Món nợ văn học với chiến tranh biên giới Tây Nam
Đúng 37 năm trước, ngày 7-1-1979, Quân đoàn 4 do tướng Tư lệnh Hoàng Cầm chỉ huy đã tiến vào đánh chiếm thủ đô Phnôm Pênh, sát cánh cùng các cánh quân khác lần lượt giải phóng đất nước bạn Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary. Cùng tham gia chỉ huy Quân đoàn 4 còn có Phó Tư lệnh Bùi Cát Vũ, một chiến tướng đồng thời là nhà văn, mà thiên ký sự nóng hổi khói lửa chiến trận "Đường vào Phnôm Pênh" của ông đặt một dấu mốc quan trọng cho văn học viết về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và người lính tình nguyện trên chiến trường K gian khổ, khốc liệt trong gần 15 năm.
Vào thời điểm ấy, từ TP Hồ Chí Minh có ba nhà văn cựu quân nhân từng tham gia đánh Mỹ, đang ổn định công tác dân sự, đã tình nguyện khoác áo lính trở ra chiến trường. Một người sắp tuổi ngũ tuần là Thanh Giang quê Bến Tre. Hai người còn lại khá trẻ, tuổi chưa tới ba mươi: Trần Văn Tuấn và Văn Lê đều gốc Bắc nhưng sớm gắn bó với Sài Gòn - Nam Bộ. Ba người được bổ sung vào đội hình Quân khu 7, hợp cùng lực lượng đông đảo các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ tiếp tục ra trận tuyến mới như: Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Ngân Vịnh, Anh Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Lê Lựu, Mai Ngữ, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Phục, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Quang Chuyền, Đỗ Văn Nhâm, Nguyễn Hồ, Lam Giang, Trần Thế Tuyển,…
Thành phố Siêm Riệp của Campuchia hồi sinh từ đổ nát. Ảnh: P.H. |
Và từ chiến trường Campuchia, một đội ngũ các cây bút trẻ cũng đã xuất hiện và lần lượt khẳng định mình: Phạm Sỹ Sáu, Lê Huy Khanh, Nguyễn Quốc Trung, Đỗ Viết Nghiệm, Thành Nguyễn, Huỳnh Kim, Cao Vũ Huy Miên, Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn, Lê Mạnh Tuấn, Bùi Thanh Minh, Trần Thế Vinh, Nguyễn Thành Nhân, Sương Nguyệt Minh, Trần Trí Thông, Lương Hữu Quang, Nguyễn Trung Nguyên, Nguyễn Vũ Quỳnh,… Ngoài ra, còn có nhiều nhà văn khác từ hậu phương đi công tác hoặc thực tế ngắn hạn sang nước bạn, cùng tạo nên một lực lượng hùng hậu các thế hệ cầm bút tham gia sáng tác về chiến tranh biên giới Tây Nam.
Giống như hai cuộc kháng chiến trường kỳ trước đó, thơ là tiếng nói kịp thời và mạnh mẽ nhất của người lính cất lên từ khói lửa chiến tranh và nhanh chóng "bay" về hậu phương. Sớm nhất và có nhiều tác động là những bài thơ nóng bỏng và hào sảng của người lính trẻ mang hồn thi sĩ Phạm Sỹ Sáu như: Hành tráng sĩ mới, Ra đi từ thành phố, Điểm danh đồng đội, Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Với Poi Pet mùa mưa… gây xúc động, góp phần động viên nhiều thanh niên tiếp tục lên đường ra trận.
Có thể nói Phạm Sỹ Sáu là gương mặt thơ tiêu biểu nhất cho thế hệ thứ ba của những nhà thơ mặc áo lính. Đối với thế hệ đàn anh đi trước nổi bật là nhà thơ Thu Bồn, tiếp tục bằng những trường ca mang âm hưởng sử thi hùng tráng: Campuchia hy vọng, Oran 76 ngọn,…mà bây giờ đọc lại vẫn lôi cuốn, day dứt khôn nguôi.
Về văn xuôi, ngoài thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh cùng một số truyện ký của Thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ, thì nhiều tác phẩm của các cây bút khác cũng đã ra đời trong và một thời gian ngắn sau cuộc chiến. Những truyện ngắn sinh động ghi dấu ấn bấy giờ mà nhiều người còn nhớ như: Sự sống còn lại của Trung Trung Đỉnh, Mùa khô này có một dòng suối trong của Nguyễn Chí Trung, Em bé câm trước đền Angko của Lê Lựu, Anh ấy không đơn độc của Văn Lê, Biển Hồ yên tĩnh của Mai Ngữ, Khô Chănđara của Đỗ Viết Nghiệm, Chăn tha của Trần Thùy Mai, Chuyện ở Pai Lin của Dạ Ngân,... cùng nhiều truyện ngắn của Thanh Giang và Trần Văn Tuấn.
Đặc biệt, cuộc chiến biên giới Tây Nam trở thành đề tài cho nhiều thiên tiểu thuyết, không chỉ ra đời ngay trong lòng cuộc chiến mà đến nay vẫn là mạch nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn lặng lẽ sáng tác: Dòng sông của Xô Nét của Nguyễn Trí Huân, Chiến tranh không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy, Dòng sông nước mắt của Thanh Giang, Ngôi chùa ở Pratthana và Khoảng rừng có những ngôi sao của Văn Lê,.. cùng 4 tác phẩm của Nguyễn Quốc Trung: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Người khóc mướn, Đất không đổi màu.
Angkor Wat từ cứ điểm quân sự đã được phục dựng thu hút đông đảo du khách. Ảnh: PH.. |
Chưa hết, những nhà văn trực tiếp cầm súng trên chiến trường K, bằng trải nghiệm và độ lùi thời gian để đúc kết, gần đây vẫn tiếp tục trình làng những tiểu thuyết đáng chú ý như Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, Bên dòng sông Mê của Bùi Thanh Minh,… và mới nhất là Miền hoang của Sương Nguyệt Minh xuất bản cuối năm 2014.
Cuộc chiến tranh nào cũng bi kịch đau thương. Với cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia càng bi thương hơn khi phía sau là hậu phương đang hưởng thụ không khí yên bình nhưng bước sang bên kia những cánh rừng biên giới là đối diện với cái chết rình rập. Cuộc đấu tranh ngay trong chính tư tưởng của mỗi gia đình và bản thân mỗi người lính rất khốc liệt, nó còn khốc liệt hơn khi đối mặt với kẻ thù, nó khác với thời cả nước cùng ra trận trong hai cuộc kháng chiến về trước.
Không chỉ phản ánh sự phản bội, tàn ác của bọn Khmer Đỏ, nỗi quằn quại của dân tộc Campuchia trước nguy cơ diệt chủng và hình ảnh cao đẹp, vô tư của người lính tình nguyện Việt Nam cứu giúp nước bạn, mà văn học còn chuyển tải số phận bi thương của từng con người, từng gia đình và cả dân tộc ta phải gánh chịu trước bi kịch bất ngờ ập đến. Vượt qua trăm ngàn gian khó thời bị cấm vận, cả nước để dồn sức người sức của cho tiền tuyến. Hàng ngàn sinh mạng ngã xuống. Nhiều liệt sĩ đến bây giờ vẫn còn nằm đâu đó trong rừng sâu nước bạn.
Rõ ràng, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng mức kết quả của cuộc chiến, đồng thời cũng chưa có cuộc tổng kết, hội thảo về thành tựu văn học viết về nó.
Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Campuchia, Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ mới đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo văn học về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Ba năm nữa là khoảng thời gian đủ cho các nhà văn, nhà nghiên cứu và những người liên quan suy ngẫm, nhìn nhận, đánh giá đúng những thành tựu văn học. Đây là ý tưởng và hành động thiết thực, bởi chúng ta không có quyền lãng quên bất cứ điều gì của quá khứ khách quan và trung thực có ý nghĩa đối với đất nước và dân tộc từng gánh chịu quá nhiều đau thương.