Lê Thị Mây, cây tre vàng óng ả
Làng biển Bảo Ninh (TP Đồng Hới - Quảng Bình) quê tôi, thời Chúa Nguyễn có ông Huỳnh Côn từng làm quan Thượng thư. Mảnh đất này trong chống Pháp hun đúc tạo nên Anh hùng LLVTND Phạm Dụng Hanh. Trong chống Mỹ cứu nước có chị Nguyễn Thị Khíu, Anh hùng Lao động ngành thủy sản, có Mẹ Nguyễn Thị Suốt, Anh hùng ngành giao thông vận tải. Bảo Ninh là quê hương của Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Tuệ và con trai là nhà văn Bảo Ninh, làm rạng rỡ văn chương Việt thời đổi mới.
Và, mới đây, người đã góp phần làm sáng danh lịch sử quê hương Bảo Ninh là nhà thơ Lê Thị Mây. Với "Lê Thị Mây tuyển tập thơ" do NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2017, tuyển chọn qua 10 tập thơ đã xuất bản từ năm 1980 đến 2006, cùng với hai trường ca "Lửa mùa hong áo" và "Tự khúc ánh sáng", chị đã được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Ngoài ra chị còn có 9 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, chưa kể đến hàng mấy trăm bài bút ký, ghi chép, tản văn…
Lê Thị Mây sinh năm 1949, tên thật là Phạm Thị Tuyết Bông ở làng biển Bảo Ninh. Lê Thị Mây học xong cấp hai, lúc 16 tuổi thì tham gia lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), sau đó tự học rồi làm thơ, viết văn. "Nữ thi sĩ trong lịch sử thơ Việt Nam thật hiếm. Trong thời kỳ văn học hiện đại, các nữ thi sĩ có xuất hiện nhiều hơn. Nhưng những khuôn mặt thật rõ thì cũng chỉ có mươi người, mà Lê Thị Mây là một trong số đó" (Đinh Quang Tốn - "Tình yêu dài suốt cuộc đời").
Nhà thơ Lê Thị Mây. |
Trong hồi kí "Âm vang thời chưa xa" do Hội VHNT Quảng Bình ấn hành năm 2000, thi sĩ Xuân Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội VHNT có kể lại: Khoảng nửa năm 1969, một hôm có một cô gái nhỏ nhắn, rụt rè tìm đến khu tập thể cơ quan vợ ông ở để hỏi tìm ông rồi trao cho ông một lá thư viết tay của ông Cổ Kim Thành, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (lúc này cơ quan đóng ở Tây Trạch - Bố Trạch). Thư viết: "Đây là cô Bông ở cơ quan y tế tỉnh, thích làm thơ, viết văn, có nguyện vọng muốn về làm việc ở cơ quan anh. Anh xét thấy cô ấy có khả năng thì nhận về giúp đỡ, bồi dưỡng…".
Nhà thơ Xuân Hoàng hỏi lại: "Em yêu văn nghệ nhưng đã sáng tác được chưa?". Cô gái nói: "Em là TNXP được điều về làm cấp dưỡng ở Ty Y tế". Rồi cô rụt rè lấy trong xắc ra một cuốn sổ tay, trong đó có mấy bài thơ do mình sáng tác.
Đọc xong nhà thơ Xuân Hoàng hơi thất vọng. Vì đó là những bài viết "đại trà", "thật thà như đếm", diễn ý như văn xuôi. Nhưng để được lòng người xin việc và vị lãnh đạo, chợt nghĩ đến cơ quan đang cần một người giúp đánh máy, nhà thơ Xuân Hoàng hỏi lại: "Em có đánh được máy chữ không?". "Dạ, em chưa biết, nhưng học hỏi, luyện tập rồi cũng biết thôi ạ!". Cô gái trả lời. Thấy cô gái có ý chí buổi đầu, Xuân Hoàng liền gật đầu. Thế là Lê Thị Mây nhập "làng văn" từ đó.
Công việc buổi đầu là làm hành chính. Anh Hoài An, cán bộ trong cơ quan nguyên phụ trách công việc đánh máy, bày vẽ cho Lê Thị Mây công việc này. Dần dần Mây thành thạo. Những bài thơ đầu tiên của chị được sinh ra từ cái máy này.
Việc lấy bút danh Lê Thị Mây, nghe đâu là chị lấy họ của một người con trai đầu đời mà người con gái làng biển Bảo Ninh này có lòng thương cảm, còn "Mây", thì ảnh hưởng âm vang mấy câu thơ như là ca dao của Ngô Văn Phú: "Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây…".
Một thời gian sau, Hội VHNT Quảng Bình nhận thêm Lâm Thị Mỹ Dạ, một cô gái yêu thơ ở huyện Lệ Thủy vào làm việc. Hai chị em quyến luyến, gắn bó như chị em ruột. Dạ sau cũng trở thành nữ thi sĩ nổi tiếng của làng thơ hiện đại Việt Nam. Một lần ghé thăm Hội VHNT Quảng Bình ở xóm sơ tán, trước khi ra về, nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc "nhại" lại bài thơ "Nhớ" của mình, khiến mọi người nhớ mãi: "Nằm ngửa nhớ Bông, nằm nghiêng nhớ Dạ/ Nôn nao ngồi dậy nhớ Xuân Hoàng".
Lê Thị Mây nhập môn làng văn thơ là như vậy. Thế mà sau hơn 40 năm sáng tạo "Lê Thị Mây xứng đáng là gương mặt thơ tiêu biểu trong số những nhà thơ nữ hiện đại" (Nguyễn Thị Anh Thư - "Đọc tuyển tập thơ của Lê Thị Mây").
Một kỉ niệm khó quên đối với tôi. Năm 1995, tôi chập chững viết truyện ngắn. Sau khi truyện "Phong Lan" đầu tiên gửi cho một chuyên san của chi hội văn nghệ nhỏ bé ở địa phương bị từ chối, tôi mạnh dạn gửi vào tạp chí văn nghệ Cửa Việt (Quảng Trị). Lê Thị Mây lúc bấy giờ đang là Tổng biên tập. Chỉ 15 ngày sau, tôi nhận được "báo biếu".
"Chắc có lẽ có sự ưu ái của Tổng biên tập vì người đồng hương và bạn "con nít" với nhau. Tôi nghĩ vậy. Mấy tháng sau, tôi gửi tác phẩm này cho Đài Tiếng nói Việt Nam và tờ Nhân dân hằng tháng. Truyện được phát trên sóng trong chương trình "Đọc truyện đêm khuya" và in vào tờ văn nghệ báo Đảng cuối tháng đúng vào tháng sau.
Tự nhiên tôi thấy vui vui về mình và tự hiểu "Nhờ con mắt xanh" và tính khách quan của Lê Thị Mây, không ít tác phẩm đã được phát hiện, không ít cây bút trẻ mới vào nghề của cả nước đã vững vàng bước tiếp trên con đường tìm tòi" (Trần Thị Trường - "Thi sĩ hong áo dưới trăng").
Mấy năm sau, chị được tổ chức điều ra Hà Nội làm chuyên viên Vụ văn nghệ địa phương của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), đóng đinh duyên vợ (nhưng không có con chung) với người bạn đời là nhà báo, nhà phê bình Hà Ánh Minh cho đến ngày nghỉ hưu. Ở đây là môi trường và thời gian thuận lợi để Lê Thị Mây sáng tạo ra những cung thơ, áng văn, trường ca dồi dào sức trẻ.
Đọc tuyển tập thơ và trường ca của Lê Thị Mây, người đọc khâm phục trước sức sáng tạo nghệ thuật bền bỉ, sâu sắc của nữ sĩ. Những mùa vàng bội thu trên những cánh đồng thơ mà chị đã đổ mồ hôi chăm bón đã gặt hái được: "Tặng riêng một người" được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1991), "Lửa mùa hong áo" được giải thưởng của Hội LHVHNT Việt Nam (2003), "Người sau chân sóng" giải nhất thơ cuộc thi "Đây biển Việt Nam" do ViệtNamnet và Hội Nhà văn tổ chức năm 2012 và cuối cùng là Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017 đã cho chị một vị trí xứng đáng trong làng văn nghệ hiện đại Việt Nam.
Nhiều cung bậc, nỗi niềm. Nhiều ước mơ, khát vọng. Thơ Lê Thị Mây đã làm xao xuyến lòng người, nhất là đối với chị em sẽ yêu, đang yêu và đã yêu trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Chị rất hiểu một quy luật khắc nghiệt của phụ nữ có chồng ra trận: "Em càng hiểu nỗi em chờ hạnh phúc/ Qua chiến tranh hái chẳng dễ dàng hơn" (Hạnh phúc). Lắm khi nấc lên: "Tôi chờ duyên chẳng cầm được trên tay" (Trở lại Đông Hà) vì những nổi nênh. Để rồi: "Tóc thề nửa mái còn nghiêng/ Trong tim bao nỗi hồn nhiên héo rồi" (Vết thương), "Nỗi bất hạnh kéo còi trong tiễn biệt/ Nửa vầng trăng mây che mặt mấy lần" (Căn phòng chật).
Bìa cuốn "Tuyển tập thơ và trường ca" của nhà thơ Lê Thị Mây . |
Đọc thơ Lê Thị Mây "Mô típ "cái tôi" trữ tình hờn giận, ghen tuông, nghi ngờ, đau đớn thường trở đi trở lại, thể hiện một cá tính từng trải với những diễn biến phức tạp của lòng người phụ nữ" (Bích Thu - "Tìm tòi và thể hiện").
Là con người sinh ra và lớn lên bên dòng sông Nhật Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình, những bài thơ như: "Dừng ở Đồng Hới", "Cát quê", "Cảm giác Đèo Ngang", "Đồng Hới trở mùa", "Với Nguyễn Du về Đồng Hới"…, chan chứa tình cảm quê hương của nữ sĩ Lê Thị Mây. Chị có nhiều bài thơ viết về gia đình mình, về "Em trai nhập ngũ", "Áo đồng đội em". Về người mẹ thân yêu: "Mẹ già ơi, mái tóc tiên/ Mẹ là vầng sáng dịu hiền trên cao" (Mẹ). Và chị đã khóc khi một lần đến viếng mộ cha: "Viếng cha hương khói tự lòng/ Gộc trầm mưa nắng đục trong lên trời/ Suối xa vàng dưới chân đồi/ Mặt trời hoe đỏ một đời khóc cha" (Chiều thăm mộ cha).
Những bài thơ về khát khao làm mẹ của chị day dứt lòng người. Chị đã viết: "Tôi giỏi thêu thùa, áo trẻ con may đẹp/ Biết làm sao trái tim tắt được si mê". Bạn gái Lê Thị Mây kể lại, Lê Thị Mây chưa từng có con nhưng lại có một vali nhỏ đựng áo, quần, tã lót, giày, mũ trẻ sơ sinh. Đi đâu cũng mang theo. Khi chị viết: "Ôi, tôi hiểu không phải chưa tới ngày làm mẹ/ Mà chiến tranh vừa chấm dứt đấy thôi" (Con tôi), có lẽ lệ chị đã chảy tràn…
Những trường ca của Lê Thị Mây ào ạt tính sử thi và chứa chan rung cảm về nét anh hùng của những người anh hùng vì nghiệp lớn của dân tộc. "Đọc thơ Lê Thị Mây, tôi rất ngạc nhiên: Một người con gái đến với thơ rất tự phát, bản năng, ít có điều kiện đọc các trào lưu mới của thế giới nhưng lại có rất nhiều ý, tứ và cách nói rất hiện đại… Thơ chị như một nốt nhạc lạ trong dàn nhạc quen thuộc của chúng ta" (Vũ Quần Phương - "Những nét nhòe trong thơ Lê Thị Mây"). Lê Thị Mây một đời thơ, bây giờ như là cây tre vàng óng ả.
Đồng Hới, tháng 11-2018