Lai ra cùng phương ngữ Nam Bộ

Chủ Nhật, 29/01/2017, 08:16
Phương ngữ thể hiện cái tính của người khai sinh ra nó mà cái tính của người Nam Bộ trong ẩm thực là dễ thương nhất, tạm gọi là "văn hóa lai rai". Ăn trở thành một phong cách không chỉ mang tính tiệc tùng, khách khứa của người giàu sang quyền thế, mà ăn vì… thích lai rai cho vui!


"Xã Tây" là tên gọi nơi làm việc của chính quyền thuộc địa mà nay là trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh. "Bùng binh" Việt hóa chữ "ronde pointe" chỉ vòng xoay hiện nay. "Xóm Oẹc" cạnh đường Lê Văn Sĩ ngày nay là một địa danh phiên âm từ tên của kỹ sư Pháp Eyriaud des Vergnes, người chủ trì xây dựng đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, theo cách người Nam Bộ. "Xe hơi" (auto), "vỏ ruột" (xe), "trái banh" (bóng), "bóp" (tiền portefeuille), "bắc" (phà)… là những từ sinh ra sau khi Nam Bộ thành thuộc địa của Pháp. 

Phương ngữ thể hiện cái tính của người khai sinh ra nó mà cái tính của người Nam Bộ trong ẩm thực là dễ thương nhất, tạm gọi là "văn hóa lai rai". Ăn trở thành một phong cách không chỉ mang tính tiệc tùng, khách khứa của người giàu sang quyền thế, mà ăn vì… thích lai rai cho vui!

Đã thế thì đâu không lai rai được? Bờ ruộng tại sao không là nơi tụ tập "tự phát" vào một lúc ngẫu nhiên ngẫu hứng nào đó rất "mát trời ông địa"? Là xứ sông nước thì sông rạch thành không gian thương hồ và hiển nhiên thành không gian "văn hóa lai rai", quá dễ hiểu. Nơi khách thương hồ tụ ghe lại, không thể thiếu những chiếc ghe ẩm thực vốn có sức thu hút bạn hàng nữ khá mạnh… 

Vào một chợ dễ thấy ngay cái "nhà lồng" là nơi đông vui nhất dành cho ăn uống, đi mua sắm gì thì rồi cũng ghé thăm "làm một bụng" tại nơi hấp dẫn có thể là nhất chợ này.

Và "văn hóa lai rai"  có thể phát triển thành "nhậu nhẹt", thường có thêm dăm câu vọng cổ, một "chút đờn ca tài tử" thể hiện tính khoái hoạt không câu thúc. Và nhiều khi không thể thiếu... "cự lộn, quá hớp" thì có thể có... "oánh lộn!". 

Đang nhậu, một người khách lỡ "xì hơi", thằng rể chửi thề vu vơ, cha vợ bèn lấy chân đạp nhẹ chân chàng rể dưới gầm bàn. Rể lại chửi thề. Chủ nhà tức quá, khi vào nhà trong bèn than với vợ. Lúc tiệc tan, mẹ vợ trách nhẹ con rể, rể quý hỏi lại: "Thằng cha "cà chớn" nào "thèo lẻo" với má?".

Một điều chưa giải thích được đó là phương ngữ Nam Bộ hay láy từ: "cạn xều- cạn xểu, cạn xếu, cạn xệu" như để nhấn mạnh cái ý người nói trong một chỉ định cá biệt. Sao mà nhiều thứ "cạn" vậy? Thực ra thì chỉ là sự giàu có của từ ngữ, cứ dùng thế nào cho thỏa dạ thì thôi! Quả cái tính phóng khoáng của người Nam Bộ, đã làm là làm cho "cạn", có nhiều cung bậc!

Âm đầu V, ở phương ngữ Nam Bộ chỉ tồn tại trong chữ viết, không tồn tại trong phát âm: V - D - GI đều phát âm thành D: "Dzì ơi, cái dì dzậy hả dì?".

Chợ hoa quả trên sông miền Tây Nam Bộ.

Trong phương ngữ Nam Bộ có tính thông hiểu và tính quen dùng: "Tôi đụng bả hồi nẳm" (tôi lấy bà ấy hồi năm ấy) thì "đụng" vốn là va chạm cơ học mạnh nhưng trong trường hợp này lại là "tái cấu trúc" của sự êm ái yêu thương, giá trị địa phương của nó rất cao.

Sống giữa thiên nhiên hài hòa và đa dạng, phương ngữ Nam Bộ có nhiều tiếng đầy ắp hình tượng, "lôi cổ" những con  những cây hay vật dụng vào cuộc: "uống mật gấu" - mật gấu đắng kinh khủng, dám uống là rất liều; "Dai như trâu đái"- đúng là con trâu xả tiểu khá lâu vì nhiều; "Ăn như xáng múc" - cái gầu múc cả thước khối đất thì ăn chi mà "dữ thần vậy cha?"; "Làm ò ơ dzí dzầu" tức… làm biếng! 

Sông ngòi chằng chịt, sông mẹ đẻ sông con sông cháu, ngoài tên gọi chung như sông, ngòi, mương, máng, lạch, kênh, ao, hồ… còn thêm "rạch, xẻo (lạch nhỏ), xép, ngọn, rọc, dớn, láng, lung, bung, búng, bưng, biền, đưng, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, rỏng, tắc, gành, xáng, v.v...".  

Tựu trung là đường nước chảy! Về sự chuyển động của dòng nước, người ta không những phân biệt nước lớn (thủy triều dâng) và nước ròng (thủy triều hạ) mà còn thêm nhiều từ ngữ khác như: "nước kém, nước trồi, nước dềnh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước nằm, nước chừng, nước nhửng, nước ương, nước chết, nước sát, nước rặc, nước quay v.v...". Lạ thay, nước cũng biết… nhảy, đứng, nằm, bò, chết… vốn là những động tác của sinh vật, nhưng đó là cách tiếp cận sự vật của người Nam Bộ!

Những phương tiện đi lại trên sông nước cũng được gọi bằng nhiều cái tên thật phong phú, có khả năng diễn đạt, nào là "ghe bầu, ghe bầu nóc, ghe be, ghe cà vom, ghe chài, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn, ghe hầu, ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, vỏ lẵi, tắc ráng, tam bản, ba lá v.v…". 

Rồi đến các loại động vật sống ở sông nước cũng thật nhiều tên: "tôm bạc, tôm càng, tôm châm, tôm chấu, tôm chì, tôm gọng, tôm hùm, tôm kẹt, tôm lóng, tôm lứa, tôm mắt tre, tôm quỵt, tôm rồng, tôm sắc, tôm sú, tôm thẻ, tôm tích, tôm tu, tôm vang, v.v...". Thật hết sức phong phú! Mỗi loài đều có tên riêng đủ thấy phương ngữ phải phong phú, phải "chẻ" ra để đáp ứng được tư duy của con người.

Cường điệu và khuếch đại trong ngôn ngữ phục vụ mục đích tâm lý của con người luôn sống cởi mở, lạc quan và hướng về cái lớn, muốn nhấn mạnh những gì mình yêu thích hoặc chán ghét một cách rõ ràng, dứt khoát, và nó rất phổ biến trong phương ngữ Nam Bộ: "Cao trật ót, no lòi bản họng, đói queo râu, tức cành hông, rầu thúi ruột, sợ thót dái, cay té đái, muồi rụng rún"… đều dễ gây hiệu ứng cảm xúc và nhận thức. 

Tiếng Việt phổ thông có các từ: "nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi, nghèo không có đồng xu dính túi"… phương ngữ Nam Bộ còn thêm nghèo "mạt rệp", và bất ngờ thay, "nghèo không có đồng xu cạo gió, nghèo không có hột thóc nhổ râu, nghèo cháy nóp" thì thật là… nghèo hết biết, mà vẫn đượm vẻ lạc quan hóm hỉnh.

Nhìn chung, ở phương ngữ Nam Bộ, tính cường điệu, khuếch đại được sử dụng nhiều, độc đáo, mộc mạc, chất phác, không ngoa cách, tạo nên một trong những sắc thái có phần táo bạo, gây nhiều cảm xúc: "Ra về ruột nọ quặn đau / Sắc sâm mà uống mấy tàu chưa nguôi".

Tỏ tình với người thương là chuyện tế nhị, bay bướm, thế mà lời lẽ Nam Bộ thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh: "Hai ơi, qua thương Hai thiệt mà/ Thôi đi cha nội, xạo hoài à / Xạo xe cán qua chết luôn đó / Trời đất, thề chi đổ nhà đổ cửa vậy trời. Mà thương… rồi sao?". Mở đầu có vẻ căng nhưng "ăn tiền" ở cái xuống giọng đó!

Nói chuyện đặt tên, không cầu kỳ, thôi thì cứ lấy ngay một đặc điểm cụ thể (người hay địa hình), đại chúng, tại chỗ làm địa danh: "Xóm Củi, Cây Mai, Ba Giồng, Thủ Dầu Một, Thủ Thừa, Bến Tre, Bà Điểm, Thị Nghè, cầu Tham Lương, cầu Bà Tàu"… Huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có "cầu Bảy Thước", không hiểu sao các quan làm bảng mới cho cầu đã sửa lại là "Cầu 7m"! Ông Bảy tên Thước cười mỉm nhưng dân tại chỗ cười hơi lớn cho cái sự "ba trời" này.

Địa hình Nam Bộ nhiều gò đống, thế là trong địa danh có: "Gò Chùa, Gò Công" (vốn là "gò có nhiều công đậu" trước đây?), "Gò Đen, Gò Vấp, Gò Dầu"… thấy sao gọi vậy "mắc giống chi" mà tìm tên khác! Khác với miền ngoài đặt tên theo "chữ" (Thu Thủy, Hồng Lam…), người Nam Bộ còn dùng cả cách đếm số để đặt tên con: Lê Văn Một, Phú Thị Hai, Dương Văn Ba, Kiều Thị Mười, khi "kịch trần" thì Út Một, Út Hai… cứ thế mà đếm, cốt ở tiện dụng và thoải mái. Cũng thường ghép tên cúng cơm với nghề nghiệp, như "bà Ba xôi,  Năm đờn cò" hoặc với một đặc điểm cơ thể "Ba quắn, Hai củn, Sáu cà lăm, Bảy đen"…

Phương ngữ Nam Bộ thường hay dùng tiếng đôi, bắt đầu bằng một hư từ: "Ba xạo" là thích bốc phét. "Ba trợn"- dở hơi,; "Ba hột" - vài, chút ít, chốc lát. "Ba búa" - ngang bướng, hung dữ. "Ba hồi" hình như hơi tưng tửng, lúc vầy lúc khác. Lai rai "ba sợi, ăn ba hột cơm, ba cái chuyện lẻ tẻ đó"… cũng lại phải ghép với "Ba" mới thành. 

Tương tự, "Cà rịch cà tàng" như chiếc xe, cái máy cũ kỹ trông ọp ẹp thiểu não làm sao! "cà chớn", thì chính là một người lông bông, không tin tưởng giao phó một việc gì, giao con gái cho thì càng không. "Cà giựt" cũng một dạng ấy nhưng nhẹ nhàng hơn, chỉ một tính tình hay thay đổi sáng nắng chiều mưa, nhẹ hơn nhưng cũng khó tin tưởng trong công việc cũng như mọi giao dịch khác. 

"Cà rỡn" là người hay bông đùa khó biết lúc nào là thật khi nào là giỡn. Người "cà nhõng" không chí thú làm việc gì, đi rông là chủ yếu, lang thang chuyện nào cũng ghé, không cái gì ổn định.  Nhưng "Ba" và "cà" có nghĩa là gì thì botay.com! Ra "tiệm chạp phô" đầu hẻm mua một ít đồ. Gặp khách hàng quen, người này hỏi "Ủa, chớ bộ nhà anh ở khu này hả?". Chưa kịp trả lời thì chị chủ quán hồn nhiên…ca: "Thẩy dzới tôi đâu đít dzới... nhao"!. Trời đất, lầm chết, chỉ là hai nhà đâu hậu, gần gũi thân thiết thôi mà?

Phương ngữ Nam Bộ là một kho giàu có, độc đáo, kể cả khi "nói sai viết sai" (dzô - vô)… Ngày nay nếu có chỉnh cho thống nhất thiết nghĩ chỉ nên chỉnh phần chính tả! Nam Bộ có "Nhựt Tảo" hà tất phải chỉnh thành "Nhật Tảo"?. 

Cao Thoại Châu-Xuân 2017
.
.