Lắng nghe lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa
Đọc họ, lắng nghe họ để cảm nhận bức tranh xã hội Việt Nam một thời, để thấu hiểu thêm về số phận những người phụ nữ trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, đang chuyển mình từ cổ kính truyền thống sang hiện đại.
Ba người con gái Huế ấy là những cái tên rất đẹp mà không ít người trong chúng ta đã từng nghe tên: Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo, Băng Thanh.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết quan Tổng đốc Võ Chuẩn được lưu danh là một vị quan yêu nước. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê, một nhà văn của xứ Huế thì Tổng đốc Võ Chuẩn là người đa tài, luôn có ước mong “canh tân” đất nước, có công cải cách văn hóa giáo dục, cải thiện điều kiện canh tác, lập làng mới, đến nay ở Huế còn có ngôi làng mang họ tên hoặc bút danh của cụ.
Nói một chút về quan Tổng đốc Võ Chuẩn để hiểu thêm về những người con của cụ, đặc biệt là những người con gái có mặt trong cuốn sách “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa”. Trong ba tác giả của cuốn sách, có hai người là nhà văn nổi tiếng một thời của xứ Huế là Linh Bảo và Minh Đức Hoài Trinh.
Minh Đức Hoài Trinh (tên thật là Võ Thị Hoài Trinh) từng là nữ sinh trường Đồng Khánh Huế, sau đó du học ở Pháp. Bà theo học ngành báo chí, chính trị và xã hội học, từng làm phóng viên cho Đài Truyền hình quốc gia Pháp theo dõi Hiệp định Paris năm 1972.
Vợ chồng cụ Tổng đốc Võ Chuẩn (ảnh trên) và 3 người con gái: Băng Thanh, Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo. |
Ngoài ra, bà còn làm ký giả và đặc phái viên cho nhiều báo, có chân trong Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam và Hội ký giả ngoại quốc tại Pháp. Bà còn là phóng viên chiến trường cấp quốc tế hiện diện ở châu Âu, châu Phi và sau cùng ở châu Á, trong đó có chiến trường Việt Nam trước 30-4-1975. Ngoài sự nghiệp báo chí, Minh Đức Hoài Trinh còn sáng tác rất nhiều, cả thơ và văn xuôi. Bà đã xuất bản 17 đầu sách gồm thơ và truyện. Nhưng có lẽ hai tác phẩm được công chúng nhớ nhất của bà chính là “Đừng bỏ em một mình” và “Kiếp nào có yêu nhau”.
Cả 2 thi phẩm này đều được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở thành những nhạc phẩm nằm lòng nhiều thế hệ người nghe. Trong cuốn sách “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa”, độc giả sẽ được thưởng thức một tác phẩm văn xuôi của Minh Đức Hoài Trinh, tiểu thuyết: “Hai gốc cây”. Dù là tiểu thuyết nhưng đây là tác phẩm đậm chất tự truyện kể lại gần như toàn bộ câu chuyện về gia đình mình - một gia đình quan lại triều Nguyễn yêu nước, với những hỉ, nộ, ái, ố như mọi gia đình Việt. Bạn đọc cũng hiểu thêm về cách giáo dục con cái, xây dựng nền nếp gia phong trong một gia đình quan lại xưa.
Linh Bảo (tên thật là Võ Thị Diệu Viên), là chị của Minh Đức Hoài Trinh. Bà nổi tiếng trên văn đàn khá sớm. Năm 1953, khi mới 26 tuổi, bà đã viết tiểu thuyết đầu tay “Gió bấc” và được các nhà văn tên tuổi như Nhất Linh, Bình Nguyên Lộc không tiếc lời ngợi khen. Năm 1958, Linh Bảo in tiểu thuyết “Những đêm mưa” định kỳ trên báo “Văn hóa ngày nay”, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã viết lời bình: “Đọc xong bốn kỳ “Những đêm mưa”, tôi ngán sợ chị ghê lắm, sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, và nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng”.
Năm 1961 và 1962, Linh Bảo cho ra mắt các tập truyện “Mây Tần” và “Tàu ngựa cũ”. Cũng giống Minh Đức Hoài Trinh, nữ nhà văn Linh Bảo đi du học từ sớm và bà từng sống và viết ở nhiều nơi như Trung Quốc, Hong Kong, Anh, Mỹ. Tác phẩm của bà từng được dịch ra tiếng Anh, một số truyện từng được chọn trong tuyển tập truyện ngắn hay thế giới như “Tàu ngựa cũ”, “Người quân tử”, “Áo mới”...
Trong cuốn sách “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa”, độc giả được thưởng thức tiểu thuyết “Những đêm mưa” nổi tiếng một thời của Linh Bảo. Sắp tới đây, Nhà xuất bản Hội nhà văn sẽ cho tái bản tập truyện “Mây Tần” của bà.
Còn “một người con gái Huế xưa” trong cuốn sách không gắn bó với nghiệp văn chương là bà Băng Thanh, và những trang được in trong cuốn sách này được gọi giản dị là “Những câu chuyện cuộc đời”. Đây thực chất là những trang hồi ký. Nhà báo, dịch giả Phan Thanh Hảo, con gái của bà Băng Thanh kể lại: “Mẹ tôi không viết văn, mẹ chỉ để lại ba tản văn cho ba chắt gái của mẹ là Thảo Đan, Linh Đan và Thi Đan.
Đấy là ba bản chép tay, những mong các chắt, thế hệ thứ 4 và thứ 5 trong gia đình hiểu được một giai đoạn lịch sử của gia tộc, cội nguồn và của cả đất nước. Dấu xưa còn ghi lại đâu đó bên sông Hương, và cụ thể nhất hiện nay là cụ ông Võ Chuẩn, cụ bà Tôn Nữ Thị Lịch của chúng tôi đã được coi là thành hoàng và được thờ tại Đình Võ Lâm, gần chùa Bác Ái, ngôi chùa cụ Võ Chuẩn đã xây dựng - đã tự tác những pho tượng tại Kon Tum, và nay là di tích lịch sử cấp quốc gia”.
Dù được viết như lời nhắn nhủ lại con cháu, nhật ký của bà Băng Thanh cũng hé mở cho người đọc nhiều thông tin quý về một thời đất nước nhiều biến động. Bản thân bà Băng Thanh cũng có một số phận đặc biệt nhất trong số các chị em gái. Bà là người duy nhất trong gia đình sống ở Liên khu Tư rồi ra Hà Nội, nếm trải tất cả những khổ ải trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhất là trong giai đoạn chồng bà, nhà văn Phan Khắc Khoan (1916-1998) bị bắt oan.
Nhà văn đã được phục hồi danh dự, năm 2000 đã in tuyển tập, nhưng bạn đọc hôm nay có thể nhiều người còn chưa biết, chính ông là một tác giả trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”. Ông cũng chính là hội viên sáng lập Hội Nhà văn và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Hai trong số “ba người con gái Huế xưa” đã đi về cõi khác là Minh Đức Trinh Bảo và Băng Thanh. Riêng bà Linh Bảo vẫn còn sống và đang ở Mỹ. Việc hoàn thiện cuốn sách và đưa tác phẩm của họ đến với công chúng xuất phát từ tấm lòng tri ân của những người con, người cháu trong gia đình dòng tộc. Những người con gái của các bà đều rất gắn bó với nhau và đều gọi các bà bằng mẹ chung, chứ không gọi bằng dì như thông thường.
Và đây là lời trích từ lời tựa cuốn sách: “Khi gặp nhau, mấy chị em chúng tôi chợt có ý nghĩa xuất bản lại những gì người mẹ của chúng tôi đã viết về gia đình, về cuộc đời, về xứ Huế yêu thương, về cảnh chồng chúa vợ tôi, cảnh cam chịu của những người phụ nữ phải vui lòng cưới thiếp cho chồng, và cảnh những người hầu, người thiếp thời đó. Chúng tôi chọn “Hai gốc cây”, “Những đêm mưa” và “Những câu chuyện một cuộc đời” như những lời tâm sự, những chuyện kể về một thời xa vắng để người đọc hiểu rằng, thời xa xưa ấy, ông bà Tham tá, Tổng đốc ngoài việc lo cho dân bản xứ, mở mang tri thức, nâng cao dân trí, lo canh nông kỹ thương, dẫn thủy nhập điền... còn phải lo nuôi lợn, làm vườn, giữ gìn nền nếp gia phong, dạy dỗ con cái với câu nói mà sau này những người con gái con dâu luôn phải ghi nhớ: “Quốc có quốc pháp, gia có gia cang”. Ba ngòi bút ở ba góc độ nhìn khác nhau của ba tác giả - ba chị em gái – khiến cho giai đoạn lịch sử họ trải nghiệm thời son trẻ đã trở nên vô cùng sống động, hiện thực”.
Với người đọc trẻ hôm nay, khi cầm trên tay cuốn sách “Lời thì thầm của 3 người con gái Huế xưa” và lần giở từng trang, bạn sẽ có cơ hội thấy lại được những giai đoạn lịch sử đã qua của đất nước. Ba người con con gái Huế, mỗi người một số phận, một văn phong, nhưng những gì họ viết và để lại giống như một lời gửi gắm cho hậu thế. Rằng các thế hệ sau cần gìn vàng giữ ngọc, cần bảo tồn một truyền thống của từng gia tộc, vì truyền thống đó nằm trong cả nền văn hóa chung của dân tộc.
Những áng văn mà chính con cháu của họ đã cùng chung một nhận định: “Ngậm ngùi chua xót mà vẫn không thể không trân trọng tự hào”. Bạn đọc trẻ, những người của thế hệ hôm nay chắc chắc sẽ không khỏi thốt lên cảm phục, thì ra xứ Huế và văn đàn Việt Nam còn có những nữ sĩ tài danh như vậy.