Nữ sĩ Đoàn Lê:

“Mai ta ra biển tan vào sóng xanh”

Thứ Ba, 29/09/2015, 08:01
Với 42 năm ròng rã gắn bó với điện ảnh, nhưng cho đến tận bây giờ dường như niềm đam mê của Đoàn Lê với điện ảnh vẫn chưa bao giờ vơi. Mấy năm gần đây, nhà văn Đoàn Lê dành nhiều trăn trở, tâm huyết và dốc hết sức lực vào việc viết kịch bản và tổ chức sản xuất bộ phim truyền hình dài 5 tập về hình tượng thân mẫu của Bác Hồ có tên "Cội nguồn thiêng".

Do làm việc quá sức tháng 8/2013 nữ sĩ Đoàn Lê đã lâm bệnh nặng có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Hai năm sau thời gian ngã bệnh, đến nay sức khỏe của nhà văn nổi tiếng đất cảng Đoàn Lê đã dần phục hồi, có thể ngồi nói chuyện khá lâu với khách mà không thấy kêu mệt. Đoàn Lê của hôm nay  mỉm cười an nhiên ngồi trước mặt tôi đọc hai câu thơ chuẩn bị cho "ngày về" của mình: "Mai ta ra biển/ Tan vào sóng xanh"...

Nữ sĩ Đoàn Lê bảo rằng, tâm nguyện cuối đời của bà đúng như hai câu thơ bà từng viết ấy: "Mai ta ra biển/ Tan vào sóng xanh". Bà muốn rằng sau khi mất, sẽ được "hóa" và đem bình tro về rải xuống biển Đồ Sơn quê hương mình - nơi có những con sóng ngày đêm xô bờ, nơi có căn nhà nhỏ ở xóm Núi mà bà đã về ẩn mình để viết, vẽ suốt 20 năm. Đoàn Lê cho rằng con người ta sinh ra từ cát bụi thì lại trả về với trời đất nắm cát bụi cuối cùng sau khi rời thế giới.

Có nhiều người rất kỵ nói đến chuyện "hậu sự" và coi đó là một điềm không lành, song với nữ sĩ Đoàn Lê ở tuổi 73 đã qua nhiều phen cấp cứu và mang trong mình nhiều thứ bệnh tật nào suy tim, suy thận, tiểu đường, huyết áp thấp... thì việc ấy chẳng có gì mà phải tránh. Việc ấy có thể xảy đến bất cứ lúc nào không thể nói trước được. Vì thế, bà nói tới chuyện này một cách bình thản, như cách từ lâu bà nhìn nhận kiếp người cũng chỉ như một áng phù vân, hiện hữu để rồi lại tan biến đi trong vũ trụ bao la vô cùng vô tận này: "Giờ chỉ đợi các cụ ới một tiếng là lên đường thôi...".

Nữ sĩ Đoàn Lê.

Sáu năm không gặp, mà nữ sĩ Đoàn Lê đã khác rất nhiều so với trước đây. Lần trước khi tôi đến thăm bà ở xóm Núi Đồ Sơn, dù vẫn mang trong mình căn bệnh tiểu đường, nhưng nữ sĩ vẫn còn nhanh nhẹn lắm với mái tóc đen được cắt vuông vắn, gọn gàng, khá trẻ trung so với tuổi ngấp nghé 70. Người đàn bà tôi gặp hôm nay có mái tóc bạc trắng được búi gọn gàng, làn da trắng mướt thiếu nắng vì hàng ngày có cố gắng đi bộ 30 phút để rèn luyện sức khỏe thì cũng chỉ là đi loanh quanh trong nhà với những bước đi chậm rãi, yếu ớt. Chỉ có nụ cười đôn hậu với ánh mắt tươi vui của bà là vẫn như xưa.

Đoàn Lê lúc nào cũng thế, mọi sầu khổ, vất vả, toan lo... cứ gói ghém trong lòng hay gửi vào trang viết thôi chứ chẳng bao giờ thấy bà kêu ca, phàn nàn. Cuộc sống riêng tư dù chất chứa nhiều buồn tủi, nhưng nữ sĩ Đoàn Lê bảo rằng từ lâu rồi bà chẳng trách hận, oán thán gì ai nữa. Bởi bà hiểu sâu sắc rằng: "Mỗi người khi có mặt trên cuộc đời này đều có một chức phận, một bi kịch của riêng họ. Mỗi lần vượt qua được thử thách, khó khăn hay một bi kịch chính là hành trình con người đó tạo nên số phận của riêng mình. Phàm đã được sinh ra làm người là hầu như đều phải đi một con đường nào đó để tạo nên số phận của riêng mình, chẳng ai giống ai cả. Tôi cũng vậy. Tạo hóa ban cho tôi chút khả năng để làm việc nhưng cũng hết lần này đến lần khác thử thách tôi. "Con tạo" không ngừng "xoay vần" với tôi và điều đó khiến tôi có cuộc đời tôi khác tất cả mọi người. Bây giờ lắm khi một mình ngồi ngẫm nghĩ lại con đường mình nhiều chông gai đã đi qua, nhiều khi tôi còn cảm thấy ngạc nhiên giống như nó chưa từng tồn tại mà chỉ như một giấc mơ. Cũng có lúc tôi đi đến kết luận rằng: "Dường như tất cả chỉ là một trò đùa của tạo hóa mà thôi!".

Không hiểu sao, mỗi lần nhớ tới nhà văn Đoàn Lê, tôi lại rất thích nghe bài hát "Chị tôi" của nhạc sĩ Trọng Đài phổ thơ Đoàn Thị Tảo. Nhà thơ Đoàn Thị Tảo là em gái của nhà văn Đoàn Lê đã viết bài thơ này tặng chị gái mình từ thuở thiếu thời và cũng không ngờ được những câu thơ đầy nỗi niềm tâm tư này là dự cảm khá chuẩn xác về cuộc đời nhiều nỗi đa đoan của chị gái: "Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo/ Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh/ Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Vấn vương mấy sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ/ Tình người đa đoan...".

Làm thân con gái, vướng phải hai lần đò đều trắc trở là quá đa đoan rồi, đằng này nữ sĩ Đoàn Lê còn đa đoan cả trong nghệ thuật. Sở dĩ tôi muốn gọi Đoàn Lê là "nữ sĩ" bởi thật khó dùng danh từ gì để gọi Đoàn Lê cho đúng và đầy đủ nhất với những công việc, những lĩnh vực bà từng làm, từng dấn thân.

Với điện ảnh, bà từng là diễn viên điện ảnh tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Sân khấu điện ảnh, là thiết kế mỹ thuật điện ảnh (những năm nghỉ hưu bà trở thành họa sĩ thực thụ), là biên kịch rồi còn kiêm luôn cả... đạo diễn. Với văn chương, bà là người làm thơ từ thuở thiếu thời, viết rất nhiều truyện ngắn được bạn đọc yêu thích, là tác giả của 3 cuốn tiểu thuyết đã xuất bản và một cuốn nóng hổi đang đợi ngày ra lò.

Hai năm nay, vì lý do sức khỏe bà không còn vẽ được nữa, chỉ có lúc nào khỏe thì dành thời gian chỉnh sửa, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết với tên tạm đặt là "Nhật ký của một người đã tự sát" đang bị NXB Phụ nữ hối thúc. Thực ra Đoàn Lê sống chung với căn bệnh tiểu đường đã 30 năm nay, nhưng gần đây tuổi tác cũng chính là lý do khiến căn bệnh biến chứng gây nguy hại cho tim, thận, huyết áp...

Những khi còn sung sức, bà làm việc liên tục, cứ "đổ cày sang bừa", viết chán lại vẽ và ngược lại. Cách đây 6 năm, khi tôi xuống thăm bà ở căn nhà nhỏ nơi xóm Núi Đồ Sơn, trong xưởng vẽ của bà có nhiều bức tranh đương vẽ dở đủ thể loại: chân dung, phong cảnh, nude... mới thấy sức sáng tạo của Đoàn Lê thật kỳ lạ. Bà tâm sự rằng: "Viết văn giúp tôi giải tỏa những trải nghiệm, tâm tư, ẩn ức trong lòng nhưng khi cảm thấy ngôn ngữ trở nên bất lực, tôi lại nhờ đến hội họa. Văn học và hội họa khiến tôi tìm được sự cân bằng, tìm thấy sự bình yên...".

Đến với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, nữ sĩ Đoàn Lê cũng dành nhiều đam mê, hết lòng hết sức. Chắc cũng đã hai lần tôi đã hỏi bà cùng một câu hỏi rằng, bà lấy đâu ra sức lực, tinh thần để làm nhiều việc trong cuộc đời mình như vậy? Lần nào bà cũng mỉm cười, nụ cười đôn hậu nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh mà rằng: "Vì không có ai yêu mình nên mình phải đi yêu những thứ khác cho bớt cô đơn, trống trải mà thôi!". Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, đó là cách diễn đạt khác của một sự thật: Chỉ có văn chương, nghệ thuật mới là thứ an ủi, xoa dịu cũng như làm trái tim luôn rộng mở, yêu thương nhưng đầy nỗi cô đơn của Đoàn Lê, dù bà từng tâm sự với tôi: "Là người đa mang, quá nhiều đam mê, tôi đã phải trả giá cho những đam mê ấy bằng chính cuộc đời đầy giông gió của mình!".

Trong mọi sáng tác của mình, lúc nào nữ sĩ Đoàn Lê cũng dành nhiều yêu thương, dành nhiều gửi gắm và xót xa nhất cho các nhân vật nữ. Có lẽ chính vì con đường nhiều chông gai, nhiều nước mắt đã đi qua của chính mình mà nữ sĩ Đoàn Lê luôn dành cho nữ giới một cái nhìn yêu thương, nhân hậu, bao dung nhưng cũng đầy xót xa. Trong những bộ phim do bà làm biên kịch hay đạo diễn, sự trăn trở của bà đều dành cho các nhân vật nữ như "Cái chết của Hồ Xuân Hương", "Song nữ", "Bình minh xôn xao", "Con vá"... Đến gần đây, bà vẫn tiếp tục dành nhiều tâm sức với bộ phim "Cội nguồn thiêng" về cuộc đời bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ bằng niềm kính trọng, yêu thương, khâm phục nghị lực và đức hi sinh của người phụ nữ đặc biệt đã sinh ra một người con lỗi lạc là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong văn chương cũng vậy. Lúc nào Đoàn Lê cũng vấn vương, cũng xót xa, cũng đau đáu và đồng cảm với thân phận, bi kịch của những người phụ nữ Việt Nam vốn luôn chịu nhiều vất vả, thiệt thòi, cho dù là một người phụ nữ thôn quê chân lấm tay bùn hay một "Vương nữ" như Lý Chiêu Hoàng..., bởi bà quan niệm: "Phàm đã sinh ra là phụ nữ đã là khổ rồi, chưa nói đến bao nhiêu bi kịch có thể đến với họ trong đời...".

Suốt 20 năm qua, bỏ lại sau lưng mọi nỗi muộn phiền, nữ sĩ Đoàn Lê về ở ẩn nơi phố biển Đồ Sơn để sống và sáng tác. Suốt 20 năm, bà ẩn mình, nương tựa vào những trang văn, trong những sáng tác hội họa. Đoàn Lê kể rằng, dường như bà đã lạc vào hẳn một thế giới khác, nơi mọi lỗi lầm đã được bà dung thứ và niềm đau được xoa dịu bằng phương thuốc đặc hiệu có tên là "thời gian". Có lẽ, đây chính là những năm tháng bình an nhất của cuộc đời bà cho đến khi người con trai của bà qua đời. Đoàn Lê kể rằng: "Từ khi con trai mất, tôi cảm thấy mình như mất đi một chân, ấy là vì lúc ấy vẫn còn làm việc được. Còn bây giờ, cứ hết nằm lại ngồi, rồi đi loanh quanh trong nhà, thấy một ngày chao ôi là dài...".

Nguyệt Hà
.
.