Lận đận quê hương ba chốn bốn nơi của nhà văn Nguyễn Thi

Thứ Hai, 02/02/2015, 08:00
Từ những năm tuổi trẻ tôi đã đọc những truyện, ký: Mẹ vắng nhà, Ước mơ của đất..., tiểu thuyết Ở xã Trung Nghĩa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi. Tôi đinh ninh đây là nhà văn người miền Nam. Bởi ngoài việc tái hiện sinh động cuộc chiến đấu chống Mỹ gian khổ, anh dũng của đồng bào Nam Bộ, truyện và ký của ông đậm phong vị và ngôn ngữ phương Nam.

Chỉ đến khi đọc một số bài viết của Nhị Ca, Ngô Thảo… tôi mới biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi là người cùng làng. Tôi đã tìm gặp những người cao tuổi để hỏi về ông, nhưng ở làng ít người biết Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, vì phần lớn thời thơ ấu ông sống ở quê mẹ Ninh Bình. Tôi cũng không biết mặt ông. Nhưng ông Đĩnh, ông Bân, bà Gái - những người anh chị cùng cha khác mẹ với nhà văn (từ đây xin được dùng chữ nhà văn thay cho Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi) thì tôi biết. Nay họ đều đã quy tiên. Nhà văn còn hai người em cùng mẹ là bà Cong - tức Đồng ở Hà Nội và ông Huấn ở Phú Thọ. Ở xã Hải Anh chỉ còn bà Trần Thị Dung (vợ người anh thứ hai - gọi theo tên chồng là bà Bân). Bà vẫn ở mảnh đất của cụ giáo Quỳnh. Phía Nam chợ Lương, qua cầu Phe Chín bắc qua con sông nhỏ xưa có tên Trung Giang, căn nhà sau nhiều lần sửa đi sửa lại, giờ chỉ còn ba gian vẫn quay mặt hướng Nam từ thuở cụ giáo Quỳnh còn tại thế. Bà Bân sống một mình từ khi chồng mất cách đây đã hơn mười năm. Các con trai, con gái ở Hà Nội, Hải Phòng muốn đón bà lên phố ở, cuộc sống tiện nghi, nhàn nhã nhưng bà không đi. Có lẽ chỉ ở đất nước mình mới có những bà mẹ như bà Bân. Chấp nhận cuộc sống đơn độc, thiếu thốn để làm tròn bổn phận thay chồng, thay con gìn giữ đất đai ông cha để lại, thờ cúng tổ tiên, trông nom phần mộ, đóng góp cùng trong họ, ngoài làng.

Nhà văn Nguyễn Thi thời trẻ.

Tháng 6/2005, Báo ANTG cuối tháng số 47 đăng bài của nhà báo Như Bình "Gương mặt còn lại" kể về tình cảnh lận đận, khốn khổ của người vợ sau và con trai ông. Một bài viết xúc động lòng người, kèm theo tấm ảnh chụp nhà văn cùng vợ và con. Anh bạn tôi đã chụp lại bức ảnh này, phóng to lên đem biếu bà Bân. Bà cảm động lắm nhưng rồi sau đó bà lại băn khoăn: Có hình chú Tấn đây! Nhưng thím Xuân và cháu Thi (con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi là Nguyễn Thi. Nhà văn đã lấy tên con làm bút danh của mình - NV) đang còn sống, tôi làm sao đưa lên mà thờ được! Bà Bân cho biết thỉnh thoảng lại có người đến thăm, hỏi chuyện bà về nhà văn. Có người gợi ý bà làm việc này, việc kia để đòi hỏi quyền lợi. Bà nói với tôi bà không dám đòi hỏi quyền lợi gì, bởi vì bà biết người chính đáng được hưởng quyền lợi không phải là bà. Tuy nhiên, bà Bân bày tỏ mong muốn lập một ban thờ riêng để thờ nhà văn nhưng bà còn đắn đo không biết có nên không?

Tháng 11/2011, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã truy tặng Liệt sĩ Nguyễn Hoàng Ca (nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi) danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân ngày giỗ ông Bân, cháu Nguyễn Hoàng - con trai Nguyễn Thi, cháu đích tôn của nhà văn đã mang bản sao về kính cáo tiên tổ, họ hàng. Anh em, bà con vui mừng lắm. Thật vinh dự cho gia đình, cho cả làng. Ông thủ đền Liệt tổ khai xã (đồng thời là Nhà truyền thống) biết tin, đã xin phép bà Bân mang đi phô-tô một bản để trưng bày tại đây.

*

Quê hương, với tất cả chúng ta thật gần gũi, cụ thể! Quê hương là nơi ta chôn rau cắt rốn, là quê cha đất tổ. Và quê hương đơn giản chỉ "là đường đi học". Vậy mà quê hương với Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi lại gập ghềnh, trắc trở biết bao! Mấy chữ "Xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương" (nay là xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định) ghi trong tiểu sử nhà văn, là quê cha. Ông sinh ra, được nuôi dạy, đi học ở quê mẹ Ninh Bình. Lớn lên ông vào Nam sinh sống rồi đi theo Cách mạng. Năm 1962, ông tái ngũ, trở lại Nam Bộ trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông có hộ khẩu Hà Nội. Vì vậy trong danh sách liệt sĩ của xã Hải Anh không có tên Nguyễn Ngọc Tấn. Năm 2001, khi ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, báo chí đưa tin kèm tên quê quán, đài truyền thanh xã đọc một bài viết về thân thế, sự nghiệp của Nhà văn. Năm 2007, khi được chấp bút viết Lịch sử Đảng bộ xã Hải Anh, ông Trần Quang Dực - Giám đốc trường bồi dưỡng chính trị huyện Hải Hậu đã phải thuyết phục những người có trách nhiệm để họ đồng ý ghi tên nhà văn vào cuốn sử địa phương.

Viết về ông, tôi liên tưởng đến nhà văn Nam Cao. Cùng là nhà văn - liệt sỹ nhưng Nam Cao đã may mắn hơn: Hài cốt được tìm thấy và đưa về cát táng bên tổ tiên, có nhà lưu niệm tại quê nhà, có những người con thành đạt… Nơi cõi âm Nam Cao đã có thể mỉm cười! Còn Nguyễn Ngọc Tấn? Ở độ tuổi xấp xỉ bốn mươi, tuổi "nhi bất hoặc" ông đã tiên cảm được số phận mình: "Đời tôi, từ lòng thương mẹ, trình độ học thức, ngày vui sướng, cuộc tình duyên, cho tới sự nghiệp cách mạng, và tương lai ngày mai về văn nghệ, tất cả đều toàn là lận đận và lỡ dở. Tôi biết và hiểu rõ lắm" (Dẫn theo Như Bình - Tình riêng còn một chút này, ANTG cuối tháng số 96, 7/2009). Cuộc đời ông "lận đận", "lỡ dở"… như thế nào chúng ta đều biết. Nhưng ít người biết và ngay chính ông không thể ngờ rằng: Cái tên Nguyễn Thi - tên con trai ông lấy làm bút danh, tên một Chiến sĩ - Nhà văn lẫm liệt, cuộc đời và văn chương "lấp lánh như sao sau mưa" (chữ của ông), tên của những trang viết thiết tha, nồng ấm tình yêu thương con người, lại là tên của một người đàn ông trần tục đang mắc bệnh xã hội, một người bất toàn, cuộc sống đầy bất trắc!

*

Trước hôm viết những dòng này ít ngày, tôi lại đến thăm bà Bân. Tấm bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của nhà văn, hôm trước cuộn tròn như ống sớ, hôm nay đã được lồng trong khung kính đặt trang trọng trên ban thờ gia tiên. Như mọi lần, bà lại lấy túi đựng ảnh, giấy tờ liên quan đến nhà văn đưa cho tôi xem. Bà lại rì rầm kể những mẩu chuyện không mạch lạc về cụ Thành Thị Du (thân mẫu nhà văn). Nhiều mẩu tôi đã thuộc lòng: …chuyện mỗi lần bà Du từ Ninh Bình về chơi, bà cả bà hai nằm chung một giường rủ rỉ nói chuyện cả đêm như chị em gái,… chuyện trước khi vào chiến trường miền Nam, chú Tấn, thím Xuân bế thằng Thi mới được 6 tháng tuổi về quê chơi mấy ngày…Vậy mà năm nay Nguyễn Thi đã hơn 50 tuổi.

Bà Bân - chị dâu Nhà văn Nguyễn Thi tiếp khách tới thắp hương tưởng nhớ Nhà văn.

Bà Bân cho biết: Nhờ những quyền lợi vật chất nhà nước dành cho danh hiệu Anh hùng của nhà văn, cộng với sự giúp đỡ của anh em, đồng chí… bố con Thi đã làm được nhà mới, cuộc sống bớt khó khăn. Mừng nhất là tin các nhà ngoại cảm đã xác định được nơi mai táng nhà văn. Nhưng mừng đấy rồi lại xót xa: hài cốt nhà văn cùng một số đồng đội đang nằm dưới một khu phố đông dân cư ở thành phố Hồ Chí Minh, nên việc bốc cất, di dời rất khó khăn, phức tạp… gần như là không thể! Đường trở về quê cha, đất tổ đã mở, vậy mà một lần nữa, số phận lại nghiệt ngã với ông!

Chúng tôi, những anh chị em cùng say mê văn học, yêu quý nhà văn ở quê đã bàn bạc cùng nhau vận động, quyên góp xây dựng Nhà lưu niệm Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi tại nền đất của cụ giáo Quỳnh. Để các đồng đội, những người yêu quý nhà văn và các thế hệ học sinh sẽ còn học văn ông, học đời ông đến thắp hương tưởng nhớ ông. Về việc này bà Bân cùng các con cháu nhà văn rất mừng và sẵn lòng dành đất để xây dựng.

Nhưng điều chúng tôi băn khoăn là làm sao có kinh phí và quy mô nhà lưu niệm như thế nào? Quả thực đây là một việc làm quá sức chúng tôi.

Cầu mong điều tâm nguyện của chúng tôi sẽ nhận được sự đồng tình của chính quyền địa phương, của những nhà văn, nhà báo cùng tất cả những người yêu quý Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi ở trong tỉnh và trên khắp miền đất nước ủng hộ, giúp đỡ để nguyện ước có một nhà lưu niệm thờ nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi ở nơi quê cha đất tổ trở thành hiện thực.                  

Hải Hậu -  2014

Nguyễn Mộng Nhưng
.
.