Lận đận số phận slư nam người Tày
"Năm 1592, Mạc Kính Cung lên Cao Bằng. Năm 1594, xưng vua là Càn Thống, đặt vương phủ tại Nà Lự Cao Bình. Mạc Kính Cung đã chấn chỉnh kỷ cương mọi mặt, cắt đặt mọi việc như lúc triều đình còn ở kinh đô Thăng Long, chăm lo thu phục lòng dân, mở trường quốc học, mở khoa thi, thu dụng nhân tài..."; "Về giáo dục, vua Mạc Kính Cung mở trường Quốc học ở Bản Thảnh - Cao Bình.
Trường đào tạo được nhiều môn sinh có tài, có đức. Các môn sinh đã tỏa ra các vùng trong tỉnh, mở lớp dạy chữ hán, chữ nôm, nhờ đó đã xóa được nạn mù chữ cho dân. Cứ ba năm, lại tổ chức thi hương, thi hội, thi đình một lần. Sau 12 khoa thi, nhà Mạc tuyển chọn được nhiều nhân tài bổ sung vào bộ máy chính quyền..." (Báo Cao Bằng điện tử).
Từ những cứ liệu lịch sử, ta có thể xác định chữ nôm Tày xuất hiện ở thế kỉ XVI, khi nhà Mạc dời Thăng Long lên đóng đô ở Nà Lự Cao Bằng chăng?
Hát quan làng trong đám cưới người Tày. |
Vậy ai là người sáng tạo ra chữ nôm Tày? Cũng theo Báo Cao Bằng: "...Một nhà trí thức người Tày tên là Lý Thế Khanh là con nhà gia giáo ở tổng Thượng Bạn, châu Thạch Lâm (nay là các xã: Hồng Việt, Bình Long, Bế Triều, huyện Hòa An); ông sinh năm 1389 được về kinh đô Thăng Long học Hán Văn. Năm 1420, thôi học, ông về quê Cao Bằng dạy học 20 năm.
Thấy chữ Hán không phù hợp với thổ âm quê mình, ông sáng tác những bài hát viết bằng chữ Nôm Tày và được lưu truyền. Ông lại là người sành về âm nhạc, biết chơi cây tính tẩu. Như vậy, có thể khẳng định ông Lý Thế Khanh là người đã cải biên chữ Hán thành chữ nôm Tày được chăng. Chữ nôm được hoàn chỉnh và dùng rộng rãi trong sáng tác thơ ca, trong sổ sách đinh điền. Nhờ có chữ nôm Tày, đến nay ta còn lưu giữ được nhiều tư liệu cổ về văn học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, truyền lại đến ngày nay...".
Điều đáng quan tâm nhất tất cả các tài liệu hiện sưu tầm được đều không rõ nguồn gốc. Không xác định được tác giả chữ nôm Tày một cách rõ ràng.
Về kết cấu, chữ nôm Tày được xây dựng trên cơ sở chữ Hán để ghi âm tiếng Tày. Chữ nôm Tày từng được phổ biến rộng rãi khu vực có người Tày sinh sống trên khắp đất nước ta. Từ khi ra đời nó đã trở thành công cụ đắc lực để ghi chép lời ăn tiếng nói. Đặc biệt chữ nôm Tày được dùng trong tất cả các văn bản có giá trị pháp lý như khế ước, mua bán, chuyển nhượng, địa bạ đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lịch sử, địa lý và các tác phẩm văn học...chứa đựng những nội dung cần thiết đều được ghi chép bằng chữ nôm Tày.
Hiện nay, nhiều địa phương thuộc khu vực Việt Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang... vẫn còn lưu truyền khá nhiều văn bản chữ nôm Tày. Như các sách mo, then, bụt, tào. Đặc biệt các tác phẩm văn học như "Toẹn sli" ( Truyện thơ), "sli lẩu" (Thơ hát trong lễ cưới), "lượn then, lượn cọi"...( Hát giao duyên), then (Nữ) giàng (Nam) hát trong lễ cầu an cầu phúc, chúc thọ...
Nhưng, hiện nay những người có vốn hiểu biết chữ nôm Tày ngày càng ít. Và hầu hết nay họ đã vào tuổi "xưa nay hiếm". Lác đác nơi này nơi kia còn vài ba cụ đọc và hiểu chữ nôm Tày, nhưng nay tất cả đều đã gần đất xa trời. Một thực tế cho thấy các thế hệ con cháu người Tày hầu như rất ít người đọc được văn bản nôm Tày. Có một số tác phẩm văn học đã được các nhà trí thức dịch ra chữ Tày phiên âm latin. Phần lớn những văn bản nôm Tày khác còn lại vẫn "đắp chăn ngủ yên".
Người Tày là dân tộc thiểu số đông nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Theo điều tra dân số gần đây nhất, hiện có khoảng 2 triệu người đang sinh sống. Họ có mặt trên bản đồ nước Việt Nam từ rất lâu đời. Người Tày có ngôn ngữ riêng, thuộc hệ Thái Kadai. Cũng có người nói tiếng Tày thuộc ngữ hệ Tày Thái. Gọi thế nào cũng được, nhưng người Tày lại có quan hệ gần gũi với người Nùng, ít có quan hệ với người Thái Tây Bắc.
Người Tày nói tiếng Tày, nhưng người Nùng đều hiểu một cách thấu đáo. Tiếng Tày trở thành phổ thông, ai cũng có thể sử dụng một cách thành thạo. Bởi thế người ta thường nói và viết thành cụm từ: Ngôn ngữ Tày - Nùng. Tiếng Tày - Nùng. Chữ Tày - Nùng. Còn tiếng Thái, người Tày chỉ loáng thoáng hiểu được 30 đến 40% mà thôi.
Chữ nôm Tày có một vị thế cực kì quan trọng trong đời sống xã hội. Nhưng hiện nay, do vô tình hay hữu ý, chúng ta đã đánh mất nó. Vậy ta thử đi tìm nguyên nhân vì sao thất truyền. Nôm Tày cùng với nôm Kinh, đều thuộc hệ chữ khó học. Vì thế ngày nay đều đã rơi rụng dần. Muốn có lưng vốn nôm Tày người ta phải biết khá thành thạo chữ Hán Việt.
Còn chữ latin phiên âm tiếng Tày dễ viết dễ đọc. Ai cũng có thể học đánh vần a b c một cách dễ dàng và nhanh chóng. Phàm những gì dễ dàng nhanh chóng đều được quần chúng chấp nhận ngay lập tức. Phong trào bình dân học vụ là một ví dụ. Người ta chỉ học dăm ba buổi là có thể đánh vần được đôi ba chữ i tờ. Ví dụ: "cao vá" là người ăn mày. "Ngọp ngoẹp" là thoi thóp, "khôn món" là lông măng...Những người biết đánh vần đều có thể đọc vỡ chữ Tày một cách dễ dàng. Nhưng để đọc và hiểu được đôi ba chữ tam tự kinh "nhân chi sơ" không hề dễ chút nào. Có khi mất cả tháng cả năm chưa đọc và hiểu một câu chữ Hán.
Từ điển chữ Nôm của người Tày. |
Vì thế, chữ nôm Tày có nguy cơ thất truyền là rất lớn. Việc sưu tầm bảo tồn chữ nôm Tày là một nhiệm vụ tối khẩn thiết. Nghị quyết Trung ương V đã viết: "Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số" phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Chữ nôm Tày là cơ sở đầu tiên để chúng ta hiểu sâu nền văn hóa cổ truyền người Tày.
Ai cũng biết chữ nôm Tày là một phần cực kì quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa. Ấy vậy mà nôm Tày đã và đang dần dần rơi rụng, tự hủy. Liệu có hay không, văn hóa dân tộc đa số như một con trăn khổng lồ đang nuốt chửng các nền văn hóa liu diu bé nhỏ? Không. Tôi không tin. Văn hóa không có sự hơn kém. Văn hóa dân tộc đa số không hơn văn hóa các dân tộc thiểu số. Văn hóa tôn trọng sự khác biệt. Tự thân văn hóa có một nội lực vô song.
Có hay không xuất phát từ tâm lý tự ti dân tộc? Từ xa xưa cha ông người Tày đã nói: "Hêt kin bâu lẩp Hác. Phuối pác bấu lẩp Keo. Eo mèo bấu lẩp Mán". Nghĩa là "Kế sinh nhai không bằng người Hán. Nói năng không lưu loát bằng người Kinh. Làm cái tỉnh tình tinh không bằng người Mán".
Có nhiều trí thức người Tày không đồng tình với câu nhận định này. Nhưng đây là câu cửa miệng của cha ông người Tày. Những gì đã đúc kết thành câu cửa miệng, buộc phải chấp nhận. Thực tế cũng cho thấy, tâm lý người Tày không thích ganh đua. Thế nào cũng xong, miễn được bình an vô sự. Người Tày trọng chữ nhàn. Nhàn cho yên thân. Lấy chữ nhàn làm tiêu chí cho cả cuộc đời. Vạn sự bất như nhàn.
Với vị trí vai trò của dân tộc Tày, của văn hóa Tày trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong tiến trình hòa nhập khu vực và quốc tế, thiết nghĩ, Ủy ban Dân tộc, Viện Hán Nôm và các cấp các ngành liên quan cần có chính sách ưu tiên hợp lý cho việc bảo tồn và gìn giữ chữ nôm Tày. Chữ nôm Tày là loại chữ biểu ý, cần được tin học hóa, phải được mã hóa trong bộ mã quốc tế. Phải tiến hành chuẩn hóa chữ nôm Tày và tạo dựng chữ nôm Tày trên trong phần mềm của hệ thống máy tính. Làm được như vậy mới có cơ sở xây dựng dữ liệu lưu trữ an toàn lâu dài cho các văn bản, các tác phẩm văn nghệ hiện có lưu trữ trong kho tàng chữ nôm Tày.
Chúng tôi là con em dân tộc Tày, không được đào tạo cơ bản về ngôn ngữ nhưng xuất phát từ tình yêu tiếng mẹ đẻ và chữ viết của dân tộc, chúng tôi mạo muội trao đổi cùng các qúy vị đang quan tâm đến việc bảo tồn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.