Cố họa sĩ Phạm Ngọc Liệu:

Ký ức Sống và Vẽ

Thứ Năm, 30/04/2015, 13:37
Trung tuần tháng 3 vừa qua, một triển lãm ấn tượng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người yêu hội họa trong cả nước với tên gọi "Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu: Sống và Vẽ" đã được tổ chức trang trọng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Một không gian trưng bày đặc biệt với 72 bức tranh và ký họa cùng nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời của cố họa sĩ tài hoa, cần mẫn đã có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam về đề tài "Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng". 

Căn nhà yên tĩnh tại khu đô thị Văn Quán, Hà Đông một năm sau ngày họa sĩ Phạm Ngọc Liệu rời bỏ cõi tạm vẫn không có gì thay đổi. Dường như vẫn còn đâu đó bóng dáng người họa sĩ với mái tóc trắng bồng bềnh, nụ cười rạng rỡ bên bức tranh đang vẽ dở, bên những vật dụng gắn bó với ông hằng ngày…

Tiếp chuyện chúng tôi giữa ngổn ngang những kỷ niệm về chồng, bà Nguyễn Thị Trâm, vợ họa sĩ Phạm Ngọc Liệu không ngăn được những giọt nước mắt: "Tôi vẫn chưa quen được với thực trạng là anh ấy không còn nữa".

Những người có mặt trong triển lãm "Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu: Sống và Vẽ" vừa qua không chỉ ấn tượng với những tác phẩm của họa sĩ, mà còn được chiêm ngưỡng kỷ vật gắn bó với cuộc đời người nghệ sĩ, chiến sĩ này. Là những chiếc mũ nan, mũ cói ông thường đội trong những chuyến đi thực tế, là bộ ấm trà ông tiếp những người bạn tâm giao, là chiếc áo, túi thuốc ông thường sử dụng trong những ngày tháng cuối đời… Tất cả minh chứng cho một cuộc sống đơn sơ, giản dị nhưng chan chứa tình của một họa sĩ Quân đội.

Bà Nguyễn Thị Trâm cũng chính là người chọn từng bức tranh, lựa từng kỷ vật trong gia tài di sản đồ sộ của chồng mình để chuẩn bị cho triển lãm. Sự kỹ lưỡng, cẩn trọng của người phụ nữ yêu chồng, hiểu nghệ thuật, yêu niềm đam mê của chồng toát ra từ cách bà cân nhắc vị trí từng bức tranh, từng di vật trong triển lãm.

Bà Trâm tâm sự: “Sau triển lãm lần thứ 2 năm 2009 rất thành công và ấn tượng thì anh có chia sẻ là anh rất mãn nguyện và có lẽ sẽ không làm triển lãm  cá nhân nữa. Tôi biết, anh nói vậy chỉ là vì sợ tốn kém và vất vả cho mọi người. Nhưng tôi hiểu, đi - vẽ và triển lãm là phong cách của anh rồi. Hơn nữa, anh Liệu còn rất mong in được một cuốn sách tranh. Mong thì mong vậy nhưng anh cứ băn khoăn, lưỡng lự mãi cũng chỉ vì sợ phiền vợ con.

Sau khi anh mất, tôi giữ ý định sẽ in cuốn sách tranh và trong quá trình chuẩn bị tư liệu in sách, soạn lại kỷ vật, tôi mới nảy ra ý định làm một triển lãm về anh. Đó sẽ không phải là một triển lãm Mỹ thuật thông thường mà thực sự nó phải là một không gian tưởng nhớ anh và cho những bạn bè yêu mến anh cả trong và ngoài ngành mỹ thuật hiểu hơn về cuộc đời một con người.

Ban đầu, tôi định đặt tên triển lãm là "Niệm khúc tháng ba" như một cách ghi nhớ, như một sự kiện để tưởng niệm chồng mình nhưng sau này, tôi quyết định chọn cái tên "Sống và Vẽ" vì nó giản dị  hơn, phù hợp với cuộc đời họa sĩ khoác áo lính của anh hơn".

Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu là lớp họa sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sinh năm 1942 tại Thái Bình, năm 1965, ông nhập ngũ và trở thành họa sĩ thuộc Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc. Năm 1969, ông được cử đi học tại Trường  Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội).

Hơn 50 năm cầm cọ, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu vẽ nhiều đề tài ở nhiều chất liệu khác nhau nhưng hầu hết cuộc đời sáng tác, ông dành nhiều tâm huyết cho đề tài "Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng". Bà Nguyễn Thị Trâm chia sẻ: "Đôi khi, tôi cũng tự hỏi sao anh ấy lại có thể say mê, đắm đuối với đề tài toàn súng ống với lính tráng như thế? Nhưng tôi hiểu, trước khi trở thành họa sĩ, anh ấy là một người lính. Vì vậyë anh ấy nhìn ra được vẻ đẹp trong đề tài tưởng chừng như khô cứng ấy".

Xem tranh của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu sẽ thấy chất tư tưởng trong tác phẩm của ông là yếu tố tự thân. Ông cảm nhận được cái đẹp ở không gian ấy, hoàn cảnh ấy, con người ấy và thể hiện tự nhiên trong thế giới sắc màu, hình nét. Cái đẹp ấy qua sự thể hiện của ông không cứng nhắc hay khét lẹt mùi thuốc súng. Có thể kể những tác phẩm tiêu biểu của ông như "Trường Sơn năm ấy" (sơn khắc), "Bữa cơm giữa rừng" (sơn mài), "Quảng Trị 1972" (sơn mài)... và hàng trăm bức ký họa thời chiến ông thực hiện ở tuyến lửa Quảng Trị. Tranh của ông là sự kết hợp giữa chất thép của người lính và sự đam mê, hào hoa của người nghệ sĩ.

25 năm trong quân ngũ, đặc biệt là 2 năm có mặt tại chiến trường ác liệt nhất là chiến trường Quảng Trị đã trở thành nguồn tư liệu hội họa, nguồn suối tinh thần để ông sáng tác không mệt mỏi. Đây cũng là thời kỳ ký họa của ông rực rỡ nhất. Tại triển lãm "Ký họa thời chiến" năm 2009, chỉ riêng chọn lọc ra để trình bày đã hơn 200 bức. Sau này, nhiều bức ký họa đã được ông phát triển thành tác phẩm.

Nói về ký họa của Phạm Ngọc Liệu, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo nhận xét: "Nghiêm túc, chững chạc và hấp dẫn. Vẽ là để được đối thoại với đồng đội của mình. Sống với những người mình vẽ và vẽ những người mình từng sống đã tạo nên cái duyên, cái đẹp trong không ít tác phẩm của Liệu, thức dậy trong chúng ta, trong công chúng yêu mỹ thuật những kỷ niệm đẹp về một thời chiến tranh. Vốn sống, vốn hiểu biết, vốn nghệ thuật quý hiếm để Phạm Ngọc Liệu hội đủ điều kiện làm nên tác phẩm lớn".

Tranh về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng không chỉ được họa sĩ Phạm Ngọc Liệu vẽ bằng ký ức của một người từng vào sinh ra tử ở nơi gian khổ ác liệt nhất, mà bằng tình yêu, sự tự hào, nỗi xót thương và lòng tri ân với những người đã ngã xuống cho màu xanh đất nước...

Một góc triển lãm “Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu: Sống và vẽ”.

Sau này, trong những lần trò chuyện cùng bạn bè, người thân, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu thường chia sẻ, ông được như ngày hôm nay, nhiều lần thoát chết trong gang tấc là nhờ sự che chở, yêu thương của những người lính trẻ đã ngã xuống ở chiến trường. Có lẽ ít người như ông, trong một chuyến quay lại mảnh đất năm xưa, tìm lại ký ức xưa, ông đã "hóa" những phiên bản ký họa chiến trường tặng vong linh các đồng đội yêu quý.

Tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống huyện Vĩnh Linh, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu đã tặng lại bức tranh khổ lớn cùng với lời bộc bạch "Ký ức cuộc đời như dòng sông cứ chảy mãi, nơi sâu thẳm nhất trong lòng tôi là chiến trường và đồng đội, là dòng sông và chiếc cầu. Sông ấy là dòng Bến Hải, cầu ấy là cầu Hiền Lương. Với tôi, dù đi đâu, ở đâu, lòng vẫn đau đáu hướng về mảnh đất sông Tuyến. Nơi đây, một thời tôi cầm bút với bao sắc màu đã hằn sâu trong ký ức".

Với Phạm Ngọc Liệu, ông luôn vẽ bằng tình yêu, bằng những tình cảm sâu đậm trong lòng nên sau gần 40 năm xa cách, gặp lại những nguyên mẫu ông từng ký họa, ông vẫn nhớ như in hình ảnh con người, cảm xúc thời xưa cũä. Hiện thực sống động từ cuộc chiến đấu ngoan cường của người dân đất thép Vĩnh Linh là nguồn cảm ứng vô tận cho người nghệ sĩ sống, chiến đấu và sáng tạo.

Họa sĩ lão thành Trần Lưu Hậu cho rằng: "Phạm Ngọc Liệu là một trong số rất ít họa sĩ thuộc các quân binh chủng còn tồn tại và đi đến cùng với nghệ thuật. Anh có một vốn sống phong phú, nhất là mảng ghi chép về đề tài chiến tranh và cách mạng. Có thể nói đây là một kho quý".

Đồng nghiệp trong giới Mỹ thuật vẫn thường bảo nhau: "Không ai chăm như Liệu. Không có hoạt động nào của Hội mà Phạm Ngọc Liệu không tham gia". Trong những chuyến đi thực tế sáng tác, khi mọi người chỉ tranh thủ chụp ảnh để lưu giữ rồi đi chơi thì trên tay ông lúc nào cũng là cuốn sổ tay và cái bút ký họa. Tối về lại cặm cụi, hí hoáy vẽ.

Bà Nguyễn Thị Trâm nhớ lại: "Không chỉ vẽ, anh còn rất chịu khó sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật thời chiến, những kỷ vật gắn bó với cuộc đời đi và vẽ của mình. Những năm trước đây, có khi cả gia đình 5 người ở trong căn nhà 8 - 9 mét vuông nhưng ngoài tranh còn là vô số kỷ vật anh “tha” về từ khắp vùng miền. Tôi từng bị "chê" là để nhà cửa bề bộn nhưng tôi tôn trọng sở thích, đam mê của chồng. Anh vẫn thường bảo: "Anh bừa bộn một cách trật tự. Anh để cái gì ở đâu là anh nhớ nên em đừng dọn kẻo khi nào cần anh không tìm ra". Sau này, nhà rộng rãi hơn thì cũng vẫn đầy tranh và kỷ vật, tới mức một người chị của anh đã cường điệu: "Nhà cậu có rộng như Dinh Độc Lập thì cũng vẫn là chật"”.

Suốt một đời lặng lẽ sống, đi và vẽ hết mình, Phạm Ngọc Liệu là một trong những hình mẫu tiêu biểu cho một thế hệ nghệ sĩ, chiến sĩ đầy tự hào của đất nước trưởng thành trong lửa đạn và trong màu xanh áo lính.

Thảo Duyên
.
.