Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Nguyễn Thành Lê: Người phát ngôn của một thời

Thứ Năm, 02/07/2020, 14:47
Nhà báo Nguyễn Thành Lê, Huân chương Hồ Chí Minh, tên khai sinh là Lê Thanh Thủy, sinh ngày 17-6-1920 tại xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên (nay thuộc TP Phủ Lý), tỉnh Hà Nam. Tháng 6 này, tròn 100 năm ngày sinh của ông.


Sử cũ chép, Mùa xuân năm Đinh Hợi 987, vua Lê Đại Hành cùng các quan văn võ về Đọi Sơn cày ruộng với dân, trong khi cày ruộng, bắt được một hũ vàng. Câu chuyện đó như một thông điệp của cha ông gửi tới muôn sau về một tinh thần thân dân, gắn bó với nhân dân; “dân là gốc”. Hũ vàng chính là giá trị tinh thần, là cả nước một lòng để có được “non sông muôn thuở vững âu vàng”. Chính vua Minh Mạng cũng khẳng định rằng, việc cùng dân cày ruộng "thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả".

Đọi Sơn thuộc Hà Nam. Hà Nam là vùng đất người Việt cổ đã sinh sống từ vạn năm, nơi còn lưu giữ trong mình nhiều tầng văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo như kho tàng truyện cổ, ca dao tục ngữ Liễu Đôi; múa hát Dậm Quyển Sơn; hát Lải Lèn Bắc Lý; hát Trống quân Liêm Thuận...

Nhưng di sản quý báu nhất truyền đời là con người.

Nhà báo Nguyễn Thành Lê tên khai sinh là Lê Thanh Thủy, sinh ngày 17-6-1920 tại xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên (nay thuộc TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Bố ông là một nhân viên hỏa xa, một nhà nho, đặt tên ông là Thanh Thủy với tâm nguyện con mình sẽ là dòng nước trong xanh chảy giữa cuộc đời. Mẹ ông là một người thợ xây dựng, từng tham gia xây dựng cầu Long Biên. Bà là người đã truyền cho ông tinh thần quả cảm, không bao giờ chùn bước trước khó khăn; tinh thần kiên quyết, triệt để, tinh thần học tập vươn lên không ngừng.

Tham gia cách mạng năm 1936 trong tổ chức Thanh niên phản đế, làm báo của Tổng bộ Việt Minh, Nguyễn Thành Lê được kết nạp vào Đảng năm 1945, được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa I trong ngày đầu dựng nước. Vốn tinh thông nhiều ngoại ngữ, có năng khiếu thiên bẩm về báo chí và ngoại giao, ông được cử làm Trưởng ban Báo chí của Đoàn Ðại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneve về lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954; Thành viên chính thức và là Người Phát ngôn của Đoàn Ðại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam 1968-1973 và tham gia, làm nên thành công trong nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng khác.

Nhà báo Nguyễn Thành Lê trả lời họp báo tại Hội nghị Pari năm 1968. Ảnh tư liệu.

Ông từng được tín nhiệm bầu và giao giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Khóa IV, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Khóa VII, Ủy viên Hội đồng Nhà nước... Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và có những sáng tạo mới.

Ở Hội nghị Paris, nhiều câu chuyện về ba người đã trở thành huyền thoại, đó là các đồng chí: Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình. Nếu kể đến người thứ tư, thì không ai khác Nguyễn Thành Lê, Người Phát ngôn. Không ai kể hay hơn, đầy đủ hơn Nguyễn Thành Lê về Hội nghị Pari. Quyển sách “Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam” của ông do đó được tái bản nhiều lần. Trong 5 năm Hội nghị Paris về Việt Nam, có hơn 200 phiên họp chính thức, hàng chục cuộc gặp riêng. Hoạt động báo chí trong  Hội nghị Paris là một trong những hoạt động sôi nổi và hiệu quả nhất với 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc trả lời phỏng vấn, hàng trăm cuộc tiếp xúc với các nhân vật có ảnh hưởng xã hội và phóng viên quốc tế khác, mà từ đó sẽ lan tỏa một phong trào ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ khắp châu Âu và thế giới. Trong thành công ấy, đóng góp lớn nhất thuộc Trưởng đoàn Xuân Thủy, đồng thời có đóng góp không nhỏ của các nhà báo Nguyễn Thành Lê, Lý Văn Sáu, Hồng Hà, Hà Đăng...

Năm 1940, Nguyễn Thành Lê là phóng viên của hãng ARIP, tiền thân của AFP. Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Thành Lê là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Độc lập của Đảng Dân chủ; Chủ bút Báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Năm 1975 là Tổng Biên tập Báo Giải phóng, tiền thân của Báo Đại Đoàn kết… Khi làm Chủ bút Báo Độc lập, ông đã phát hiện và lấy Trần Kiên về làm phóng viên. Trần Kiên sau này là một phóng viên giỏi, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

Báo Nhân Dân trong nhiều năm đã xây dựng được cho mình một “kỳ đài” về chính luận. Làm nên kỳ đài ấy có Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Quang Đạm, Quang Thái, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang, Nguyễn Hữu Chỉnh, Diệu Bình, Lê Bá Thuyên và nhiều cây bút nổi tiếng khác .

Nếu như Hoàng Tùng súc tích, đậm đà cách nói dân gian; Thép Mới bay bổng; Quang Đạm chuẩn mực, cổ kính; Nguyễn Hữu Chỉnh hùng hồn… thì Nguyễn Thành Lê khái quát, hệ thống, nhuần nhụy giữa lý luận và thực tiễn. Và chắc chắn một niềm tin, chân thành từ trái tim đến đầu ngọn bút. Dấu ấn Nguyễn Thành Lê còn in đậm trong con tim của những người đồng nghiệp, nhiều người coi ông như “cây vĩ cầm số 2” của Báo Nhân Dân, sau Hoàng Tùng.

Những bài viết của Nguyễn Thành Lê bao giờ cũng thể hiện lập trường kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin. Kiên định không phải là giáo điều mà trên cơ sở bảo vệ độc lập dân tộc và CNXH, bảo vệ lợi ích dân tộc và giai cấp, phải dựa vào thực tiễn, sớm phát hiện quy luật và vận hành cách mạng đúng quy luật. Vào năm 1981, khi chưa có Đổi mới ở nước ta; trong bài viết “Mấy vấn đề về phong trào giải phóng dân tộc” đăng trên Tạp chí Cộng sản số 12 -1981, Nguyễn Thành Lê đã dự báo về một cuộc Đổi mới toàn diện, một cuộc hội nhập quốc tế mà cốt lõi là phá bỏ trật tự kinh tế cũ, thiết lập một quan hệ kinh tế mới trên cơ sở bình đẳng, “bảo đảm được chủ quyền các dân tộc đối với tài nguyên của đất nước”.

Một luận điểm cực kỳ sâu sắc là, độc lập dân tộc chỉ có thể bảo đảm được khi nhân dân lao động được giải phóng (có dân chủ); khi có một chính thể tiến bộ. Ông viết: “Nếu chỉ đấu tranh cho một trật tự quốc tế mới mà không thực hiện sự cải cách đối với cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội ở trong nước, thì không thể đạt được độc lập dân tộc thật sự”.

Cùng với hàng nghìn bài báo tuyên truyền, chỉ đạo về tư tưởng, chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Nguyễn Thành Lê còn là Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về “Quy luật liên minh ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia”; là tác giả, đồng tác giả và chủ biên nhiều cuốn sách như “Các Mác và thời đại chúng ta”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”,”Quốc tế thứ nhất”, “Điện Biên Phủ”, “Việt Nam, một tiêu điểm của chiến tranh tư tưởng phản cách mạng”, “Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam”, “Chủ nghĩa đế quốc bành trướng chống Việt Nam”…

Nguyễn Thành Lê ghi tên mình vào lịch sử báo chí cách mạng không chỉ là một cây bút chính luận sắc bén, mà còn là một trong những người có công đầu trong việc xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam, người đứng đầu những tờ báo quan trọng trong những thời khắc lịch sử quan trọng. Ngày 21-4-1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam. Ðại hội đã bầu đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng, các đồng chí Hoàng Tùng và Ðỗ Ðức Dục làm Hội phó. Nhà báo Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký và giữ chức này qua hai nhiệm kỳ, cho đến năm 1962.

Hơn 60 năm viết báo, làm báo chuyên nghiệp, Nguyễn Thành Lê nổi lên như một trong những người giữ nhịp trong dàn nhạc giao hưởng báo chí cách mạng Việt Nam. Ông không chỉ để lại một phong cách báo chí chính luận đĩnh đạc của người viết có niềm tin và sở hữu chân lý khoa học, mà còn để lại một tấm gương về đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp.

Giữ nhiều chức lớn nhưng ông luôn sống giản dị, giữ sự liêm khiết như gìn giữ con ngươi của mắt mình. Năm 1976, khi ông được cử vào Miền Nam làm Tổng biên tập Báo Giải phóng, tổ chức bố trí cho ông một biệt thự, nhưng ông từ chối, ở chung phòng làm việc với một phóng viên, đồng nghiệp cũ của Báo Nhân Dân.

Trong dịp gia đình ông hiến tặng các hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tôi bần thần trước những đồ vật của một Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, không có gì khác biệt với một dân nghèo thành thị; ngoài cái bàn làm việc dài chừng 1,5m bằng gỗ lim có ngăn kéo hai bên. Hoàng Tùng, người bạn thân thiết trong suốt cả cuộc đời của Nguyễn Thành Lê đã viết như  sau: “Là người lãnh đạo nhưng chưa ai bắt gặp anh (Nguyễn Thành Lê) lên mặt, đứng trên người khác để sai khiến mà chan hòa, thân ái, giúp đỡ mọi người, kính trên nhường dưới không tranh chấp với ai, không suy bì hơn kém thân sơ. Chăm lo làm các nhiệm vụ, không đòi hỏi gì với tổ chức. Quý trọng tình bạn, trân trọng chân lý” (“Nguyễn Thành Lê, người chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng và chính trị” - Báo Nhân Dân, số ra ngày 17-9-2010). Lúc sống, hai ông thường tâm đắc: “Nhân dân là đối tượng phục vụ, không phải để tuyên truyền những điều rỗng tuếch”. Bây giờ thì hai ông đã thành người thiên cổ. Nguyễn Thành Lê mất năm 2006. Hoàng Tùng mất năm 2010.

Sống, hai ông từng ở một nhà, làm việc trong một cơ quan. Chết, hai ông được đặt tên phố ở Phủ Lý. Phố Hoàng Tùng, phố Nguyễn Thành Lê nằm cạnh nhau. Cuối đời, Hoàng Tùng chỉ nhận mình là người viết báo. Nguyễn Thành Lê chỉ coi mình là người cán bộ, nhưng mọi người vẫn không quên ông là Người Phát ngôn.

Nhớ các ông để không viết những điều rỗng tuếch; để phát ngôn tình người và chân lý!

Nguyễn Sĩ Đại
.
.