Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài: Lan tỏa hình tượng dế mèn

Thứ Năm, 01/10/2020, 15:16
Ngày 25-9 vừa qua, vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật "trăm tuổi" của cố nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014), NXB Kim Đồng cùng gia đình nhà văn Tô Hoài đã tổ chức buổi tọa đàm "Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi".


Tại buổi tọa đàm, độc giả yêu quý nhà văn Tô Hoài và "Dế mèn phiêu lưu lưu ký" được nghe nhiều nhà văn, nhà phê bình lão làng chia sẻ những kỷ niệm xúc động, những biện giải vì sao chú Dế Mèn được yêu thích và có sức sống mãnh liệt trong suốt 80 năm qua...

Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa

Cho đến nay, nhà văn Tô Hoài vẫn là một "hiện tượng lạ" của văn đàn Việt Nam khi ông đã sống một "cuộc đời văn" đi gần trọn một thế kỷ và dường như không rời tay bút cho đến tận những năm tháng cuối đời. Nói như nhà thơ Vũ Quần Phương: "Nhà văn Tô Hoài là con khủng long cuối cùng của một thời kỳ văn chương đặc biệt!". 

Với 94 năm tuổi đời và hơn 70 cầm bút, nhà văn Tô Hoài đã để lại một di sản văn chương khổng lồ với gần 200 đầu sách, trải dài trên nhiều mảng đề tài. Vì thế, các nhà văn, nhà phê bình có mặt trong buổi tọa đàm "Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi" hôm 25-9 như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà phê bình Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, nhà văn - Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, nhà văn Nguyễn Trương Quý... khi chia sẻ quan điểm của mình đều cho rằng, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp và nhiều độ tuổi khác nhau với một di sản đồ sộ. 

Đông đảo nhà văn và bạn đọc có mặt trong tọa đàm "Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi".

Ông cũng chính là thành viên sáng lập, là người đặt tên cho NXB Kim Đồng - đặt nền móng cho sự phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Chính vì thế, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt 21 ấn phẩm đặc biệt và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như "Tuần đọc Tô Hoài" (từ 21 đến 27-9), tọa đàm "Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi"... thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng nhiều lứa tuổi. 

Riêng với "Dế Mèn phiêu lưu ký", độc giả sẽ được tiếp cận với 12 ấn bản khác nhau, bộ "Tuyển tập văn học thiếu nhi" của nhà văn Tô Hoài gồm 4 tập cũng đã ra mắt. Đây là tuyển tập đầy đủ nhất các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài bởi vì có những tác phẩm chỉ xuất hiện lần đầu trên tờ "Truyền bá" những năm 1941-1942 mới sưu tầm được và đưa vào tuyển tập. Ngoài ra, ấn phẩm "Chuyện cũ Hà Nội" và tập "Tự truyện" của Tô Hoài cũng đã được tái bản trong dịp kỷ niệm đặc biệt này.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng chia sẻ: "Với sự đầu tư công phu về cả hình thức và nội dung, có thể nói loạt ấn phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài thể hiện sự tri ân sâu sắc của NXB Kim Đồng với một tác gia có tầm ảnh hưởng lớn đến nền văn học nghệ thuật nước nhà. NXB Kim Đồng cảm thấy vô cùng vinh dự khi từ năm 2005 đã được, nhà văn Tô Hoài ủy quyền xuất bản toàn bộ tác phẩm văn học thiếu nhi. Vui mừng hơn, trong dịp lễ kỷ niệm đặc biệt này, đại diện gia đình nhà văn Tô Hoài đã ký kết, ủy quyền toàn bộ tác phẩm của nhà văn bao gồm gần 200 đầu sách cho Kim Đồng khai thác và phát hành...".

Sức sống mãnh liệt của "Dế Mèn phiêu lưu ký"

"Dế Mèn phiêu lưu ký" không chỉ được nhiều thế hệ độc giả Việt Nam yêu thích, mà còn đã trở thành một tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi Việt Nam đầu tiên được dịch ra tiếng nước ngoài, được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới như Liên bang Nga, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Trung Quốc...

Trong số hàng loạt ấn phẩm đặc biệt ra mắt trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, phải kể đến cuốn "Dế Mèn phiêu lưu ký" bản viết tay của nhà văn Tô Hoài với phần minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long như một sự tri ân đến một nhà văn của tuổi thơ suốt đời không rời tay bút. 

Bên cạnh đó, phải kể đến "Dế Mèn phiêu lưu ký" song ngữ, minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, bản dịch Việt Anh của dịch giả Đặng Thế Bính - bản dịch được đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay và nhiều bản dịch ở các ngôn ngữ khác đã dựa vào bản dịch tiếng Anh này. 

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân là người đầu tiên vẽ minh họa "Dế Mèn phiêu lưu ký" khi ông đang là họa sĩ - đạo diễn phim hoạt hình theo học tại Trường Đại học Quốc gia Liên Xô. Sau đó, họa sĩ Ngô Mạnh Lân còn có 2 lần vẽ minh họa "Dế Mèn phiêu lưu ký" vào các năm 1972 và 1989.  

Ở ấn bản đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài lần này, NXB Kim Đồng đã tập hợp đầy đủ cả 3 phiên bản Dế Mèn của họa sĩ Ngô Mạnh Lân như một món quà đặc biệt dành cho bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích Dế Mèn. 

Ngoài ra, cũng trong dịp này, ấn phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa. Đậu Đũa là họa sĩ 9X đầu tiên minh họa "Dế Mèn phiêu lưu ký" dưới con mắt của người trẻ thời hiện đại, Đậu Đũa thực sự đã đem đến cho tác phẩm một sinh khí mới đầy ắp hơi thở của cuộc sống đương đại.


Một trong các ấn bản "Dế Mèn phiêu lưu ký" của NXB Kim Đồng ra mắt trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài.

Theo ghi nhận của NXB Kim Đồng, cho đến nay "Dế Mèn phiêu lưu ký" vẫn là tác phẩm được tái bản nhiều nhất trong lịch sử xuất bản, phát hành của đơn vị này, với phiên bản truyện chữ đã được tái bản lần thứ 87. Bản có minh họa của họa sĩ Trương Qua được tái bản lần thứ 18 và bản có minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long được tái bản lần thứ 17 - đều là những kỷ lục đáng nhớ. 

Nó không chỉ chứng tỏ sức sống mãnh liệt, vượt thời gian của tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" mà còn là một minh chứng rõ nét cho chân lý rằng, một tác phẩm hay, đặc sắc dành cho bất kể lứa tuổi nào cũng đều có khả năng xóa nhòa biên giới, khoảng cách địa lý hay văn hóa. Bởi chú Dế Mèn ấy đã đi chu du mấy chục nước trên thế giới và ở đâu cũng được các em nhỏ yêu mến, thích thú.

Lan tỏa hình tượng Dế Mèn

Có thể nói, "Dế Mèn phiêu lưu ký" là tác phẩm đã đồng hành với nhiều thế hệ thiếu nhi cả nước trong suốt 80 năm qua. Chú Dế Mèn thực sự đã chắp cánh cho mơ ước của nhiều em nhỏ, trong đó có họa sĩ trẻ Linh Rab. Bằng tình yêu với chú Dế Mèn, Linh Rab đã cho ra đời một cuốn truyện tranh hiện đại chuyển thể từ "Dế Mèn phiêu lưu ký" có tên "Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu". Tác phẩm này cũng đã chính thức ra mắt vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài do NXB Kim Đồng tổ chức. 

Trong suốt chiều dài lịch sử 80 năm đầy biến động từ ngày chú Dế Mèn được nhà văn Tô Hoài khai sinh qua những trang viết, đến nay tác phẩm đã được chuyển thể sang nhiều hình thức biểu diễn như truyện tranh, kịch, phim hoạt hình... 

Cuối năm 2018, vở nhạc kịch "Dế Mèn phiêu lưu ký" do nhạc sĩ Vũ Việt Anh và nhạc trưởng Trần Nhật Minh biên soạn, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh biểu diễn đã được nhiều công chúng quan tâm. 

Các tác giả cũng đã chia sẻ rằng, việc dàn dựng một tác phẩm nhạc kịch về "Dế Mèn phiêu lưu ký" là một giấc mơ mà nhạc sĩ Vũ Việt Anh và nhạc trưởng Trần Nhật Minh ấp ủ từ lâu. Điều đó cũng là một minh chứng rõ nét và xúc động cho thấy sức ảnh hưởng của tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" là hết sức sâu sắc, đặc biệt.

Vừa qua, hình tượng Dế Mèn cũng đã chính thức trở thành tên một giải thưởng thiếu nhi được phát động lần đầu tiên vào tháng 5-2020 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức. Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn là giải thưởng phi lợi nhuận sẽ được trao hằng năm cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc của thiếu nhi. 

Kể từ ngày phát động đến 7-9, sau hơn 3 tháng Ban tổ chức đã nhận được 110 sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi cả nước ra đời từ 1-1-2020 đến hết 7-9. Theo đó, Ban tổ chức đã lựa chọn được gần 40 tác phẩm vào chung khảo. 

Ngày 29-9, Ban tổ chức đã trao 1 Giải thưởng lớn mang tên "Hiệp sĩ Dế Mèn" cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và 4 giải thưởng mang tên "Khát vọng Dế Mèn" cho các tác giả đoạt giải. Việc ra đời Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn không chỉ khẳng định sức sống mãnh liệt của hình tượng Dế Mèn, mà còn là nguồn động viên, khích lệ đáng kể đối với các sáng tạo văn học nghệ thuật của thiếu nhi.

Nguyệt Hà
.
.