Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp:

Món quà ý nghĩa dành tặng những người phụ nữ

Chủ Nhật, 15/03/2020, 16:48
Dày trên 3.000 trang, nặng hơn 7kg, cuốn "Almanach Người mẹ và phái đẹp" (NXB Văn hóa - Thông tin) được đánh giá là một trong những cuốn sách kỳ công nhất, một kho tàng văn hóa, một “thư viện thu nhỏ” về người phụ nữ nói chung và người mẹ nói riêng...


Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 - 3, Chuyên đề Văn nghệ Công an có dịp trò chuyện cùng Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học – Công nghệ, người đồng hành cùng cuốn sách từ khi còn là ý tưởng đến khi tới tay độc giả về quá trình thực hiện cuốn sách này.

- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, từ đâu ông lại có ý tưởng làm cuốn sách đồ sộ về phụ nữ này?

 + Từ lâu, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông từ “mẹ”, từ “chị” đã vang lên trong trái tim tôi với cảm xúc dạt dào, thân thiết và thiêng liêng vô cùng. Sau này, khi được tiếp xúc với các tác phẩm văn học, điêu khắc, hội họa, âm nhạc... về người phụ nữ nói chung, về người mẹ nói riêng đã dấy lên trong tôi khát khao làm một cuốn sách có thể nói lên được cái đẹp, cái cao cả, vĩ đại về người phụ nữ và người mẹ. Tôi bắt tay vào thực hiện đề cương cuốn sách.

Nhưng tôi cũng rất băn khoăn chọn thể loại sách gì để nói lên tất cả những điều tôi mong muốn. Và tôi đã tìm đến một thể loại có thể hàm chứa được nhiều nội dung, chủ đề, tư tưởng như sự mong đợi của tôi, đó là thể loại "Almanach" (nguồn tri thức tổng hợp - TG). Từ đó, cuốn sách "Almanach Người mẹ và phái đẹp" ra đời.

- Để trở thành một công trình đồ sộ như hiện nay với trên 3.000 trang, nặng hơn 7kg, chắc cuốn sách cũng đã trải qua những sự thay đổi, đúng không ông?

+ Cuốn sách ra đời từ năm đầu 1990 của Thế kỷ XX. Lúc đầu cuốn sách chỉ có kích thước 16cm x 24cm và dày xấp xỉ 500 trang. Sau này, đến năm 2008, với sự chủ biên của Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và lời tựa của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cuốn sách đã được bổ sung, tăng độ dày lên đến trên 3.000 trang.

Đây là một bộ sách khổng lồ, dày nhất, được in ấn phong phú với nhiều nội dung đa dạng viết về người phụ nữ Việt Nam và Thế giới. Nó đề cập tới nhiều lĩnh vực, trong đó có hình tượng người phụ nữ trong bảy loại hình nghệ thuật: văn học, điêu khắc – hội họa, kiến trúc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp và cuốn sách "Almanach Người mẹ và phái đẹp".

Rồi hình ảnh người phụ nữ ở các lĩnh vực: ngoại giao, chính trị, quân sự, chính khách, khoa học – công nghệ. Cuốn sách được chia thành chín phần, mỗi phần của cuốn sách có thể gợi ý cho viết hàng chục đề tài thuộc các lĩnh vực khác nhau về người phụ nữ.

- Số lượng tác giả tham gia vào việc thực hiện cuốn sách chắc cũng không phải là ít, thưa ông? 

+ Cuốn sách đã tập hợp được một đội ngũ hơn 800 tác giả, dịch giả, cộng tác viên thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên viết về đề tài người mẹ và phái đẹp.

Trong quá trình thực hiện cuốn sách này, tôi, với tư cách là Tổng thư ký đã phải tập hợp nguồn tư liệu hàng chục năm trời (trên 45.000 trang về các lĩnh vực như đã nói ở trên). Cuốn sách được in đợt 1 với số lượng 3.000 cuốn với chi phí lên tới 3 tỷ đồng. Không một nhà xuất bản nào có nguồn vốn như thế đầu tư cho một cuốn sách. Vì thế, chúng tôi phải vất vả vay mượn nhiều nơi để có tiền in sách, trả nhuận bút tác giả.

- Đằng sau cuốn sách đồ sộ này sẽ là rất nhiều những câu chuyện về sự khó khăn mà những người làm sách đã phải vượt qua phải không ạ?

+ Trong quá trình làm cuốn sách, từ khi dựng đề cương để được hội đồng thông qua cho đến khi biên tập từng mục bài đã gặp vô vàn khó khăn. Có lúc tưởng không thể vượt qua. Chẳng hạn như phong cách viết trong từng bài phải thống nhất, đồng điệu, giống như dàn nhạc phải có người chỉ huy trưởng. Nếu không mỗi tác giả một phong cách, một cách viết khác nhau sẽ làm cho bài ca trở nên lộn xộn. Vì vậy, chỉ riêng việc thuyết phục mỗi tác giả về phong cách viết đã rất mất công.

Có cộng tác viên khi được góp ý thì nói dỗi: “Bài tôi viết như thế, dùng được thì dùng, không được sửa chữa, nếu không, tôi rút bài”. Chọn ảnh minh họa thế nào cũng không phải chuyện đơn giản. Rồi cuốn sách đòi hỏi nguồn tài chính đầu tư ban đầu rất lớn phải vay mượn ở đâu để có đủ nguồn vốn ban đầu? Đây đều là những vấn đề khiến chúng tôi vô cùng đau đầu... Nếu không tha thiết với nó thì cuốn sách khó có thể ra đời.

- Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và Thế giới đã ra đời một cuốn sách tổng hợp nhiều tư liệu nhất viết về người phụ nữ và người mẹ đến như vậy. Hiệu ứng mà cuốn sách mang lại cho những người làm sách nhiều niềm vui?

+ Khi cuốn sách ra đời, đã được đông đảo độc giả mến mộ, yêu thích. Năm 2010, đã được xếp kỷ lục Việt Nam. Sau đó, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đã có tờ trình Tổ chức Unesco xin công nhận là "Di sản văn hóa của nhân loại".

Trong thời gian chờ đợi Tổ chức Unesco xét duyệt, tôi có may mắn được gặp bà Irina Bokova, lúc đó là Tổng Giám đốc Unesco giới thiệu với bà về bộ sách này. Bà rất sung sướng khi được tiếp cận với cuốn sách và nói: “Có lẽ đây là cuốn sách duy nhất trên hành tinh đồ sộ và vĩ đại viết về đề tài người phụ nữ của nhân loại từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây, nó cần được Ngài cho dịch sang tiếng Anh để toàn thế giới được biết đến”. Nghe câu nói đó, tôi rất mừng. Sau này, nhiều tổ chức, hội sách quốc tế đã trao kỷ lục là bộ sách viết về phụ nữ giữ kỷ lục quốc tế.

- Là người theo sát cuốn sách từ khi hình thành ý tưởng đến khi tới tay độc giả, ông có thể chia sẻ những câu chuyện xung quanh quá trình làm?

+ Một kỷ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời tôi khi làm bộ sách này là lúc dựng đề cương chia bộ sách thành 9 phần. Lúc ấy, có ý kiến “Sao không chia nội dung thành 10 hay 12 phần (một con giáp)”. Nhưng tôi vẫn giữ vững quan điểm là 9 phần. Lý do: Trong văn hóa dân gian và văn hóa tâm linh, người ta quan niệm người phụ nữ có 9 hồn (9 vía), nam giới có 7 hồn (7 vía). Mặt khác, tôi rất yêu con số 9 vì nó đại diện cho "Mã số của Vũ trụ" (9 hành tinh và định tinh trong hệ Mặt trời). Con số 9 là con số may mắn yêu thích của 2 nền văn hóa Đông – Tây phương...

- Văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ đi xuống, tại sao ông vẫn luôn đau đáu, dành nhiều tâm sức với những cuốn sách?

+ Thực tế, văn hóa đọc đang đứng trước những thách thức vì sự lên ngôi của các phương tiện nghe nhìn thông minh, nhiều nhà xuất bản lao đao trong hoạt động kinh doanh, in 10 cuốn thì ế tới 9 cuốn. Song, chúng tôi vẫn thiết tha làm bộ sách trên với nguồn kinh phí đầu tư khổng lồ, bởi những lý do:

Như đã nói ở trên, cuốn sách "Almanach Người mẹ và phái đẹp" là niềm vui và khát vọng của đời tôi. Tôi ấp ủ và “thai nghén” nó như một "đứa con tinh thần” vĩ đại nhất của cuộc đời làm biên tập qua 40 năm. Cuốn sách giống như một món quà văn hóa tinh thần để kính dâng lên những người mẹ, người chị cùng phái đẹp vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, và những ngày lễ hàng năm như mùng 8-3, 20-10... Khi làm bộ sách này, tôi đã lo lắng, chăm sóc chất lượng tới từng trang in cho tới khâu đóng xén, vào bìa, xuất xưởng sao cho cuốn sách đẹp trọn vẹn từ hình thức cho tới nội dung như chính tâm hồn người mẹ và phái đẹp.

- Không chỉ có "Almanach Người mẹ và phái đẹp", ông còn có những bộ sách khác cũng rất kỳ công dành cho phái đẹp?

+ Tôi đã thực hiện 2 bộ sách cũng về phụ nữ là: "Cái đẹp vĩnh cửu" (khổ sách 23,5cm x 35,5cm, dày gần 300 trang, in 4 màu). Nội dung sách nói về hình tượng người phụ nữ ở 4 lĩnh vực nghệ thuật: Những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc – hội họa nude về vẻ đẹp của người phụ nữ được chọn lọc qua 165 bảo tàng Thế giới và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Những bài thơ trữ tình hay nhất của Việt Nam và Thế giới viết về người phụ nữ; Những tác phẩm nhiếp ảnh nude về vẻ đẹp người phụ nữ của Việt Nam và Thế giới; 44 tình khúc của Việt Nam và Thế giới ca ngợi về người mẹ và phái đẹp.

Cuốn thứ 2 là "Những Nữ vương và các bóng “hồng nhan họa thủy” trong lịch sử Thế giới Cổ - Trung đại". Qua 100 nhân vật đã dựng lại hình tượng người phụ nữ trong lịch sử nhân loại (Cổ - Trung đại) với vai trò của họ đối với mỗi quốc gia và vị trí của họ đối với mỗi dân tộc.

Ngoài những cuốn trên, hiện nay, tôi đã làm xong bản thảo cuốn thứ 4 là "Diễn viên, hoa hậu, người đẹp hành tinh" (dày hơn 400 trang, khổ lớn) và đang tìm nguồn kinh phí để in cuốn này.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Duyên (thực hiện)
.
.