Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:

Ly kỳ một cuộc chữa bệnh bằng thơ

Thứ Sáu, 03/08/2018, 08:14
Tôi đã chọn văn học nghệ thuật để dấn thân từ lúc trưởng thành. Và tôi đã trưởng thành, đã thành đối tượng, bạn bè của công chúng. Đó là cả niềm đam mê lý tưởng và niềm tin cuộc sống của tôi.


- Chào nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bạn bè, người hâm mộ gọi vui Nguyễn Trọng Tạo là "siêu nhân" khi chỉ 3 tháng sau đêm nhạc "Khúc hát sông quê" diễn ra ở Hà Nội (vào vào tháng 9-2017), ông bị một cơn bạo bệnh. Vậy mà 6 tháng vượt qua tử thần, hồi phục kỳ diệu, hiện ông đang chuẩn bị cho đêm nhạc thứ hai "Khúc hát sông quê" 2 tại quê nhà Nghệ An vào ngày 10-8 tới đây. Ông có thể chia sẻ về sự hồi phục xứng đáng mang tên "siêu nhân" của mình?

 + Một bệnh nhân bị đột quỵ đã hơn nửa năm, nay đã đứng dậy rồi thì đi được, đã đọc suôn rồi thì viết được, đã say nghề thì sáng tác được, và niềm vui chia sẻ với người thân, bạn bè… Nhưng hiện tại tôi vẫn phải kiên trì để chữa bệnh và rèn luyện. Tôi đang rất cố gắng… sống.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tại cuộc họp báo chuẩn bị cho đêm nhạc “Khúc hát sông quê” 2 tại Nghệ An.

Người ta nói “siêu nhân” là nói vui thôi. Tôi chỉ biết rằng khi các bác sĩ và bản thân mình đã chắc chắn đẩy lùi cái chết, xa ông thần chết thật rồi, thì lúc đó tự mình phải chăm sóc mình thế nào để sống? Sau 2 tháng giành giật với sự sống, tôi đã trở lại cảm xúc mạnh, yêu thơ, yêu nhạc, yêu sáng tác. Ngay sự vượt qua cái chết, tôi đã làm được bài thơ “Cõi chết”. Đây là bài thơ tôi làm đúng vào ngày Tết Nguyên tiêu – Ngày Thơ Việt Nam. Xin được chia sẻ cùng Như Bình và Văn nghệ Công an nhé:

BAY QUA CÕI CHẾT

Bay vào cõi chết
Tôi thấy tôi như không phải là tôi
Tôi nói say sưa với bạn vừa gặp lại
Bạn ngỡ tôi nói tiếng nước ngoài
Không tiếng
Tôi chạy đến ôm bạn
Nhưng tôi nằm một chỗ
Không cựa quậy
Những gương mặt thương tôi
Những tiếc tôi
Những động tác xót tủi
Và những lo
Chập chờn…

Chỉ thầy thuốc tự tin và ngửi mùi sống
Rồi một ngày tỏa hương
Sự sống
Những máu đông máu tan thành hy vọng
Tiếng méo hóa thành tròn
Bại chân thành chiến thắng
Trí nhớ hóa lời yêu
Òa lên
Cảm xúc…

Và tôi hiểu bay vào cõi chết
Không chết
Sự bất diệt
Mãi sinh sôi…

Bài thơ viết xong, ghi ngày 28-2-2018, chính xác sau cú tai biến mạch máu não tròn 2 tháng. Đã làm được bài thơ đầu tiên trong cuộc bạo bệnh, nhưng bác sĩ và gia đình can ngăn tôi ngừng sáng tác, giữ gìn để điều trị bệnh. Tôi đã “y lệnh” của mọi người.

- Đêm nhạc "Khúc hát sông quê" 2 ở Nghệ An tới đây có gì khác với đêm nhạc năm ngoái ở Nhà hát Lớn Hà Nội? Ông có thể chia sẻ ý tưởng nghệ thuật, mong muốn và những kỳ vọng gửi gắm trong đêm nhạc ở quê nhà lần này?

+ Tôi muốn thay đổi nhiều về chương trình biểu diễn trên quê hương của mình, vì nguồn vốn tinh thần của tôi về quê hương khá lớn. Tôi làm bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát từ năm 20 tuổi. Tuy sáng tác về âm nhạc không nhiều, nhưng cũng có được gần trăm bài hát, hợp xướng hay nhạc múa… Trong chiến tranh cũng nhiều đề tài được khai thác cho đơn vị của tôi biểu diễn nhiều năm.

Chỉ riêng đề tài Nghệ Tĩnh tôi cũng có nhiều tác phẩm được công chúng ghi nhớ. Chất liệu dân ca xứ nghệ được tôi phát triển ngay từ rất sớm như “Con dốc nó cao”, “Qua cầu tùng cốc”, “Màu xanh Hương Sơn”, “Chèo thuyền trên sông Bùng”, “Đồng Lộc thông ru”, “Về thăm quê Mẹ Vũ Quang”, và nhiều bài hát khác nữa, nhưng lần này tôi muốn làm nổi lên chất con gái xứ Nghệ - chất “Con gái sông Lam”.

“Nếu anh chưa về thành Vinh/ Anh chưa biết em xinh đến thế/ Nói năng sao mà dịu nhẹ/ thảo hiền con gái quê ta… Sông Lam có quanh co không/ Rượu mời mà sao say thế/ Đốt lòng nhau câu hát ví/ Đi xa ai nỏ muốn về”. Đấy là bài hát phỏng thơ của Lê Tuấn Lộc. Với sự xuất hiện của “Con gái sông Lam”, với trai trẻ “Tình biên cương” sẽ níu lại tình yêu của xứ Nghệ quê tôi…

Tác phẩm mới của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo.

- Một đời hoạt động nghệ thuật, một đời tận tụy cống hiến mới dốc sức tổ chức được một đêm nhạc tử tế tri ân cuộc đời, tri ân sự nghiệp, tri ân bạn bè. Thế nhưng cũng sau "sự kiện trọng đại đời người" của năm trước, giờ ông lại tiếp tục làm đêm nhạc thứ 2, và cũng chỉ một đêm. Một câu hỏi vui có tính chất "tâm linh" là đã từ cõi chết trở về, giờ đây ông có bao giờ còn cảm giác mông lung về một nỗi sợ bí ẩn của đời sống vô thường có thể đang chờ đợi ông phía trước?

+ Nếu nói chất tâm linh đã từ cõi chết trở về, thì tôi rất ám ảnh điều đó. Với một con bệnh mê man qua bao ngày mà máu não chảy, huyết áp lên rất cao thì thật khó sống. Mê, tỉnh suốt 20 ngày không nhớ gì, đến ngày thứ 21 tôi bỗng cảm nhận được sự sống. Dù không vận động được, không nói được, nhưng tôi biết sự sống đang ùa đến tôi. Và 5 ngày ngồi được xe lăn, ngày thứ 6 tôi không phải ngồi xe lăn nữa. Tôi đã chống gậy tập đi, nhưng sang ngày thứ 7 tôi ngủ dậy tìm gậy, và tôi bỗng đi được mà không có cây gậy chống.

Thật bất ngờ. Đúng là tôi phục hồi đến kỳ lạ. Các bác sĩ bảo trường hợp này trong nghìn người mới được 1 hoặc 2 người. Còn ông Chủ tịch tỉnh Nghệ An thì bảo rằng, “Thần Thánh đã bắt của Nghệ An nhạc sĩ An Thuyên, giờ lại bắt oan nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nên vội sửa sai, trả lại ông cho dân Nghệ”. Cái câu nói cảm động mà vui của người lãnh đạo khiến tôi biết tình cảm của mọi người dành cho người nghệ sĩ quê hương…

- Bạn bè và người hâm mộ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẫn thường xuyên dõi theo ông trên trang facebook cá nhân. Thấy nhà thơ từng ngày mạnh khỏe, hồi phục kỳ diệu, sống yêu đời và vẫn tiếp tục làm thơ. Ông có thể chia sẻ nhãn quan nghệ thuật và cảm xúc đời sống của mình sau tất cả những biến cố vừa qua? Một Nguyễn Trọng Tạo trước đó, và một Nguyễn Trọng Tạo từ cõi vô biên trở về có khác gì nhau không? 

+ Khi bị tai biến, tôi sợ nhất là bại liệt và mất trí nhớ. Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi cùng cực đó. Tôi nhớ lại những ngày mất trí nhớ, tôi cố nhớ tên các bài hát mà không nhớ được, ví dụ như bài “Khúc hát sông quê”, “Làng quan họ quê tôi”… mà không nhớ nổi. Rồi tôi phải nhớ lại từng chữ, từng bài, từng tên người thân. Và tôi viết trên facebook, blog, web (hay website) những mong nối lại liên lạc với bạn bè và công chúng.

Những người bạn, đồng đội, đồng nghiệp đã đến với tôi thời tôi chưa có trí nhớ, sau đó tôi xem ảnh mới biết là họ đã đến với tôi như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hơn 90 tuổi ôm tôi và rơi nước mắt lo tôi chết. Và công chúng thật tuyệt vời, họ viết về tôi trên FB hằng ngày và có nhiều người lạ đến bệnh viện thăm tôi…

Tôi luyện tập bằng cách về với văn học nghệ thuật. Đến tháng thứ ba thì tôi đã tìm được 65 bài thơ lục bát của tôi và đưa lên trang mạng. Chính việc đọc thơ như một cuộc chữa bệnh ly kỳ cho cuộc sống của tôi. Văn học và nghệ thuật đã xuất hiện trong tâm linh của tôi, để khôi phục lại trí nhớ giúp tôi, và những ấn tượng khác lạ. Cái bìa sách đầu tiên của sự tái sinh đã được vẽ, cái bài hát nung nấu trước đây đã được ra đời… Tất nhiên, có cái vẫn chưa cụ thể, nhưng có cái giàu hơn cả tưởng tượng. Tôi tin là như thế…

- Nếu được quay lại thuở ban sơ, ông có lựa chọn văn học nghệ thuật để dấn thân? Ông có nhắn gửi với những người trẻ đang dấn bước tìm tòi trên con đường nghệ thuật trong đời sống hiện đại hôm nay, để thành công, để lưu giữ được trong tình yêu, sự tôn trọng của công chúng một cái tên, họ cần phải làm gì?

+ Những người làm văn học nghệ thuật thì không giống nhau vì bản ngã mỗi người đã khác nhau, có nghĩa là một và tất cả. Đã sáng tạo thì phải thoát khỏi trùng lặp, thoát khỏi sự bắt chước máy móc để tìm cái mới mẻ cho cuộc sống. Và đó là cái cá thể đặc biệt tạo ra các nhân vật, các tài năng. Nhưng có một cái chung quan trọng của mọi tài năng, là yêu thương và tôn trọng công chúng.

Thú thật, tôi đã chọn văn học nghệ thuật để dấn thân từ lúc trưởng thành. Và tôi đã trưởng thành, đã thành đối tượng, bạn bè của công chúng. Đó là cả niềm đam mê lý tưởng và niềm tin cuộc sống của tôi. Và tôi nhớ lời tâm huyết của nhà thơ Lui Aragon: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa” và câu thơ của ông: “Nếu phải đi trở lại/ Tôi đi lại đường này”.

- Xin cảm ơn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo!

Như Bình (thực hiện)
.
.