Một diễn viên độc nhất vô nhị

Thứ Sáu, 17/11/2017, 08:22
Vâng. Diễn viên, nghệ sỹ nào – ngay cả những người thiếu tài - thì cũng không thể có người thứ hai giống y hệt họ. Thành ngữ “độc nhất vô nhị” trong bài viết này có ý muốn vận vào một diễn viên độc đáo về rất nhiều phương diện mà trong lịch sử điện ảnh Việt Nam sẽ là vô tiền khoáng hậu.


Tây 100% nhưng nhận mình là người Việt Nam

Đó là diễn viên nghiệp dư Robert Hải – người chuyên vào các vai người Mỹ, hoặc giàu sang danh giá, hoặc là cố vấn quyền uy trong quân đội. Nói là nghiệp dư vì chỉ đóng phim thuê cho các đạo diễn theo hình thức hợp đồng. Xong mỗi phim, lĩnh tiền công rồi chấm hết, Robert Hải lại trở về cuộc sống hàng ngày với ngôi nhà sơ sài, trông nom dạy dỗ 3 đứa con cho vợ đi bán bánh bông lan, móc len để kiếm sống hàng ngày.

Sau ngày giải phóng miền Nam (1975) một thời gian rồi đến những thập niên 80-90 của thế kỷ trước, người ta thấy trên màn bạc thường xuyên xuất hiện một diễn viên cao to, đẹp trai, mũi lõ, mắt xanh vào những vai cố vấn quân sự Mỹ  khiến người xem rất ấn tượng. Hầu như khi nào cứ có nhân vật Tây trong kịch bản là các đạo diễn lại nghĩ ngay đến Robert Hải.

Diễn viên Robert Hải.

Nhiều người tưởng ông làm việc ở Đại sứ quán Mỹ hay một thương nhân Mỹ kinh doanh ở Việt Nam, hoặc ít nhất cũng là con lai. Song, sự thực lại hoàn toàn khác. Ông là Tây 100%, chứ không “lai”. Nhưng từ lúc lọt lòng mẹ (1940) đến khi qua đời  (26/9/2000), ông chỉ ở Việt Nam, không có mặt ở nước ngoài một giây phút nào. Vì sao lại như vậy? Số là Robert Hải được sinh ra ở Hải Phòng, có cha là người Pháp, mẹ là người Ý.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Cả cha và mẹ ông đều chết trong cuộc hỗn loạn này. Ông được người vú nuôi cưu mang, đem vào Sài Gòn lúc 6 tuổi. Từ đó, người vú này nuôi ông khôn lớn, trưởng thành. Robert Hải rất biết ơn và có tình cảm sâu nặng với vợ chồng người này. Ông có tên khai sinh là Trần Văn Hải (lấy họ của người cha nuôi). Ai hỏi, Robert Hải đều nói mình là người Việt Nam như tất thảy mọi người Việt Nam khác. Và ông có một tình yêu đặc biệt đối với xứ sở mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Sau năm 1975, có phong trào xuất cảnh sang Mỹ theo diện H.O. (diện con lai). Nhiều người muốn thuê lý lịch của ông và mời ông sang Mỹ với giá hậu hĩnh. Lúc này gia cảnh ông rất gieo neo. Nhưng ông kiên quyết khước từ. Ông nói: “Các vị nhầm rồi. Tôi là người Việt chứ không phải người Mỹ”. Và ông đã đốt hết mọi giấy tờ liên quan đến lý lịch của mình để không bao giờ có thể do xiêu lòng mà nhận lời mời của họ. Ông làm việc này cũng chính vì lòng biết ơn sâu sắc và tình yêu thương vô bờ bến của mình đối với cha mẹ nuôi khi ấy đã qua đời.

Cơ duyên với điện ảnh

Sau năm 1975, chuẩn bị làm phim "Mối tình đầu", nhà quay phim Đường Tuấn Ba tìm kiếm diễn viên vào vai một người Mỹ giàu có, sang trọng say mê cô gái trẻ Diễm Hương – một trong hai vai chính của phim. Một lần, tình cờ, ông gặp một anh chàng Tây rất đẹp trai đang ngồi câu cá ở chân cầu Bình Lợi. Nhà quay phim ngỏ lời mời và chàng nhận lời.

Không cần phải thử gì, Robert Hải vào luôn vai khiến đoàn làm phim lẫn đạo diễn đều hết sức hài lòng. Đây là lần đầu tiên trong đời, Robert Hải làm diễn viên, đứng trước ống kính. Người xem hoàn toàn không thể nghĩ đó là bộ phim đầu tiên Robert Hải tham gia mà cứ tưởng ông đã thuần thục lắm. Thế là từ đó, Robert Hải liên tục xuất hiện trong các phim nhựa rất nổi tiếng: "Cánh đồng hoang", "Ván bài lật ngửa", "Biệt động Sài Gòn"… và nhiều phim khác.

Những nhân vật Robert Hải sắm trên màn ảnh đối ngược hoàn toàn với tính cách của ông ngoài đời. Nếu hàng ngày, ông là người hiền, nhân hậu và cởi mở, vui vẻ, xuề xòa, những vai Mỹ của ông lại nham hiểm, tàn độc, đểu cáng. Không phải là diễn viên chuyên nghiệp, không được học một giờ nào về nghệ thuật diễn xuất nhưng ông vào vai “ngọt”, tự nhiên, biết tiết chế hành động, hoàn thành tốt yêu cầu của đạo diễn. Cũng có nhiều người đóng các vai Tây nhưng quả là người xem có ấn tượng nhất những vai do Robert Hải thủ.

Cuộc sống khốn khó và một phẩm cách quý hiếm

Tôi nhớ vào những năm 93-94 gì đó của thế kỷ trước, sau hàng loạt phim truyện Việt Nam nổi tiếng có Robert Hải xuất hiện, lại nghe nói nhiều điều rất độc đáo về người diễn viên này. Trong một lần vào Sài Gòn, tôi quyết định đến Xưởng phim Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh nhờ một người bạn đưa đi gặp ông. Ngày ấy chưa có điện thoại di động. Nhà Robert Hải không có điện thoại bàn nên chúng tôi đành “đột nhập” mà không thể hẹn trước.

Qua rất nhiều ngõ ngách lòng vòng tít tận quận Bình Thạnh, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà ông. Hỏi thăm, hàng xóm chỉ một căn nhà nhỏ rất xuềnh xoàng, ở chân cầu Bình Lợi. Tôi không thể hình dung nhà ông lại quá đơn sơ đến thế: Mái lợp bằng lá dừa nước, vách vừa bằng gỗ mỏng, vừa bằng lá dừa. Cột nhà thì đóng xuống nước. Sàn bằng gỗ, ghép không khít nên có thể nhìn được xuống nước.

Lúc chúng tôi đến thì cả ông và “bà xã” đều đi vắng, chỉ có đứa con trai ông ở nhà. Cu cậu rất ngoan, chủ động pha nước tiếp khách. Cậu nói năng, thưa, dạ lễ phép, thể hiện con nhà rất có giáo dục. Chúng tôi có ý nấn ná ngồi thêm với hy vọng một lúc Robert Hải sẽ về, luôn tiện hỏi chuyện cậu về người cha. Cậu cho biết: Cha cậu rất hiền, hầu như chỉ khuyên bảo các con mà không bao giờ đánh mắng, nhưng chúng rất nể, luôn răm rắp vâng theo ý ba.

Diễn viên Robert Hải trong phim “Mối tình đầu”.

Ngồi đã lâu không thấy Robert Hải về nên chúng tôi đành cáo biệt. Và không quên ghi giấy hẹn ngày quay lại thăm ông. Lần sau thì chỉ một mình tôi đến và đã gặp được. Ông đúng như lời cậu con trai nói: Hiền khô, khá cởi mở với khách. Không có cảm giác gì gọi là khách sáo, có khoảng cách khi lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.

Mỗi khi tôi nhắc đến các vai diễn khá ấn tượng của ông, ông cười rất hiền và nói: “Tôi biết diễn gì đâu. Tất cả do đạo diễn gợi ý, hướng dẫn”. Lại hỏi: “Sao anh không xin vào xưởng phim làm việc, dù chỉ là hợp đồng cũng được?”. Trả lời: “Quả là tôi cũng không nghĩ tới. Nhưng có nghĩ cũng chẳng xin vì mình cần tự biết mình. Không được học hành gì về điện ảnh, cũng không có bằng cấp gì. Chẳng qua mình có cái hình hài giống Tây nên người ta mời vào vai để khỏi phải mất công hóa trang thôi”.

Tôi nhớ năm ấy đã qua mấy lần Nhà nước phong các danh hiệu NSND, NSƯT (lần đầu tiên là năm 1984). Lại thấy từng có người chỉ luôn sắm vai phụ như Hồ Kiểng cũng được phong NSƯT. Thậm chí Đào Mộng Long suốt đời chỉ đóng vai phụ trên sân khấu mà được phong NSND rất xứng đáng ngay từ đợt đầu tiên. Tôi hỏi Robert Hải: “Anh có làm đơn xin được phong NSƯT không?”. Robert Hải có vẻ như lần đầu tiên nghe nói đến những danh hiệu này ở nước ta, nói: “Tôi chỉ là nghiệp dư, lại toàn đóng vai phụ, chẳng có gì đáng kể, sao có thể nghĩ đến”.

Robert Hải kể cho tôi nghe cuộc đời trôi nổi của ông. Trước khi lấy người vợ tên Dung, ông từng có 2 đời vợ với tổng số 11 người con. Nhưng đều “đứt gánh”. Các con ông đều ở với mẹ do ông quá nghèo không thể nuôi. Năm 1973, khi đang làm Huấn luyện viên thể thao ở Đà Lạt, một lần về Sài Gòn chơi, gặp cô gái tên Thùy Dung khi ấy đang sống đơn thân với 2 đứa con trai. Không quản ngại, ông tiến hành hôn nhân với bà và sống hạnh phúc tuy đơn sơ, luôn túng thiếu. Rebert Hải rất thương và có trách nhiệm với vợ, con và đặc biệt hiếu thảo với cha mẹ nuôi. Khi mẹ ốm liệt giường, ông luôn bên giường bệnh để chăm sóc, nâng giấc.

Năm 1998, Robert Hải biết mình bị ung thư gan. Nhưng ông vẫn rất bình tĩnh, lạc quan, động viên vợ con. Nhiều người quý, thương đã giúp ông tiền chữa bệnh. Nhưng ông đều từ chối khiến vợ phải giấu vì nếu biết, ông sẽ cự nự. Ngày 26-9-2000, phút lâm chung, ông nói với vợ: “Bà có 3 đứa con trai, thêm tôi nữa là 4”. Ý ông muốn ghi nhận sự vất vả, việc kiếm sống chỉ trông vào một tay bà.

Cần sự tôn vinh

Robert Hải có đóng góp không nhỏ cho điện ảnh qua nhiều vai diễn, tuy chỉ là phụ nhưng rất có ấn tượng, được công chúng ghi nhận. Ông lại có tình yêu đất nước sâu nặng và những phẩm cách quý hiếm, rất đáng trân trọng. Con người vừa có tâm, lại có tài và có cống hiến như vậy mà cả đời chỉ là làm thuê, không được ở trong biên chế, không có danh hiệu, không bao giờ được có mặt ở các cuộc gặp mặt, Liên hoan nào của ngành điện ảnh. Rõ là một sự thiệt thòi. Vậy nên cần nghĩ tới việc truy tặng danh hiệu NSƯT cho ông. Tuy nuộn nhưng còn hơn không. Robert Hải rất xứng đáng được như vậy.

Nguyễn Đình San
.
.