Kỳ thú “phượt” cửa khẩu Cầu Treo

Thứ Hai, 04/03/2019, 16:06
Chúng tôi đi xe máy từ thành phố Vinh đến thị trấn Tây Sơn (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) chừng 80 cây số, nhưng không "ăn thua" bằng cuộc vượt núi, từ đây lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.


Một con đường đèo dốc ngoằn ngoèo kéo dài tới hơn 30 cây số, vượt rừng, ven theo các dải núi mờ mịt sương bay. Có chỗ lở núi đổ xuống đường cả đống đất đá, chỉ còn một rẻo nhỏ, đủ cho xe máy đi qua. Vực sâu thăm thẳm...

"Eo con gái" và sông Ngàn Phố

Một nẻo đường dốc nghiêng nghiêng nhỏ xinh ven sườn núi uốn cong. Họ đặt tên cho nó là "Eo con gái". Muốn vượt cái "eo" này, tốt nhất cánh lái xe phải nhường nhau, người đi trước kẻ đi sau. Cung đường nhỏ nối hai sườn núi không thể mở rộng hơn được, dưới là vực sâu hun hút.

Chúng tôi đi theo cánh chở hàng lên khu kinh tế cửa khẩu. Họ cũng đi bằng xe máy. Lượn theo cung "Eo con gái", tim tôi đập thình thịch, hồi hộp vì biết đâu xe trượt bánh. Ai mà lường trước. Cho dù chỉ mất hai phút đi qua, nhưng tôi thở gấp gáp như vừa leo cả núi dựng đứng.

Cánh lái xe chở hàng thường xuyên lượn rõ đẹp, thơ thới, cười cười, nói nói. Tôi ngoái lại nhìn "Eo con gái" mà rùng mình. Xem ra mới được một phần ba đường lên cửa khẩu.

Bất ngờ dưới chân núi bỗng hiện ra một con sông. Một người đi cùng chỉ lên vách núi trước mặt nói, hàng trăm con suối trên dãy núi kia đổ xuống thành sông đó. Trước mặt chúng ta là sông Ngàn Phố. Cuồn cuộn sóng xen lẫn bồng bềnh mây ẩn hiện.

Bộ đội đồn Biên phòng Cầu Treo, Hà Tĩnh tuần tra bảo vệ vùng biên.

Sông Ngàn Phố chạy dài len lách qua dãy núi, hàng chục cây số ngang qua huyện Hương Sơn, nhập vào sông La (còn gọi là Ngàn Sâu) rộng lớn, rồi trôi ra biển. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã có bài hát nói về con sông này với giai điệu và lời ca thật thơ mộng: "Ơi con sông Ngàn Phố của hôm nay. Nắng ban mai nhuộm sông màu trắng. Và Ngàn Sâu như hai đường lụa trắng. Để sông La chảy mãi lững lờ…".

Dãy núi trước mặt còn cao vời vợi. Tôi háo hức lên đường. "Dốc cao núi dựng đã từng. Làm trai chớ có ngập ngừng đắn đo". Một anh chàng chở hàng bất ngờ cất lên điệu hò sông La như đang ở trên một con đò. Thế là mọi người rồ xe. Cài số 2. Vượt dốc.

Phía trước là ngọn núi Bà Mụ cao 1357 mét, sừng sững như lời thách thức với những kẻ luôn cuồng chân như tôi. Anh trưởng đoàn nói, đây chính là phần tiếp nối dãy Trường Sơn, bắt nguồn từ miền Bắc kéo dài tới tận miền Nam. Phía bên Tây dãy núi là nước Lào anh em.

Phần dãy núi chạy qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thuộc Hà Tĩnh, kéo dài hàng trăm cây số, liên tiếp là các đỉnh núi Giăng Màn, núi Nầm, cùng dãy núi Thiên Nhẫn và Mồng Gà…Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo mang hình tượng "Những đôi cánh", vượt qua hai đỉnh núi, giữa Việt Nam và Lào.

"Những đôi cánh" bay bổng lãng mạn với khúc ca "Núi liền núi, sông liền sông". Có thể nói Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là cửa khẩu cao nhất nước, trên đỉnh dãy núi Trường Sơn (cao chừng 900 mét), và cũng là kết nối con đường bộ ngắn nhất từ Lào và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông, mở rộng ra hướng biển Đông, qua cụm cảng nước sâu Vũng Áng, Sơn Dương.

Bên này là khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, rộng tới gần 60 ngàn ha. Còn bên kia biên giới là Cửa khẩu Quốc tế Nậm Phao, huyện Khamkheuth, tỉnh Bolikhamxai. CHDCND Lào. Hai khu kinh tế chung biên giới kéo dài 40 cây số, tạo sức phát triển rộng lớn, đầy triển vọng.

Chúng tôi dừng xe trên điểm cuối cùng quốc lộ số 8. Trước mặt là Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Khu thương mại hiện lên trong sương mù. Người tấp nập vào ra làm thủ tục từ rất sớm. Cuối năm hàng chất đầy các chuyến xe. Ấy là chưa nói đến những đoàn xe còn đang chờ sửa đường tiếp tục lên.

Tôi theo mọi người vào một cửa hàng bên đường đổi tiền để sang Lào đi chợ. Bất ngờ một anh chàng mặc bộ rằn ri, từ một cửa hàng karaoke đi ra, chếnh choáng trong men say. Anh ta cất tiếng hát. Bay bổng lời ca bài "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát".

Có lẽ những ký ức tràn về trong tâm hồn người lính năm xưa chăng. Tôi nghe mà thấy lòng phơi phới một thuở trẻ trai. Anh ta đứng giữa con đường cất cao giọng ca: "Này Trường Sơn ơi! Khúc hát từ trái tim xôn xao đồi núi cao. Chắp cánh cùng ánh sao đem theo lòng khát khao. Nhìn về tương lai đang bừng sáng". Giọng hát cao chót vót làm tôi sửng sốt với khúc hát chưa bao giờ cháy bỏng đến thế. Một tương lai bừng sáng. Đúng vậy. Những đoàn xe nườm nượp đi qua cửa khẩu.  

Lạc Xao - Chăm Pa

Sau khi mãn nhãn với Cửa khẩu Cầu Treo, chúng tôi tiếp tục cuộc du ngoạn bằng xe máy sang đất bạn Lào. Điểm đến là thị trấn Lạc Xao, thuộc tỉnh Bolykamxai, cách cửa khẩu 30km. Người dẫn đầu đoàn là anh Hải, một cựu TNXP, hiện buôn bán hàng chợ cả hai bên biên giới.

Điều đặc biệt, khi chớm sang đất Lào chừng mươi cây số, phía Tây dãy núi Trường Sơn nắng tỏa ngập tràn. Đó là sự khác biệt giữa phía Đông và phía Tây Trường Sơn. Hình ảnh đã nhắc tôi nhớ đến bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật. Đó là "Trường Sơn Đông -Trường Sơn Tây" đã được phổ nhạc một phần. Riêng những khổ thơ không được phổ nhạc mô tả khá kỹ hiện tượng này: "Một dãy núi mà hai màu mây/ Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác/ Như anh với em, như Nam với Bắc/ Như Đông với Tây một dải rừng liền".

Khi tôi trao đổi lại với anh Hải, thật không ngờ người cựu TNXP này đọc liền một mạch bài thơ đó. Bởi chính nhà thơ đã viết cho chiến trường nơi đây. Giọng anh khê khàn theo năm tháng, nhưng âm sắc tràn đầy nội lực: "Đông Trường Sơn, cô gái Ba Sẵn Sàng xanh áo/ Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh…". Cứ dạt dào kỷ niệm như thế, chúng tôi đến Lạc Xao lúc nào không hay. Xe phanh kít. Chúng tôi ngơ ngác giữa con phố rối rít những con chữ Việt: "Cấm xe vào chợ" xen lẫn cùng chữ Lào phía trên.

Đi dạo quanh chợ đầu mối Lạc Xao, mọi người đều nhận ra đến một phần ba là người Việt sang làm ăn. Việc tôi đổi tiền Kíp bằng thừa, bởi bên chợ Lào dùng cả hai loại tiền mua bán hàng. Nhiều đoàn xe chở hàng từ Việt Nam không đổ hàng chợ Lạc Xao thì cũng lên chợ tỉnh bán được thêm mấy giá.

Hơn nữa ai làm ăn đều theo nguyên tắc, quen đâu khách đó, buôn có bạn bán có phường. Mấy bà bán hàng người Việt quát tháo rõ to. Còn người Lào hiền khô, chỉ cười khi chúng tôi hỏi giá hàng. Họ cất cả xe tải hàng rồi cho người đến đổ mối, nên nom có vẻ nhàn tênh.

Đi bên tôi, anh Hải chỉ người này, người nọ rồi nói, đa phần là người dân tộc thiểu số từ Việt Nam sang làm ăn nhỏ lẻ. Bán hàng tiêu dùng sinh hoạt thông thường. Có những người ở vùng xuôi sang làm ăn khấm khá hơn. Không ít người bán món ăn như bánh cuốn chả, hay phở bò rất hấp dẫn với du khách Lào.

Nhiều người cất hàng tiêu dùng, điện máy Thái Lan từ đây lại đem về Việt Nam bán. Thậm chí họ trao đổi hàng lấy hàng, theo giá tự ước lệ tiền Kíp tiền Việt, chủ yếu lòng tốt trao cho nhau. Vui và xôm trò nhất là quầy trò chơi ném bóng lấy thưởng. Họ bắc loa to, và chỉ có một bài "Hoa Chăm Pa", tua đi tua lại, nghe mãi không thấy chán. Nhưng có lẽ nhạc nền khác hẳn, với tiết tấu nhanh hơn chút làm rối cả tay những người ném bóng. Một bản nhạc cổ, tuy rất quen thuộc nhưng vẫn làm xao động tâm hồn du khách.

Trở về

Nắng ngả chiều. Những ngôi nhà hai bên đường biên giới trên đường về nghi ngút khói thơm mùi rơm rạ. Một không gian thân quen. Hình ảnh bà mẹ ngồi bên cửa đợi con về thật xúc động hiện lên rải rác đó đây. Chia tay Lạc Xao trở lại Cửa khẩu Cầu Treo, chúng tôi đều mang về những bịch bánh gạo Lào, hương vị thơm bùi đậm chất đồng quê. Những ngôi chùa tháp bên xóm nhỏ lấp ló với mái cong mềm mại. Tiếng chuông thỉnh lên thong thả như một lời chào du khách đường xa. Mỏi mệt tan biến.

Dốc dần lên cao vượt núi. Sương bắt đầu lạnh sống mũi. Đó là miền biên viễn quê hương phía Đông Trường Sơn. Bỗng nhiên có một người dừng lại. Ai nấy cũng làm theo. Tất cả hướng về Lạc Xao. Lời ca "Hoa Chăm Pa" như vẫn theo chúng tôi, không chịu chia tay. Khối mây từ trên dãy núi Bà Mụ đổ xuống bất ngờ. Cuộc giao mùa chuyển sang tiết xuân trên đỉnh núi Trường Sơn bắt đầu. Lòng bịn rịn với những bông hoa Chăm Pa rực nắng, chúng tôi đồng loạt nổ máy, hướng về phía Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Vương Tâm
.
.