Lớp vỡ lòng

Thứ Sáu, 25/08/2017, 08:14
Ngót ngét trên dưới 60 năm về trước, ở ngay bên cạnh cây bưởi Cuổng Tung, trong vườn bà cô Tốc, có một lớp vỡ lòng. Đây là trường học đầu tiên của tôi. Gọi là trường cho nó oách, thực ra đây chỉ là một căn lều dựng tạm dùng làm lớp học.


Lớp học này hầu như dành cho những con em sinh ra trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Và đặc biệt lớp học này lấy ngày Cao Bằng hoàn toàn giải phóng (ngày 3 tháng 10) để thành lập. Khắp nơi khắp chốn cờ đèn kèn hoa hân hoan chào đón nguồn sinh khí mới. Một trật tự mới. Một chính thể mới. Một nhà nước mới. Tất cả đều sơ khai non trẻ.

Lớp học của chúng tôi hồi ấy cũng vậy. Lớp do một anh giáo làng đứng ra huy động thành lập và trực tiếp giảng dạy. Tôi vẫn gọi bằng anh Tiệm, chứ không thưa thầy xưng em. Người làng tôi vốn quen xưng hô gần gũi thân mật như thế mãi rồi, gọi khác đi lại sợ nó méo miệng. Anh Tiệm là con trai trưởng bác Chánh Chiêu. Nhưng khi tôi lớn lên đã không biết mặt bác. Trước đấy, anh Tiệm được gia đình gửi theo học tại một trường Tây tận Lạng Sơn.  

Hồi đó, hầu như các thầy cô giáo chưa có lương bổng gì. Cha mẹ học sinh đóng góp vài ống gạo, con gà, chục trứng gì đó thôi, chứ không có tiền đóng học phí hằng tháng. Mỗi khi đến kì đến hạn, anh giáo Tiệm lại tự gồng gánh đèo bòng lương bổng về nhà.

Bạn bè tôi như một dây bầu bí khoai sắn, lúc nhúc lốc nhốc kéo nhau qua bờ ruộng mà đến lớp. Đứa áo chàm khâu tay, đứa áo xám quần cộc; đứa áo nâu màu bùn… dẫn nhau thập thò vào cửa lớp. Thằng nào cũng đen tròn trùng trục, đứa nào cũng đờm dãi lem nhem. Cả một lũ một lỹ hôi rình như con lửng.

Lớp học miền núi (Tranh khắc gỗ của Nguyễn Trọng?Hợp, 1964).

Buổi đầu tiên, tôi được mẹ cõng đi học. Hai chân tôi thả dài ngoằng đung đưa như hai quả mướp. Nhác trông thấy, anh Tiệm cười cười:

-Lớn tướng thế này còn để mẹ cõng.

Rồi anh đỡ lấy tôi và nói:

-Tao để mày ngồi dưới ảnh Bác Hồ.

Mẹ âu yếm nhìn tôi, lấy làm yên lòng. Rồi bà nhủm nhỉm cầm nón ra về.

Lát sau, thầy bắt đầu lên lớp. Tay thầy cầm viên phấn vạch một nét dọc ngắn rồi đánh cạnh một nét chấm. Thầy bảo:

- Đây là chữ i. Nhìn giống như một thằng người. Nếu cắt cái đầu nó đi, thêm một nét ngang thành chữ tờ. Hôm nay chúng ta học chữ i tờ. I ngắn có dấu chấm. Tờ dài có nét ngang. Bây giờ cả lớp cùng đọc ….

Trên tay tôi khi ấy có đúng một quyển vở mỏng, bìa bằng giấy da bò, cắt ra từ vỏ bao xi măng hiệu "Con rồng". Một ống nứa đựng mực, nút miệng bằng lõi ngô. Bút làm bằng tay tre vót nhọn đầu tăm. Tất cả gia tài đi học của tôi chỉ có thế. À quên, tôi xin kể một chút về thứ mực đặc biệt của mình. Đặc biệt vì tôi làm ra mực từ những quả mồng tơi. Quả mồng tơi khi chín mọng, có màu tím rất đậm. Tôi hái từ vườn về dầm nó trong ống cho thật nhuyễn. Thế là tôi được một thứ mực sền sệt màu tím. Tôi đã dùng mãi, tới khi mẹ mua được một mực tím ngoài chợ Co Xàu về thay thế mới thôi. Bạn bè học mót cách làm mực của tôi, bớt được vài xu xèn. Tôi nhớ nhất cái thằng Kèo người Pác Chang xế bên kia đồi giàng giàng. Người nhỏ như con ma li, nhưng rất giỏi võ. Kèo lôi tôi ra một góc, nó lào thào:

- Mày cho tao mực. Tao đổi mày mấy miếng võ.

- Không! Tao không thích võ.

- Mày muốn chết à?

Thế là tôi ù té. Kèo đứng cười lệch xệch mà không thèm đuổi.

Trông xa, lớp học của tôi gù lưng như ông tể tướng, trong một bộ phim truyện Tàu. Ông tể tướng có mái tóc bằng rơm rối rắm màu vàng óng. Trông ra xa chút nữa, lớp học lại ngon lành như một tòa lâu đài. Tòa lâu đài dát toàn bằng nắng vàng tươi. Còn bốn bức vách thì trát đất. Đất thì đào lên, đổ mấy gành nước vào cho ngập, trộn với rơm băm nhỏ, giẫm đi giẫm lại cho thật nhuyễn như bùn. Rồi người ta dùng hai tay bốc bùn lên trát. Khi trát xong, vách nhà tanh như mùi gái đẻ.

Vào mùa đông, gió thổi bụi bay mù mịt làm váng cả nắng chiều. Lá cây cũng bị gió thổi quấn vào nhau vun thành từng đống. Bọn trẻ con chúng tôi gồm thằng Đỉnh con nhà anh Tốc, thằng Ngoan con nhà anh Slinh, thằng My con chú Thi… bật diêm đốt lấy lửa để sưởi. Hai tay khum khum như vốc. Ngọn lửa bén từ tay vào lá. Lá nẩy mầm bật lên khói xám. Tiếp theo khói xám vài cái lưỡi lửa mềm mềm. Lưỡi lửa bắn ra phì phì những hạt sáng nhỏ như đầu diêm. Vào cữ tháng mười tháng một ta, ở quê tôi đã xuất hiện những đợt rét đầu mùa.

Nhìn vào bên trong lớp, bàn viết làm bằng một miếng ván mạy xau, mạy khảo, kê lên bốn cái cọc mạy puôn. Ghế được tạo bởi một đoạn tre to bằng bắp đùi. Thỉnh thoảng có đứa ngứa đít, gãi sồn sột, làm bàn ghế đổ rầm lên mu bàn chân. Đau điếng, nhưng không đứa nào dám khóc. Chả gì cũng là học trò, ai lại khóc chỗ đông người. Cố nín nhịn thôi. Khi nào không chịu được nữa, thì xít hà cho qua cơn. Mà kể cũng lạ. Cái tiếng xít hà như một thứ thuốc xịt. Xít hà lên một cái, sự đau dịu đi là có thật. Thậm chí còn tê tê râm ran tỏa ra khắp người.

Chiều về, đàn gà mái hoa mơ hoa mai đến nằm chơi. Chúng "xòe năm cánh cửa ô" bới tung nắng quái vào lẫn bụi bạc. Đêm đến, chỉ có mụ Dạ Dìn xin tá túc ngủ nhờ. Mụ ngồi một mình cắn chấy bóp rận, phát ra tiếng bọp bẹp xì xầm trong bóng tối. Mụ bảo tao chỉ ăn chấy rận mà sống tươi tốt cả đời. Cần gì cơm gạo với rượu thịt như chúng mày. Cái lý của mụ chẳng lạ. Ăn chấy rận vẫn sống khỏe đấy. Trong sách người ta nói rồi. Con vật càng nhỏ hàm lượng đạm càng cao. Ăn một con chấy, bổ ngang bằng một miếng thịt bò kho lá lốt. Đúng là dân quê tôi nói khoác có hạng.

Chả hiểu sao ngày đấy có lắm chấy rận thế chứ. Nó bốc mùi gây như Tây. Người già, trẻ con, ai ai cũng rục rịch trong mình chấy rận. Chấy rận chả kiêng nể ai. Giàu, nghèo, sang, hèn đều bị chúng đồng loạt tấn công và làm chủ trận địa. Nhất là vào ban  đêm, lúc người ta lên giường. Chúng bò ngang dọc trong chăn chiếu, trên tóc, trên quần áo,  trong lòng gối. Chấy rận lổm ngổm đen ngòm như những cỗ xe tăng rầm rầm tiến vào trận địa.

Tôi không nhớ mấy cái vụ chấy rận. Hầu như tôi không có. Bởi tôi là thằng hay tắm. Tắm xong là nhảy lên bờ phơi nắng cho khô tóc, rồi mới mặc quần. Tiện thể đang nói về chấy rận, tôi xin hầu chuyện này. Chuyện thật xảy ra trong làng tôi. Có đôi vợ chồng nhà nọ, mới cưới nhau, đang lúc dào dạt cơn sóng tình, bỗng phía dưới bụng có con rận phá đám. Nó nhéo một cái rõ buồn. Anh chồng bấm lỏng cả đầu gối. Thôi rồi mình ơi. Sao thế. Có con rận nó cắn. Kệ nó. Đừng làm hỏng cuộc vui. Mình cứ nói xa xôi thế, hết cả hứng rồi đây này. Cô vợ quờ tay tìm diêm. Đâu. Để em soi. Em sẽ nướng con phản thùng này thành than mới được. Chuyện này để lộ ra, ai ai cũng cười và bảo sướng lắm khổ nhiều. Lạ gì đâu.

Ông giáo làng hồi ấy, có dáng người nhỏ nhắn, chân tay khẳng khiu như bốn que củi. Nhưng bàn tay ông viết chữ cực đẹp. Nét đậm nét thanh. Nét nào ra nét ấy. Những con chữ vờn lượn như từ trong ống tay áo bò ra. Con chữ xếp hàng từ phải sang trái đều nhau tăm tắp. Không được để đứa nào nhô đầu, thọt chân. Bụng chữ o không được no hơn chữ a.

Thày nói các con nhớ nhé. Nét chữ là nết người. Người linh tinh thì chữ gẫy vụn. Người đoan trang hiền lành thì chữ mềm mại thẳng thắn. Người đạo mạo đầy đặn thì chữ đằm. Người nôn nóng cẩu thả thì chữ xiên xẹo như cọc rào… Rèn chữ như rèn người. Các con nhớ chưa?

Việc ông nói thì mình ông nghe, chứ bọn học trò mũi dãi biết rèn gì với rèn người. Chúng nó lem nhem, từ tóc tai đến quần áo, toàn bốc mùi khai nước đái rừng cây. Các em biết tự cắp sách đến lớp học là may rồi. Mỗi hôm một ít, cứ để chữ nó ngấm dần vào người. Đợi đến khi nào chúng em tự biết làm sạch cái mặt mình hẵng hay. Bây giờ học trò của thày Tiệm lòng dạ đang rối như râu ngô, nóng tính quá dễ nản lòng thầy giáo ạ. 

Lớp vỡ lòng của tôi, học trò ngồi võng cả ghế. Chả là có nhiều anh chị lớn tuổi hơn ngồi xen vào học ké. Họ học hành chăm chỉ lắm nhưng tiếp thu chậm. Có người đã nhăm nhe gả bán, vẫn chưa đọc được hai chữ cu Tý. Người mà không biết chữ thì không sợ đói đâu. Nhưng xấu hổ. Xấu hổ chi bằng tiếp được phong slư cảo người ấy, mà phải nhờ trẻ ranh đọc giúp.

Già nửa thế kỉ đất thay nhanh hơn người. Nền lớp vỡ lòng hồi nào nay thành hàng hàng nhà ngói, tường xây đá hộc. Nhà ngói nhưng vẫn nền đất nện. Sân sướng toàn đàn bà kê dép tổ ong, họ ngồi hóng hớt chuyện chay. Có bà têm trầu. Có bà chải tóc. Có bà khâu vá. Tay thì làm, hàm thì kể chuyện: Tại đây ngày này, năm xưa, có một lớp vỡ lòng...

Y Phương
.
.