Lần cuối cùng gặp quả phụ của nhà thơ Phùng Quán

Thứ Ba, 05/10/2010, 11:44

Tin nhà giáo Vũ Bội Trâm, tức quả phụ của nhà thơ Phùng Quán qua đời ngày 15/8/2010 đến với tôi không đột ngột chút nào. Một năm trước tôi đã biết bà Trâm không được khỏe. Và rồi khi một ngày cuối tháng bảy sắp qua đi, chị Quyên, con gái đầu của bà gọi điện báo cho tôi biết tin: Mẹ chị đang nằm ở bệnh viện Việt - Xô, các bác sĩ nói bệnh của bà đã ở giai đoạn cuối rồi.

Nhớ lại chiều hôm 22 tháng Chạp năm Kỷ Sửu, anh em chúng tôi rủ nhau đến thăm bác Trâm (tôi vẫn thường gọi bà Vũ Bội Trâm như vậy). Đã lâu không đến thăm bà tuy thi thoảng tôi có gọi điện, còn lần này là giúp cậu bạn đồng môn với tôi ở đại học trước đây được thỏa nguyện gặp vợ nhà thơ Phùng Quán "cá trộm, rượu chịu, văn chui", tác giả của "Vượt Côn Đảo", của "Tuổi thơ dữ dội"…

Thật không ngờ, hôm đó lại đúng vào ngày giỗ lần thứ 15 của nhà thơ. Bà Trâm ốm nên phải nhờ người chị dâu tới làm cỗ giúp. Mâm cỗ đơn sơ. Chúng tôi chắp tay khấn nhà thơ. Cậu bạn khấn điều gì tôi chả rõ, còn tôi chỉ mong ông phù hộ bà Trâm có thêm sức khỏe, sống thêm vài năm nữa với con cháu…

Trong căn phòng nhỏ là nơi lưu niệm nhà thơ Phùng Quán, với những tấm ván của Vọng Ba Lâu (chòi ngắm sóng) một thời là nơi cư trú của gia đình thi sĩ, anh bạn tôi cứ tỉ tê ngồi hỏi chuyện bà Trâm rằng nghe người ta kể thế này, rằng có giai thoại thế kia. Cất cánh tay đã nằng nặng vì phù nề, di chứng của căn bệnh nan y, bà giáo Trâm cười, nhỏ nhẹ: "Kể ra thời đó cũng nhiều giai thoại, nhiều chuyện bịa cũng có, chứ không phải chuyện thật hết đâu cháu ạ. Bịa về một người nổi tiếng thì cũng vui".

Còn tôi quay sang chị Phùng Quyên, con gái đầu của ông bà mà hỏi chuyện. Đọc sách viết về nhà thơ Phùng Quán, tôi được biết ông bà có hai người con, một trai một gái. Anh Phùng Quân thì tôi có được trông thấy đôi lần. Còn chị Quyên, với cái tên đùa "Hùng Hục Quyên", lần đầu tiên tôi được trò chuyện. Hàng năm, tết nào chị cũng về độ nửa tháng. Còn năm nay, từ khi biết tin mẹ ốm, chị từ Viêng Chăn đi đi về về Hà Nội như con thoi.

Tôi hỏi, cơ duyên nào để chị lặn lội sang làm dâu xứ hoa Chăm-pa vậy?

"Mới đầu ai nghĩ đến chuyện lấy chồng ở xứ Lào. Hồi ở Việt Nam chị cũng có kiểu như mối tình đầu. Gọi là mối tình đầu nhưng chỉ là tình cảm chớm nở của tuổi mới lớn thôi. Đó là cậu bạn lớp trưởng lớp bên cạnh, cao lớn, đẹp trai. Cậu ấy học văn mẹ chị. Hai đứa quen nhau, thư từ qua lại.

Từ bé đi học năm nào chị cũng được là học sinh tiên tiến, danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, có lúc đi thi học sinh giỏi cấp thành phố môn lịch sử… Nhưng năm đầu tiên thi đại học, chị thi trượt. Cậu ấy viết thư rủ đi chơi, thì bác gái xé luôn thư. Sao mẹ lại làm như thế? Chị hỏi trong sự dỗi hờn, ấm ức. Mẹ chị nói: Bây giờ coi như con oán mẹ, oán mẹ làm như thế, về sau con sẽ hiểu và con cám ơn mẹ. Con cứ theo mối tình như thế thì tương lai của con sẽ như thế nào? Lúc ấy chị khóc và có vẻ tức bác lắm. Mẹ làm như thế là không tôn trọng quyền tự do thư tín của con.

Sau cậu bạn ốm, mẹ cũng đưa chị vào thăm. Rồi cậu ấy mất. Chị quyết tâm học để thi tiếp. Kỳ thi vào Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Hà Nội (bây giờ là Trường đại học Hà Nội) năm sau chị thừa điểm. Từ đó chị chỉ tập trung vào học, suốt 4 năm học chị chẳng yêu ai, ai đến chị cũng chỉ coi nhau như bạn bè.

Ra trường chị ở nhà mất 2 năm. Năm 1987 chị sang Liên Xô làm phiên dịch cho người đi xuất khẩu lao động. Hợp đồng lao động của chị là 4 năm, đến năm 1991 phải về nước. Trong thời gian ở Liên Xô, chị gặp anh nhà chị bây giờ.

Anh chị gặp nhau thì như kiếp trước mình đã từng quen biết nhau rồi. Coi như là tâm đầu ý hợp luôn. Về sau anh bảo: Em giới thiệu anh về nhà đi. Chị giới thiệu cho hai bác. Mới đầu bác gái không đồng ý đâu. Bác trai bảo: Không sao, nhân dân bốn bể một nhà/ Vàng đen trắng đỏ đều là anh em.

Anh chị yêu nhau 2 năm. Rồi anh ấy ngỏ lời muốn lấy chị. Chị bảo: Anh làm giấy tờ đi. Chị thách thế thôi vì nghĩ chả được đâu. Cuối cùng anh bắt bố mẹ làm giấy tờ thật. Phải có cam kết chưa lấy vợ lần nào, không có tiền án, tiền sự, gia đình đồng ý… Anh mang sang cho chị bảo: Đây, giấy tờ đây rồi. Chị nghĩ bụng: Đã hứa rồi chả lẽ từ chối. Thế là chị cũng làm. Hai bác cũng làm cho rồi gửi sang. Rồi được sứ quán hai nước đồng ý. Cũng là cái số. Đáng lẽ tháng 8 anh ấy về nước, cuối cùng năm đó làm sao, cuối tháng 11 anh ấy mới về. Anh chị cưới nhau vào cuối tháng 10".

Nghe con gái kể, bà giáo Trâm bảo với chúng tôi: "Cháu này, nhân duyên là do trời định. Chị ấy học ở Việt Nam, sang Nga lại gặp nhau rồi lấy nhau. Bác Quán bảo: Con gái tôi lấy người châu Phi tôi cũng gả".

- Đẻ ra cái thằng tóc xoăn như cái bụi ốc - Chị Quyên hòa cùng tiếng cười với mẹ - Anh ấy học ở Việt Nam từ bé cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bác Trâm sang tận Liên Xô để cưới chồng cho chị đấy.

Bà Trâm lặn lội một thân một mình sang nước người ở tới 4 tháng. Chạy giấy tờ giữa hai đại sứ quán ngày ấy có biết bao nỗi khó khăn. Đại sứ quán Việt Nam bảo: Lào đồng ý thì Việt Nam mới đồng ý. Chạy đến Đại sứ quán Lào xin lên xin xuống mãi. Bà Trâm lo lắng: Bây giờ không có giấy thì không cưới được. Chị Quyên động viên mẹ: Mẹ cứ chờ thêm thời gian xem sao, nếu không được thì chúng con vẫn giữ tình cảm bạn bè với nhau thôi. Sau đó có giấy chứng nhận của phía Lào đồng ý để hai người kết hôn. Chị mới đánh điện về nhờ bác Quán xem ngày. Bác Quán điện sang bảo: Ngày ấy được con ạ. Thế là ngày 27/10/1990 anh chị tổ chức hôn lễ.

Đám cưới do một ông nghiên cứu sinh người Lào làm chủ hôn. Ông ấy nói hai thứ tiếng, vừa tiếng Lào vừa tiếng Việt Nam. Gia đình người con rể của bà Trâm không có ai, chỉ có đại diện nhà trường là Ban giám hiệu Đại học Ngoại giao ở Kiev.

Lấy chồng xong, hai vợ chồng chị về Việt Nam ra mắt bố mẹ. Họ đã cho ông bà Phùng Quán - Vũ Bội Trâm có được tiếng cười của trẻ thơ trong nhà. Cho đến khi con gái chị được 4 tuổi thì nhà thơ Phùng Quán qua đời.

Chàng rể của nhà thơ Phùng Quán hiện đang công tác tại Bộ Ngoại giao Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

"Bác không thể tưởng tượng được rằng tự nhiên đùng một cái chưa biết một tiếng, một chữ Lào nào cả mà dám lấy con trai cả trong một gia đình như thế là 9 anh em người Lào luôn". Anh bạn tôi góp vui: "Chị học tập bác. Đó là một sự dũng cảm giống như là bác đấy ạ".

Lúc chưa theo chàng về dinh, hãy còn ở Kiev, suốt ngày chị Quyên lấy chữ Lào ra học. Nhìn thấy con gái đánh vật với đám chữ như giá đỗ ấy, bà giáo Trâm thương con, chỉ biết chép miệng cười: "Lại Mo-kho-to-ngo rồi".

Với những chữ như giá đỗ ấy, ban đầu chị Quyên học rất khó nhọc mà không hiểu gì. Sang học từng tí một với trẻ con người Lào. Bây giờ chị viết được thoải mái và nói tiếng Lào nhanh hơn tiếng Việt.

Nhìn những chậu quất cảnh, đào thế được chở ngược xuôi dưới phố, tôi bất chợt hỏi bà một câu bâng quơ, ngớ ngẩn: "Trong những ngày tết, cái tết nào bác nhớ nhất ạ?". Bà Trâm vẫn đều giọng: "Đời bác là 80 cái tết, bác chả hiểu nhớ nhất về cái gì. Tóm lại là…". Bà bỏ lửng câu trả lời. Chị Quyên tiếp lời mẹ: "Tết tất nhiên còn bác trai vẫn là nhớ hơn, mới đông đủ, vui vẻ cả nhà. Bác Quán thường là tết không ở nhà, toàn đi về Huế, về với bạn bè, quê hương".

Bà giáo Trâm đang xúc động. Anh Phùng Quân, người con trai của ông bà khẽ đến gần và đặt chiếc điện thoại di động, trên đó anh tế nhị nhắn dòng chữ cho tôi biết, bà đang bị bệnh hiểm nghèo. Tôi hiểu nguồn cơn. Để anh bạn tôi ngồi lại với bà, tôi mời chị Quyên ra ngoài, hai chị em cùng trò chuyện về sức khỏe của bà hiện nay.

Năm 2008, bà Trâm bị tai biến, sau một thời gian sức khỏe dần hồi phục. Con cháu trong nhà đều thống nhất với nhau giấu không để bà biết là bà đang mang trong người bệnh hiểm nghèo. Vì vậy lúc này đây bà chỉ phàn nàn là bàn chân của mình cứ sưng phù, đi lại khó khăn quá. Để đỡ đần bà, gia đình thuê thêm cô giúp việc chăm sóc bà rất chu đáo.

Vừa lật giở những tấm ảnh chụp bên Lào cho tôi xem, chị Quyên vừa kể: "Đây là ngôi chùa bên Lào, chị vừa làm lễ giải hạn cho mẹ chị. Chị cứ làm hết khả năng. Hàng ngày kề cận hết lòng chăm sóc với mong muốn mẹ chị được tai qua nạn khỏi. Chị chỉ mong bà mạnh khỏe, sống lâu để khi nào bà về với ông thì không phải băn khoăn".

Dẫu biết rằng sống gửi thác về, sự ra đi của con người trên trần thế hôm nay để đến với miền cực lạc, nơi ấy bà giáo Trâm sẽ được đoàn tụ với nhà thơ Phùng Quán, chỉ có vui sướng chứ không còn những khổ đau cay đắng gần hết một đời người, nhưng sinh ly tử biệt vẫn làm đau lòng người ở lại, nhất là hai người con của bà. Tôi tin rằng rồi đây, khi ngoái lại quá khứ, nhắc đến Phùng Quán thi nhân, chắc hẳn người đời không thể quên hiền phụ Phùng Quán là bà giáo Vũ Bội Trâm. Tôi có lòng tin như vậy

Kiều Mai Sơn
.
.