Một luật gia ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Thứ Năm, 08/12/2011, 08:00
Chúng tôi gặp luật gia Hoàng Xuân Tốn tại Hà Nội giữa những chuyến di chuyển liên tục đến khắp các tỉnh thành của ông. Ông khiến mọi người ngạc nhiên khi vào tuổi "thất thập" mà người bạn đồng hành của ông trên hàng trăm km vẫn là chiếc xe máy Trung Quốc cà tàng. Ông bảo, vì công việc luôn phải đi đây đi đó nên đi xe máy cho tiện. Hơn nữa, đi quen rồi, ông cũng không thấy mệt...

Ở tuổi bảy mươi, những chuyến hành trình bằng xe máy từ Thanh Hóa về Hà Nội (và ngược lại) với ông là chuyện thường xuyên như cơm bữa. Dừng chân Hà Nội chỉ chốc lát, ông lại "phi" về Ninh Bình, Nam Định... Điều đặc biệt là những chuyến đi ấy, không phải để ông lo việc nhà mình mà toàn lo chuyện của thiên hạ. Nhiều người bảo ông "gàn", là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Vợ con, bạn bè cũng can ngăn vì lo lắng cho sức khỏe của ông. Nhưng với ông, những điều đó không quan trọng bằng niềm vui ông mang đến cho nhiều cảnh đời còn gặp khó khăn, bất công vì thiếu hiểu biết pháp luật.

1. Với cương vị Tổng thư ký Hội Luật gia Liên cơ quan, Ủy viên BCH Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình tác nghiệp, luật gia Hoàng Xuân Tốn đặc biệt chú ý giúp đỡ những người có công với cách mạng nhưng vì lý do nào đó như thất lạc giấy tờ, hồ sơ nên chưa được công nhận, vinh danh. Ông chia sẻ: "Sở dĩ tôi đau đáu với vấn đề này bởi từng là người lính, từng trải qua chiến tranh và may mắn lành lặn, sống sót cho đến ngày hôm nay, trong khi có biết bao trường hợp đã anh dũng hy sinh vì độc lập của dân tộc nhưng vì những lý do nào đó chưa được ghi nhận. Nhiều người trong số họ không biết bắt đầu từ đâu, chuẩn bị những giấy tờ gì. Mình có kiến thức về pháp luật thì tại sao không giúp họ?".

Cho đến thời điểm này, đã có nhiều gia đình gặp khó khăn về mặt pháp lý được luật gia Hoàng Xuân Tốn tư vấn giúp đỡ dẫn đến thành công. Hàng trăm lá thư cảm ơn vị luật gia mẫn tiệp, tốt bụng này được gửi tới các đơn vị truyền thông cũng như Hội Luật gia Thanh Hóa. Tiêu biểu như việc ông đã giúp đỡ thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Danh Dương - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh hy sinh năm 1945 được công nhận là liệt sĩ và là cán bộ tiền khởi nghĩa. Vì hồ sơ thất lạc, nhiều đồng chí hoạt động cùng thời với liệt sĩ Nguyễn Danh Dương không còn nữa nên ông phải mất tới 3 năm đi đi lại lại, thu thập tài liệu mới hoàn thành. Có cơ quan, cá nhân bị thiệt thòi trong đền bù đất đai, chuyển nhượng nhà đất vì thiếu hiểu biết pháp luật cũng được luật gia Hoàng Xuân Tốn giúp đỡ, lấy lại công bằng. Và, ông làm tất cả những điều ấy chỉ trên tinh thần giúp đỡ, không lấy bất kỳ một chút thù lao nào.

2. Trò chuyện với luật gia Hoàng Xuân Tốn chúng tôi mới biết ông có tới 3 tấm bằng đại học, mà mỗi tấm bằng thuộc một lĩnh vực khác nhau. Bằng Đại học Tổng hợp, khoa Văn, bằng Đại học Thương mại và gần đây nhất là của Đại học Luật Hà Nội khi ông đã xấp xỉ 60 tuổi.

Tinh thần ham học dường như đã ăn sâu vào máu người con xứ Nghệ này. Sinh năm 1942 tại xã Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Quê hương miền Trung nghèo khó nhưng đầy ắp tinh thần hiếu học đã hun đúc nên ở Hoàng Xuân Tốn những tính cách cần cù, ham học hỏi. Giờ đây, ông vẫn nhớ như in hình ảnh cha mẹ mình vét những đấu gạo cuối cùng ủng hộ đoàn quân cách mạng. Nghèo, vất vả nhưng chưa bao giờ Hoàng Xuân Tốn có ý định ngừng học. Ngay từ bé, Hoàng Xuân Tốn đã say mê đọc sách, đặc biệt là sách văn học. Ngoài văn học Việt Nam, ông còn đam mê đọc các tác phẩm văn học của Nga, Pháp, Trung Quốc… Ông thuộc làu "Truyện Kiều", "Chinh phụ ngâm" từ khi còn rất nhỏ. Với ông, sách là tài sản quý giá nhất mà ông luôn trân trọng. Sau này, khi có gia đình riêng, đủ thứ phải lo lắng gánh vác nhưng chưa khi nào cuộc sống của ông thiếu sách. Thời chiến tranh, có những đận phải đi sơ tán, đến đâu ông cũng ưu tiên đạp xe chở sách trước rồi quay lại chở người thân sau. Tình yêu sách của ông cũng được truyền lại cho các con cháu sau này.

Luật gia Hoàng Xuân Tốn là người trải qua nhiều công việc, vị trí khác nhau nhưng ở lĩnh vực nào ông cũng luôn hết mình và có những sáng kiến, tìm tòi mới. Năm 1963, ông đi làm công nhân thủy lợi ở công trình thủy lợi Diễn - Yên - Quỳnh (Diễn Châu - Yên Thành - Quỳnh Lưu). Nhờ bản tính nhanh nhẹn, tinh thần trách nhiệm cao, ông được giao ngay nhiệm vụ phụ trách các máy bơm nước Diezen 35 sức ngựa để đảm bảo nước bơm rút đúng quy trình. Ngay sau đó, ông được Ty Công an Nghệ An quyết định điều về làm việc trong ngành tình báo. Thời gian này, ông góp phần không nhỏ trong việc đập tan âm mưu phá hoại của một số tổ chức phản động. Tiêu biểu như khi nhóm biệt kích ở phía Nam do Nguyễn Văn Chung cầm đầu nhảy dù xuống đất Kỳ Sơn, Nghệ An bị bắt, Hoàng Xuân Tốn đã được giao nhiệm vụ đóng giả tù nhân mang về nhiều thông tin có lợi cho cách mạng. Hoặc, khi nhóm phản động với tên gọi "Mặt trận Cộng hòa Công dân Tiền phong Bắc Việt Nam" do Lê Liễu người Đô Lương, Nghệ An tự xưng làm Tổng bí thư và Hoàng Vũ Lai làm Tổng thư ký mặt trận bị bắt với âm mưu lật đổ chính quyền, Hoàng Xuân Tốn với sự mưu trí của mình đã thu được nhiều thông tin quan trọng về mạng lưới phản động này. Sau này, nhóm Lê Liễu, Hoàng Vũ Lai bị kết án 20 năm tù...

3. Sau khi chuyển công tác về Đoàn Vận tải ôtô số 40 thuộc Bộ Tư lệnh giao thông vận tải với nhiệm vụ chuyển súng đạn, xăng dầu vào chiến trường, dù được Cục Vận tải cho sang Liên Xô học nhưng Hoàng Xuân Tốn vẫn quyết định ở lại quê hương (Thanh Hóa). Sâu thẳm trong ông là tình yêu văn chương, mơ ước đi vào con đường sáng tác. Vì thế, ông quyết định thi vào khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp và học cùng khóa 21 với nhiều nhà văn, nhà thơ trong đó có Hoàng Nhuận Cầm, Giáng Vân... Những tháng ngày là sinh viên Khoa Ngữ văn cũng chính là những tháng ngày thú vị nhất trong cuộc đời ông. Ông cùng các bạn tham gia tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ, của trường, lớp…Tốt nghiệp Đại học, ông về giảng dạy tại Trường Bồi dưỡng cán bộ Thanh Hóa. Ở cương vị này, ông có nhiều sáng kiến, trong đó tiêu biểu là chủ trương "5 cây 1 con" rất phù hợp cho việc phát triển kinh tế của vùng Thanh Hóa. Chưa bằng lòng, ông lại tiếp tục khăn gói quả mướp ra Hà Nội học Đại học Thương mại, sau đó về làm Trưởng phòng kinh doanh rồi Phó Giám đốc Xí nghiệp Thực phẩm Nông sản Thanh Hóa. Cũng trong thời gian này, ông đã góp phần cho ra mắt sản phẩm bia Thanh Hóa và là người đầu tiên xuất khẩu bánh đa nem sang Pháp. Trước khi nghỉ hưu, ông công tác tại Ban Kinh tế Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Với Hoàng Xuân Tốn, việc học luôn là một đam mê, khao khát bất kể tuổi tác. Chuẩn bị nghỉ hưu, một quyết định nữa của ông khiến nhiều người bất ngờ là đi học Đại học Luật. Tốt nghiệp Đại học Luật, ông tiếp tục học lớp Luật sư 6 tháng và trở thành một trong những người đặt viên gạch đầu tiên thành lập Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa.

Luật gia Hoàng Xuân Tốn được mọi người yêu quý bởi tấm lòng trong sáng, vô tư khi làm việc nghĩa. Đến tuổi này, ông vẫn thường xuyên hướng dẫn ôn thi Đại học cho các học sinh từ môn Văn đến Toán, Lý, Hóa. Từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo nhưng ông luôn giữ cho mình cuộc sống giản dị, thanh đạm. Giờ đây, hai ông bà vẫn sống trong căn nhà nhỏ ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Văn phòng làm việc của ông tại thành phố Thanh Hóa vẫn là căn phòng nhỏ mượn từ một công ty xây dựng. Để chuẩn bị cho những chuyến đi xuống địa phương, ông vẫn tự mình dậy sớm nấu cơm, rồi nắm cơm vào chiếc mo cau quen thuộc làm thực phẩm đi đường.

Khi chúng tôi thắc mắc rằng, ông cứ "vác tù và hàng tổng" thế này, bác gái có ý kiến gì không? Ông cười bảo: "Ban đầu cũng có đấy, bà ấy nói tôi gàn dở, hâm nhất nước nhưng tính tôi là thế, thấy việc đúng tôi sẽ làm. Hơn nữa, việc tôi làm là giúp đỡ người khác nên sau này bà ấy cũng ủng hộ. Con cái ban đầu cũng can ngăn vì lo lắng cho sức khỏe nhưng tôi quan niệm, còn sức khỏe thì sẽ tiếp tục làm những việc có ích cho xã hội. Nhất quyết không dựa dẫm vào con cái".

Có lẽ, chính sự lạc quan khiến ông không bao giờ thấy mệt mỏi trên hành trình đôi khi đơn độc đó. Và hơn nữa là tình yêu văn nghệ. Ngay từ khi là cậu bé 13 tuổi, ông đã chơi thành thạo đàn ghita, măngđôlin và sau này là violin. Những năm tháng trong quân đội, ông thường xuyên vừa đánh đàn ghita vừa hát ca khúc "Bài ca hy vọng" cho đồng đội nghe. Rảnh rang, ông lại quay sang sáng tác thơ, nhạc. Thói quen làm thơ, viết nhật ký có từ ngày ông còn học phổ thông. Đó là những cảm xúc ông dành cho quê hương, đất nước, gia đình, vợ, con. Có những câu thơ ông viết trong đêm 30 tết về nỗi nhớ nhà khi bận việc không về được: "Đêm 30 tết lắng nghe sương/ Mùi bánh chưng thơm lẫn mùi hương/ Nhưng lòng dạ nào có tưởng/ Chua xót thân con xa đoạn trường"...

Cho đến nay, gia tài của ông là hàng trăm bài thơ và nhiều ca khúc trữ tình sáng tác từ thập niên 50 - 60 như "Gánh cỏ về làng", "Xibêri"... Nhưng ông bảo, sáng tác để sẻ chia tâm sự và đọc cho con cháu vui thôi chứ không phải để công bố. Giờ đây, ông vẫn thường xuyên kéo violin bài "Sông Thao", hát những ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ Văn Cao, Trần Hoàn... Những lúc như thế, nhìn ông trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi "thất thập" của mình

Thảo Duyên
.
.