Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Kỷ niệm dưới mái trường học sinh miền Nam thân yêu

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:18
Thời gian học ở Trường Học sinh Miền Nam Đông Triều - Quảng Ninh là quãng thời gian không dài so với một đời người nhưng để lại trong chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc của một thời niên thiếu.

Tháng 8/1968, Tỉnh ủy Quảng Đà có quyết định cho tôi và 6 anh chị em cùng lứa tuổi thiếu niên công tác ở các cơ quan khác, cùng ra miền Bắc học tập.

Đoàn chúng tôi sau 3 tháng đi bộ trên đường Trường Sơn, vượt dốc băng rừng qua nhiều đoạn đường núi non hiểm trở, đói khát, bị nhiều trận bom của Mỹ đánh phá ác liệt, cuối cùng chúng tôi đã ra đến Hà Nội và chuyển về Trường Học sinh Miền Nam Đông Triều -Quảng Ninh

Những năm tháng này, giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân. Trong hoàn cảnh chiến tranh tuy còn nhiều thiếu thốn gian khổ nhưng chúng tôi được Đảng, nhà nước và đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng, chăm sóc rất chu đáo, với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt"; "tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"... Đó không chỉ là khẩu hiệu mà là hành động thật sự bằng trái tim và tình cảm của người dân Miền Bắc đối với Miền Nam.

Sau một thời gian lao động vất vả để củng cố trường lớp, nơi ăn nơi ở là những ngày chúng tôi hăm hở chuẩn bị bước vào học tập. Gần như tất cả anh em chúng tôi ở miền Nam đã bỏ học giữa chừng vì chiến tranh nên học lớp rất thấp.

Vào một buổi sáng, thầy hiệu trưởng cho tập hợp gần 300 anh chị em chúng tôi trên sân trường. Thầy tuyên bố, các em học lớp nào trong miền Nam thì suy ra tương đương lớp ở miền Bắc để đứng xếp hàng vào lớp của mình, gồm có 7 hàng dọc từ lớp 1 đến lớp 7 (không có bạn nào học cấp 3).

Phần lớn các bạn đứng xếp vào hàng lớp 1 đến lớp 5, còn hàng lớp 6 và 7 rất ít. Ở miền Nam tôi học lớp Nhất tương đương lớp 4 ở miền Bắc, nhưng tôi đứng xếp vào hàng lớp 6 vì tôi cao lớn hơn các bạn nên xếp hàng lớp 4 rất xấu hổ. Nhớ lại những ngày đầu xếp hàng chọn lớp ở trường học sinh miền Nam Đông Triều là kỷ niệm không bao giờ quên được.

Ở Trường Học sinh Miền Nam Đông Triều - Quảng Ninh những ngày gian khổ nhất là vào rừng chặt nứa về sửa chữa nhà cửa. Hằng tháng đều có những ngày học sinh chúng tôi vào rừng, vất vả nhất là mùa đông. Chúng tôi được thầy giáo chủ nhiệm giao trong ngày phải chặt được một bó nứa to, kích cỡ chiều dài theo yêu cầu sử dụng từng công việc mà lựa chọn cho đúng quy định. Trời mùa đông ở vùng Đông Bắc thời tiết khắc nghiệt, rét vô cùng, nhiều lúc nhiệt độ dưới 10 độ C. Buổi sáng chúng tôi được phân phát mỗi người một nắm cơm vắt, một gói muối bột, và một con dao đi rừng. Quần áo mặc phong phanh, rét "cắt da cắt thịt". Cứ thế chúng tôi vượt suối băng rừng có khi đi hơn 10km.

Một lớp học ở Trường Học sinh miền Nam Đông Triều (Quảng Ninh).

Có thể nói đây là công việc lao động vô cùng nặng nhọc mà thầy trò ở trường học sinh Miền Nam chúng tôi đều tham gia. Có lúc thấy chúng tôi kêu ca vất vả, thầy chủ nhiệm, tuy mùa đông nhưng mồ hôi chảy đầm đìa trên người, nhỏ nhẹ nói với chúng tôi: "Thầy trò mình cùng lao động để góp phần giải quyết khó khăn cho đất nước trong thời buổi chiến tranh ác liệt này. Rồi sau này các em sẽ thấy được giá trị việc làm của mình ngày hôm nay. Nó sẽ trở thành tình cảm thiêng liêng và kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời của mỗi em không dễ gì tìm lại được".

Trên con đường chiến đấu và công tác sau này, mỗi lần gặp khó khăn gian khổ là tôi nhớ đến lời thầy chủ nhiệm nhắc nhở chúng tôi ngày ấy và giúp chúng tôi vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.

Những năm tháng ở Trường học sinh Miền Nam Đông Triều chúng tôi thích nhất là những cuộc hành quân dã ngoại, tập làm chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Vào các dịp gần đến ngày 22-12, kỷ niệm ngày thành lập quân đội, thầy Hiệu trưởng Hồ Đình Phương và các thầy cô giáo trong trường tổ chức cho chúng tôi hành quân về núi Yên Tử. Cả trường biên chế thành Trung đoàn, các khối lớp là tiểu đoàn và mỗi lớp là đại đội, trung đội, tất cả ăn mặc quân trang, quân hàm và mọi sinh hoạt như bộ đội.

Tôi được thầy chủ nhiệm phong cho quân hàm Thiếu úy. Khi làm xong cặp quân hàm bằng giấy gắn trên ve áo thì đêm đã khuya, cả bọn trong lớp không sao ngủ được. Riêng tôi cứ chập chờn, nhìn lên quân hàm Thiếu úy mà mơ màng thao thức, ước gì sau này mình trở thành như vậy thật.

Mờ sáng tất cả thầy giáo, học sinh của trường tập trung theo từng đơn vị từ tiểu đội đến trung đoàn. Đứng đầu là thầy hiệu trưởng mang quân hàm Đại tá (cũng làm bằng giấy) dõng dạc tuyên bố cuộc hành quân bắt đầu. Đi đầu hàng quân là cánh "Trinh sát" được chọn từ những học sinh xuất sắc, nhanh nhẹn của trường. Tiếp theo là lãnh đạo chỉ huy cao nhất, gồm ban giám hiệu và các thầy cô giáo. Sau đó là từng đại đội, tiểu đoàn theo lớp và các khối lớp, từ cấp I, cấp II đến cấp III. Sau cùng là cánh "Hậu cần", "Quân y", nồi niêu, xoong chảo, thực phẩm, thuốc men... Cả một đoàn quân, có năm lên đến gần cả ngàn người, hành quân đi bộ hơn 30km.

Đến nơi chúng tôi triển khai đội hình đã được phân chia dựng láng trại. Tổ chức thi thể dục thể thao, leo núi bẻ măng, bắt cá dưới suối, thi nấu ăn, đến tối nổ máy điện thi văn nghệ, đèn rực sáng giữa núi rừng Yên Tử.

Cuộc hành quân dã ngoại tập làm chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là một hoạt động vừa mang tính giáo dục sâu sắc, toàn diện về lòng yêu nước, ý thức công dân, tinh thần vượt khó, ý thức tập thể, ý thức tổ chức kỷ luật... vừa là hoạt động tinh thần vui tươi mà học sinh miền Nam chúng tôi thích thú.

Sau những năm công tác chiến đấu, trong từng bước trưởng thành của mình, mỗi lần được thăng cấp, nhận quân hàm, tôi lại nhớ đến cái quân hàm Thiếu úy bằng giấy ngày ấy. Chính nó đã hun đúc cho tôi lòng ước mơ và ý chí rèn luyện phấn đấu. Để đến bây giờ tôi được trở thành một Tướng lĩnh trong lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Thời gian học ở Trường Học sinh Miền Nam Đông Triều - Quảng Ninh là quãng thời gian không dài so với một đời người nhưng để lại trong chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc của một thời niên thiếu.

Học sinh chúng tôi cùng cảnh ngộ xa quê hương, xa gia đình, coi nhau như anh em ruột thịt. Tuy cũng có lúc nghịch ngợm, thậm chí chia phe nhóm đánh nhau nhưng rất thương yêu giúp đỡ nhau trong khó khăn, nhất là khi có người nhận được tin bố mẹ, những người thân yêu ở miền Nam hy sinh, cả lớp cùng chia sẻ đau thương mất mát.

Đó là những năm tháng tình thầy trò gắn kết với nhau bằng tình cảm thật sự. Với tấm lòng "tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu", các thầy cô giáo, các cô chú cán bộ, phục vụ thương yêu học sinh như con đẻ của mình. Tuy không phải là "máu mủ ruột rà" nhưng sống gắn kết với nhau.

Anh chị em học sinh miền Nam bây giờ hầu hết đã lớn tuổi nhưng gặp nhau chuyện trò cũng vẫn với tác phong như những đứa trẻ học sinh miền Nam ngày xưa, không lẫn lộn vào đâu được. Dù ở cương vị công tác nào, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, gặp nhau cũng mày tao, nhắc đến bạn bè, thằng A, thằng B... bây giờ ở đâu? Làm gì? Ai còn? Ai mất? Và không quên nhắc đến các thầy cô giáo đã dạy mình.

     Tôi còn nhớ ngày thầy Hiệu trưởng Hồ Đình Phương gặp gỡ hơn 20 anh em chúng tôi rời Trường Học sinh miền Nam Đông Triều vào đại học năm 1973. Thầy căn dặn: "Hôm nay các em là những con chim đã đủ lông đủ cánh, xa tổ ấm của mình để bay đi khắp bốn phương trời. Rồi đây các em sẽ trở thành những kỹ sư, bác sĩ, những nhà khoa học, những sĩ quan, Tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, có em sẽ trở thành những nhà lãnh đạo của đất nước... Nhưng dù ở đâu, làm gì, các em hãy luôn nhớ về cái tổ thấp lè tè, nơi đã nuôi dạy các em chập chững bước vào đời". Giọng thầy rất xúc động và tự hào: "Thầy tin là sẽ như vậy, nhất định sẽ như vậy, nhưng tất cả đều còn ở phía trước. Thầy chúc các em tiếp tục phấn đấu, học tập, để không phụ lòng tin yêu và dạy dỗ của các thầy cô chú dưới mái trường học sinh miền Nam thân yêu này".

Sau này, lời căn dặn của thầy Hồ Đình Phương ngày ấy đã trở thành hiện thực.

Có lần thầy Hồ Đình Phương ốm nặng nằm ở Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, chúng tôi đến thăm thầy. Sức khỏe thầy đã yếu nhưng vẫn rất tỉnh táo. Tôi đứng nghiêm đưa tay lên chào và dõng dạc: "Báo cáo thầy Hồ Đình Phương, nguyên Hiệu trưởng Trường Học sinh Miền Nam Đông Triều - Quảng Ninh. Em: Trung tướng Lê Ngọc Nam, học trò của thầy, chúc thầy khỏe". Thầy ôm chầm lấy tôi, nước mắt chảy dài trên hai gò má. Thầy nói với chúng tôi: "Thầy mừng quá vì các em đã trưởng thành, cuộc đời của thầy không có gì vui sướng hạnh phúc bằng thấy các em học sinh thân yêu của thầy trưởng thành, thầy tự hào về các em. Bây giờ thầy ra đi cũng thanh thản". Tôi ôm lấy thầy, hai thầy trò cùng khóc, nước mắt của niềm vui, của thầy trò chúng tôi ngày gặp mặt.

Kỷ niệm 60 năm Học sinh miền Nam trên miền Bắc (1954-2014), các thế hệ học sinh miền Nam chúng tôi không bao giờ quên những kỷ niệm dưới mái trường học sinh miền Nam thân yêu ngày ấy. Đó là môi trường đào tạo rất toàn diện, giải quyết các mối quan hệ rất hoàn thiện giữa học và hành; giữa học tập và lao động; giữa học văn hóa gắn kết với văn nghệ, thể dục thể thao. Tình nghĩa giữa thầy và trò; giữa các bạn học sinh với nhau.

Chủ trương sáng suốt của Đảng và Bác Hồ đã đào tạo được các thế hệ cán bộ là học sinh miền Nam "vừa hồng vừa chuyên", góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Lê Ngọc Nam
.
.