Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Một mái trường bậc đại học ở Thanh Hoá thời ấy

Thứ Năm, 05/12/2013, 08:00

Đầu năm 1952, cùng với một số bạn học tốt nghiệp trung học chuyên khoa và lớp 9 phổ thông, tôi đã được ghi tên nhập học Trường Dự bị đại học - Sư phạm Cao cấp Liên khu 4 mới mở - đặt tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là một trong các trường ở bậc đại học đầu tiên của nước ta được mở sau Cách mạng Tháng Tám, trong thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - tại vùng tự do Liên khu 4 cũ. Nhờ có nguồn nhân lực, vật lực hùng hậu, tài nguyên phong phú, đất đai rộng lớn, lại có một số đông các nhà giáo kỳ cựu, các nhà văn hóa đào tạo trong, ngoài nước… từ Thủ đô, Liên khu 3, cố đô Huế…chuyển về tham gia kháng chiến, Thanh Hóa đã có thể mở tiếp các trường ở bậc đại học với số lượng đông và chất lượng cao!

Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, tôi xin giới thiệu những nét lớn về một ngôi trường ở bậc đại học này, một ngôi trường mà có lẽ hơn 60 năm qua, không ít các thế hệ thầy - trò, cán bộ quản lý giáo dục… không có điều kiện tìm hiểu để biết đến!

Những nét đặc biệt của Nhà trường.

Nhà trường (hệ dự bị đại học) do GS Đặng Thai Mai làm Giám đốc lúc đó mở hai ban: Ban Khoa học Xã hội và Ban Khoa học Tự nhiên. Mỗi ban gồm 2 lớp: Xã hội và Tự nhiên của Thanh Hóa (và các tỉnh phía Bắc); hai lớp của Nghệ An (và các tỉnh phía Nam) chuyển ra sáp nhập vào. Mỗi lớp có khoảng 40 người. Xong chương trình Dự bị đại học (tháng 4/1953) là một kỳ thi tốt nghiệp, cấp chứng chỉ chính quy. Một số không ít sinh viên nhập ngũ, hoặc lên học các ngành  đại học trong nước và ngoài nước, Bộ Giáo dục cho mở tiếp tại Thanh Hóa - Liên khu 4 lớp Sư phạm cao cấp - lớp "cấp tốc đặc biệt" đào tạo giáo viên cấp 3 (do GS Trần Văn Giàu làm Giám đốc), chuẩn bị tích cực đón đầu sự đòi hỏi phát triển giáo dục sau chiến thắng. Trường chỉ còn lại 2 ban là Ban Văn (ra dạy Văn Sử Địa ở cấp 3) và Ban Khoa học lại chia thành 2 lớp là Toán (để ra dạy Toán Lý Hóa) và lớp Sinh (để ra dạy Lý, Hóa, Sinh ở cấp 3) với số lượng rút đi nhiều: Lớp Toán: 10 người; lớp Sinh: 9 người; lớp Văn: hơn 20 người.

Các cựu sinh viên Trường Dự bị đại học - Sư phạm Cao cấp Liên khu 4 đến thăm thầy cũ - GS Nguyễn Thúc Hào và phu nhân của thầy (hai người ngồi ghế) tại nhà riêng ở Hà Nội (ảnh chụp năm 2006).

Từ hệ Dự bị đại học, thầy, trò đều ở nhờ nhà dân trong xóm. Lớp học được đặt tại các ngôi đình làng rộng thoáng. Khi lớp đông - tập trung cả 2 ban để học Triết (với thầy Trần Văn Giàu) thì thầy đứng giảng bài, trò ngồi cả ngoài trời. Một số người dân đi qua, đôi khi cũng đứng lại nghe giảng! Chuyển sang hệ Sư phạm cao cấp, số sinh viên ít, các lớp đặt ngay tại nhà dân...  Các ban, lớp khoa học cần bảng thì sinh viên phải dùng lá rau lang trộn nhọ nồi đánh bảng cho đen. Đề phòng máy bay địch oanh tạc, các buổi học thường bắt đầu vào khoảng 6 giờ chiều. Bàn của thầy và bảng đặt những đĩa dầu bông, dầu lạc ép, có khi là cả một chai dầu hỏa có bấc để thắp sáng. Khói bay mù mịt… Còn trò thì ngồi thứ tự trước bàn thầy, trên các bộ ghế xếp cá nhân. Đèn học đủ kiểu, phổ biến là kiểu đèn "hộp Gibbs", "đèn lọ mực" gọn nhẹ.

Từ hệ Dự bị đại học, một đặc điểm làm cho việc học của chúng tôi khác với thời kỳ học phổ thông là đã được học, được nghiên cứu những môn học chuyên ngành mà mình yêu thích và có sở trường, như bạn tôi - GS Đặng Thanh Lê - đã nêu trong bài viết đăng trên Báo Văn nghệ Công an cách đây mấy năm. Một đặc điểm nữa trong nội dung và chương trình học tập của chúng tôi, đó là những kiến thức có tính chất đại cương, có hệ thống, thực sự mới mẻ, nhằm trang bị cho chúng tôi những hiểu biết cơ bản nhất để trở thành "những con người mới" cho các công việc, ngành nghề sẽ chọn.

Ví dụ như các bạn tôi học ở Ban Văn, đã được học các môn lý luận văn học Mác - Lênin hoàn toàn mới, do GS Đặng Thai Mai đứng lớp, môn Sử học do thầy Đào Duy Anh giảng dạy, không những có nội dung sử liệu vô cùng phong phú, mà cách phân tích, nhận định, đánh giá các sự kiện lịch sử của thầy đã dựa trên một nền tảng quan điểm,lập trường mới mẻ, uyên thâm và tiến bộ của thời đại. Hệ Dự bị đại học, các bộ môn chung cho cả 2 Ban: Chính trị, Triết học, Ngoại ngữ, thực sự đã nâng chúng tôi lên một tầm cao mới của trí tuệ.

Từ những anh chị học sinh chỉ biết có học văn hóa, không hề quan tâm đến thời cuộc sôi động của đất nước, của kháng chiến, thầy Đặng XuânThiều (người từng là Bí thư Khu ủy Liên khu 3) đã làm cho chúng tôi như bừng tỉnh… Đặc biệt hơn nữa, môn Triết học Mác Lê nin - Duy vật biện chứng - Duy vật lịch sử do thầy Trần Văn Giàu (thầy đã tốt nghiệp Đại học Phương Đông của Liên Xô cũ, đã từng lãnh đạo Nam Bộ kháng chiến…)  được Trung ương cử về giảng dạy Triết học cho chúng tôi. Với giọng miền Nam ấm áp, hùng hồn, hấp dẫn, với những nội dung biên soạn dễ hiểu, những ví dụ, dẫn chứng sát thực tế, khoa học…; chúng tôi mỗi buổi học thấy mình biết thêm rất nhiều điều mới mẻ, cảm thấy mình dần dần biến thành một con người khác với trí tuệ được mở mang thêm rất nhiều…

Môn Ngoại ngữ - Pháp văn: Đứng lớp là GS Nguyễn Mạnh Tường, người có hai bằng Tiến sĩ Văn và Luật tại Pháp, các năm đó được cử về dạy chúng tôi kiêm làm luật sư tại Tòa án Liên khu K4. Thầy Tường đã có một cách dạy hết sức khác thường là… không giảng bài. Giờ lên lớp, thầy, trò thường "đàm đạo" bằng tiếng Pháp một chủ đề nào đó do thầy giới thiệu và đã cho in (litô) các tài liệu trước để chúng tôi chuẩn bị… Cách dạy đó đã làm cho chúng tôi được nâng hẳn trình độ nhận thức và cả cách nói, cách trình bày một vấn đề bằng ngoại ngữ. Chính vì vậy, sau này, khi được chọn cử đi giảng dạy (cả Triết, Chính trị, Tâm lý học, Giáo dục học và Toán Lý…) ở một số nước châu Phi nói tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha, các anh em cựu sinh viên của Trường đã gặp rất nhiều thuận lợi.

Một đặc điểm nữa là quan hệ giữa thầy và trò chúng tôi hết sức gần gũi, thân tình, mặc dầu các thầy đều ở tuổi cha, chú chúng tôi (thầy Đặng Thai Mai là cụ thân sinh của bạn Đặng Thanh Lê); đồng thời đã là những tên tuổi lớn, sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khi cần thiết. Thầy Nguyễn Thúc Hào (giảng viên Toán, thành viên Ban Giám đốc nhà trường) với kiến thức Toán học sâu rộng của một thạc sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Pháp, lại có kỹ năng sư phạm tuyệt vời; chúng tôi - các sinh viên Sư phạm có may mắn được thầy trực tiếp trau dồi cho suốt mấy năm trời cả về kỹ năng sư phạm, cả về tác phong, đạo đức.

Biết khó khăn chúng tôi sẽ gặp (do thời đó chưa có sách giáo khoa), thầy đã bỏ thì giờ soạn tập giáo trình Lượng Giác học viết tay - một môn học có nhiều công thức biến đổi không đơn giản  để tặng chúng tôi sao chép mang theo hành trang đi công tác xa… Đặc biệt hơn nữa là thầy Hồ Đắc Liên - kỹ sư Hóa học tại Pháp - dạy Hóa cho chúng tôi.

Theo Bác Hồ về nước, thầy Liên về gần như "tay trắng" - để lại cả công ăn việc làm, lương bổng, cuộc sống cao, mặt khác do học và làm lâu năm tại Pháp, thầy nói tiếng Việt không sõi. Thầy bèn đề xuất anh em chúng tôi cử một nhóm bạn tương đối khá về Hóa, giỏi tiếng Pháp (Quế, Phi, Trai…) đến nhà thầy nghiên cứu trước bài soạn của thầy bằng tiếng Pháp, dịch ra tiếng Việt. Thầy duyệt xong thì chúng tôi tổ chức in "litô" phân phát cho cả lớp .

Cuối năm 1953, sau một kỳ thi tốt nghiệp hết sức nghiêm túc - có chứng chỉ tốt nghiệp chính thức - tất cả chúng tôi đã được phân công đi nhận công tác. Lúc đó, kháng chiến đang vào giai đoạn quyết định. Chúng tôi được phân công giảng dạy các lớp cấp 3 đầu tiên tại Liên khu Việt Bắc, lên Tây Bắc mở Trường Sư phạm, về các vùng hậu địch của Liên khu 3, Liên khu Tả Ngạn…; sang dạy ở Khu học xá Trung ương Nam Ninh, Trung Quốc. Nhờ có chúng tôi, đông đảo học sinh thời đó (cả miền Nam tập kết, vượt tuyến, học sinh Lào) có thầy dạy học để hoàn thành cấp học cuối và kịp thời được chọn cử sang Liên Xô và các nước XHCN anh em, hoặc vào học tập tại các trường đại học trong nước (mở sau 1954 tại Thủ đô), thực hiện được ước mơ hoài bão của nhiều người. Không ít người đã trở thành các cán bộ lãnh đạo, chuyên gia, giáo sư… có tiếng tăm. Họ rất quý nể và biết ơn chúng tôi.

Chúng tôi đảm nhận mọi công tác tại các trường phổ thông cấp 2, cấp 3… Nhiều bạn tôi từ các trường phổ thông được chọn cử về công tác, giảng dạy, xây dựng các trường Sư phạm Trung cấp Trung ương Hà Nội, khu, tỉnh, rồi Cao đẳng Sư phạm, Đại học Sư phạm Trung ương và địa phương. Ở các trường đại học, nhiều bạn đã trở thành Tổ trưởng bộ môn, Trưởng, Phó Khoa, được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư… từ rất sớm. Một số không ít được bổ nhiệm những chức vụ trong hệ thống quản lý giáo dục và chính trị các cấp. Một số không ít được cử đi giảng dạy giúp các nước bạn như Lào, Campuchia, Algérie, Angola, Congo… được sinh viên, cán bộ nước bạn tín nhiệm, quý nể. Nhiều bạn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các huân, huy chương và các danh hiệu cao quý

Lương Vĩnh Khang
.
.