Lương Ngọc Trác: Người nhạc sĩ tài năng, đức độ

Thứ Hai, 19/06/2017, 08:07
Nói đến những nhạc sỹ suốt đời mặc áo lính, không thể không nhắc tới Lương Ngọc Trác (1928 - 2013). Ông cùng thế hệ các nhạc sỹ Quân đội: Trọng Loan, Nguyễn Đức Toàn, Văn An, Nguyễn Thành. Ít tuổi hơn chút nữa là Doãn Nho, Nguyên Nhung, Huy Thục... 

Sinh năm 1928, quê ở Gia Lâm (Hà Nội), Lương Ngọc Trác sớm tham gia bộ đội, ở Trung đoàn Thủ đô. Sau hoà bình lập lại (1954), ông liên tục làm Trưởng Đoàn Văn công Quân đội của Tổng cục Chính trị vào các năm 1954, 1958, 1966, 1983 cho đến lúc nghỉ hưu.

Tên tuổi Lương Ngọc Trác gắn liền với những bài hát nổi tiếng một thời: "Mơ đời chiến sỹ", "Thủ đô huyết thệ", "Ngày về", "Lô Giang", "Trường chinh ca", "Bài ca gửi đất liền", "Ta đi trong nắng mới", "Những ô cửa sổ"… Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc, viết nhạc cho múa, sân khấu, điện ảnh.

Nói đến Lương Ngọc Trác, ngoài sức thuyết phục của những bài hát vừa nhắc, không thể không nói đến đức độ, nhân cách quý hiếm, không phải người nghệ sỹ nào cũng có được. Trước hết là trong công tác, trong quan hệ đồng chí, đồng nghiệp.

Từ khi Đoàn Văn công Quân đội được thành lập đến nay, trải qua nhiều đời trưởng đoàn, chỉ có ông được cấp trên tín nhiệm trao trách nhiệm này tới 4 lần như đã nói. Cũng bởi vì một ai đó đang làm một thời gian, phát sinh những điều bất ổn, phải thay thế. Nhìn đi ngắm lại, người ta thấy không ai được bằng Lương Ngọc Trác.

Thế là lại phải mời ông làm. Chuyện rằng, khi nhắm người khác vào cương vị này, họ đã nói: "Tôi làm không thể bằng anh Trác. Xin cứ mời anh ấy trở lại làm". Và người này cương quyết từ chối. Nể tổ chức, Lương Ngọc Trác đành lại phải nhận lời dù trong thâm tâm không muốn.

Ông từng nói: "Còn nhiều anh em sung sức hơn tôi. Nên để họ làm. Tôi có thể đứng đằng sau trợ giúp. Làm nhiều quá e sẽ xơ cứng, không có sáng tạo". Nhưng ông được anh em diễn viên tín nhiệm, yêu cầu tổ chức cứ quyết định. Người khác, họ không ủng hộ. Vậy là ông lại phải chiều anh em. Nhưng đã nhận việc thì ông làm hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Ông luôn tìm cách khai thác mọi tài năng của diễn viên, nhẹ nhàng nhắc nhở khuyên bảo mỗi khi có ai mắc khuyết điểm gì, chứ không bao giờ gay gắt, đao to búa lớn. Không ít trưởng đoàn văn công có sáng tác thường hay biến đơn vị thành sân chơi riêng, lạm dụng quyền để dàn dựng nhiều tác phẩm của mình.

Anh em diễn viên phải biểu diễn nhưng trong lòng không thấy thoải mái vì chất lượng tác phẩm non kém, không bằng những tác giả khác. Nhưng Lương Ngọc Trác thì không bao giờ làm việc này, mặc dù có nhiều tác phẩm mới, chất lượng. Tôi nhớ vào năm 1984 gì đó, một diễn viên của đoàn có ý muốn dựng một ca khúc của tôi để chuẩn bị thông qua hội đồng nghệ thuật. Đó là một chương trình có chủ đề. Lúc này, chưa có đủ bài mà thời hạn hoàn thành chương trình đã cận kề.

Lương Ngọc Trác đành chọn một bài của mình để cho đủ. Đúng lúc đoàn đang triển khai tập bài của Lương Ngọc Trác thì diễn viên trình bài của tôi ra. Lương Ngọc Trác nghe xong liền rút bài của mình về, lấy bài của tôi. Anh em đề nghị cứ để bài của ông mà rút bài khác ra. Nhưng ông không đồng ý. Ông nói với mọi người: "Chúng ta cần nhiều cộng tác viên. Họ đến với chúng ta là điều rất quý. Vậy nên bần cùng lắm mới phải dựng bài của trưởng đoàn".

Nói vậy nhưng với anh em trong đoàn có sáng tác tốt, ông cũng rất khuyến khích. Quả là một xử sự ngược hẳn với nhiều vị trưởng đoàn khác. Họ sẵn sàng bỏ bài ở ngoài để đưa bài mình vào. Lương Ngọc Trác luôn được anh em tâm phục, khẩu phục là vì thế.

Cả 4 lần ông làm trưởng đoàn đều là những thời kỳ Đoàn Văn công Quân đội phát triển mạnh, có nhiều chương trình phong phú phục vụ các chiến sỹ khắp các miền biên giới, hải đảo. Và tình hình nội bộ cũng tốt nhất. Không một lần nào dưới thời ông quản lý, Đoàn bị trên về thanh tra điều gì. Ông thực sự như một người cha, người anh đối với các diễn viên. Cũng dưới thời ông lãnh đạo, nhiều diễn viên ở các đoàn khác xin về đầu quân bởi họ vừa ngưỡng mộ tên tuổi, vừa nghe đồn về đức độ của ông.

Sớm nổi tiếng, lại luôn làm công tác quản lý nhưng Lương Ngọc Trác bình dị, khiêm nhường, sống tình cảm, nhẹ nhàng, tế nhị. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm với ông cách đây đã lâu. Đó là mùa đông năm 1964. Lúc ấy, tôi vừa vào học năm thứ nhất Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn).

Để chuẩn bị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trường có tổ chức một đêm văn nghệ lớn. Khoa Văn chúng tôi dưới sự chủ trì của Diệp Minh Tuyền tập bài hợp xướng "Trường chinh ca" của Lương Ngọc Trác (anh Tuyền khi ấy là sinh viên năm cuối cùng sắp tốt nghiệp ra trường, vừa dàn dựng vừa dệm đàn ác-cooc-đê-ông. Sau này anh trở thành nhà thơ, nhạc sỹ).

Tôi được trao nhiệm vụ lĩnh xướng một đoạn khá dài (đơn ca với sự phụ hoạ của các bè đệm): "Chúng ta cười, nhìn gió bay làm tung manh áo tả tơi. Rét run người vì sốt, bao mồ hôi rơi xuống gắng cười. Chốn sa trường vì nước bao chàng trai anh dũng vì dân. Đã bao lần thề thốt bên mộ chàng trai ấy, hờn oán…".  Tôi bèn tìm đến gặp Lương Ngọc Trác để vừa muốn gặp người nhạc sỹ nổi tiếng, vừa nhờ ông "bồi dưỡng" thêm để nắm bắt sâu sắc hơn tác phẩm giúp cho việc hát sẽ hay hơn. 

Thực ra việc sau chỉ là cái cớ. Cái chính là tôi - chàng trai 18 tuổi - muốn đến làm quen với nhạc sỹ mà mình yêu thích nhiều bài hát của họ từ lâu. Lúc gặp ông, tôi có phần dè dặt. Ngược lại, ông rất ân cần, tôn trọng người khách trẻ tuổi. Ông gợi ý tôi cách thể hiện bài hát, đặc biệt là đoạn lĩnh xướng cần hát sao cho cảm động như một khúc tưởng niệm. Và ông thị phạm để tôi hình dung. Không phải là ca sỹ nhưng ông hát rất truyền cảm. Tôi nghe rất thích.

NS Lương Ngọc Trác chăm sóc vợ lúc hai ông bà còn sống.

Trước khi tôi ra về, ông hỏi rõ ngày, giờ, địa điểm diễn ra buổi liên hoan văn nghệ ở trường tôi. Ông nói với tôi là sở dĩ hỏi rõ để ông sẽ đến dự, nghe hợp xướng thế nào, tôi lĩnh xướng ra sao. Tôi nói rõ, ông ghi cẩn thận vào cuốn sổ tay bé xíu. Ông nói vậy nhưng tôi nghĩ có thể ông sẽ không đến do bận nhiều việc. Hơn nữa, đây là một buổi văn nghệ rất bình thường của một trường đại học, chẳng có gì đặc biệt khiến ông phải quan tâm, dẫu có trình diễn bài của ông.

Ông không quên dặn tôi: "Anh sẽ cố thu xếp thời gian đến xem các em biểu diễn, nhưng đừng nói gì với ban tổ chức. Cứ coi anh như một người nào đó vào xem. Và nếu San có nhìn thấy anh thì cứ tập trung vào công việc, đừng nói với ai là có anh xuất hiện. Nhớ đấy". Quả nhiên, lúc đang hát, nhìn xuống phía dưới, tôi nhận ra ông ngồi tít ở phía dưới cùng phu nhân là nghệ sỹ kịch nói Thuỳ Chi (lần đến nhà ông trước đó, tôi đã biết bà).

Nghe lời ông dặn, biết ông không muốn ai đón tiếp mình, tôi đã coi như không nhìn thấy ông. Sau tiết mục đó, tôi còn đảm đương nhiều vai trò khác trong chương trình nên không thể ra chào vợ chồng ông. Bẵng đi 20 năm, đến năm 1984, với việc có bài trong chương trình của Đoàn Ca múa Quân đội như đã nói, tôi mới gặp lại ông trong buổi tổng duyệt chương trình. Ông nhận ngay ra tôi. Và tôi đã hỏi ông :

- Lần ấy, 20 năm rồi, anh còn nhớ đã vào trường em dự đêm văn nghệ mà bọn em có hát bài "Trường chinh ca" của anh không?

Không một chút nhíu lông mày để nhớ lại, Lương Ngọc Trác trả lời luôn:

- Nhớ chứ. Hôm đó Nguyễn Đình San lĩnh xướng hay đấy. Mình còn nghe cậu đơn ca sau đó nữa. Mình xem cả chương trình mà.

Rồi ông nói thêm:

- Học văn ra lại thành nhạc sỹ, cũng hay.

Lương Ngọc Trác là như thế. Dẫu chỉ tiếp xúc với ông một lần cũng không thể quên. Và ông cũng không dễ quên những việc đã lùi vào quá khứ từ lâu như cuộc đến dự chúng tôi diễn văn nghệ mùa đông năm 1964 chẳng hạn. Nhưng đức độ, nhân cách của ông còn được thể hiện rõ trong việc ông chăm sóc người bạn đời của mình. Bà Thuỳ Chi - vợ ông - là diễn viên kịch nói, trước khi qua đời bị liệt nhiều năm, phải ngồi xe lăn. Ông trực tiếp chăm sóc bà tận tụy, không để ai mó tay vào. Hàng ngày, ông đẩy xe cho bà đi dạo ngoài thiên nhiên.

Vất vả, cũng đã cao tuổi nên sức khoẻ yếu, ông vẫn rất vui vẻ, có thể nói việc ông ở bên vợ suốt 24/24h trong ngày luôn làm cho bà vui, lạc quan để vượt qua bệnh tật. Đến khi bà qua đời, ông bị hẫng hụt lớn, dẫn đến đổ bệnh để rồi cũng đi theo bà vào năm 2013, hưởng thọ 85 tuổi.

Đức độ, nhân cách của Lương Ngọc Trác quả là không có nhiều trong giới văn nghệ sỹ. Cùng với giá trị của những tác phẩm, phẩm chất này của ông lại càng tăng thêm lòng ngưỡng mộ của công chúng dành cho ông.

Nguyễn Đình San
.
.