Kỷ niệm 125 năm sinh họa sĩ Nam Sơn: Sừng sững như Núi Nam

Thứ Năm, 06/03/2014, 08:00

Ở thủ đô các nước đều có những đường phố, đại lộ mang tên các nhà danh họa: Madrid - Tây Ban Nha - có P. Picasso, Amsterdam - Hà Lan - có Van Gogh, Paris - Pháp - thì nhiều lắm: P.Cezane, H. Matisse, E. Delacroix. Vậy mà Thủ đô Hà Nội thiếu tên nhà danh họa Nam Sơn dù có tên học trò của cụ là Tô Ngọc Vân.

Có một phong cách đặc biệt Nam Sơn

Năm nay đúng 125 năm sinh họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ - nhà họa sĩ lừng danh với nhiều tranh nổi tiếng trong và ngoài nước. Mười tám tuổi, tuy đi làm nhưng tâm huyết thì vẫn dành cả cho hội họa, nổi tiếng về tài vẽ nên năm 1923, Nha Học chính mời ông về chuyên trách việc trình bày các sách giáo khoa. Nam phong tạp chí, Đông Dương tạp chí đều tìm đến nhờ Nam Sơn vẽ minh họa. Bút hiệu Nam Sơn bắt đầu xuất hiện từ đó.

Điều bất ngờ là, thời gian này, họa sĩ Pháp nổi tiếng Victor Tardieu, nhiều hơn Nam Sơn 20 tuổi, bảy lần đoạt giải thưởng hội họa, trong đó có Giải thưởng quốc gia Pháp, sang Việt Nam để sáng tác và tìm hiểu mỹ thuật phương Đông. Một buổi đến thăm Hội quán sinh viên Việt Nam do Paul Monet lập tại số 9 phố Vọng Đức, Victor Tardieu đã gặp và chú ý ngay đến Nam Sơn, người thanh niên đang giúp Monet trang trí Hội quán. Và, cuộc gặp gỡ này nảy sinh tình bạn giữa hai người và dần dẫn đến đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Sau này, tại trường, hai họa sĩ và một số khác đã đào tạo ra nhiều thế hệ họa sĩ danh tiếng, như: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Hoàng Lập Ngôn, Sĩ Ngọc, Trần Đình Thọ, Diệp Minh Châu, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Tạ Thúc Bình, Phan Kế An.

Khi điểm về họa sĩ Nam Sơn, trang Wikipedia thế giới nhận xét chưa hoàn chỉnh:  "Các tác phẩm của ông phần lớn theo khuynh hướng cổ điển châu Âu nhưng ảnh hưởng nhiều bởi hội họa Trung Quốc, Nhật Bản". Hỏi một số nhà nghiên cứu nghệ thuật đã được xem một số tranh của nhà danh họa sư Nam Sơn với số lượng đồ sộ trên 400 bức thì đều có một số nhận định khá thống nhất: Hình thức tranh quá phong phú, ngoài tranh sơn dầu, lụa, thuốc nước, mực nho..., cuối đời ông dùng chì son (sanguine) là chủ yếu. Đối với Việt Nam, một số thể loại, họa sư là người thể hiện đầu tiên như tranh lụa, sơn dầu, mực nho trên vải.

Trước đây, có lúc người ta cho tranh lụa là Nguyễn Phan Chánh vẽ đầu tiên nhưng thực ra họa sinh này còn vẽ sau thầy 2-3 năm. Về bức chân dung "Sĩ phu Bắc Hà" (tranh sơn dầu, vẽ năm 1923), đây là một trong những bức tranh sơn dầu đầu tiên của hội họa Việt Nam, cũng chính là bức tranh đã khiến họa sĩ V. Tardieu người Pháp phải chú ý và thay đổi quan điểm nhìn nhận đối với các họa sĩ Việt Nam, dẫn đến việc ông ở lại Việt Nam để thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Qua những sáng tác như thế Nam Sơn không theo hẳn, không ảnh hưởng quá bởi khuynh hướng nào. Con ong hút nhụy hoa nhưng sản phẩm là mật ngọt, không còn hương của loài hoa nào nữa

Họa sĩ Nam Sơn cùng học trò là họa sĩ Lương Xuân Nhị đem tranh sang triển lãm tại Nhật Bản.

Tiến sĩ Pháp Corinne de Ménonville trong cuốn sách đồ sộ (nặng đến gần 3kg!) "LA PEINTURE VIETNAMIENE, UNE AVENTURE ENTRE TRADITION ET MODERNITÉ" (Hội họa Việt Nam - Cuộc phiêu lưu giữa truyền thống và hiện đại), nghiên cứu giới thiệu về hội họa Việt Nam, đã viết về họa sĩ Nam Sơn như sau: "Ông đã song song thực hiện được hai sự nghiệp: sự nghiệp của người thầy và sự nghiệp của một họa sĩ sáng tạo... Ông đã nhào luyện thật tài tình các quan niệm hội họa Á Đông và Âu Tây...".

Còn về "ảnh hưởng nhiều bởi hội họa Trung Quốc, Nhật bản" thì: Năm 1943, họa sư Nam Sơn và hai học trò của ông là họa sĩ Lương Xuân Nhị và Nguyễn Văn Tỵ đã đưa các tác phẩm hội họa, điêu khắc, sơn mài, gốm Việt Nam sang Nhật Bản. Họa sĩ lừng danh Nhật Bản và thế giới FouJita đã trả lời phỏng vấn Báo La Volonté Indochinoise: "Hội họa Việt Nam thật đặc sắc, không giống hội hoạ Tàu, cũng không giống hội họa Nhật Bản và châu Âu. Hội họa Việt Nam thật đặc biệt Á Đông".

Ngoài hơn 400 bức đã công bố, anh Nguyễn An Kiều, con thứ của họa sĩ, đã cất công sang nhiều nước châu Âu sưu tập nhiều phác thảo, tranh nữa. Xem xét những tác phẩm chính đó, còn nhiều nhận định nữa về phong cách sáng tác của Nam Sơn nhưng như ta thấy, từ Âu sang Á đều có nhận định chính xác: Sau khi được tiếp xúc những nguyên tác tranh châu Âu, tranh Trung Hoa, Nhật Bản đã nhanh chóng khơi dậy trong ông nguồn cảm hứng sâu xa dòng nghệ thuật phương Đông. Mọi chất liệu đều được ông thể hiện nhuần nhuyễn, độc đáo, siêu thoát, đặc biệt là các thể loại sơn mài, sơn dầu và chì than.

Thế giới viết gì, đánh giá thế nào về Nam Sơn?

Từ những tác phẩm sáng tác theo phong cách độc đáo đặc biệt Nam Sơn, các tác phẩm của ông đã vang tiếng sớm trong nhiều cuộc triển lãm vào các thập niên 30, 40 tại Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nam Sơn đã biết đến niềm vinh quang qua Huy chương bạc tại Triển lãm Hội các Nghệ sĩ Pháp năm 1932 với tác phẩm sơn dầu "Chân dung mẹ tôi", Giải thưởng Mỹ thuật Rome năm 1932 với tranh khắc gỗ "Cò trắng cá vàng"… Một điều đáng lưu ý là bức tranh mực nho "Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng" của Nam Sơn là bức tranh Việt Nam đầu tiên đã được Chính phủ Pháp mua vào năm 1930.

Năm 1998, tại triển lãm "Mùa xuân Việt Nam" ở Paris do Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam và Tòa thị chính Paris tổ chức để giới thiệu về sự nghiệp mỹ thuật mới Việt Nam, 3 tác phẩm của Nam Sơn đã được tuyển chọn. Tiếp đó, cuốn "Voyager Magazine" xuất bản tại Paris năm 1998 giới thiệu cuộc triển lãm này đã tuyển in bức "Chân dung người nông dân" (1940) của ông với lời bình ghi ngay trên tác phẩm: "Chỉ cho tới ngày nay, sau bao nhiêu năm bị lãng quên, các họa sĩ Việt Nam đã buộc người ta phải kính trọng".

Năm 2013, triển lãm mang tên "Từ Hồng Hà đến Cửu Long - tầm nhìn Việt Nam" (Du Fleuve Rouge au Mékong, visions du Vietnam), diễn ra tại tại Paris, Pháp, đã giới thiệu khoảng 70 tác phẩm, trong đó có 40 của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ đầu.  Tạp chí Mỹ thuật (Beaux-Arts Magazines) có đoạn viết về triển lãm này: "Năm 1924, Victor Tardieu, Nam Sơn sáng lập trường Mỹ thuật Hà Nội. Nhà trường đã tạo ra một thế hệ nghệ sĩ thành thạo lối vẽ phương Tây ta phải công nhận thực tài của nhiều họa sĩ…".

Nữ GS Pháp J.Gillon (vừa qua đời) viết: "Nam Sơn là một nghệ sĩ tài năng lớn… Ngày nay, các các bài viết về nghệ thuật Việt Nam của Pháp đều khẳng định, Nam Sơn là người đồng sáng lập ra Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương".

Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp công bố một danh sách các họa sĩ danh tiếng thế giới từ xưa đến đầu thế kỷ XXI đã được Nhà nước Pháp mua tác phẩm đưa vào các Bảo tàng quốc gia Pháp. Trong đó có nhiều tên tuổi vĩ đại, như: Léonard de Vinci, Cezanne, Titien, Degas, Gauguin, Matisse, Goya, Raphael, Rembrandt, Rodin, Delacroix… và có Nam Sơn, người đặt nền móng đầu tiên cho nền mĩ thuật đương đại Việt Nam.

Nhà nước, đồng nghiệp đã từng dành cho họa sĩ Nam Sơn những sự tín nhiệm cao: Năm 1946, ông được Bộ Quốc gia Giáo dục Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà mời vào Hội đồng cố vấn học viện Đông phương bác cổ. Năm 1957, Khi Hội Mỹ thuật Việt Nam thành lập, ông được bầu vào Ban Chấp hành và giữ chức vụ này trong suốt thời gian 16 năm, cho đến khi qua đời (26/1/1973). Hội Mỹ thuật Việt Nam đã truy tặng ông Huy chương "Vì sự nghiệp Mỹ thuật". Cũng cần biết thêm: Năm 1952, chính quyền Bảo Đại (vùng tạm chiếm) đã mời Nam Sơn đứng ra tái lập lại Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng Nam Sơn đã từ chối, chỉ dạy vẽ ở một trường trung học ở Hà Nội.

Nguyễn Vạn Thọ Nam Sơn nhà họa nghệ sĩ bậc thầy, người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Trường Đại học Mỹ thuật ngày nay) đã song song thực hiện được hai sự nghiệp - sự nghiệp của người thầy và sự nghiệp của một họa sĩ sáng tạo, đã đặt nền móng cho nền mỹ thuật Việt Nam, người đã đào tạo ra một thế hệ họa sĩ tài danh. Đời một người làm được chừng ấy việc ấy sẽ được ghi nhớ trong tâm khảm mọi người

Giang Hà Vỵ
.
.