Di tích Quốc gia Đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng:

Kỳ tích "cây nhà lá vườn”

Thứ Ba, 30/08/2016, 07:52
Tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2016) tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng - TP Long Xuyên). Đây cũng là dịp kỷ niệm 5 năm công trình "cây nhà lá vườn" của tỉnh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt...


Chuyện bắt đầu vào năm 1986. Trong một lần tham gia Hội thảo chuyên đề "Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ" tại Trà Vinh, ông Tô Thành Tâm (SN 1931), Phó trưởng Ban Tuyên giáo An Giang đã làm các đại biểu, trong đó có chủ tọa hội thảo là GS Trần Văn Giàu giật mình với phát biểu "sốc": "Có một ông già còn 2 năm nữa là kỷ niệm 100 năm ngày sinh mà chúng ta lại chưa..." .

Nghe chưa xong câu, GS Trần Văn Giàu chen ngang: "Anh muốn nói gì?". Trầm tĩnh, ông Tâm trả lời: "Dạ muốn nhắc đến Bác Tôn". Trong lúc mọi người đang nghĩ đến cảnh GS Giàu sẽ giận ông Tâm thì thật bất ngờ, GS sử học đã đập hai tay vào đùi: "Thôi chết, anh về soạn nhanh kế hoạch mang lên tôi...".

Từ thông tin này, ngày 13-3-1987 Tỉnh ủy An Giang ban hành Thông tri "Chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Tôn Đức Thắng" với 3 nội dung chính: Sưu tầm, biên soạn những sự kiện chính về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn; sưu tầm những bài viết trong và ngoài nước nói về Bác Tôn và những hồi ức của những người gần gũi Bác Tôn; Trùng tu Ngôi nhà thời niên thiếu và xây Nhà lưu niệm Bác Tôn tại xã Mỹ Hòa Hưng...

Đền thờ Bác Tôn trong Khu di tích Quốc gia Đặc biệt.

Một trong những người trực tiếp thực hiện công việc này là ông Nguyễn Minh Đào, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, Trưởng Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm. Đã bước vào tuổi "bát tuần" nhưng ông Đào vẫn như nguyên vẹn hình ảnh về cái thưở ban đầu... Ông Đào nhớ lại: "Công việc hết sức nặng nề bởi tất cả bắt đầu từ con số không.

Ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn xuống cấp trầm trọng, sách báo viết về Bác rất thiếu…mà thời gian lại thúc bách, họp Thường vụ Tỉnh ủy, đã có người băn khoăn: Liệu Ban Bí thư có đồng ý cho tổ chức, rồi kinh phí tổ chức lấy từ nguồn nào? Tổ chức với quy mô nào để tương xứng với vị trí Bác Tôn...

Sau cùng nhiều ý kiến quyết định thực hiện theo cách "cây nhà lá vườn". Quyết định táo bạo nhưng cũng rất tự tin, An Giang sẽ làm di tích kiểu cây nhà lá vườn. Bên cạnh việc tiếp nhận những đóng góp từ các bậc lão thành cách mạng, nhà sử học, văn nghệ sĩ, nhà xuất bản … để thu thập tài liệu, phần lớn công việc còn lại sẽ sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ.

Ngay cả việc trùng tu ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn, vốn đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu cũng được An Giang huy động con em của quê hương thực hiện. Ông Đào cho biết: "GS Lâm Bình Tường, nhà bảo tàng học nổi tiếng tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng khi được chúng tôi đánh tiếng đã tự nguyện về vừa nghiên cứu, vừa trực tiếp chỉ huy công nhân thực hiện việc phục chế di tích...".  

Gian nan nhất là việc xây dựng Nhà Lưu niệm. Bởi mãi đến tháng 3-1988 mới có quyết định thành lập Ban quản lý công trình, trong khi trên thực tế có nhiều phần việc phải hoàn thành trong thời gian ngắn, như xác định vị trí, quy mô rồi định hướng hình thức, vật liệu xây dựng thế nào để phù hợp với cảnh quan trước mắt và lâu dài…

Vì vậy đã có không ít những câu chuyện cảm động về thời khắc lịch sử này. "Đến chiều ngày 19-8, Bảo tàng An Giang mới được phép đưa các hiện vật vào, anh em phải làm việc suốt đêm để kịp cho thời điểm khánh thành vào sáng hôm sau", ông Đào xúc động. Cũng từ đó, tỉnh quyết định chọn ngày sinh của Bác Tôn 20-8 làm ngày Lễ hội truyền thống hàng năm của Long Xuyên.

Sau đó, vẫn với tinh thần "cây nhà lá vườn", An Giang tiếp tục xây dựng đề án quy hoạch, cải tạo và mở rộng khu lưu niệm cho xứng đáng với tầm cỡ di tích lưu niệm vị Chủ tịch Nước. Không chỉ sử dụng sản phẩm xi măng, gạch do các đơn vị trong tỉnh sản xuất, đá granic từ núi rừng Thất Sơn mà ngay cả trong khâu trang trí, đòi hỏi kỹ thuật, tính mỹ thuật cao… cũng được An Giang sử dụng nghệ nhân của làng mộc Chợ Thủ (huyện Chợ Mới). Đến ngày 20-8-1998, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác Tôn, An Giang khánh thành khu mở rộng với 2 điểm nhấn là Đền tưởng niệm và Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Bác Tôn.

Giản dị nhưng Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn nổi bật nhờ ẩn sâu bên trong từng chi tiết giàu chất mỹ thuật, tạo hình... là cả chiều sâu trí tuệ, tài năng về "một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân" (lời Hồ Chủ tịch) mà các nghệ nhân An Giang đã thổi hồn.

Trải rộng trên 6 ha ven sông Hậu, đối diện ngôi nhà thời niên thiếu, Khu lưu niệm được thiết kế như một quần thể kiến trúc văn hóa đậm truyền thống dân tộc hòa quyện với nét hiện đại...và thông qua những đường nét tạo hình, bố cục logic của sự sắp đặt "thời gian trong không gian"… còn thắp sáng lên trong lòng đến thế hệ hôm nay và mai sau bài học lịch sử sâu sắc về một con người bình dị nhưng vĩ đại của đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo địa phương tại lễ công bố quyết định công nhận Di tích Quốc gia Đặc biệt.

Từ ngôi nhà sàn, bước qua con đường nhỏ lót đá xanh là đến Khu lưu niệm bốn mùa rợp mát màu xanh của hoa, lá đặc trưng Nam bộ: gáo, bằng lăng, xoài, bưởi, ô môi, mai vàng… Bên trái là khu Đền tưởng niệm rộng 1.600m2 được bao bọc bởi con rạch tạo cảnh quan với hai chiếc cầu vồng, tượng trưng cho vùng đất cù lao quê hương Bác Tôn.

Kỹ sư Nguyễn Khải Hoàng, người trực tiếp tham gia thiết kế công trình nhớ lại: "Đền có diện tích 110m2, tượng trưng cho thời khắc 110 năm ngày sinh của Người, xây dựng trên cơ sở kế thừa kiến trúc đình chùa truyền thống Nam bộ và cách tân mái ngói trang trí linh vật, rồng, hổ, gắn liền với địa linh: cù lao ông Hổ, đồng bằng sông Cửu Long". Giữa Đền là tượng bán thân bằng đồng của Bác Tôn, do chính công nhân xưởng Ba Son thực hiện. Toàn bộ bao lam của Đền được làm bằng gỗ quý do nghệ nhân tài hoa Chợ Thủ chăm chút từng nét hoa văn. Cửa chính của Đền hướng về phương Bắc, như để Bác Tôn luôn có dịp hướng về Hà Nội, trái tim Tổ quốc.

Trên tổng thể, Đền được xây theo hình tứ trụ, hướng 4 mặt theo 4 phương, như chính tấm lòng luôn hướng về 4 biển của Bác. Ngay cả bậc tam cấp cũng hàm chứa ý nghĩa nhân văn. Đường dẫn lên Đền gồm 19 bậc được phân theo bố cục 3-7-9. Con số lẻ này vừa hàm ý biểu tượng cho địa danh quê Bác Tôn "Tiền Tam Giang, hậu Thất Sơn, sông Cửu Long", vừa để "sắp đặt" cho người tham quan đặt bàn chân phải, bàn chân vững chải nhất khi bước lên chính điện.

Đối diện với Đền là Nhà trưng bày di vật lịch sử có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn, rộng 327m2, vừa mang dáng dấp kiến trúc đền chùa với bố cục một gian, hai chái, nóc cổ lầu… nhưng bên trong lại bố trí ẩn các kèo, cột nên công trình có được sự mềm mại, liên hoàn. Mặt trước Nhà trưng bày được tạo điểm nhấn bởi phù điêu hình hổ, tượng trưng cho địa danh cù lao Ông Hổ.

Nội thất trưng bày hiện vật thể hiện toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, từ thời niên thiếu ở quê cho đến khi tham gia cách mạng và những năm tháng cuối đời. Tất cả đều bình dị: chiếc cối xay tiêu Bác Tôn mua ở Liên Xô tặng bác gái, chiếc xe đạp cũ kỹ, chiếc nón chụp mùa đông, một bộ đồ đơn sơ, một đôi dép lốp … 

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Tôn (2008), một lần nữa An Giang khánh thành Khu lưu niệm mở rộng với việc trưng bày, tái hiện nhiều hiện vật: Banh I, nơi thực dân Pháp giam cầm Bác Tôn ở Côn Đảo, chiếc ca nô mang tên Giải Phóng mà ngày 23-9-1945 Bác Tôn đã  lái đưa các đồng chí lãnh đạo Đảng từ Côn Đảo vào đất liền, Nhà lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên), chiếc chuyên cơ IAK 40 đã đưa Bác Tôn vào TP Hồ Chí Minh dự lễ mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất… Đó chính là tiền đề để cấp thẩm quyền công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào năm 2012.

Lục Tùng
.
.