Họa sĩ Huỳnh Phương Đông:

Lửa cháy trong tranh

Thứ Sáu, 20/03/2015, 08:00
Dường như bao nhiêu sức lực cuối cùng của lão họa sĩ ấy dồn cả vào đôi tay, đôi mắt. Ông vẽ bất cứ khi nào có thể, mặc thời gian, mặc không gian, mặc cái tuổi 91 nay ốm mai đau. Có cuộc "trả nợ" nào không thúc bách khi quỹ thời gian đang dần cạn kiệt? Và "chủ nợ" lại là máu xương đồng đội, cái tình lòng dân, là cây cọ trót đặt vào đáy ba lô...

Nét cọ, đầu súng

Nhắc tới họa sĩ Huỳnh Phương Đông người ta nhớ đến họa sĩ có số lượng  ký họa kháng chiến đồ sộ nhất. Dù bị thất lạc khá nhiều nhưng số lượng tranh ông giữ trong căn nhà ở quận 7, TP HCM vẫn vô cùng lớn: hơn 20.000 bức, chưa kể tượng điêu khắc và số phác họa dở dang. Nhưng với ông, chừng đó vẫn chưa thể tái hiện hai cuộc kháng chiến trường kỳ mà ông trải qua đầy nhiệt thành, sôi nổi và mất mát.

Năm 1925, cậu bé Huỳnh Phương Đông mở mắt chào đời khi đất nước đã rơi vào tay giặc. Tuổi thơ Đông vẫn hồn nhiên đánh bi, trèo cây… với chúng bạn. Cho đến một ngày, thầy giáo của cậu bị lính Pháp bắt, đánh đập dã man trên bục giảng. Những gì chứng kiến khiến trong cậu dâng lên nỗi căm thù. Sau này, khi biết người thầy ấy là một chiến sĩ cộng sản, Đông bỏ dở việc học ở Trường Mỹ thuật Gia Định để dấn thân theo con đường của thầy. Hoạt động ở Sài Gòn, Huỳnh Phương Đông cùng ba người bạn gồm Hoàng Trầm, Nguyễn Đức Gia và Trần Trung Hiếu tham gia vẽ biểu ngữ và viết truyền đơn cổ động phong trào đấu tranh.

Mỗi lần dán truyền đơn, Đông cầm theo nải chuối chín, giả bộ lột chuối ra ăn, nhìn trước nhìn sau không thấy ai thì nhanh tay quệt hai đường chéo lên tường, người kia lẹ làng ấn tờ truyền đơn lên, vậy là xong. Loại "hồ dán" đặc biệt này giúp truyền đơn bám rất tốt. Lần khác, ông đặt xấp truyền đơn ở tầng thượng một nhà cao tầng. Khi có gió, truyền đơn tung bay trắng xóa khiến bọn địch hoang mang không biết ai rải.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Giai đoạn vào Rừng Sác tham gia kháng chiến năm 1947 và trở lại miền Nam chiến đấu sau thời gian tập kết ra Bắc có thể coi là giai đoạn ảnh hưởng lớn đến phong cách nghệ thuật lẫn sự nghiệp hội họa của ông. Bởi khi đó, cây cọ chính thức theo ông ra chiến trường, làm bạn với đầu súng. Cuộc sống của bộ đội trong khu căn cứ, khung cảnh chiến trường, tình quân dân, chân dung đồng đội, nhân dân… là nguồn đề tài vô tận để ông vẽ. Tiêu biểu trong tranh Huỳnh Phương Đông vẫn là ký họa trận đánh và chân dung. Đó là các trận: Ấp Bắc,  Bình Giã, cầu Chữ Y, Bến Ra, chiến dịch Mậu Thân…

Với chùm ba tác phẩm: Trận Ấp Bắc 1963; Trận Bình Giã 1965; Trận La Ngà 1948, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước 2007. Bức "Chiến thắng Ấp Bắc" là tác phẩm mà họa sĩ Huỳnh Phương Đông đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết nhất bởi ông muốn tái hiện lại trận đánh oanh liệt cũng như mô hình phối hợp đánh giặc tuyệt vời của quân và dân ta. Bức tranh dài hơn 10 mét trải qua hàng chục lần phác thảo, mô tả toàn cảnh trận đánh. Trong trận đánh đó, ông cùng với họa sĩ Châu Hồ đào hầm bí mật ở bờ ruộng vừa tránh địch càn, vừa phục kích vẽ máy bay trực thăng lên xuống đổ quân.

Bản vẽ chưa hoàn thành, Châu Hồ đã hy sinh. Bức tranh về trận đánh được ông cất giữ tỉ mỉ trên gác. Mỗi lần giở nó ra, tựa như tiếng đạn réo, tiếng máy bay quần thảo, tiếng hô xung phong của đồng đội và tấm áo đẫm máu của người đồng đội Châu Hồ lại như hiển hiện. Kia là đồng Cà Dăm, Mã Tháp, đây là cầu Ông Bồi tắm máu… 

Trong chiến trường, thiếu giấy nên ông vẽ trên bất kỳ chất liệu nào từ tấm bìa, mẩu bao thuốc lá, giấy vụn… Trận phục kích của địch ở Trảng Bom vừa tan cuộc, khói lửa còn nghi ngút, máy bay giặc còn chưa khuất dạng đã thấy ông ngồi giữa bãi cầm mẩu than hý hoáy. Có trận, ông ngụp xuống nước, chỉ chừa mỗi con mắt, hai cái tay được ngụy trang bởi đám lục bình để cầm súng và vẽ bởi địch cách đó chỉ… 5m.

Từ những bức phác thảo trên chiến trường, rảnh rỗi, ông triển khai thành tranh màu nước hoặc sơn dầu. Cũng vì đam mê công việc, ông lăn ra ốm vì vẽ trận đánh xe tăng trong bốn ngày đêm không ngừng nghỉ. Anh em khuyên nhủ, trách mắng thế nào ông cũng cười: "Tao phải vẽ liền tay chớ sống chết mấy hồi, không vẽ kịp thì uổng lắm".

Nhiều ký họa của Huỳnh Phương Đông được đưa lên tem Bưu chính Việt Nam trong bộ 6 mẫu "Miền Nam - Đất nước - Con người" phát hành năm 1968 gồm: "Đánh giặc đến cùng", "Người trinh sát", "Nữ dũng sĩ diệt Mỹ", "Trạm giao liên", "Sau giờ chiến đấu", "Thôn xóm giải phóng".

Chiến trường vẫn thức

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông tự nhận khuyết điểm lớn nhất của ông chính là sự thiếu hụt mảng tranh về cuộc sống hòa bình hôm nay. Cái nợ với chiến trường chưa trả xong. Bao nhiêu là ác liệt, gian nan, bao nhiêu là câu chuyện, tấm gương anh hùng của quân dân… tất cả với ông đều quá lớn lao, quá thiêng liêng mà có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay ông vẫn không thể trả hết cho những gì đã trải qua, cho những người đã ngã xuống nắm níu lấy ông. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẫn thường bảo: "Tranh tôi không vẽ bằng màu, tranh tôi vẽ bằng máu của chúng tôi - những đồng đội". 

Ngày ấy, gặp ai, ông cũng gửi trao lời chào bằng một tấm ký họa chân dung. Đến bây giờ, đầu óc thảng nhớ thảng quên nhưng lật giở những tấm tranh ố màu, ông vẫn nhớ rõ tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh từng người trong tranh. Đó là đồng đội, là bà má miền Nam, là cô gái giao liên, anh du kích… Những người ấy, ai còn, ai mất? Ông khóc, có người hy sinh ngay sau khi ông vẽ họ.

Nhà sử học nghệ thuật, Tiến sĩ Johanna Branson (người Mỹ) cho rằng: "Có thể nói loại tranh mà ông Đông gắn bó nhất trong suốt cuộc đời nghệ thuật đó là chân dung. Ông luôn chú tâm quan sát, ghi lại hình ảnh những người xung quanh mình. Nhưng ông không đơn giản chỉ vẽ họ, mà còn chia sẻ những trải nghiệm của mình với họ, ông trở thành một phần trong đời sống của các nhân vật. Chính điều này đã tạo nên nét độc đáo, tiêu biểu, đặc trưng trong tác phẩm của Huỳnh Phương Đông, độc đáo đến mức kỳ lạ".  

Bức "Trận La Ngà 1948" của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Trong kháng chiến chống Mỹ,  ánh mắt trong veo của bé gái 11 tuổi mà ông quen gọi là bé Mười Một trở thành bức họa mà ông tâm đắc. Có anh bộ đội bị thương đang bị giặc đuổi bắt.  Lúc đó em đang nấu cám heo. Em đưa anh bộ đội xuống hầm trú ẩn. Đất mới của chiếc hầm lộ rõ, tiếng giày đinh của địch càng lúc càng gần. Em nhanh trí đổ nước cám heo lênh láng lên chỗ đất mới nhằm xóa dấu vết. Địch xộc vào nhà, em đánh lạc hướng chúng. "Lúc đó cháu có thấy sợ không?" - ông hỏi. Em bé ngước đôi mắt trong veo: "Dạ, sao mà phải sợ bọn cướp nước đó chú?".

Năm 2006, Tổ chức công tác nghệ thuật Đông Dương tại Mỹ hợp tác cùng Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn phát hành cuốn sách "Huỳnh Phương Đông - góc nhìn chiến tranh và hòa bình". Đây là cuốn sách song ngữ Việt - Anh do họa sĩ người Mỹ David Thomas và nhà sử học, cựu binh Mỹ Lindsey Kiang thực hiện, giới thiệu 109 bức tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông xoay quanh hai mảng đề tài: chiến tranh và đời sống đổi mới của đất nước Việt Nam hòa bình. Đi kèm còn có những bài bình luận, đánh giá của giới phê bình nghệ thuật của Mỹ.

Ông David Thomas tâm sự: "Năm 1993, chúng tôi tổ chức triển lãm tranh "Nhìn từ hai phía" của các họa sĩ Việt Nam và Mỹ để nhìn về cuộc chiến. Xem tranh và tiếp xúc với Huỳnh Phương Đông, chúng tôi rất ấn tượng về những con người Việt Nam bé nhỏ, bình dị mà vô cùng anh hùng. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng giới thiệu tác phẩm của Huỳnh Phương Đông vì ông là đại diện tiêu biểu của mỹ thuật kháng chiến".

Xem tranh của Huỳnh Phương Đông, người ta thấy ở đó bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam được dệt nên bằng những sắc màu. Vẽ về chiến tranh nhưng gam màu của Huỳnh Phương Đông chẳng bao giờ u tối mà mạnh mẽ, quyết liệt, pha vào đó là gam màu tươi sáng, rực rỡ như ước vọng về tương lai khải hoàn. Ngay cả chân dung, cũng là những gương mặt mộc mạc đầy ước mong, yêu đời,  quả cảm và cương nghị chứ không hận thù hay buồn bã. Trong tranh ông luôn có ánh lửa. Lửa trong trận công đồn vàng rực, lửa trong ánh mắt của bà má, em bé miền Nam, lửa trong trái tim của những người mừng ngày vui chiến thắng, lửa của cờ bay rợp trời ngày thống nhất đất nước…

Và ở tuổi cổ lai hy, lửa nhiệt huyết vẫn ngùn ngụt cháy trong ông. Chiến trường thao thức giục tay cọ miệt mài thâu đêm suốt sáng. Từ trên bức phác thảo, đôi tay ông cuống quýt dựng thành những bức tranh hoàn chỉnh, hoành tráng "như sợ mình bỏ sót sự tích này, sự tích kia, nhân vật này, nhân vật kia để mắc tội với sự hy sinh lớn lao của đồng bào, đồng chí, đồng đội".

Mai Quỳnh Nga
.
.