tình ca mùi mẫn - thể hiện trên truyền hình cũng ra được chất khỏe khoắn, vui tươi, hồn nhiên của cô công nhân trẻ. Mới hay những tác phẩm có giá trị có thể lúc nào đó tạm thời lắng xuống, thậm chí bị công chúng lãng quên nhưng khi có dịp lại sẽ được phục hồi số phận. Không dễ bất cứ nhạc sỹ nổi tiếng nào cũng có được hai bài hát hay, đặc sắc về hai đề tài lớn là công nghiệp và nông thôn. Thịnh Trường đã có được điều này.

Thịnh Trường là một ngệ sỹ có tính cách khá độc đáo. Trước hết là một phẩm chất khiêm nhường, ít có ở những người có chút thành đạt trong sự nghiệp. Không ít văn nghệ sỹ dễ chỉ thấy tác phẩm của mình mà ít để ý, ghi nhận thành công của người khác. Thịnh Trường thì hoàn toàn ngược lại. Ông luôn tự... phủ nhận mình.

Có lần tôi khoe với ông là vừa dự một hội diễn ca nhạc thấy một cặp lên song ca bài "Múc nước giếng thơi" rất thú vị. Ông nói luôn: “Trời! Thiếu gì bài mà các bạn ấy hát bài đó. Cũ lắm rồi. Bài hát tầm thường chẳng có gì đặc biệt”. Tôi cũng cho ông biết Đàm Vĩnh Hưng hát "Cô thợ hàn" trên ti-vi ra vấn đề lắm. Anh ta hát rất có không khí, khỏe khoắn, trong sáng chứ không như khi hát những bài tình ái lâm ly.

Nghệ sỹ Thịnh Trường bên các chiến sỹ.

Từ khi nghe anh ta hát bài này, tôi thay đổi hẳn suy nghĩ về người ca sỹ họ Đàm, thấy rằng nếu hát nhiều nhạc đỏ, anh ta cũng hoàn toàn chiếm được thiện cảm của người nghe có khi còn hơn phong cách hiện tại của mình. Khi tôi nói Thịnh Trường có hai bài hát quá “độc” về hai đề tài lớn, ông nói: “May hơn khôn thôi. Dạo ấy mình có được học hành gì về sáng tác đâu. Chỉ viết theo cảm hứng. May mà rộ được lên khiến mọi người biết đến chứ chẳng có tài cán gì”.

Tôi nói với ông là những nhạc sỹ tài danh bậc nhất ở nước ta cũng đâu có học gì nhiều về âm nhạc như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy hay như Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Văn Thương… nổi tiếng rồi về sau mới được học hành bài bản thì Thịnh Trường nói: “Họ đúng là những tài năng kiệt xuất, thực sự lớn lao, vĩ đại”. Tôi hỏi: “Thời gian đầu, ở Đoàn Ca nhạc Đài TNVN, anh là một trong mấy sô-lit “đinh”. Sao về sau không thấy anh hát nhiều nữa tuy vẫn còn rất sung sức?”.

Ông trả lời: “Về sau có Trần Khánh được nhận vào Đoàn làm hợp đồng. Giọng anh ấy quá hay, hát bài nào cũng hiệu quả. Bọn mình thành lu mờ. Vậy nên mình chủ động nhường nhiều bài để anh ấy thu thanh sẽ hay hơn. Mình nghĩ chẳng nên cố làm việc gì khi đồng nghiệp của mình làm tốt hơn”.

Con người Thịnh Trường luôn toát lên sự khoáng đạt, vui vẻ, thoải mái. Ông trân trọng bạn bè, quý từng thành công nhỏ của đồng nghiệp. Thấy ông không là NSƯT, cũng không được Giải thưởng Nhà nước về VHNT mặc dù hoạt động ca hát từ trong kháng chiến chống Pháp, có mặt ở chiến dịch Điện Biên Phủ hát cho các chiến sỹ nghe, tôi hỏi: “Anh không làm đơn sao?”.

Ông trả lời rất thật: “Mình có làm để đề nghị được xét tặng danh hiệu NSƯT. Cơ quan rất ủng hộ. Nhưng lên nấc trên thì bị gạt. Từ đó, mình không đề nghị tiếp nữa. Còn giải thưởng thì mình thấy giá trị tiền thưởng lớn quá, còn nhiều nhạc sỹ khác xứng đáng hơn nên mình không làm đơn đề đạt”. Tôi nói không ít người chẳng ai biết đến còn được, huống hồ là ông thì ông nói: “Thôi, mình nên tự biết mình cho thanh thản”.

Hiện nay, Thịnh Trường sống một mình tại một góc khuất tít trong ngõ nhỏ rất vòng vèo ở phố Trần Khát Chân (vợ ông qua đời đã 10 năm. Các con gái ở riêng, chỉ thi thoảng đến thăm bố. Đứa con trai duy nhất sớm qua đời). Ngày ngày ông đọc sách báo, đi bộ quanh chiếc hồ gần nhà. Nhắc đến các đồng nghiệp và một thời hoạt động âm nhạc sôi nổi, không nhiệm vụ nào ông không lao vào hoàn tất tốt đẹp, có mặt ở khắp các mũi nhọn để biểu diễn phục vụ, mắt ông bỗng đỏ, thấy cay cay. Ông xúc động nghĩ đến những đồng nghiệp cùng đơn vị đã không còn như Thương Huyền, Trần Thụ, Trần Khánh, Huy Thư, Quang Khải…

Ông nói: “Cũng có lúc mình thấy ít nhiều bị thiệt thòi nhưng so với các anh chị ấy vẫn còn là may mắn. Họ tài năng lắm mà có người đã sớm ra đi. Thật uổng phí”. Thịnh Trường cho biết ông không băn khoăn, “lăn tăn” bất cứ điều gì mặc dù cuộc sống hiện nay là vô cùng đơn sơ, đạm bạc. Nhưng ông vui và thấy thanh thản.

Nguyễn Đình San
.
.