Một giọng liêu trai của sân khấu cải lương

Chủ Nhật, 17/07/2016, 08:23
Là một ngôi sao ở "thế hệ vàng" của nghệ thuật cải lương cùng thời với các nghệ sĩ: Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh…, NSƯT Mỹ Châu nổi tiếng nhờ phong cách diễn trầm tĩnh, sâu sắc và giọng ca trầm buồn, "đặc biệt" với sở trường ca dây kép. Têncủa nữ nghệ sĩ tài danh này đã được dùng để đặt tên cho một thang âm cổ nhạc gọi là "dây Mỹ Châu".


Nguyễn Thị Mỹ Châu sinh năm 1950, tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Gia đình có 4 anh chị em, Mỹ Châu là con út. Lúc đầu, Mỹ Châu mê tân nhạc, từng đoạt giải nhất trong một cuộc thi ca nhạc thiếu nhi khi vừa lên 7 tuổi. Nhưng cô cũng học ca vọng cổ từ một người bạn của anh trai. Học nhưng không say mê. Cô chỉ mơ trở thành bác sĩ trị bệnh cứu người.

Bất ngờ, ông bầu Cang của gánh hát Tiếng Chuông tìm đến nhà và ngỏ lời xin má cô cho cô đi theo đoàn hát, vì ông phát hiện tiềm chất của cô trong một lần nghe cô ca vọng cổ tại trường. Má cô thích lắm, xin phép cho cô nghỉ học theo đoàn. Bà vốn là một người rất hâm mộ cải lương. Cô chiều lòng mẹ. Hai má con đã khăn gói theo đoàn Tiếng Chuông vào năm 1961, khi cô mới 11 tuổi.

Cũng như các con em của nghệ sĩ khác, hằng đêm, Mỹ Châu ngồi bên cánh gà xem hát, tự học lỏm những vai diễn. Thấy Mỹ Châu có chất giọng tốt, các thầy đờn trong đoàn dạy cô ca vọng cổ và nhiều bài bản cổ nhạc khác. Ít lâu sau, ông bầu Cang cho Mỹ Châu ca salon ngoài màn trước khi đoàn diễn tuồng chính thức. Vai diễn đầu tiên là vai đào con Sao Ly trong vở "Giai nhân bên suối mộng".

Mỹ Châu thời trẻ.

Được đứng hát chung với các nghệ sĩ ở các đoàn đại bang tầm cỡ như Thành Được, Út Bạch Lan, Minh Chí, Kim Nên, hề Minh... là điều mơ ước của các nghệ sĩ ở các đoàn cải lương trung bang như đoàn Tiếng Chuông. Những ngày nghỉ xả hơi, Mỹ Châu cùng mẹ và nghệ sĩ Phi Hùng thường đến rạp Minh Hiển ở Long Xuyên xem thần tượng Út Bạch Lan biểu diễn.

Nghệ sĩ Phi Hùng giới thiệu Mỹ Châu cho Út Bạch Lan. Cô Bảy Kim Chưởng, bà bầu của đoàn hát đại bang Kim Chưởng cũng được thông tin về Mỹ Châu đã đề nghị cô cộng tác với hợp đồng khởi điểm 5.000 đồng (1 đôla Mỹ chưa đến 9 đồng). Nỗi mừng nhỏ chưa kịp loãng, niềm vui lớn đã bất ngờ ập đến. Ngay đêm gặp gỡ ấy, sầu nữ Út Bạch Lan đã mời Mỹ Châu với giao kèo cao hơn.

Vậy là năm 12 tuổi, Mỹ Châu chính thức về đầu quân cho đoàn Út Bạch Lan - Thành Được, học ca và ngâm thơ hậu trường. Mỹ Châu tiến bộ rất nhanh. Cuối năm 1962, khi vở "Khi rừng mới sang thu" của cố soạn giả Quy Sắc được đoàn dàn dựng, Mỹ Châu được phân thủ vai Ấu Quân. Nhờ sự giới thiệu của danh cầm Hai Long, cô về cộng tác với ban cổ nhạc Thành Công, ca bài vọng cổ "Bá Nha - Tử Kỳ", phát trên Đài phát thanh Sài Gòn, được công chúng khắp nơi ái mộ.

Nổi tiếng trên làn sóng phát thanh, giọng ca ngày càng mượt mà, sâu lắng, Mỹ Châu là đích ngắm của nhiều đoàn. Năm 1965, sau thành công vai nữ chính Thùy Dương trong vở "Hai lần thu hẹn" ở sân khấu Thủ Đô, Mỹ Châu được ông bầu Long mời về sân khấu đại bang Kim Chung, tiếp tục chinh phục khán giả qua các vở tuồng: "Trinh nữ lầu xanh", "Gió giao mùa", "Kiếm sĩ dơi"…

 Sở hữu giọng ca hay, lại được danh ca Minh Cảnh và Diệu Hiền rèn luyện thêm kỹ thuật ca - diễn; chẳng bao lâu, tên tuổi của NSƯT Mỹ Châu càng vụt sáng. Năm 17 tuổi, Mỹ Châu đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm, một giải thưởng đỉnh cao của sân khấu cải lương Nam Bộ. 26 năm sau (1993), Mỹ Châu được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú". Rồi đến năm 1999, chiếc Huy chương vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam dành cho những cống hiến, sự am tường thấu hiểu và hết lòng tận tụy với nghiệp ca cầm của nghệ sĩ tài danh Mỹ Châu.

Tỏa sáng nhờ giọng ca

Hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật cải lương, NSƯT Mỹ Châu nổi tiếng qua nhiều vai diễn trên sân khấu trong các vở tuồng như: "Sở Vân cứu giá", "Kiếp nào có yêu nhau", "Kiếp sĩ dơi", "Gió giao mùa", "Bình rượu nhiệm mầu", "Tiêu Anh Phụng", "Khi rừng mới sang thu", "Lan huệ sầu ai", "Khách sạn hào hoa", "Tâm sự Ngọc Hân", "Hoa Mộc Lan", "Muôn dặm vì chồng", "Nàng Hai Bến Nghé", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Bên cầu dệt lụa", "Tiếng trống Mê Linh", "Vòng cưới anh trao", "Hai phương trời thương nhớ", "Hoa độc trong vườn", "Dòng sông đầm lầy",...

Thành công rực sáng nhất của NSƯT Mỹ Châu trong đời làm nghệ thuật chính là giọng ca, sở trường là ca dây kép. Đặc biệt, cô có thể ca những chữ vần trắc thật hay. Cô đã từng nói: "càng trắc thì Mỹ Châu càng thích".

Mỹ Châu - Minh Phụng.

Thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ Châu được đánh giá là một cô đào trẻ đẹp, sáng giá và cũng "đắt giá" nhất trên sân khấu cải lương lúc bấy giờ. Với chất giọng trầm buồn sâu lắng, làn hơi "thổ pha kim" quý hiếm, cộng với nét đẹp kiêu sa, sang trọng, Mỹ Châu được ký giả kịch trường và công chúng tặng cho danh hiệu "Lolita Mỹ Châu".

Người nghe không thể nhầm lẫn giọng ca của cô với bất cứ nữ nghệ sĩ nào khác, cũng khó có nghệ sĩ nào có thể bắt chước được kỹ thuật luyến láy giống như cô. Báo giới và công chúng còn tặng cho cô nhiều biệt danh khác như: "Giọng hát liêu trai", "Nữ hoàng kiếm hiệp", "Nữ hoàng tân cổ giao duyên" và được vinh dự gắn với một thang âm cổ nhạc mang tên "dây Mỹ Châu", do danh cầm Hoàng Thành sáng chế vào khoảng năm 1977 - 1978.

Một thời gian dài, giọng ca trầm buồn của NSƯT Mỹ Châu được nhiều hãng đĩa lớn ở Sài Gòn - Chợ Lớn khai thác triệt để. Khởi đầu từ bài ca "Nửa đêm sầu hận", rồi đến bài tân cổ "Hòn vọng phu", đều do cố soạn giả - NSND Viễn Châu biên soạn lời vọng cổ.  Hàng trăm bài vọng cổ và tân cổ giao duyên sau này, NSƯT Mỹ Châu đều khiến giới mộ điệu say đắm.

NSƯT Mỹ Châu từng hát sánh đôi với nhiều nam nghệ sĩ tài danh như: Minh Cảnh, Tấn Tài, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Minh Vương, Phương Bình, Đức Minh, Tuấn Thanh, Vũ Linh..., nhưng có lẽ, giới mộ điệu vẫn ấn tượng và nhớ nhiều nhất với liên danh Minh Phụng - Mỹ Châu. Cả hai gặp nhau lần đầu tiên trên sân khấu Kim Chung 2 vào năm 1966 trong vở cải lương "Bình rượu nhiệm mầu". Họ rất xứng đôi, từ vóc dáng sân khấu, cho đến giọng ca và khả năng diễn xuất.

Nhờ cách ca ngâm, nét diễn xuất đầy quyến rũ, NSƯT Mỹ Châu đã gây sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo cho NSƯT Minh Phụng dễ nhập tâm vào nhân vật khi cả hai cùng đứng chung trên sân khấu. Sinh thời, NSƯT Minh Phụng đã chân thành thổ lộ: "Tôi có được thành công trên sân khấu cải lương là nhờ công lao của Mỹ Châu rất nhiều. Nếu không có Mỹ Châu, thì không có tên Minh Phụng như ngày hôm nay". Kết hợp chỉ chưa đầy 2 năm, nhưng nhờ ăn ý mà tên tuổi của Minh Phụng - Mỹ Châu ngày càng tỏa sáng. Cả hai được các hãng băng đĩa thực hiện gần 500 chương trình ca cổ và vở tuồng cải lương nức lòng dân mộ điệu.

Vai diễn cuối cùng trên sân khấu của NSƯT Mỹ Châu là vai Võ Tắc Thiên vào năm 2002. Chín suất diễn của vở cải lương tuồng cổ "Võ Tắc Thiên" là cách chia tay khán giả của một "giọng hát liêu trai", một "nữ hoàng kiếm hiệp" được đông đảo công chúng ngưỡng mộ.

NSƯT Mỹ Châu cho biết: "Đến với nghề diễn bình lặng, tôi ra đi cũng bình lặng. Tôi không giã từ sân khấu mà chỉ dừng lại, để thầm lặng giữ nghề, giữ mãi hình ảnh đẹp trong lòng công chúng". Trước khi dừng sự nghiệp, NSƯT Mỹ Châu thực hiện hoàn tất 5 Album DVD xuyên suốt một chủ đề "Tạ tình tri âm" như gửi gắm tình cảm của bản thân đối với khán giả mộ điệu đã dành cho cô. "Với khán giả tri âm, tôi luôn mang nặng lòng biết ơn, niềm cảm kích sâu sắc. "Tạ tình tri âm", đó là những tình cảm tràn đầy của tôi dành cho họ, là dấu ấn cuối cùng trong sự nghiệp của tôi gửi đến những khán giả thân yêu" - NSƯT Mỹ Châu bộc bạch.

Phạm Thái Bình
.
.