Nhà thơ, nhà báo Trần Đức:

Một giọng thơ trào phúng giản dị mà mạnh mẽ

Thứ Năm, 03/08/2017, 09:02
Trần Đức là chiến sĩ Công an, từng là hộ tịch viên (Cảnh sát khu vực) rồi trở thành nhà báo, phụ trách tờ tin Công an Hà Nội lưu hành nội bộ và sau này là Báo An ninh Thủ đô, tiếng nói của lực lượng Công an Thủ đô và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với chương trình "Vì an ninh Tổ quốc" của Bộ Công an trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo An ninh Thủ đô ra công khai sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975.


Việt Nam có những nhà thơ trào phúng kiệt xuất, lưu danh đời đời, như Hồ Xuân Hương, Trần Kế Xương (tức Tú Xương). Sau đó, có nhà thơ Hồ Trọng Hiếu, bút danh Tú Mỡ cũng có dòng thơ trào lộng, được công chúng ưa thích, mến mộ.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 tới nay, thơ trào phúng xuất hiện đều trên báo chí, nhất là trong hai cuộc chiến tranh chống xâm lược. Thơ trào phúng tập trung đả kích, vạch mặt kẻ thù và bọn tay sai, đồng thời phê phán những tiêu cực, tệ nạn trong đời sống cộng đồng.

Năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện đều mảng thơ trào lộng này, nhất là gần đây, thơ tập trung lên án nạn tham nhũng, quan liêu, bọn tha hóa đạo đức, nhân cách, làm giàu bất chính và các tệ nạn xã hội, làm xói mòn, tổn hại đời sống, tình yêu cuộc sống lành mạnh của nhân dân.

Nhà thơ Ngô Văn Phú cho biết, trước đây, trong những cuộc trao đổi về thơ trào phúng, các nhà thơ Tú Mỡ, Nguyễn Đình, Xích Điểu, Thợ Rèn, Phấn Đấu, Thôi Sơn, Lã Vọng và cả nhà thơ Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông (bút danh Đặc Công) đều muốn có những cây bút chuyên trào phúng - trữ tình.

Mọi người đồng tình đánh giá của nhà văn Nguyễn Tuân về nhà thơ lớn Tú Xương: "Trào phúng - trữ tình là phẩm chất nghệ thuật của những cây bút lớn, Tú Xương là như vậy".

Tú Xương lấy cái "chân phải" trữ tình mà khiến cái "chân trái" tả thực, chủ đạo cho đà thơ là ở "chân phải" và Tú Xương đã băng được mình thơ tới chúng ta, bằng nước bước "lãng mạn trữ tình".

Trần Đức là chiến sĩ Công an, từng là hộ tịch viên (Cảnh sát khu vực) rồi trở thành nhà báo, phụ trách tờ tin Công an Hà Nội lưu hành nội bộ và sau này là Báo An ninh Thủ đô, tiếng nói của lực lượng Công an Thủ đô và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với chương trình "Vì an ninh Tổ quốc" của Bộ Công an trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo An ninh Thủ đô ra công khai sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975.

Ngoài nhiệm vụ Tổng biên tập, ông dành thời gian, tâm huyết, phấn đấu theo các bậc tiền bối về nghệ thuật thơ trào phúng. Ông đã xuất bản 4 tập thơ về đề tài này: "Thiếu một người", "Có một phiên tòa", "Sấp ngửa", "Hai vòng hoa héo" được người đọc đón nhận.

Nhà thơ, nhà báo Trần Đức.

Nhiều khía cạnh cuộc sống được ông khai thác, đề cập: Tệ nạn tham nhũng, quan liêu, làm ăn bất chính, buôn lậu, nạn ma túy và các tiêu cực, tệ nạn phát sinh trong đời sống cộng đồng v.v... Phải căm ghét lắm mới có câu thơ như thế này: "Tên tham nhũng luôn mồm nói sống sáng trong/ Sao rợn lạnh như chim lợn kêu báo điều dữ đến/ Có khác gì lời cô gái điếm/ Khoe xúng xính mảnh "voan" trinh bạch thuở thanh tân".

Ông nhận xét chức danh ma giáo trên một tờ danh thiếp: "Gần chục chức danh trên tờ danh thiếp/ Mới thoáng nhìn, tưởng hắn tài ba/ Đâu biết "danh" ấy mua bằng tiền ăn cắp/ Giữa cuộc đời, hiển hiện một thằng ma".

Và đây là cảnh trớ trêu hai bố con một người tham nhũng, qua lời kể của đứa con rơi của anh ta:

Ông ta bỏ mẹ con tôi?/ Khi tôi chưa đủ hình hài/ Mẹ tôi "mất" đời con gái/ Đẻ con biết đặt họ ai/ Tôi sống những ngày lông bông/ Mẹ bận kiếm ăn tối mặt/ Một lần, tôi đi ăn cắp/ Dao rạch đúng cặp ông ta/ Và rồi xảy ra chuyện bất ngờ/ Mẹ tôi gặp "người tình" cũ/ Bối rối, sững sờ, bỡ ngỡ/ Cúi đầu, ông lên ôtô/ Trời hỡi, trái đất tròn vo/ Tôi gặp lại ông trong trại/ Cuộc đời trớ trêu thế đấy!/ Có ai như bố con tôi?

Tác giả gặp một "ông VIP" trong cuộc hỏi cung, qua một vụ tham ô vỡ lở:

"Phòng hỏi cung tôi gặp anh ta/ Lời khai nào cũng tiếng dạ, thưa/ Hàng râu kiến xếch theo môi rệch/ Mặt chữ điền rúm bộ sọc dưa".

Và anh ta trong bữa ăn ở trại: "Tôi thấy anh trong bữa cơm tù/ Thịt thà còn ít, chỉ rau dưa/ Mà sao ánh mắt đầy háo hức/ Khác tiệc tùng xưa, rặt mứa thừa...".

Và cảnh đến hầu nhà "sếp" thật tức cười: "Ngày ấy, đến cả người quen lẫn lạ/ Lưng không gù, nhưng dáng vẫn lom khom/ Mắt sùm sụp hòa nét mặt nghiêm trang/ Rón rén bước đi cẩn trọng".

Họ là bọn người thạo ngón nịnh bợ, mưu danh lợi cho mình, khi "sếp" cũ ra đi, lập tức đến nhà "sếp" mới: "Giờ họ chắc đến hầu cửa khác/ Lại tiếng rên ken két đóng mở không ngơi".

Trò cũ, nhưng lặp lại như "lẽ sống" của mấy kẻ xu nịnh, theo đóm ăn tàn.

Một cô tiếp viên phục vụ đám thực khách ăn tiệc bằng tiền chùa: "Mặt phởn phơ, thắt lưng nới dài hết cỡ/ Ran tiếng cười hô hố/ Sậm sánh rượu hồng, sủi trắng bọt bia...".

Mặt cô tiếp viên chợt sững sờ khi nghe tiếng phát thanh viên: "Các em trường Nguyễn Đình Chiểu tháng tới hết tiền ăn". Cô tiếp viên có em trai mù bẩm sinh đang học ở trường này. Đám thực khách đâu biết tâm trạng người hầu bàn ấy.

Tác giả nêu một tên lừa đảo đóng vai khá đạt: "Em là "em gái" Bộ trưởng/ Em là "con nuôi" Thủ tướng/ Em là, em là.../ Lấp lửng gần xa/ Danh xưng nghe như thật/ Chạy dự án mở đường, trường học/ Chạy xuất hàng chính ngạch, xin cấp thẳng "Côta"/ Chạy "trắng án" khi phải hầu Tòa/ Chạy "ghế thơm" để dễ bề vơ vét...".

Nhiều người sập bẫy, tiền mất, tai vạ vào thân, có trường hợp vướng vòng lao lý.

Bốn câu kết một bài thơ nói mấy kẻ bôi nhọ đạo đức người thầy thuốc thật ai oán: "Chiếc blu trắng kia ơi!/ Ơi kìa, chiếc blu xanh màu nước biển/ Có nhầu nhĩ, có khép tà hổ thẹn/ Trắng xanh, xanh trắng nhạt nhòa...".

Ông đau xót gặp một đám tang: "Đám tang đầy hoa trắng/ Dừng bên phố đông/ Người mẹ run rẩy đặt bát hương/ Trên vỉa hè nơi tim con trai bà ngừng đập".

Tác giả tả nỗi buồn của người mẹ mất con trai chết vô cớ:

“Ôi chỉ lời khích bác bâng quơ/ Cái nhìn thách đố/ Hai anh con trai coi nhau như kẻ tử thù/ Để hôm nay/ Mấy làn nhang thảng thốt, bơ vơ".

Và hai nhân vật đối mặt với nhau, một nhân viên quản lý thị trường mất chất và một tên buôn lậu: "Đặt hai cây vàng cho qua "thủ tục"/ Thấy anh ta cười cười/ Những tên buôn lậu hiểu ngay/ Thằng khốn này nó "cười mơi" đấy...".

Ông ghi khắc khá đậm nét một cảnh đời: "Dấu vết bà lão ăn mày/ Đầu gậy hắn mặt đất/ Dấu vết lũ gian tham/ Miếng cháy chia nhau bao gia đình lương thiện".

Tính nhân đạo thể hiện cả nơi pháp trường: "Ngôi mộ mới vất vơ hương khói/ Người thi hành án thắp cho người tử tội".

Một nỗi buồn và đau khổ cho hai gia đình tranh chấp đất đai, gây cái chết đau xót: "Cây ruối bờ rào chung vẫn nẩy lộc lá xanh/ Mái bếp hai nhà khói lam vờn tỏa/ Một người hàng xóm, nạn nhân vụ tranh lối vào dần xanh màu cỏ/ Là nỗi buồn trùm khắp xóm thôn day dứt mãi khôn nguôi".

Tác giả đặt dấu hỏi cho ai đấy đến Đền Bà Chúa kho "vay tiền": "Trong nhang khói mờ bay/ Chúa hỡi! Bà có hay? Thiên hạ vay "vàng" giấy?/ Mơ giầu có trong tay/ Vàng sáng nhuộm lòng đen/ Giữa cuộc đời đơn bạc/ Lòng thành khi tới Đền/ Ra về thiện hay ác?".

Một cô gái bị tạt axít. Ông đau xót kêu lên: "Em là nạn nhân của con thú ác/ Chẳng run tay vung thứ nước giết người/ Để giờ đây/ Khuôn mặt kiều diễm em đâu rồi?/ Đôi mắt trong trẻo em đâu rồi?/ Đâu rồi?/ Đâu rồi?...".

Bà mẹ chồng cay nghiệt dẫn đến cái chết oan nghiệt của cô con dâu suy cạn, nghĩ nông: "Làng quê đâu yên ả/ Bão nổi giữa trời quang/ Mưa ngập trời trăng tỏ/ Chuyện xảy đến ngỡ ngàng/ Đám tang trắng mầu trắng/ Thảm tiếng khóc ơ hờ/ Nỗi đau dài năm tháng/ Cùng màu xanh nấm mồ".

Tuy nhiên, không ít người bực tức khi đọc thơ Trần Đức vì nó "động" đến họ, những đối tượng tham nhũng, tha hóa, đang bị xã hội lên án và bị pháp luật xử lý nghiêm khắc...

Cả cuộc đời làm nghề báo, nhưng ông dấn thân không mệt mỏi trên lĩnh vực văn chương. Trần Đức đã có "duyên" là đồng tác giả với nhà thơ Tú Mỡ trong Diễn đàn "Nâng cao cảnh giác, đập tan nanh vuốt giặc Mỹ" về đấu tranh chống gián điệp trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, tiểu thuyết "Cây bàng lá đỏ" được dịch sang Hoa ngữ, một số truyện ngắn được dịch sang Anh ngữ và tuyển chọn trong các tuyển tập truyện ngắn hay của các Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Thanh niên... Nhưng ông dồn nhiều tâm huyết, phấn đấu bền bỉ để theo các bậc tiền bối về nghệ thuật trào phúng. Hai trăm bài thơ, vốn liếng khá dồi dào.

Thơ trào phúng - trữ tình của Trần Đức có tính nhân văn, giá trị tinh thần thông qua ngôn ngữ giản dị, giàu biểu cảm, mạnh mẽ và dễ hiểu. Cấu trúc thơ ngắn gọn mà vẫn truyền tải được cảm xúc, có khi là câu chuyện có nhân vật, sự kiện và tình tiết. Nó được tiếp tục kế thừa nâng cao cả nội dung lẫn hình thức cho thơ trào phúng vốn được công chúng yêu thích.

Giọng thơ của Trần Đức lạ và quen, tạo cho mình một hành lang độc đáo, một giọng nói riêng biệt, cấu tứ lạ, có dư vị, biết khêu gợi vấn đề thiện ác, phân minh, đem đến cho chúng ta rung cảm sâu sắc và hướng thiện, có những nét riêng đáng ghi nhận.

Hoàng Hoan
.
.