Mộng hoa Chăm Inrahani

Thứ Sáu, 23/10/2020, 16:35
Cứ mỗi lần về thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) tôi lại nhớ tới câu ngạn ngữ: “Nắng như rang. Gió như phang”. Nắng và gió dư thừa ở xứ sở này. Những tà váy và áo hoa của các cô gái Chăm lung linh dưới ánh mặt trời. Hàng trăm họa tiết thổ cẩm đã tạo nên bức tranh trên sa mạc cát.


Có lần họa sĩ Chế Kim Trung từng hát: “Dệt áo anh em dệt ước mơ/ Màu hoa tươi đang nở/ Màu hạt thóc anh ơi...”.

Lời ca bên khung dệt

Lần này theo như chỉ dẫn của họa sĩ Chế Kim Trung tôi về làng dệt Mỹ Nghiệp ở Ninh Phước. Làng có tên cổ Chăm là Inrahani. Nghề dệt thổ cẩm ở đây có tuổi hơn 400 năm cùng với nghề làm gốm ở Bầu Trúc. Người làng Inrahani luôn nhớ đến câu chuyện bà chúa Ponagar đã đến dậy nghề tơ lụa. 

Thành phố Phan Rang xưa là kinh đô của vương quốc Chăm Panduranga. Đất miền Irahani thuận tiện cho việc trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Bà chúa Ponagar đã dừng chân nơi đây sau khi có những chuyến chu du từ biển Nha Trang xuống (vào thế kỷ XVII). 

Bà gặp hai vợ chồng Chaleng và Ong Xa đang mải miết cầy xới mảnh đất khô cằn. Họ đói rách chỉ lấy cây cỏ che thân. Đó là một đôi vợ chồng nghèo khó nhưng chịu thương chịu khó và hạnh phúc bên nhau. Bà chúa Ponagar thương cảm nên đã dạy họ nghề trồng dâu nuôi tằm kéo tơ. Sau đó bà còn chỉ bảo họ cách dệt thành những tấm vải may áo. 

Xứ sở miền cát trắng bị những dãy núi quây xung quanh luôn khô hạn và gió Lào nóng bỏng. Từ đó hai vợ chồng Chaleng và Ong Xa truyền nghề lại cho dân làng. Đã bốn trăm năm nay đôi vợ chồng này được coi là tổ nghề dệt ở làng Irahani.

Cổng làng Mỹ Nghiệp.

Vải thổ cẩm của Inrahani được nhuộm màu chủ yếu bằng những cỏ cây tự nhiên. Có lần tôi gặp họa sĩ Chế Kim Trung đã về đây để thiết kế hoa văn. Chị kể màu đen là nền tảng cơ bản để phối mầu trên các họa tiết thổ cẩm. Nhưng để có được màu đen người Chăm phải dùng lá cây Chum Bầu. Họ giã nát lá rồi ngâm vải cùng với bùn non trong bảy ngày đêm liên tục. Khi ấy vải mới có màu đen óng mượt. 

Người con gái ở vùng này ai cũng thuộc những cách nhuộm vải pha màu. Để có màu đỏ thẫm thì cần dùng mủ cánh kiến nhuộm vải. Hay khi cần màu xanh họ phải dùng đến lá chàm… Nhìn bộ váy mà chính họa sĩ Chế Kim Trung đang mặc tôi bỗng nhớ đến câu thơ của cố thi sĩ Chế Lan Viên đã viết: “Cả trời đất đêm nay tràn ánh sáng/ Bên Chiêm nương ta say uống nguồn mơ” (Ánh sáng). Đó chính là sắc màu Lễ hội Ka Tê trong tác phẩm sơn mài của Chế Kim Trung.

Nhờ những bàn tay tài hoa Chăm Inrahani mà vải thổ cẩm của Mỹ Nghiệp đã được xuất đi nhiều nước trên thế giới. Các nhà doanh nghiệp luôn đánh giá cao sự khác biệt của vải thổ cẩm của Chăm so với các dân tộc khác ở nhiều địa phương. 

Đó là những họa tiết sinh động và lạ mắt được chắt lọc từ những hình tượng tôn giáo Chăm. Chính sắc màu tâm linh đã làm nên hồn cốt của thổ cẩm Chăm. Những họa tiết gợi cảm và ấn tượng về bố cục dân gian. Đó là độ cắt khúc sắp đặt giữa những nét tạo hình như rồng, voi, thần đèn hoặc thần Silva…. 

Đúng như họa sĩ Chế Kim Trung nói, những người thợ ở đây đã dệt vải theo những câu hát trong lễ hội. Họ vẽ từ những bài hát thánh ca về các vị thần diễn. Chị chợt nhớ đến lời hát về hình tượng cánh chim trong bài “Hát về con chim Tawaw”. Họa tiết được hiện lên qua lời ca: “Tawaw đầu một cành hai con/ Đã đến ngày nghe tiếng hót đến…”. 

Cứ thế hàng ngàn sợi nhỏ li ti dần biến thành những mảnh thổ cẩm qua bàn tay người thợ. Sắc màu và họa tiết thật sinh động như chứa đựng âm thanh thiên nhiên và tiếng kèn saranai réo rắt trong “Lễ tẩy trần” của giấc mơ Chăm ngàn đời.

Nhà thơ của xứ sở Inrahani

Họa sĩ Chế Kim Trung cho hay, nếu làng gốm Bầu Trúc có nhà điêu khắc Đàng Năng Thọ nổi tiếng thì làng dệt Mỹ Nghiệp là quê hương nhà thơ Inrasara (sinh năm 1957). Nhà thơ có tên Việt là Phú Trạm. Lần này tôi về Mỹ Nghiệp (Inrahani) với nhiều cảm xúc khác lạ. 

Trước hết ngôi nhà bảo tàng văn hóa Chăm do Inrasara sáng lập ra đã cho du khách biết bao điều thú vị. Đó là chiếc máy dệt tay bằng gỗ quen thuộc của gia đình anh. Kia là bức tượng Chăm hình vũ nữ Apsara đầy ma mị. Còn đây là cặp trống Ghi năng như muốn bập bùng những âm thanh trong ngày lễ hội Ka Tê. 

Đâu đây những câu thơ trong bài “Lễ tẩy trần” của Inrasara bỗng vang lên. Tâm hồn thi sĩ chân thành dâng hiến: “Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai/ Tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở/ Tạ ơn dòng sông chảy qua tuổi nhỏ/ Lên ngọn đồi, cánh rừng trong mơ chợt vang lên/ Tạ ơn bước chân hoang, trái tim lạc lầm…”. Bài thơ đã gợi bao ký ức về quê hương Mỹ Nghiệp của anh.

Múa trong lễ hội Chăm.

Tôi được nghe người cháu gái nhà thơ kể lại những quãng đường thăng trầm của Inrasara từ ngôi nhà này. Nhà thơ có nhiều chuyện thú vị và không kém phần kỳ quặc. Vợ anh là một thợ dệt giỏi của làng nhưng đã theo chồng buôn bán để nuôi đàn con thơ. Nghiệp kinh doanh của hai vợ chồng anh không hề thuận chèo mát mái. 

Đầu năm 1990 anh đã bán nhà lấy vốn làm ăn. Thực kinh hoàng khi vợ chồng anh dồn tiền buôn thuốc lá nhưng bị thua lỗ chổng vó. Ngỡ như nhụt chí phải quay về làng nhưng hai người vẫn gắng gượng tiếp tục buôn bán. “Khi thì rau quả lợn gà/ Khi buôn vải vóc chẳng tha thứ gì”. 

Mọi chuyện càng trở nên khủng hoảng. Bởi những khách thân quen đều mua hàng chịu. Vợ chồng anh nể nang không dám đòi nợ. Thế là chỉ mươi tháng hai người sạt nghiệp. Họ trắng tay mất cả vốn lẫn lãi. Khi đó gia đình Inrasara đành lần mò về quê hương. Hai người thuê cửa hàng ở đầu làng bán vặt kiếm sống qua ngày.

Điều kỳ lạ bắt đầu từ đây. Cửa hàng này đã làm bao người điêu đứng trong chuyện làm ăn. Ai cũng phải bán xới ra đi. Vậy mà vợ chồng Inrasara đã dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhà thơ mày mò nghiên cứu về nghệ thuật kinh doanh một cách có hệ thống. Anh bỏ công biên soạn từ mươi cuốn sách dồn lại 100 trang để theo đó làm ăn. 

Vợ chồng anh vay vốn buôn bán hàng trăm mặt hàng. Đúng là một bách hóa tổng hợp. Tiền lãi nhiều đến mức chỉ sau đó vài năm vợ chồng anh đã mua lại cửa hàng này. Khách nợ cũng vô số. Anh thâu tóm bỏ sỉ hàng cho khắp vùng trong huyện và trở thành ông chủ kinh doanh tài ba. 

Ấy vậy mà chỉ hai năm sau anh chủ động chấm dứt sự nghiệp đang hái ra tiền. Khi đó nhà thơ được trường Đại học Xã hội-Nhân văn TP Hồ Chí Minh mời vào làm việc (1992). Anh đem sổ ghi nợ của bà con trong làng đốt hết. Coi như xí xóa rồi cả nhà khăn gói lên đường. Sau này cửa hàng của anh trở thành bảo tàng văn hóa Chăm của làng Mỹ Nghiệp.

Ngọn tháp nắng

Khi lên thành phố Hồ Chí Minh vợ Inrasara vẫn theo đuổi công việc kinh doanh. Chị chuyên bán hàng thổ cẩm được thu mua từ quê hương Mỹ Nghiệp. Còn riêng Inrasara dấn thân vào con đường văn chương. Mà câu chuyện của nhà thơ với văn nghiệp cũng lắm sự bất ngờ. 

Anh làm thơ từ nhỏ nhưng chưa một lần in. Mãi khi vào TP Hồ Chí Minh anh mới được in bài thơ đầu tiên trên báo Văn Nghệ (ở tuổi 40). Đó là bài thơ “Nỗi buồn ứng trước”. Một tứ thơ mới lạ so với thập niên 90. Có thể nói thơ Inrasara báo hiệu một triển vọng nghệ thuật thi ca hiện đại đang hình thành trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI.

Tài năng thiên bẩm cùng khát vọng đổi mới của Inrasara đã làm nên tên tuổi anh vào năm 1997. Tập thơ đầu tiên “Tháp nắng” của anh ngay sau đó đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam. Inrasara trở thành một hiện tượng thơ trong làng văn chương. 

Chưa hết. Nhà thơ Inrasara còn thêm một lần khẳng định tài năng với tập thơ thứ hai: “Lễ tẩy trần tháng Tư” (năm 2003). Nhà thơ đã đoạt giải Hội Nhà văn lần thứ hai. Sau đó tác phẩm còn được giải thưởng “Văn học Đông Nam Á”. Anh là nhà thơ người dân tộc thiểu số đầu tiên đoạt giải thưởng danh giá này. 

Inrasara là một tài năng thơ thấm đẫm hồn Chăm linh thiêng và bí ẩn. Một phong cách nghệ thuật Inrasara với ngôn ngữ đầy biểu cảm, huyền ảo và rất thu hút bạn yêu thơ. 

Vương Tâm
.
.