Lưu Bị: Đầy mình mâu thuẫn

Thứ Sáu, 30/12/2005, 08:44

Chúng tôi đã lạm bàn về nhân vật Tào Tháo, coi đây là "đệ nhất anh hùng" của thời Tam quốc. Bên cạnh họ Tào, tác giả La Quán Trung còn dựng lên gần 3.000 nhân vật rất khác nhau về mọi mặt, song đã phản ánh đúng cuộc đấu tranh tàn khốc của các tập đoàn phong kiến thời đó, với những hay dở thường tình của người anh hùng và kẻ thất phu. Giờ là Lưu Bị.

Sau họ Tào thì đây là một gương mặt từng gây nhiều tranh cãi, đương nhiên không như Tào Tháo, song không kém về cách đánh giá và có thể nói, tác giả đã lấy nhân vật này để nói thay cho những nhận định cá nhân về thế thái nhân tình, về sự cân bằng (theo nghĩa hẹp) của lịch sử và chừng mực nào đó là sự cân đối của cốt truyện vốn hết sức đa dạng về cấu trúc.

Ai xem qua Tam quốc cũng có chung nhận xét: Lưu Bị tốt bụng, kém tài, là đại diện cho hậu duệ của nhà Hán đang suy tàn, nhiều ưu điểm song không thiếu thủ đoạn.

Mặt mạnh của Lưu Bị rất dễ thấy, ngay từ khi xuất hiện ở đầu sách: ông Lưu Bị, biểu tự là Huyền Đức. Bố là ông Lưu Hoàng, đỗ khoa Hiếu Liêm, làm quan và mất sớm. Lưu Bị khi còn bé thờ mẹ rất có hiếu, nhà nghèo nên phải buôn dép và dệt chiếu để kiếm ăn. Lại nữa, nhà ở thôn Lâu Tang, mé Đông Nam nhà có một cây dâu thực lớn, trên đỉnh xòe ra, chẳng khác cái tàn che cỗ xe nên có anh thày bói đi qua đã phán rằng: "Nhà này tất có quý nhân". Chơi với bạn lúc nhỏ, Lưu Bị thường vẫn nói: "Ta làm vua, nên ngự xe này, che tàn này". Cho nên chú là Nguyên Khởi lấy làm lạ và nói: "Thằng bé này tất không phải người thường". Lưu Bị tính khoan hòa, ít ăn ít nói, mừng giận không lộ ra ngoài mặt, sách vở ít xem và chỉ hay đi tìm người hào kiệt trong thiên hạ để kết giao.

Nếu coi cách luận anh hùng của Tào Tháo là "chuẩn": "Rồng lúc thì to lúc nhỏ, lúc thì bay lúc thì nấp. Lúc to thì thổi mây phun mù, lúc nhỏ thì thu hình lấp cánh, khi bay ra thì liệng trong trời đất, khi ẩn thì nấp ở dưới đáy sông. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời mà biến hóa, cũng như là người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể. Rồng ví như người anh hùng trong đời…", thì Lưu Bị chính là mẫu anh hùng theo cái cách ấy.

Mặt mạnh của Lưu Bị dễ thấy. Trước hết là chữ Nhân, đứng đầu trong "Ngũ thường". Hầu như nhân vật Lưu Huyền Đức bao giờ cũng đi liền với nhân nghĩa. Lòng thương người ấy được tác giả mô tả rất xúc động trong cách đối xử với 2 người em kết nghĩa là Quan Công và Trương Phi. Bình về câu "Anh em như chân tay, vợ con như xống áo…" khi ông khóc với Trương Phi toan tự vẫn, nhà phê bình Kim Thánh Thán ở cuối đời Minh đầu đời nhà Thanh, đã cho rằng đó là lời của kẻ "đang đồ bá vương". Với Quan Vũ cũng nhiều kỷ niệm và về cuối đời, do quá thương hai em mà Lưu Bị tổn thọ và mất ở Bạch thành. Trận Đương Dương, Trường Bản, do ông không nỡ bỏ dân lại mà lui binh nên bị tổn thất khá nặng nề. Đi đến đâu, họ Lưu cũng e ngại sự giết chóc, ưa sự bình an, chẳng hạn khi đã về với Viên Thiệu, ông đã hết sức can ngăn để họ Viên không giết mưu sĩ Điền Phong.

Lưu Bị là đại biểu của tập đoàn phong kiến của nước Thục Hán, tham vọng phò Hán yên Lưu là rõ, song để có đất mà xưng bá, cuộc chuẩn bị của ông lại quá dài và ẩn chứa nhiều xung đột ngay trong lối hành xử. Ngay từ đầu, Đào Khiêm đã muốn nhường Từ Châu cho Lưu Bị nhưng ông kiên quyết không nhận. Cho nên người ta đi theo Lưu Bị ghê lắm! Vân Trường sau thời kì lưu lạc, nghe tin anh còn, đã "qua 5 ải, chém 6 tướng" để về gặp anh. Triệu Vân ngay sau lần gặp Huyền Đức đã cảm cái nghĩa lớn và sau đó bỏ chủ, khi gặp lại họ Lưu đã xúc động nói: "Tôi đi khắp bốn phương, chọn chủ để thờ mà chưa thấy ai bằng tướng quân…", khi vào Xuyên, trăm họ bày hương hoa bái vọng dọc đường, thậm chí còn có chuyện Lưu An giết vợ đãi Lưu Bị. Có đất rồi, 2 tướng là Hoàng Quyền, Lưu Ba đóng cửa không ra… nên Lưu Huyền Đức đã cảm kích phát lệnh: "Ai dám hại 2 người ấy giết cả trăm họ", sau đó tự đến nhà mời họ ra làm quan. Ông còn xin lỗi quân sư Bàng Thống sau khi tỉnh rượu, bởi hôm trước có chút nóng nảy...

Nói đến Lưu Bị là nói đến nhân nghĩa và sự chính thống, thế nên khi sang Đông Ngô hỏi vợ, ông được Ngô Quốc Thái, Kiều Quốc Lão khen ngợi như rồng, như phượng… Và cũng ở bên Ngô, lúc gặp nạn lại được "quý nhân phù trợ" với chi tiết nhảy ngựa ở Đàn Khê. Tác giả còn để một nhân vật trong truyện (Tần Bật) khi thuyết khách đã ứng đối trôi chảy, trong đó coi Trời có họ Lưu chỉ vì thiên tử họ Lưu! Từng có người phong cho Lưu Huyền Đức là người chí nhân chí nghĩa, chẳng hạn tình tiết "Tam cố thảo lư" và "Đào viên kết nghĩa" đã được dựng thành hàng chục tác phẩm sân khấu khác nhau ở Trung Quốc, từ Kinh kịch đến Việt kịch, kịch nói và phim truyền hình, nhạc vũ kịch. Có một chi tiết đắt: một thời, bên Trung Quốc đã có cả cuộc tuyển lựa rầm rộ người có khuôn mặt phúc hậu nhất để vào vai Lưu Bị. 

Lưu Bị là người thức thời, là "rồng" theo định nghĩa của Tào A man. Từng giữ kỷ lục trong Tam quốc về chuyện "ở nhờ", ông lần lượt núp bóng và chịu luồn lọt từ Đào Khiêm, Lã Bố, Tào Tháo đến Viên Thiệu, Lưu Biểu, Tôn Quyền (anh vợ). Đi đến đâu cũng khiêm nhường, biết mình và biết chờ thời, lại luôn truyền cái tư tưởng ấy cho hai người em kết nghĩa để giảm sự bột phát của họ. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của Lưu Bị là sự xung khắc và mâu thuẫn giữa ứng xử và xuất xử của kẻ sỹ, tất cả đã bắt nguồn từ tính cách thiếu quyết đoán của ông ta.--PageBreak--

Lưu Bị có ý thức rõ rệt về mình và muốn áp đặt điều này lên người khác. Ngay đầu sách, khi dấy binh đi cứu Đào Khiêm, nhận bức thư của Khổng Dung, ông ngửng đầu lên và nói lớn: "Khổng Bắc Hải cũng biết trên đời này có Lưu Huyền Đức cơ à?", sau đó cùng Thái Sử Từ cất quân đi ngay.

Là nhân vật văn học và là con người của lịch sử, Lưu Bị luôn được coi là hình tượng của lòng nhân đức, song thực ra ông không có được những dấu ấn sâu đậm như các nhân vật khác. Chẳng hạn bạn đọc có thể sởn gai ốc với triết lý "Thà ta phụ người còn hơn là để người phụ ta" của Tào Tháo hay hết lòng khâm phục cái gọi là chủ nghĩa Quan Công khi khuyên Bùi Nguyên Thiệu "Rừng xanh không phải là nơi ẩn mình của hào kiệt", song bên trong con người Lưu Bị lại là sự mâu thuẫn gay gắt giữa nhiều khía cạnh của đạo đức xã hội. Ở ông không thấy sự tách bạch giữa hai khái niệm lập pháp và hành pháp như Khổng Minh và Tào Tháo. Cái kém thế nhất ở Lưu Bị là ông quá vất vả trong sự nghiệp, suốt bao nhiêu năm đã phải thất thân luồn cúi nhờ vả, phải nấp dưới cái bóng của người khác để tùy thời. Nhưng bên cạnh sự thu mình đợi thời này, có thể nói con người Lưu Bị bộc lộ cả hai mặt: nhân đức và giả dối.

Đến nhờ vả Đào Khiêm, dù gia chủ đôi ba phen kiên quyết nhường nhịn, ông vẫn khiêm nhường không lĩnh ấn tín và chỉ lui bước về thành Tiểu Bái nhỏ bé, nhưng sau đó vẫn lấy Từ Châu. Bị Lã Bố ép, bởi trước đó Bố nhờ Bị, sau Bị nhờ Bố, ông đã biết sử dụng kế phản khách vi chủ khi kết hợp với Tào Tháo để giết họ Lã. Hẳn ít người quên chi tiết Lã Bố bị Tào Tháo bắt, nhờ Bị xin và Huyền Đức gật đầu khi Tào Tháo khóc tiễn Trần Cung, lúc trở lại, nghe Bố xin đã quay sang hỏi Lưu Bị "thế nào?" và được nghe "Minh công quên chuyện Đinh Kiến Dương và Đổng Trác hay sao?" khiến Tháo sai đem Lã Bố đi hành quyết ngay! Chi tiết này mang tính phản trắc của Lưu Bị, dù có người cho rằng đó là sự khôn ngoan.

Lưu hoàng thúc nổi tiếng với câu nói "Ném chuột còn phải e vỡ đồ quý!" khi không cho Quan Vũ giết Tháo ngay trước mặt vua. Nhân vật này cũng được nâng lên đặt xuống nhiều chỉ với chi tiết đánh rơi đũa khi uống rượu luận anh hùng với họ Tào - một sự hài hước tốn kém giấy mực.

Trên văn đàn, nhiều tác giả đã coi Lưu Bị là kẻ giả dối, tráo trở và đây chính là một trong những tình tiết nhạy cảm, khó phân định của chính lịch sử. Từ chối song lại lấy đất, lấy thành của người ta, sau khi thắng trận, mở tiệc vui và hỏi Bàng quân sư có vui không, kể cả tình tiết cầm tay khóc lóc với Lưu Quý Ngọc: "Tôi không muốn thế đâu, chẳng qua là cái sự bất đắc dĩ…" (phải cướp đất của người em họ, và chỉ tuần sau giáng chiếu đuổi Lưu Quý Ngọc đi rõ xa!), ném con xuống đất sau trận Trường Bản để lấy lòng Triệu Vân… đều là những chi tiết khiến yếu tố "giả" ở Lưu Bị được tô đậm. Có lẽ chính vì thế, khác hẳn Tào Tháo, Lưu Bị dù có đại diện cho chính nghĩa đến thế nào đi nữa, ông là người chịu nhiều sự phản bội hơn ai hết và chỉ riêng điều này, ngay những nhà phê bình nổi tiếng là bênh vực họ Lưu cũng khó khăn khi bào chữa.

Huyền Đức có con nuôi Lưu Phong, vậy mà khi bị nguy khốn, chính thằng con trai ấy đã cùng bạn là Mạnh Đạt không thèm cứu cha, xé thư giũ áo bỏ vào trong. Khi lâm nguy, anh vợ My Chúc trèo tường ra hàng giặc! Còn về cuối truyện, đại tướng là Ngụy Diên đã phản bội khi đốt Sạn Đạo triệt đường về của quân ta… Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nhất trí khi "kết tội" Lưu Bị và Khổng Minh là cố tình kéo dài cuộc nội chiến đẫm máu. Biết Quan Vũ có tình cảm với Tào Tháo nên để quan ngài đón Tháo ở đường Hoa Dung rồi tha chết. Đây là hành động kéo dài và hạn chế sự phát triển của lịch sử cho dù nó được xây dựng dựa trên cơ sở học thuyết của đạo Khổng.

Nhà phê bình Mao Tôn Cương, sau khi "bình" lời giới thiệu bộ Tam Quốc Chí của đàn anh Kim Thánh Thán, trong phần chú giải đã ủng hộ quan điểm khen Huyền Đức hơn là chê, song khi viết "Phép đọc Tam Quốc Chí", ông lại hướng độc giả vào 3 nhân vật mà ông coi là xuất sắc nhất truyện, là Tào Tháo, Quan Vũ và Khổng Minh. Cũng Mao Tôn Cương, khi bàn về Hồi thứ 22 "Viên, Tào khởi ba quân mã bộ - Quan, Trương cầm hai tướng Vương, Lưu" đã viết rất hay về Lưu Bị và sự biến ảo của Tam Quốc Chí:

Người tiến cử Lưu Bị là Công Tôn Toản. Kẻ giết Công Tôn Toản là Viên Thiệu. Kẻ hàng Viên Thiệu là Viên Thuật và người diệt Viên Thuật (em trai Viên Thiệu) lại là Lưu Bị. Thế mà Lưu Bị lại muốn nhờ Viên Thiệu giúp mới kỳ. Có lẽ trong thâm tâm Lưu Bị cũng biết rằng việc nhờ vả ấy rồi cũng chẳng ra gì, thế mà khi Bị đến cầu cứu, Thiệu cũng chịu cứu. Thành thử Tháo với Bị đang hợp bỗng lìa, còn Thiệu với Bị đang lìa bỗng hợp. Sự biến ảo của Tam Quốc như thể giấc chiêm bao vậy.

Đến lượt mình, dù đã xem không ít tác phẩm xoay quanh bộ sách vĩ đại này, tôi chưa một lần thấy tác phẩm nào dành riêng cho Lưu Huyền Đức. Phải chăng ông ta còn có khoảng cách với những kẻ chính nhân quân tử cùng thời? Lạm bàn đôi câu về nhân vật lịch sử để hầu chuyện bạn đọc, trộm nghĩ mua vui cũng được một vài trống canh
Nguyễn Lưu
.
.