Man Booker 2019: Lần thứ 3 phá lệ

Thứ Sáu, 06/03/2020, 08:27
Man Booker 2019 đã thêm một lần nữa phá lệ trong lịch sử trao giải của mình khi chia đôi giải thưởng cho hai nữ nhà văn Margaret Atwood (Canada) và Bernardine Evaristo (Anh).


Có lẽ năm 2019 là một năm khá đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử giải Nobel văn học được trao cùng lúc cho hai người là nhà thơ Olga Tokarczuk (Ba Lan) và nhà văn Peter Handke (Áo). Việc giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh hi hữu phá lệ đã chứng tỏ nghệ thuật có sức mạnh tối thượng và tùy từng thời điểm có thể vượt qua mọi ranh giới, quy tắc hành chính để được vinh danh.

2019 - một năm đặc biệt của văn chương thế giới

Năm 2019 là một năm đặc biệt khi mới đây giải Nobel Văn học được trao cho hai nhà văn. Đây là một sự việc chưa từng xảy ra trong lịch sử giải Nobel. Viện Hàn lâm Thụy Điển mong rằng, hành động trao giải đúp như vậy sẽ vực lại tiếng tăm của Viện vì những bê bối tình dục và tài chính xảy ra năm 2018 khiến cho giải Nobel Văn học năm 2018 không được trao.

Nhà văn Margaret Atwood (trái) và Bernardine Evaristo cùng nhận giải Man Booker năm 2019.

Việc trao 2 giải Nobel văn học cùng một lúc trong năm 2019 đã chứng minh những bê bối không làm ảnh hưởng quá lớn đến đến mức phải hủy giải và vớt vát lại phần nào uy tín và tính thiêng liêng của giải. Đồng thời Viện Hàn lâm Thụy Điển một lần nữa muốn nhấn mạnh, dù cho bất cứ điều gì có thể xảy ra thì giải Nobel văn học vẫn sẽ được trao, tác phẩm và tác giả xuất sắc nhất vẫn sẽ được vinh danh, dẫu có chút muộn màng so với thời điểm của giải.

Nobel văn chương năm 2019 đã vinh danh nhà văn người Áo Peter Handke "vì một tác phẩm có ảnh hưởng cùng sự khéo léo về ngôn từ đã khám phá được ngoại diên và sự độc đáo của trải nghiệm làm người".

Đồng thời trao giải năm 2018 cho nhà văn người Ba Lan Olga Tokarczuk vì "lối viết giàu sức tưởng tượng, một cảm xúc rộng khắp như cách vượt qua mọi ranh giới, coi đó như một cách/lối sống". Cũng trong năm 2018, bà trở thành tác giả Ba Lan đầu tiên được trao giải Man Booker quốc tế với tiểu thuyết "Bieguni" (Những chuyến bay).

Đến giải Man Booker 2019, hội đồng trao giải, các giám khảo đã ngồi thảo luận với nhau hơn 5 tiếng đồng hồ mà vẫn không thể chọn ra một người chiến thắng trong danh sách 6 tác phẩm được đề cử. Cuối cùng họ đã phải (lần thứ ba trong lịch sử) trao giải của mình phá lệ, chọn ra hai tác phẩm xuất sắc để cùng trao giải và chia đôi số tiền thưởng 50.000 bảng Anh cho hai người chiến thắng đó là 2 nữ nhà văn với những tác phẩm nổi bật nhất năm là "The Testaments" (tạm dịch "Di chúc") của Margaret Atwood và "Girl, Women, Other" (tạm dịch "Cô gái, đàn bà và những người khác")  của Bernardine Evaristo.

Với kết quả này, nhà văn Bernardine Evaristo trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên, đồng thời là nhà văn người Anh da màu đầu tiên chiến thắng giải Man Booker kể từ khi giải thưởng trao lần đầu vào năm 1969. Còn nữ nhà văn Margaret Atwood, ở tuổi 79, là người chiến thắng giải Man Boker lớn tuổi nhất tính đến nay và đây cũng là lần thứ 2 bà thắng giải Man Booker. Nhà văn người Canada từng giành giải Man Booker năm 2000 cho tác phẩm "The Blind Assasin" (Tay sát thủ mù), và là người thứ 4 trong lịch sử hai lần đoạt giải.

Tác phẩm "Girl, Women, Other" của Evaristo xen kẽ lời kể của 12 phụ nữ da màu tại Anh, về những câu chuyện trong gia đình, tình bạn, tình yêu của họ, xuyên suốt không gian và thời gian ở xứ sở mù sương. Cuốn sách như một bản tình ca ở nước Anh thời hiện đại, có niềm vui và cả nỗi buồn, khiến người đọc không thể cưỡng lại được.

Còn cuốn sách "The Testaments" chính là phần nối tiếp của cuốn tiểu thuyết "Chuyện người tùy nữ" mà nữ văn sĩ  Margaret Atwood đã viết cách đây hơn 30 năm. Cuốn sách đi theo lời kể của 3 nhân vật, dì Lydia - người đã xuất hiện từ tập sách trước, Agnes - một phụ nữ trẻ sống tại Gilead, bối cảnh trước của bộ sách, và Daisy - một cô gái trẻ sống tại Canada. Như nữ nhà văn Atwood chia sẻ, cuốn sách được viết khi quyền của người phụ nữ đang bị đe dọa nghiêm trọng trên khắp thế giới.

Tại buổi lễ trao giải, cả hai nhà văn đều vui vẻ với quyết định "chia giải thưởng" của các giám khảo. Bernardine Evaristo cho biết, bà sẽ dùng số tiền thưởng này vào quỹ thế chấp của mình. Còn Margaret Atwood thì quyên góp tặng cho Tổ chức từ thiện tại Canada, nơi bà là một thành viên tích cực từ nhiều năm nay.

Man Booker lần thứ 3 phá lệ

Trong lịch sử giải Man Booker, đã từng có 2 lần hai người chiến thắng cùng chia đôi giải. Đó là năm 1974 trao cho nhà văn Nadine Gordim và nhà văn Stanley Middleton; và năm 1992, trao cho hai nhà văn Michael Ondaatje và Barry Unsworth.

Kể từ sau năm 1992, hội đồng trao giải đã phải đề ra luật lệ là giải thưởng "không thể bị chia tách hoặc bị hoãn lại". Tuy vậy, Booker 2019 lại phá lệ bởi ban giám khảo không thể tìm ra một người chiến thắng duy nhất. Peter Florence, Trưởng ban giám khảo chia sẻ: "Cả hai cuốn sách đều rất tuyệt vời và chúng tôi thực sự không muốn gạch tên bất cứ cuốn nào cả. Càng nói nhiều về hai tác phẩm, chúng tôi càng trân trọng những giá trị mà chúng mang lại, và thực sự mong cả hai cùng chiến thắng". 

Hai tác giả được trao giải Nobel văn học trong năm 2019.

Hai tác phẩm của hai nữ văn sĩ Atwood và Evaristo đã đánh bại 4 tác phẩm đề cử khác là "Ducks, Newburyport" của Lucy Ellmann, "An Orchestra of Minorities " của Chigozie Obioma, "10 Minutes 38 Seconds in This Strange World" của Elif Shafak và "Quichotte" của Salman Rushdie. Giải Man Booker năm 2018 cũng thuộc về một nhà văn nữ là Anna Burns với "Milkman", nâng tổng số nhà văn nữ giành giải thưởng cao quý này lên con số 17 người.

"Giải Man Booker" có tên ban đầu "Giải Booker" là giải thưởng văn học thường niên được trao cho các tác phẩm là một tiểu thuyết dài được coi là hay nhất viết bằng tiếng Anh; được và xuất bản tại Anh và Ireland, có tác giả là công dân quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh hay công dân Cộng hòa Ireland. Khi lọt vào vòng chung khảo của giải Man Booker, mỗi tác giả sẽ nhận được 2.500 bảng Anh (khoảng 77 triệu đồng) và một phiên bản đặc biệt chính tác phẩm của họ. Người chiến thắng sẽ nhận được 50.000 bảng Anh (khoảng 1,5 tỷ đồng) và sách sẽ được quảng bá rộng rãi trên khắp thế giới.

Năm 1993, từ 25 tác phẩm giành giải Booker đầu tiên, ban giám khảo đã chọn tiểu thuyết "Midnight's Children" của nhà văn Salman Rushdie (giải Booker 1981) là tiểu thuyết hay nhất trong 25 năm của giải Booker. Tác phẩm này được trao "Giải Booker of Bookers" (Booker of Bookers Prize). Năm 2008 một giải thưởng tương tự được trao cho tác phẩm hay nhất trong 40 năm của giải Booker, giải lần này có tên "Booker hay nhất" (The Best of the Booker) và "Midnight's Children" của Salman Rushdie một lần nữa lại là tác phẩm chiến thắng.

Từ năm 2005, Quỹ Giải Booker cũng thành lập "Giải Man Booker quốc tế" để mở rộng diện tác giả ra toàn thế giới.

Quá trình lựa chọn danh sách rút gọn (shortlist) và tác phẩm hay nhất cho Giải Man Booker được thực hiện bởi ban cố vấn gồm một nhà văn, hai nhà biên tập, một nhà quản lý văn học, một nhà kinh doanh sách, một nhà quản lý thư viện và một chủ tịch (do Quỹ Giải Man Booker lựa chọn). Ban cố vấn này sẽ chọn ra một ban giám khảo gồm 5 người bao gồm các nhà phê bình, nhà văn, học giả có tiếng, ban giám khảo sẽ chịu trách nhiệm chọn ra cuốn sách giành Giải Man Booker năm đó. Thành phần ban giám khảo Giải Man Booker thay đổi theo từng năm.

Trong 35 năm đầu tiên, chỉ có 5 năm là danh sách tác phẩm rút gọn có ít hơn 6 tiểu thuyết và 2 năm (1980, 1981) danh sách này có 7 tiểu thuyết. Tổng cộng đã có 201 tác phẩm của 134 tác giả từng lọt vào danh sách rút gọn trong 35 năm Giải Man Booker. Có 19 tác giả từng có 2 tác phẩm lọt vào danh sách rút gọn, trong đó duy nhất có J. M. Coetzee từng chiến thắng trong cả hai lần. Các nhà văn có quốc tịch Anh và Bắc Ireland là những người giành nhiều Giải Man Booker nhất (24 giải), tiếp đó là các nhà văn quốc tịch Úc (6 giải) và Cộng hòa Ireland (4 giải).

Thủy Giang (tổng hợp)
.
.