Chuyện làng văn nghệ

Mở từ điển Sơn Nam

Thứ Hai, 09/05/2011, 10:15

Sau khi nhà văn Sơn Nam qua đời, chúng ta vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào để đánh giá một cách đầy đủ những đóng góp của ông cho văn học Nam bộ, mà đặc biệt là cho việc gìn giữ hương xưa tích cũ của Nam bộ. Không thể nói khác hơn, rằng Sơn Nam là một cuốn từ điển cho thế hệ sau lần mở từng trang.

Trong sản nghiệp cầm bút đồ sộ của Sơn Nam, khó phân biệt rạch ròi nhà văn Sơn Nam và nhà biên khảo Sơn Nam. Mỗi trang văn của ông lẫm chẫm dấu chân lấm bùn của những người đi mở cõi. Còn mỗi trang biên khảo của ông bồi hồi trái tim thương nhớ của một người nặng lòng xứ sở. Cuộc đời 82 năm của Sơn Nam nổi danh là một ông già đi bộ, nhưng có cái hẻm nghèo nào hay con kênh nhỏ nào ở Nam bộ không thể tìm thấy bóng dáng trên tác phẩm của ông đâu! Sơn Nam lầm lũi đi, Sơn Nam lặng lẽ nhớ, Sơn Nam nhọc nhằn viết. Khái quát về "Văn minh miệt vườn", Sơn Nam nhận định: "Muốn hiểu cá tánh của Nam phần, tốt hơn hết là nên sưu tầm và nghiên cứu theo nhãn quan của nhà xã hội học, xem Nam phần là nơi mà dân Việt tiếp thâu nhưng phản ứng khi gặp văn hoá Tàu, Miên, Chàm, Pháp, Mỹ".

Nhiều đoàn làm phim về người và đất Nam bộ, cứ phải tha thiết mời Sơn Nam làm cố vấn. Bởi lẽ, ông không chỉ rành con sông bến nước, mà ông còn hiểu cặn kẽ những cuộc mưu sinh làm nên hồn vía đất đai. Nếu có may mắn gặp Sơn Nam ngoài đời, chúng ta có thể nghe bao nhiêu câu chuyện kỳ thú bằng giọng điệu tếu táo. Còn trên trang giấy, Sơn Nam vẫn là một người kể chuyện đời xưa rất hấp dẫn.

Thời gian càng lùi xa, thì tác phẩm của Sơn Nam càng có giá trị lịch sử. Muốn tìm hiểu về quá trình phát triển nông thôn Nam bộ, không thể không đọc Sơn Nam. Dấu vết khai hoang lập ấp dày đặc trong văn chương Sơn Nam. Đọc "Tìm hiểu đất Hậu Giang" không thể nào quên được nét độc đáo của sân chim: "Hồi trước năm 1945, nhiều người dân ở U Minh còn mạo hiểm vào giữa rừng tìm sân chim. Họ khởi hành từ xóm Tân Bằng đi thẳng về phía Đông chừng 10 cây số… Việc khai thác rất gay go. Từng đoàn người mang gùi, búa, rủ nhau vạch một con đường giữa các bụi trầm thuỷ, dây bít. Hai người đi tiên phong cầm hai đầu cây cán cỏ, đè bẹp sậy, choại xuống. Bọn đi theo sau đó mà tiến lên rất chậm chạp. Phải đi gần hai ngày mới tới sân. Cũng theo lời thuật lại, sân chim rộng hơn 10 mẫu, nồng nực mùi phân, mặt đất như bốc khói vì hơi thở của bao nhiêu con chim mẹ đang hò hét hoàng hôn. Loại lông ô rất thính hơi người, ai nấy phải cởi áo ra để giấu mùi mồ hôi. Đêm đến, họ ra tay giết chim, nhổ lông rồi kéo xác chim bỏ xa. Mỗi năm, họ vào sân lấy lông chừng đôi ba lần, cũng từ tháng giêng, tháng hai, tháng ba… Huê lợi tuy to tát nhưng phung phí nhiều sức khoẻ nên ít ai muốn mạo hiểm. Ngày nay loại lông ô, chó đồng, già sói, bồ nông của sân chim ngày xưa đã thành giai thoại...".

Không chỉ am tường vùng sông Cửu Long, khu vực miền Đông Nam bộ cũng được Sơn Nam nắm bắt kỹ lưỡng. Đặc biệt, Sơn Nam có không ít nghiềm ngẫm về kinh tế Nam bộ. Sơn Nam kể chuyện làm ăn xứ Đồng Nai: "Kiểu mua bán ở cù lao Phố là dạng xuất nhập khẩu, với kho hàng dự trữ hàng hóa nhập vào và dự trữ hàng hóa thâu mua, với nhiều chân rết. Nên gọi đó là "tư sản mại bản" chăng? Toàn là dịch vụ, phi sản xuất". Còn thương nghiệp Bình Dương được Sơn Nam nhấn mạnh: "Nghề mộc một thời khiến cho Bình Dương nổi danh cả phía Nam, vì ở tỉnh Thủ Dầu Một nên dân gian quen ca ngợi là "thợ Thủ", tay nghề cao. Người Pháp ngay những năm đầu thế kỷ đã tổ chức Trường Mỹ thuật Gia Định (chuyên hội họa), trường dạy gốm ở Biên Hòa và trường chuyên đồ Mộc (gọi là trường Bá Nghệ) ở Thủ Dầu Một. Nhờ trường mộc này, tay nghề của thợ Thủ được hiện đại hóa".

Hầu như suốt những năm tháng cầm bút của mình, Sơn Nam luôn tìm cách đưa "lịch sử khẩn hoang miền Nam" vào trang viết. Truyện ngắn, tiểu thuyết hay biên khảo của Sơn Nam đều phơi bày sự chan hòa giữa con người và thiên nhiên, ở đó con người khám phá thiên nhiên và thiên nhiên nâng đỡ con người. Ví dụ, tác phẩm "Bà chúa Hòn" có đoạn kể như một thước phim ấn tượng: "Tư Thính đặt con bé Huôi ngả vào gốc cây thị. Dưới gốc cây thị có một con rắn bò lên. Rắn quấn mình chung quanh bụng bé Huôi, quấn một vòng, hai vòng, ba vòng rồi đến bốn vòng. Sau rốt, rắn ngẩng cổ lên, cao khỏi đầu bé Huôi… Kỳ dị nhứt là cái đầu rắn, cái đầu vươn lên nghiêng tới như cố ý che nắng cho bé Huôi…".

Mở cuốn từ điển có tên là Sơn Nam, chúng ta được chiêm ngưỡng bao nhiêu cảnh sắc Nam bộ nồng nàn và quyến rũ. Và ít ai biết, để có những câu chuyện náo nức người đọc, Sơn Nam có không ít niềm riêng: "Thời buổi nào cũng thế, việc văn chương khó đem lại giàu sang. Dại như con trẻ chơi diều đứt dây. Không đứt dây, con diều giấy chỉ cao hơn mức nào đó thôi, bị hạn chế, dây đứt. Người chơi sung sướng, ngỡ rằng nó đã lên cao, biệt tích trên chín tầng mây, dè đâu trong thực tế nó đã dầm trong vũng bùn, hoặc treo lủng lẳng trên sợi dây điện nào đó, như người tự tử, thắt cổ chưa chết, đung đưa. Nói đến Chân Thiện Mỹ thì bao la trừu tượng, bao nhiêu vấn đề nóng bỏng. Hàng tiêu dùng, bạo lực, quảng cáo lắm khi gây ảo tưởng về chân lý. Cái hố giữa người nghèo và người giàu càng sâu rộng, buổi giao thời!"

Lê Thiếu Nhơn
.
.