Ký ức về nghệ sĩ Lộng Chương

Thứ Hai, 15/01/2007, 14:30

Từ mấy chục năm nay, cái tên Lộng Chương đã đi vào trí nhớ của nhiều người trong và ngoài ngành sân khấu. Bút danh ấy gợi cho người ta những suy tưởng về một tính cách gắn liền với loại hình kịch nói đã một thời đem lại tiếng cười trào lộng làm nghiêng ngả ánh đèn sân khấu.

Nhưng ở bài viết này, với tư cách con gái ông, tác giả chỉ xin “vạch áo” để bạn đọc biết đôi chút về cuộc sống đời thường của ông. Hay nhiều mà “dở” cũng không phải là không có.

Ông bà Lộng Chương gắn bó với nhau hơn sáu chục năm có lẻ. Ông thường đi dựng vở, xây dựng đoàn nghệ thuật cho các tỉnh ngoài. Không mấy khi ông không đưa bà đi cùng. Bà từng được cùng ông đến thăm thú khắp nơi, từ cửa Nam Quan theo dọc đất nước đến tận mũi Cà Mau.

Chỉ một đôi chuyến đi nước ngoài, do cơ chế khắt khe một thời, mà ông chịu cứng, không thể khoác tay vợ đưa đi. Nhưng bù lại, sau những chuyến đi ấy, bao giờ ông cũng đem về tặng vợ những món quà bà yêu thích. Và, bà đã mang bên mình đến tận cuối đời để về nơi cửu tuyền.

Trong một chuyến đi Sài Gòn sáng tác về đề tài thương nghiệp sau năm 1975, ông cũng đưa bà cùng đi. Chuyến đó, người lo việc đi lại ăn ở cho ông bà là một phụ nữ, trẻ hơn bà Lộng Chương đến chục tuổi. “Chẳng may” tiếng tăm, hình thức, tính cách đàn ông của Lộng Chương đã hấp dẫn người phụ nữ này đến đỗi, bà không giấu giếm sự đam mê của mình.

Điều này không thể qua mắt bà Lộng Chương. Vậy nhưng bà chỉ im lặng và… buồn. Rồi thì, chẳng biết Lộng Chương giải thoát mình khỏi lưới tình say đắm của người phụ nữ kia như thế nào mà sau đó, hai bà khăng khít như hai chị em gái.

Dù là đàn ông, lại làm cái nghề được quan niệm là “lãng tử”, nhưng Lộng Chương luôn là người cẩn thận, có kế hoạch chăm lo chu đáo về vật chất cho mọi thành viên trong gia đình, tất nhiên trong điều kiện có thể.

Tuy vậy, “kế hoạch” của ông cũng luôn bị phá sản bởi cái tính lãng tử vốn dĩ rất đậm đặc trong con người ông. Có một chuyện ông còn ghi rõ trong nhật ký. Vào ngày giỗ bố năm 1981, ông không còn một xu dính túi. Để có được cái giỗ trong hoàn cảnh ấy, tất nhiên là phải cậy vào vợ ông xoay xở sao đó.

Sau lúc ngồi vào mâm nâng ly rượu, ông đã ôm mặt cay đắng khóc hu hu - một cách xử sự rất, rất hiếm hoi của Lộng Chương khi rơi bất kể vào tình huống nào! “Vụ” này chính là cao trào, hậu quả của cái tính lãng tử coi đồng tiền nhẹ như… gió thổi của ông.

Với bạn bè, học trò, ông cũng luôn là người tình cảm và chỉn chu. Một bận ông nhận dựng vở “Nắng thu” của bác sĩ Nguyễn Thành cho Đoàn kịch Hà Bắc. Lẽ thông thường, Đoàn phải trả đạo diễn thù lao. Nhưng khi thấy diễn viên của Đoàn đói quá, không những ông không nhận mà còn cho thêm tiền diễn viên.

Những “vụ” Lộng Chương cư xử như thế này không phải là hiếm. Nhiều “vụ” nhận được nhuận bút tác phẩm, ông đem được khoảng một phần ba số tiền về đến cửa số nhà 47 Hàm Long là may lắm. Còn thì ông rải cho khắp, nào là cô đánh máy, ông công vụ, anh lái xe, chị phục vụ văn phòng…

Cái tính gia trưởng, không bao giờ chịu làm “đàn em” cho bất cứ ai trong những tiệc rượu của Lộng Chương đã “đẩy” ông luôn luôn vào vai “chủ chi” khi gặp bạn bè ngẫu hứng kéo nhau vào quán rượu… mà từ đó, nhiều phi vụ “động trời” trong lúc ngồi nâng ly với bạn bè của ông đã trở thành giai thoại trong giới văn nghệ sĩ.

Nhưng cũng chính vì thế mà “doanh thu” từ những hoạt động phong phú của Lộng Chương trong ngành sân khấu tuy không ít (năm nào ông cũng thống kê chi tiết) vẫn khiến ông nhiều lúc trở nên túng bấn.

Sinh thời, Lộng Chương thích ăn ngon. ăn ngon trong giai đoạn được gọi là “mở cửa” này thì quá dễ. Nhưng thời bao cấp, đó là cả một sự nan giải, nhất là với một gia đình có một bà mẹ già khó tính và tới tận tám đứa con. Để giải quyết vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào tài chế biến của bà “nội tướng”.

Bà Lộng Chương, tuy cũng rất nổi tiếng về cách chiều chồng trong những bữa ăn, nhưng trong hoàn cảnh ăn còn thiếu no, mặc chưa đủ ấm của cả nước giai đoạn trước, cũng không thể tránh khỏi những bữa cơm quá đạm bạc. Vậy là... liếc nhìn mâm cơm, ông sa sầm mặt. Ông đặt bát. Ông gác đũa. Ông đẩy bắn veo cái đĩa thức ăn được coi là ngon nhất mâm ra xa, khi bà “rón rén” đưa lại trước mặt ông.

Lúc đó thì bà Lộng Chương chỉ còn nước ôm bát đũa, nuốt nước mắt vào trong… chịu trận. Còn, khi mâm cơm có mặt những món Lộng Chương khoái khẩu thì khỏi phải nói. Ông nhanh nhẩu với chai rượu. Ông lấy cái ly quen thuộc. Ông hít hà nâng lên đặt xuống, thể hiện sự thích chí ra mặt. Lúc đó thì… nét hạnh phúc tràn trề trên khuôn mặt dịu dàng, hiền hậu của bà Lộng Chương.

Có một lần, bà Lộng Chương đã phải tá hỏa khi ông nổi đóa lên với một người bạn rất thân thiết của ông - chính là người khoác áo phù rể cùng ông lên xe hoa đi đón bà. Hôm đó, người bạn “trót” có lời khuyên ông chấp nhận một chỉ thị nào đó có phần “vô lý” của cấp trên.

Thế là, ông nổi đóa. Cơn thịnh nộ của ông bùng nổ thực sự. Ông gào lên. Ông đuổi người bạn ra khỏi nhà. Rất may, người bạn quá hiểu tính cách Lộng Chương, nên chỉ sau thời gian ngắn, hai người lại thân thiết ôm nhau chụp ảnh trong một dịp đón xuân ở trụ sở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Cái sự “dở” kiểu này của Lộng Chương thật ra không hiếm, nhưng nó chỉ được thể hiện trong một bối cảnh với những đối tượng nào đó vốn dĩ ông  đặc biệt “dị ứng”. Đôi khi đối diện, thấy ngang tai trái mắt là ông “ra đòn” tức thời, mạnh mẽ, với những ngôn từ làm rát mặt người nghe (đến giờ nhiều người trong ngành còn truyền tai nhau về những “phi vụ” như vậy).

Những vụ scandal như vậy không hề có lợi cho ông trong quá trình công tác và trong cái mà người đời gọi là: thăng quan, tiến chức. Không biết sinh thời, có khi nào Lộng Chương nghĩ như vậy?

Chỉ biết rằng, đến giờ khi đã trọn vẹn thuộc về cõi hư vô, nếu nơi đó cũng có cuộc đời thứ hai, chắc chắn ông vẫn là Lộng Chương của một thời trên dương thế - xông xáo trong công việc, thẳng thắn trong ứng xử, gia trưởng trong lối sống, tự tin đến kiêu ngạo, bộc trực đến ngang tàng. Âu cũng có thể tạm gọi đó là: Tính cách Lộng Chương!

Phạm Hồng Thắm
.
.